Bác sĩ thường khuyên người ốm ăn cháo để dễ tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất. Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách nấu cháo cho người ốm thì sẽ vừa làm người bệnh chán ăn, lâu hồi phục sức khỏe.
Các món cháo cho người ốm cũng rất đa dạng với nhiều khẩu vị khác nhau. Nếu muốn người ốm ăn ngon miệng và nhanh chóng phục hồi, bạn nên chịu khó lên thực đơn mỗi ngày nhé.
Vì sao người ốm nên ăn cháo?
Khi chăm sóc người bệnh, các món cháo dinh dưỡng là món ăn không thể thiếu. Những nguyên liệu trong các món cháo cho người bệnh thường được nấu nhừ giúp dễ hấp thụ chất dinh dưỡng. Do đó những món cháo nhẹ nhàng và dễ tiêu hóa vô cùng phù hợp cho người ốm.
Cháo cho người bị ốm thường được nấu từ nước hầm gà, hoặc nước hầm xương giúp bù nước cho cơ thể cung cấp một nguồn collagen và protein dồi dào.
Người ốm nên ăn cháo gì?
Khi nấu cháo cho người ốm, bạn nên chú ý khẩu vị và lời dặn dò của bác sĩ về các món nên ăn hay nên kiêng. Điều này sẽ giúp bệnh nhân vừa ăn ngon miệng mà lại tránh nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Nếu chăm sóc người thân tại nhà, bạn lại càng nên cẩn thận vì kinh nghiệm cá nhân đôi lúc có thể không hợp với thể trạng của người ốm.
Tùy theo từng tình trạng bệnh, bạn sẽ có cách nấu cháo cho người ốm khác nhau. Thậm chí, bạn cũng có thể ăn cháo khi mệt mỏi để xua tan căng thẳng khi chăm sóc người bệnh.
Các món cháo cho người bệnh
Khi lên thực đơn các món cháo cho người ốm, bạn nên chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng; hoặc có thành phần là các loại thảo dược như gừng, tía tô… Sau đây là gợi ý các món cháo cho người ốm mà bạn có thể tham khảo:
- Các món cháo cho người bị sốt: cháo trứng gà tía tô, cháo đậu xanh, cháo gà…
- Các món cháo cho người bị cảm: cháo thịt băm gừng tươi, cháo bí đỏ, cháo hành tiêu…
- Các món cháo cho người ốm mới dậy: cháo lươn, cháo thịt bò, cháo cá hồi, cháo thịt băm…
Khi người thân đã khỏe hơn, bạn có thể xen kẽ nhiều món cháo khác vào thực đơn ăn sáng hoặc ăn tối như: cháo hàu, cháo nấm, cháo cải bó xôi, cháo tôm, cháo cá chép…
>> Tìm hiểu thêm: Các loại nấm ăn được giúp bạn nấu nhiều món ngon
Lưu ý khi nấu cháo cho người ốm
Cháo cho người bệnh cần đảm bảo những lưu ý sau:
- Để ninh cháo nhanh nhừ, bạn có thể rang sẵn gạo rồi cho vào nồi áp suất, nồi ủ hoặc bình ủ cháo để qua đêm.
- Đối với người không thích ăn cháo, bạn nên tránh nấu cháo quá nhừ sẽ dễ gây cảm giác ngán nên không muốn ăn.
- Cách nấu cháo ngon cho người ốm là bạn cần cho ăn nóng và thêm các loại gia vị như hành, ngò, gừng…
Cách nấu cháo ngon cho người ốm
Khi học cách cháo ngon cho người ốm, bạn nên đa dạng thực đơn để tránh bị ngán. Bạn có thể bắt đầu với các món cháo dễ ăn như cháo gà, cháo tía tô, cháo hành, cháo thịt bò và cháo thịt băm.
1. Cách nấu cháo gà cho người ốm
Cháo gà là một trong những gợi ý giúp bạn hạ sốt cho người ốm tại nhà. Bạn nên chọn gà tươi ngon và chế biến sẵn để tiết kiệm thời gian nấu cháo cho người ốm.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Gạo: 200g
- Gà: 1 con
- Cà rốt: 1/2 củ
- Gừng: 1 nhánh to
- Hành tây: 1 củ
- Hành khô: 2 củ
- Hành lá: 2 – 3 nhánh
- Gia vị: mắm, muối, hạt tiêu…
Cách nấu cháo gà
Bạn nấu cháo gà cho người ốm theo hướng dẫn sau đây:
- Rửa sạch gà, sát muối khử mùi tanh.
- Vo sơ gạo, nhặt bỏ sạn và bụi bẩn rồi ngâm nước khoảng 2 – 3 tiếng để nấu nhanh hơn.
- Cho vào chảo để rang gạo nấu cháo gà, đến khi gạo vàng thơm thì tắt bếp.
- Cho gạo và gà vào nồi nước, đun lửa vừa tầm 1 tiếng. Bạn nên mở hé nắp nồi để tránh bị trào khi sôi.
- Trong thời gian đợi cháo nhừ, bạn sơ chế các nguyên liệu khác: thái hạt lựu hành tây và cà rốt, cắt khúc hành lá, phi thơm hành khô, đập giập gừng.
- Khi gà đã chín mềm và gạo đã nở, bạn cho các nguyên liệu còn lại vào rồi nêm gia vị nấu thêm chừng 15 – 20 phút.
- Rắc tiêu, hành phi và hành lá sau khi đã múc ra tô để món cháo trông hấp dẫn hơn.
Bạn có thể tham khảo thêm: Công thức nấu cháo thịt gà cho bé nhanh gọn và dễ làm
2. Cách nấu cháo hành cho người ốm
Người ốm nên ăn cháo gì? Nếu trong nhà có người bị cảm, một bát cháo hành có thể giúp họ giải cảm nhanh chóng. Hãy thử học cách nấu cháo hành cho người ốm để nhanh hồi phục.
Giá trị dinh dưỡng của hành lá. Flavonoid và polyphenol trong hành lá giúp loại bỏ các gốc tự do, những chất có thể dẫn đến ung thư, viêm nhiễm… Các chất chống oxy hóa trong hành lá sẽ mất dần trong quá trình nấu nướng. Vì vậy, khi nấu cháo cho người bệnh, tốt nhất bạn không nên nấu hành lá quá chín nhé!
Chuẩn bị nguyên liệu
- Gạo tẻ: 80g
- Gạo nếp: 50g
- Hành khô: 2 củ
- Hành lá: 2 – 3 nhánh
- Thịt lợn: 250g
- Trứng gà: 1 quả
- Rau mùi: 50g
- Gia vị: muối, hạt tiêu, nước mắm…
Cách nấu cháo hành cho người ốm
Khi áp dụng cách nấu cháo hành cho người ốm, bạn có thể kết hợp với thịt lợn và trứng gà để bổ sung thêm dinh dưỡng. Nếu không có sẵn gạo nếp, bạn nấu gạo tẻ cũng được.
- Rang gạo nấu cháo và đun với lửa nhỏ. Bạn có thể châm thêm nước lạnh để cháo nhanh nhuyễn.
- Rửa sạch, băm nhuyễn và ướp thịt heo khoảng 15 – 20 phút cho ngấm gia vị.
- Cho một ít dầu vào chảo, phi thơm hành khô và xào chín thịt băm rồi cho vào nồi cháo.
- Đập trứng vào tô, múc cháo đang sôi đổ vào khuấy đều cho chín trứng.
Bạn chỉ cần rắc thêm chút hành lá, rau mùi và tiêu nữa là có thể thưởng thức ngay món cháo hành nóng hổi.
3. Cách nấu cháo tía tô cho người ốm
Thời tiết thất thường có thể khiến người lớn và trẻ nhỏ dễ bị cảm. Nếu nhà bạn có sẵn cây tía tô trong vườn thì có thể an tâm có một loại thảo dược quý giúp giải cảm ngay tại nhà. Lợi ích của tía tô không những giúp giải cảm mà còn ngăn ngừa dị ứng và hỗ trợ trị bệnh dạ dày. Bạn có thể nấu cháo tía tô kết hợp với trứng gà và thịt bò vừa bổ dưỡng lại có vị lạ miệng.
Lợi ích của tía tô. Lá tía tô được sử dụng trong Đông y để điều trị bệnh, đặc biệt tía tô được dùng như một loại thảo dược phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, loại rau thơm này cũng có mặt trong các món ăn Việt Nam để tạo hương thơm đặc trưng. Theo nghiên cứu, chiết xuất từ lá tía tô có các đặc tính chất chống oxy hóa, chống dị ứng, chống viêm, chống trầm cảm, biếng ăn và ngăn ngừa khối u.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Gạo: 200g
- Lá tía tô: 100g
- Trứng gà: 1 lòng đỏ
- Thịt bò: 100g
- Cà rốt: 50g
- Hành lá: 100g
- Gia vị: mắm, muối, hạt tiêu…
Cách nấu cháo tía tô giải cảm
Bạn có thể thử cách nấu cháo tía tô cho người ốm theo hướng dẫn sau đây:
- Vo gạo rồi ngâm cho mềm. Đổ lượng nước vào nồi vừa đủ theo sở thích ăn cháo đặc hay loãng, cho gạo vào nấu với lửa vừa.
- Sơ chế các nguyên liệu khác: thái sợ lá tía tô, băm nhuyễn thịt bò, xắt nhỏ hành lá.
- Khi gạo nở bung ra thành cháo, cho thịt bò vào rồi đảo đều cho tơi.
- Nêm nếm cháo vừa ăn, để sôi, khuấy đều và tắt bếp.
>> Tham khảo thêm: Ăn cháo vừa giúp bạn phòng bệnh lại tăng tuổi thọ
Mẹo nấu cháo cho người bệnh
Bạn cho lòng đỏ trứng, tía tô, hành lá vào tô rồi múc cháo lúc đang sôi để làm chín trứng. Hãy trộn lên và ăn ngay khi còn nóng mới ngon!
Gợi ý những công thức nấu cháo khác
- Gợi ý những cách nấu cháo cho người bị cảm đơn giản mà công hiệu
- Bị tiêu chảy nên ăn cháo gì? Top 5 món cháo bổ dưỡng, dễ tiêu
- Bật mí cách nấu cháo xương cho cả nhà vào những ngày trở lạnh
- Cách nấu cháo hạt sen vừa ngon vừa bổ
- 2 cách nấu cháo cá lóc thơm ngon, bổ dưỡng cả nhà cùng mê
- 7 cách nấu cháo trứng gà cho bé mẹ nhất định phải biết
- 10 cách nấu cháo tôm cho bé ăn dặm đơn giản mà ngon mê ly
- 3 cách nấu cháo cá hồi không tanh, thơm ngon và bổ dưỡng cho cả nhà
Khi học cách nấu cháo cho người ốm, bạn nên rang gạo nấu cháo để có hương vị thơm ngon hơn. Nếu người ốm ghét ăn cháo, bạn có thể nấu xen kẽ nhiều món và chỉ ăn một lần trong ngày. Thời điểm lý tưởng để ăn cháo là buổi sáng hoặc buổi tối để nhanh khỏe mạnh trở lại.
[embed-health-tool-bmi]