Cá là thực phẩm được khuyến khích bổ sung trong thai kỳ. Bởi đây là nguồn cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai như axit béo omega-3, protein và vitamin D. Tuy nhiên, thực tế vẫn có các loại cá bà bầu không nên ăn hoặc nên hạn chế ăn vì chúng có hàm lượng thủy ngân cao có nguy cơ gây hại cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
Trong bài viết sau của Hello Bacsi, bạn có thể tham khảo một vài lời khuyên được tổng hợp về việc ăn cá đúng cách để đảm bảo em bé phát triển tốt mà không gặp rủi ro.
Thủy ngân có trong cá gây hại cho thai nhi đang phát triển như thế nào?
Thủy ngân là một nguyên tố tự nhiên có trong môi trường, bao gồm cả môi trường biển và đại dương. Trong 3 dạng chính của nguyên tố này là hữu cơ, vô cơ và kim loại thì dạng hợp chất hữu cơ, đặc biệt là methyl thủy ngân là nguy hiểm nhất. Đây cũng là dạng thủy ngân được tìm thấy chủ yếu trong mô của cá và động vật có vỏ.
Ban đầu, thủy ngân có trong cá đến từ nguồn tự nhiên là trầm tích đại dương. Thế nhưng, các hoạt động công nghiệp ngày nay cũng thải thủy ngân ra biển. Điều này khiến cho cá lẫn các loài động vật có vỏ khác hấp thu và tích tụ thủy ngân nhiều hơn. Khi các loài cá lớn ăn cá nhỏ có chứa thủy ngân, chúng cũng có xu hướng tích tụ chất độc trong cơ thể.
Mặc dù một lượng nhỏ thủy ngân có trong thực phẩm có thể không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nếu hấp thu quá nhiều có thể gây ngộ độc. Trong đó, tình trạng nhiễm độc thủy ngân đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Khi ăn cá chứa nhiều thủy ngân, chất độc này sẽ tích tụ và tăng lên trong cơ thể mẹ bầu. Sau đó, thủy ngân có thể truyền qua nhau thai và ảnh hưởng đến em bé đang phát triển. Các rủi ro bao gồm:
- Tổn thương não và hệ thần kinh của thai nhi
- Em bé có thể mắc phải các khuyết tật, chẳng hạn như mất thính lực, mất thị lực, không nói được…
- Sự phát triển của trẻ có thể bị trì hoãn sau khi được sinh ra, chẳng hạn như chậm nói, chậm biết đi, trí nhớ kém, thiếu khả năng phối hợp…
Tựu chung lại, tình trạng nhiễm độc thủy ngân có thể gây hại cho hệ thần kinh đang phát triển của thai nhi và dẫn đến một số khuyết tật. Do đó, các loại cá bà bầu không nên ăn thường là các loại cá lớn, sống ở tầng nước sâu và chứa nhiều thủy ngân.
Chi tiết các loại cá bà bầu không nên ăn hoặc nên hạn chế ăn
Hầu hết các loại cá đều có chứa một lượng thủy ngân nhất định. Trong khi một số loại cá an toàn để ăn thì một số loại cá, thường là cá lớn, sẽ có hàm lượng thủy ngân cao nên cần tránh ăn hoặc hạn chế ăn. Phụ nữ đang mang thai hoặc có dự định mang thai trong vòng 6 tháng tới nên thận trọng khi chọn cá để ăn. Sau đây là các loại cá bà bầu không nên ăn hoặc nên hạn chế ăn để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Các loại cá bà bầu không nên ăn
Như đã đề cập, những loại cá lớn thường chứa nhiều thủy ngân hơn vì chúng có thể ăn cá bé và tích tụ thủy ngân có trong thịt cá. Vì vậy, các loại cá bà bầu không nên ăn, gần như là nên tránh tuyệt đối, bao gồm:
- Cá ngừ
- Cá thu vua
- Cá kiếm
- Cá mập
- Cá cờ xanh
- Cá tráp cam
- Cá đổng quéo, còn gọi là cá đầu vuông hoặc cá nàng đào.
Các loại cá bà bầu nên hạn chế ăn
Một số loại cá tốt cho sức khỏe bạn không cần loại khỏi chế độ ăn. Thế nhưng, mẹ bầu chỉ nên ăn khoảng 113 gram mỗi tuần (khoảng 4 ounce ) để đảm bảo an toàn. Sau đây là các loại cá mà bạn cần hạn chế ăn và chỉ ăn với lượng được khuyến nghị:
- Cá chép
- Cá mú
- Cá chim lớn
- Cá hồng
- Cá nục heo cờ (cá Mahi Mahi)
- Cá vược vằn
- Cá tuyết Chi Lê
- Cá xanh lam
- Cá trâu
- Cá than (cá tuyết đen)
- Cá thu vạch (Spanish Mackerel)
Bạn có thể tìm hiểu thêm danh sách các loại cá nên ăn, không nên ăn hoặc nên hạn chế ăn khi mang thai được khuyến cáo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tại đây.
Tổng kết lời khuyên về ăn cá khi mang thai
Bổ sung cá vào chế độ ăn của mẹ bầu là điều cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Đối với một số loại cá có thể ăn như cá hồi, cá chép,… mẹ bầu chỉ nên ăn từ 2 đến 3 khẩu phần tương đương với khoảng 230 – 350 gram thịt cá mỗi tuần.
- Bạn nên tuân theo khuyến nghị về các loại cá bà bầu không nên ăn hoặc các loại cá cần hạn chế ăn.
- Đối với các loại cá được ăn nhưng cần hạn chế khẩu phần trong một tuần, lưu ý thêm rằng bạn không nên ăn quá nhiều loại cá khác nhau trong cùng một tuần.
- Mẹ bầu nên ăn thực phẩm được nấu chín kỹ, bao gồm cả các loại cá. Bởi vì thói quen ăn đồ sống hay chín tái có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Bên cạnh đó, các loại cá khô hoặc cá đóng hộp cũng không đảm bảo an toàn nên mẹ bầu cần thận trọng.
- Tìm hiểu thông tin từ báo đài, cơ quan có trách nhiệm tại địa phương, người thân, bạn bè… về ao hồ, sông suối hoặc vùng biển nơi bạn sinh sống để biết được mức độ ô nhiễm cũng như chất lượng cá, động vật có vỏ khi đánh bắt. Điều này giúp bạn có thêm thông tin cần thiết khi chọn mua các loại cá ở địa phương nhằm đảm bảo an toàn trong thai kỳ.
Nói tóm lại, việc ăn cá khi mang thai hoặc khi bạn đang có dự định mang thai cần hết sức thận trọng. Bởi vì thai nhi có thể gặp nguy hiểm nếu nhiễm độc thủy ngân do mẹ ăn cá, đặc biệt là trong tháng thứ ba và thứ tư của thai kỳ. Ngoài việc tìm hiểu thông tin từ bài viết, bạn cũng có thể tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ để xây dựng thực đơn ăn uống an toàn khi mang thai nhé!
[embed-health-tool-due-date]