backup og meta

Giải đáp thắc mắc: Ăn ốc có tốt không? Cách ăn ốc an toàn và ngon miệng

Giải đáp thắc mắc: Ăn ốc có tốt không? Cách ăn ốc an toàn và ngon miệng

Các món ốc luôn hấp dẫn nhiều người bởi mùi vị thơm ngon mà lại đa dạng trong cách chế biến. Bên cạnh những cảnh báo về nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ món ăn này, nhiều người tự hỏi ăn ốc có tốt không, có bổ sung thêm những chất dinh dưỡng nào không.

Ốc là một thực phẩm vô cùng đa dạng và phổ biến ở Việt Nam. Bạn có thể bắt gặp rất nhiều quán bán ốc bán đủ mọi chủng loại ốc cùng nhiều cách chế biến như ốc bươu xào sả ớt, ốc hương rang muối, ốc len xào dừa, ốc cà na xào bơ cay, ốc mỡ xào bơ tỏi… Đặc biệt, vào những ngày mưa hay khi tiết trời trở lạnh mà được nhâm nhi một đĩa ốc cùng đám bạn, ngồi nói vài câu chuyện phiếm thì còn gì bằng. Thế nhưng ăn ốc có tốt không hay ăn ốc có tác dụng gì, món ăn này có mang lại dinh dưỡng gì không hay chỉ toàn là nguy cơ nhiễm giun, sán, ký sinh trùng nguy hiểm? Hãy cùng Hello Bacsi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!

Thành phần dinh dưỡng có trong ốc

Ốc là một loại thực phẩm ít chất béo, giàu protein và rất giàu vitamin cùng khoáng chất cần thiết cho cơ thể như magie, selen, vitamin E và phốt pho. Bạn có thể mua ốc tươi về chế biến hoặc thưởng thức các món ốc thơm ngon ở ngoài quán với nhiều cách chế biến hấp dẫn, chẳng hạn như hấp, xào sả ớt, nướng muối… Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng về nồng độ cholesterol trong máu, hãy nói chuyện với bác sĩ vì chúng có nhiều cholesterol và có thể tăng nguy cơ tim mạch nếu ăn thường xuyên.

Magie

ăn ốc có tốt không

Ăn ốc có tốt không hay ăn ốc có tác dụng gì? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 85g ốc chứa khoảng 212mg magie, cung cấp đến 68% lượng magie khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ và 53% lượng khuyến cáo cho nam giới trưởng thành.

Magie hỗ trợ chuyển hóa năng lượng, giúp xương và răng chắc khỏe, tham gia điều hòa các dưỡng chất như canxi, kali, kẽm và vitamin D. Nếu chế độ ăn uống thiếu những thực phẩm giàu magie, bạn sẽ dễ mắc phải các bệnh đái tháo đường, loãng xương, tăng huyết áp và suy tim.

Selen

Đàn ông và phụ nữ trưởng thành cần khoảng 55mcg selen mỗi ngày. Một khẩu phần ăn 85g ốc có chứa 23,3mcg selen, tương đương 42% nhu cầu cần thiết hàng ngày. Vai trò chính của selen trong cơ thể là một phần của enzyme selenoprotein, giúp hỗ trợ chức năng hệ thống nội tiết và miễn dịch. Nó hoạt động như một chất chống oxy hóa, ức chế khả năng gây tổn hại ADN của các gốc tự do.

Bổ sung đủ selen sẽ có thể làm giảm nguy cơ ung thư, bệnh tim, viêm khớp dạng thấp và nhiễm trùng tái phát. Nam giới nếu thiếu selen có nguy cơ bị giảm khả năng sinh sản. Đây là một trong những tác dụng của ốc mà bạn không thể bỏ qua.

Vitamin E

ăn ốc có tốt không

Ăn ốc có tác dụng gì, thịt ốc có chất gì hay tác dụng của ốc đối với sức khỏe là gì? Câu trả lời là ốc là nguồn cung vitamin E đáng kể. Theo các chuyên gia sức khỏe, mỗi 85g ốc cung cấp khoảng 4,25mcg vitamin E, đáp ứng 28% nhu cầu hàng ngày ở cả nam và nữ. Vitamin E đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa vitamin K, tổng hợp hồng cầu và bảo vệ tế bào trước tác hại của gốc tự do.

Những người thiếu vitamin E có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát cơ bắp và gặp phải tình trạng giật hay cử động mắt bất thường. Họ cũng dễ phát triển nhiều vấn đề về gan hoặc thận. Do đó, việc ăn các thực phẩm bổ sung vitamin E có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, ung thư, bệnh tim và rối loạn thần kinh như Alzheimer.

Phốt pho

Thịt ốc có chất gì, có tốt cho sức khỏe không? Bạn có biết một khẩu phần 85g ốc thường chứa 231mg phốt pho, tương đương với 33% lượng phốt pho khuyến nghị hàng ngày cho người lớn. Phốt pho là khoáng chất có công dụng hỗ trợ chuyển hóa năng lượng, duy trì mật độ xương và điều hòa các dưỡng chất như i ốt, kẽm. Ngoài ra, khoáng chất này cũng cần thiết cho việc sản xuất ra ADN và ARN.

Tuy nhiên, tình trạng bổ sung quá nhiều phốt pho và quá ít canxi sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương vì nồng độ phốt pho làm cản trở sự hấp thu canxi. Do đó, để cân bằng hai dưỡng chất này, bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi và cung cấp phốt pho từ các thực phẩm sữa, thịt, cá tươi hay ngũ cốc. Tránh dùng đồ uống có ga và thực phẩm được chế biến sẵn chứa nhiều phụ gia có phosphat.

Ăn ốc nhiều có tốt không? Nguy cơ tiềm ẩn từ các món ốc

ăn ốc có tốt không

Ăn ốc nhiều có tốt không là thắc mắc của rất nhiều người. Theo các chuyên gia sức khỏe, dù thơm ngon, bổ dưỡng nhưng trong ốc lại có rất nhiều ký sinh trùng sinh sống có thể gây bệnh cho con người, chẳng hạn như nhiễm giun lươn, sán lá gan (bao gồm sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn), sán lá ruột, sán máng…

Các bệnh ký sinh trùng từ ốc thường nhắm vào nhiều cơ quan như phổi, gan, mật, ruột, não và thận dẫn đến những đáp ứng miễn dịch quá mức, gây ung thư, suy nội tạng, vô sinh hay thậm chí là tử vong. Theo các chuyên gia sức khỏe, tỷ lệ mắc các bệnh giun, sán lây nhiễm từ ốc cao nhất ở các nước đang phát triển trong khu vực châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin.

Các loài ốc là vật chủ trung gian trong chu kỳ sống của rất nhiều loại ký sinh trùng và chúng sống rất dai, chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao trong thời gian dài. Do đó, trước khi chế biến, mọi người thường ngâm ốc trong nước gạo, nước chanh, giấm hay ớt để làm cho ốc nhả hết những chất bẩn kèm theo một ít sinh vật sống ký sinh. Khi luộc, phải luộc hay chế biến ốc cần nấu sôi kỹ để tiêu diệt hết những ấu trùng giun sán còn trong ốc. Nếu không, bạn có thể nhiễm ký sinh trùng dẫn đến các triệu chứng như sốt, ói mửa, tiêu chảy, phù tay chân, đau bụng…

Cách ăn ốc vừa an toàn vừa ngon miệng

Không ngâm ốc quá lâu

Nhiều người có thói quen ngâm ốc một vài ngày rồi mới chế biến để chúng thải hết chất bẩn bên trong. Tuy nhiên, ngâm quá lâu sẽ khiến một lượng ốc bị chết làm cho món ăn có mùi, vừa không ngon miệng vừa dễ bị ngộ độc.

Làm sạch ốc trước khi chế biến

Khi ngâm, để ốc nhanh nhả hết cặn bẩn, bạn nên ngâm bằng nước vo gạo, nước giấm, muối pha chanh hoặc thêm ớt vào trong nước. Sau đó, rửa thật sạch với nước nhiều lần và bắt đầu chế biến.

Khi ăn, bạn nên loại bỏ ruột. Ruột ốc thường nằm ở phần đuôi chứa rất nhiều chất bẩn ăn vào dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Luộc ốc kỹ

Đa số hải sản có chứa vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có khả năng kháng nhiệt cao, chỉ có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 80ºC. Vậy nên, trước khi chế biến, ngoài việc sơ chế đúng cách, bạn cần luộc kỹ ốc trong nước sôi khoảng 4–5 phút để đảm bảo an toàn.

Nếu ăn ốc không được chế biến kỹ, bạn dễ mắc các bệnh giun sán và có nguy cơ cao bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, phù nề tay chân…

Không ăn ốc chung với rượu, bia

ăn ốc có tốt không

Nhiều người có thói quen khi ăn các món ốc thường uống kèm bia, rượu để tăng hương vị, ấm bụng. Tuy nhiên, đây là một thói quen vô cùng có hại.

Các loại hải sản nói chung hay ốc nói riêng khi ăn vào cơ thể sẽ tạo thành axit uric, tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Thói quen uống kèm bia, rượu khi ăn ốc sẽ cản trở quá trình bài tiết chất đạm dư thừa ra ngoài cơ thể, khiến hình thành axit uric nhiều trong máu.

Không dùng ốc chung với thực phẩm có vitamin C

Có thể bạn chưa biết, vitamin C kết hợp với asen trong hải sản tạo ra asen hóa trị III rất dễ gây ngộ độc, thậm chí là tử vong nếu bạn có thói quen ăn thường xuyên. Do đó, ăn ốc hay hải sản chung với chanh là một thói quen không hề tốt cho sức khỏe. 

Vậy ăn ốc có tốt không? Chắc chắn câu trả lời là có vì các dưỡng chất có trong ốc rất cần thiết cho sức khỏe, hơn nữa, ốc là thực phẩm có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau vô cùng hấp dẫn. Thế nhưng, việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm ký sinh trùng khiến nhiều người vẫn còn dè chừng khi ăn. 

Để yên tâm thưởng thức, bạn hãy mua ốc về tự chế biến tại nhà hoặc lựa chọn những hàng quán uy tín, chất lượng, tuân thủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều vì theo quan niệm của nhiều người, ốc là thực phẩm có tính hàn nên dễ gây đau bụng, tiêu chảy. Theo lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng, bạn chỉ nên ăn 1–2 bữa ốc trong một tuần.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Mollusks, raw, snail

https://www.nutritionvalue.org/Mollusks%2C_raw%2C_snail_nutritional_value.html Ngày truy cập 28/09/2021

The Nutrition Source – Selenium

https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/selenium/ Ngày truy cập 28/09/2021

Phosphorus in diet

https://medlineplus.gov/ency/article/002424.htm Ngày truy cập 28/09/2021

Marine Mollusks: Food with Benefits

 https://doi.org/10.1111/1541-4337.12429 Ngày truy cập 28/09/2021

The Benefits of Eating Bivalves

https://oceana.org/blog/benefits-eating-bivalves Ngày truy cập 28/09/2021

Are Snails Healthy to Eat?

https://healthyeating.sfgate.com/snails-healthy-eat-7027.html Ngày truy cập 28/09/2021

Snail-borne parasitic diseases: an update on global epidemiological distribution, transmission interruption and control methods.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5890347/. Ngày truy cập 28/09/2021

How to Clean and Prepare Fresh Snails for Cooking.

https://www.thespruceeats.com/clean-and-prepare-snails-for-cooking-1705681.

Ngày truy cập 28/09/2021

Phiên bản hiện tại

06/12/2022

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Hướng dẫn cách làm tôm sốt Thái cho người bệnh mạn tính

Bà bầu có nên ăn hải sản không? Chế biến đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 06/12/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo