Gần đây, tại một số quốc gia, điển hình như Trung Quốc, đang phải đối mặt một đợt bùng phát dịch bệnh do metapneumovirus gây ra với số ca tăng nhanh và triệu chứng tương tự như cúm hay COVID-19. Tình hình này đã làm dấy lên mối lo ngại về một đại dịch như COVID-19, gây báo động trên toàn cầu. Vậy metapneumovirus thực sự là gì và gây ra những ảnh hưởng nào tới sức khỏe?
Metapneumovirus hiện đang gây ra một đợt bùng phát dịch bệnh tại Trung Quốc với những triệu chứng khá giống COVID-19. Vậy loại virus này là gì và chúng ta phải làm sao để phòng ngừa và ngăn dịch bệnh lan rộng?
Thông tin chung về metapneumovirus
Để hiểu rõ về dịch bệnh và cách phòng ngừa, bạn cần hiểu rõ về metapneumovirus, chủng virus gây ra đợt bùng phát các bệnh về hô hấp.
1. Metapneumovirus là gì?
Metapneumovirus ở người (Human Metapneumovirus – HMPV) là một chủng virus gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh cảm lạnh thông thường. Virus này thường gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên nhưng trong một số trường hợp cũng có thể gây các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi, lên cơn hen suyễn hay khiến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) nặng hơn.
Tình trạng nhiễm metapneumovirus ở người thường phổ biến hơn vào mùa đông và đầu mùa xuân. Đa số mọi người đều mắc HMPV trước 5 tuổi nhưng vẫn có thể tái nhiễm. Nếu tái nhiễm, các triệu chứng của bệnh thường nhẹ hơn so với lần nhiễm đầu tiên.
2. Metapneumovirus có giống virus hợp bào hô hấp (RSV) không?
Metapneumovirus là một chủng virus thuộc họ Paramyxovirus cùng họ với virus hợp bào hô hấp (RSV). Cả hai loại virus này có thể gây ra các triệu chứng tương tự như nhau. Tuy nhiên, độ tuổi thường gặp phải các dấu hiệu nặng nhất do nhiễm HMPV là từ 6 đến 12 tháng tuổi còn RSV lại thường gây triệu chứng nặng nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.
3. Nhiễm metapneumovirus có thể gây ra những biến chứng gì?
Nhiễm HMPV có thể gây ra một số biến chứng như sau:
- Viêm tiểu phế quản
- Viêm phế quản
- Viêm phổi
- Lên cơn hen suyễn hoặc phổi tắc nghẽn mãn tính
- Nhiễm trùng tai (viêm tai giữa).
Các biến chứng trên cũng có thể trở nên nghiêm trọng khiến bạn phải nhập viện.
Metapneumovirus lây nhiễm như thế nào?
Để phòng ngừa cho bản thân, bạn cần hiểu con đường lây nhiễm của metapneumovirus.
1. Metapneumovirus lây nhiễm như thế nào?
HMPV lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hoặc chạm vào những đồ vật hay bề mặt bị nhiễm virus. Một số con đường lây nhiễm thường thấy là:
- Ho và hắt hơi
- Bắt tay, ôm hoặc hôn người bị nhiễm virus
- Chạm vào điện thoại, tay nắm cửa, thanh vịn cầu thang, bàn phím hoặc đồ chơi có virus….
2. Các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm metapneumovirus
Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm HMPV nhưng những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao hơn là:
- Trẻ dưới 5 tuổi (đặc biệt là trẻ sinh non) hoặc người lớn trên 65 tuổi.
- Người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm (do mắc các bệnh lý như HIV, ung thư hay bệnh tự miễn hoặc do dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch).
- Mắc bệnh hen suyễn hoặc viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Triệu chứng nhiễm metapneumovirus
Các triệu chứng khi lây nhiễm metapneumovirus bao gồm:
- Ho
- Sốt
- Sổ mũi hay nghẹt mũi
- Đau họng
- Thở khò khè
- Thở hụt hơi
- Phát ban
Nhiễm metapneumovirus được chẩn đoán và điều trị thế nào?
Theo các chuyên gia y tế, việc chẩn đoán và điều trị nhiễm metapneumovirus được tiến hành như sau:
1. Chẩn đoán tình trạng nhiễm metapneumovirus
Tình trạng nhiễm HMPV thường được chẩn đoán dựa trên triệu chứng và tiền sử sức khỏe của bạn. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể dùng tăm bông lấy mẫu dịch trong mũi hoặc họng để mang đi xét nghiệm nhằm phát hiện virus và các bệnh nhiễm trùng khác. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể thực hiện nội soi phế quản hoặc chụp X-quang ngực để xác định xem đường thở của phổi có tổn thương không.
2. Điều trị tình trạng nhiễm metapneumovirus
Hiện chưa có loại thuốc kháng virus nào có thể điều trị được tình trạng nhiễm metapneumovirus. Phương pháp điều trị tình trạng nhiễm phải chủng virus này là tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng tại nhà cho đến khi các triệu chứng dần cải thiện.
Nếu các triệu chứng quá nặng, bạn có thể cần phải nhập viện để bác sĩ theo dõi và giúp kiểm soát tình trạng bệnh bằng một số phương pháp sau:
- Liệu pháp oxy: Nếu bạn gặp triệu chứng khó thở, bác sĩ có thể sẽ cung cấp thêm oxy cho bạn thông qua ống thông hay mặt nạ thở oxy.
- Truyền dịch tĩnh mạch: Phương pháp truyền dịch trực tiếp vào tĩnh mạch có thể giúp bạn duy trì lượng chất lỏng cần thiết trong cơ thể.
- Corticosteroid: Corticosteroid có thể giúp giảm viêm và giảm nhẹ một số triệu chứng nhiễm metapneumovirus.
Bạn cần đến bệnh viện ngay nếu:
- Bạn có các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp và có bệnh nền có thể làm tăng nguy cơ gặp các triệu chứng nghiêm trọng.
- Các triệu chứng của bạn không cải thiện sau vài ngày hoặc bạn bị sốt kéo dài hơn 3 ngày.
Các cách phòng ngừa metapneumovirus
Bạn có thể hạn chế nguy cơ nhiễm HMPV cũng như các bệnh truyền nhiễm khác bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước. Nếu không có xà phòng và nước, bạn có thể sử dụng nước rửa tay có cồn.
- Dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay để che mũi và miệng khi bạn hắt hơi hoặc ho.
- Hạn chế tiếp xúc với người đang bị cảm hoặc có các dấu hiệu mắc các bệnh truyền nhiễm khác, nhất là các triệu chứng bệnh đường hô hấp. Bạn cũng cần tránh tiếp xúc với mọi người nếu đang mắc bệnh truyền nhiễm.
- Đeo khẩu trang khi:
- Đi ra ngoài, đến nơi đông người.
- Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với người khác khi đang bị bệnh truyền nhiễm.
- Tránh chạm tay vào mặt, mắt, mũi và miệng.
- Không dùng chung đồ ăn hoặc dụng cụ ăn uống (nĩa, thìa, cốc) với người khác.
Nhiễm metapneumovirus và các thắc mắc thường gặp
Nếu muốn tìm hiểu thêm về tình trạng nhiễm metapneumovirus, bạn có thể tham khảo một số thắc mắc thường gặp dưới đây:
1. Trẻ nhỏ nhiễm metapneumovirus có nguy hiểm không?
Tình trạng nhiễm metapneumovirus ở trẻ em có thể nguy hiểm vì virus này có thể gây viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ tập đi. Vậy nên, bạn cần đưa bé đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ con nhiễm bệnh.
Để phòng ngừa metapneumovirus cũng như hạn chế việc lây lan virus ở trẻ, bạn cần:
- Tập cho bé thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước cũng như chuẩn bị nước rửa tay cho bé.
- Dạy bé cách dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
- Cho con ở nhà và hạn chế tiếp xúc với người khác khi bé có triệu chứng của bệnh.
2. Nhiễm metapneumovirus kéo dài trong bao lâu?
Các trường hợp nhiễm metapneumovirus nhẹ thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Nếu bạn gặp các dấu hiệu nặng thì thời gian phục hồi có thể sẽ kéo dài hơn. Đôi khi, các triệu chứng kéo dài như ho cũng mất nhiều thời gian để khỏi.
3. Làm gì để mau phục hồi khi bị nhiễm metapneumovirus?
Bạn có thể kiểm soát các triệu chứng nhiễm metapneumovirus nhẹ, tương tự triệu chứng cảm lạnh tại nhà bằng cách:
- Uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
- Dùng thuốc không kê đơn như thuốc giảm đau, thuốc trị nghẹt mũi và thuốc ho để giúp giảm nhẹ các triệu chứng. Tuy nhiên, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước nếu muốn cho trẻ em dùng thuốc để đảm bảo an toàn.
4. Người bị nhiễm metapneumovirus cần chú ý triệu chứng nguy hiểm nào?
Người bị nhiễm metapneumovirus cần cấp cứu hoặc nhập viện ngay lập tức nếu có các triệu chứng nặng như:
- Sốt cao (trên 40 độ C)
- Khó thở
- Da, môi hoặc móng tay chuyển màu xanh tím (hội chứng xanh tím da)
- Các triệu chứng khác có xu hướng trầm trọng hơn.
Tình trạng nhiễm metapneumovirus tuy thường có thể điều trị tại nhà nhưng cũng có thể gây ra một số biến chứng ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Vậy nên, bạn hãy chú ý giữ vệ sinh cá nhân và tránh tiếp xúc với nguồn bệnh để bảo vệ bản thân và ngăn dịch bệnh lây lan nhé.