backup og meta

Thở khò khè

Thở khò khè

Thở khò khè không phải lúc nào cũng đáng lo ngại, nhưng đôi khi nó cảnh báo một vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng. Nếu bạn đang gặp tình trạng này, tìm hiểu ngay!

Tìm hiểu chung

Thở khò khè là gì?

Thở khò khè là tình trạng trong khi thở tạo ra một âm thanh như tiếng huýt sáo hoặc tiếng rít…mà bình thường không có, do đường thở bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn một phần. Tình trạng này thường đi kèm với chứng khó thở. Thở khò khè có thể xảy ra trong khi thở ra hoặc hít vào.

Âm thanh của tiếng khò khè có thể thay đổi tùy thuộc vào phần nào của hệ hô hấp bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp. Thu hẹp trong hệ thống hô hấp trên có thể làm cho tiếng thở khàn hơn. Trong khi đó, tắc nghẽn ở phần thấp hơn của hệ hô hấp lại làm tiếng thở phát ra âm thanh du dương hơn, trong hơn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng đi kèm thở khò khè là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng đi kèm với thở khò khè có thể bao gồm:

  • Khó thở
  • Ho
  • Tức ngực
  • Sốt
  • Nghẹt mũi
  • Mất giọng
  • Sưng môi hoặc lưỡi
  • Vùng da quanh miệng hoặc móng tay có màu hơi xanh.

triệu chứng thở khò khè

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị thở khò khè không rõ nguyên nhân, tái phát hoặc kèm theo bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào sau đây:

  • Khó thở
  • Thở nhanh
  • Màu da hơi xanh
  • Ho
  • Hụt hơi
  • Sốt
  • Đau tức ngực
  • Sưng bàn chân hoặc cẳng chân không rõ nguyên nhân
  • Mất tiếng
  • Sưng môi hoặc lưỡi
  • Một màu hơi xanh xung quanh da, miệng hoặc móng tay.

Hãy gọi cấp cứu khẩn cấp nếu thở khò khè:

  • Khởi phát đột ngột sau khi bị côn trùng đốt, uống thuốc hoặc ăn phải thức ăn gây dị ứng
  • Đi kèm với khó thở nghiêm trọng hoặc màu da hơi xanh
  • Xảy ra sau khi mắc nghẹn một vật nhỏ hoặc thức ăn

Nếu da, miệng hoặc móng tay của bạn chuyển sang màu xanh, nghĩa là bạn không nhận đủ không khí vào phổi. Đây là một trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp. Ngoài ra, nếu bạn đột nhiên thở khò khè sau khi bị côn trùng đốt, sau khi uống một loại thuốc mới hoặc ăn một loại thức ăn mới, đó có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng và cũng cần được cấp cứu ngay lập tức.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây thở khò khè là gì?

Thở khò khè là dấu hiệu cho thấy một người có thể đang gặp vấn đề về hô hấp. Nguyên nhân thường do tắc nghẽn hoặc hẹp các ống phế quản nhỏ nằm sâu trong phổi. Tuy nhiên, những người bị tắc nghẽn đường thở lớn hơn hoặc có vấn đề với dây thanh quản cũng có thể gặp phải triệu chứng này.

nguyên nhân thở khò khè

Vậy, thở khò khè là bệnh gì? Nguyên nhân gây thở khò khè có thể bao gồm:

  • Hen suyễn. Hen suyễn là một tình trạng hô hấp mạn tính gây co thắt và sưng viêm các ống phế quản (đường dẫn khí trong phổi). Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng thở khò khè ở người trẻ tuổi.
  • Dị ứng. Ở những người mẫn cảm, các chất gây dị ứng như mạt bụi, phấn hoa, vật nuôi, hoặc thực phẩm… có thể làm đường thở sưng lên và các cơ xung quanh đường thở bị thắt chặt, khiến không khí khó di chuyển vào và ra khỏi phổi.
  • Sốc phản vệ. Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến đột ngột thở khò khè, đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu ngay. 
  • Giãn phế quản. Đây là một tình trạng phổi mạn tính khiến các đường dẫn khí lớn trong phổi mở rộng bất thường, ức chế quá trình làm sạch chất nhầy. Tích tụ nhiều chất nhầy cũng sẽ cản trở luồng không khí ra vào phổi.
  • Viêm tiểu phế quản. Bệnh gây sưng và tích tụ chất nhầy trong các đường dẫn khí nhỏ nhất trong phổi, xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ.
  • Viêm phế quản. Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc của các ống phế quản, gây sưng và tích tụ chất nhầy trong các đường dẫn chính mang không khí đến phổi.
  • COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính). Ở người mắc bệnh này, tình trạng thở khò khè là do đường thở bị hẹp làm ngăn chặn luồng không khí lưu thông từ phổi. Nguyên nhân là do viêm và tổn thương lâu dài của niêm mạc ống phế quản, phổ biến nhất là do hút thuốc lá. Đây cũng là thủ phạm gây thở khò khè chủ yếu ở người từ 50 tuổi trở lên.
  • Xơ nang (CF). Chất nhầy dày làm tắc nghẽn đường thở và gây khó thở.
  • Viêm nắp thanh quản
  • Hít phải dị vật vào phổi
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Trào ngược axit mạn tính có thể làm giãn van thực quản dưới, gây thở khò khè.
  • Suy tim. Tình trạng thở khò khè trong bệnh suy tim là do máu lưu thông kém, tích tụ trong phổi dẫn đến giảm lưu lượng khí.
  • Ung thư phổi. Khối u xuất hiện trong đường thở làm cản trở hoặc tắc nghẽn đường dẫn khí.
  • Sử dụng một số loại thuốc. Thuốc đặc biệt là aspirin có thể gây tác dụng phụ là thở khò khè.
  • Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Đây là tình trạng bắt đầu ngừng thở trong khi ngủ và là nguyên nhân gây thở khò khè khi ngủ hay thở khò khè vào ban đêm.
  • Viêm phổi. Nhiễm trùng ở một hoặc cả hai phổi do virus hoặc vi khuẩn gây ra cũng có thể gây triệu chứng là thở khò khè.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp do virus hợp bào hô hấp RSV. Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một bệnh nhiễm trùng phổi theo mùa có thể dẫn đến viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, xảy ra phổ biến ở trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Hút thuốc. Hút thuốc và hít khói thuốc thụ động làm tăng nguy cơ phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và khí phế thũng.
  • Rối loạn chức năng dây thanh âm. Đây là một tình trạng ảnh hưởng đến chuyển động của dây thanh âm, khiến dây thanh âm đóng lại thay vì mở ra khi bạn hít vào và thở ra, điều này dẫn đến việc đưa không khí vào hoặc ra khỏi phổi gặp khó khăn.
  • Thuyên tắc phổi. Thở khò khè có thể là một trong những triệu chứng của thuyên tắc phổi. Ngoài ra, người bệnh thường bị khó thở cấp tính và đau ngực.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ thở khò khè?

Có nhiều yếu tố làm bạn tăng nguy cơ bị thở khò khè:

  • Trẻ nhỏ. Các chuyên gia ước tính có tới 25-30% trẻ sơ sinh bị thở khò khè trong năm đầu đời do đường thở nhỏ hơn. Ngoài ra, trẻ em bị hen suyễn và trẻ dưới 2 tuổi dễ bị viêm tiểu phế quản cũng tăng nguy cơ bị thở khò khè.
  • Thói quen hút thuốc lá.
  • Tiền sử khí phế thũng và suy tim.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán thở khò khè?

Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra thể chất, hỏi về tiền sử bệnh và các triệu chứng mà bạn đang gặp phải. Họ muốn biết khi nào triệu chứng thở khò khè bắt đầu, kéo dài trong bao lâu, khi nào tình trạng trở nên nặng hơn và các yếu tố kích hoạt triệu chứng này.

Khám sức khỏe có thể bao gồm nghe tim phổi bằng ống nghe. Nếu là trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ đảm bảo rằng chúng không nuốt phải vật lạ.

Các xét nghiệm khác có thể được thực hiện bao gồm:

  • Xét nghiệm máu, có thể bao gồm khí máu động mạch
  • Chụp X-quang ngực
  • Đo chức năng phổi
  • Đo phế dung.

Những phương pháp điều trị thở khò khè

Điều trị nguyên nhân

Cách trị thở khò khè ở người lớn phụ thuộc vào việc điều trị nguyên nhân. Đối với bệnh hen suyễn hoặc COPD, bác sĩ có thể sẽ kê toa thuốc hít hoặc các loại thuốc uống khác giúp giữ cho đường thở được thông thoáng, không có đờm và các vật cản khác. Nếu thở khò khè nghiêm trọng hoặc cản trở việc thở, bạn có thể phải nhập viện cho đến khi hơi thở được cải thiện.

Đối với những nguyên nhân hiếm gặp hơn của chứng thở khò khè, chẳng hạn như thức ăn mắc kẹt hoặc rối loạn chức năng dây thanh âm, cần có các phương pháp can thiệp để giúp bạn thở dễ dàng hơn.

Bạn có thể cần phải nằm viện nếu:

  • Thở đặc biệt khó khăn
  • Thuốc dùng để điều trị cần được truyền qua tĩnh mạch (IV)
  • Cần bổ sung oxy
  • Cần được nhân viên y tế theo dõi chặt chẽ.

Cách trị thở khò khè ở người lớn tại nhà

Thở khò khè nhẹ do cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên (URI), không phải lúc nào cũng cần đến viện. Cách giảm thở khò khè trong trường hợp này có thể bao gồm:

  • Dùng máy tạo độ ẩm. Trong những tháng hanh khô, tình trạng thở khò khè thường trở nên nghiêm trọng hơn hơn. Do đó, việc dùng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ có thể giúp giảm tắc nghẽn và giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.
  • Xông hơi. Việc hít thở không khí ấm, giàu độ ẩm có thể rất hiệu quả để làm sạch xoang và giãn đường thở.
  • Dùng máy lọc không khí. Sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ các chất gây dị ứng tiềm ẩn trong không gian sinh hoạt.
  • Uống đồ uống ấm. Đồ uống ấm và nóng có thể giúp giãn đường thở và làm lỏng chất nhầy trong cổ họng.
  • Uống trà thảo dược ấm. Hơi ấm và độ ẩm của trà sẽ giúp thư giãn phế quản. Một số nghiên cứu cũng cho thấy trà xanh cũng có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm rất tốt trong việc làm giảm triệu chứng đang gặp phải.
  • Tránh khói thuốc lá. Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động có thể làm viêm đường thở, trầm trọng thêm tình trạng thở khò khè.
  • Dùng thuốc. Uống tất cả các loại thuốc theo toa và làm theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tập thở. Các bài tập thở đã được chứng minh là giúp thư giãn đường thở nếu bạn bị hen suyễn. Thực hành thở sâu, chậm để giúp mở rộng dung tích phổi và thư giãn đường thở.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Wheezing. https://www.mayoclinic.org/symptoms/wheezing/basics/definition/sym-20050764. Ngày truy cập: 02/08/2023

Wheezing. https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/15203-wheezing. Ngày truy cập: 02/08/2023

Wheezing. https://medlineplus.gov/ency/article/003070.htm. Ngày truy cập: 02/08/2023

When Should I Worry About Wheezing? https://www.houstonmethodist.org/blog/articles/2022/mar/when-should-i-worry-about-wheezing/. Ngày truy cập: 02/08/2023

Wheezing. https://www.mountsinai.org/health-library/symptoms/wheezing. Ngày truy cập: 02/08/2023

Wheezing. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482454/. Ngày truy cập: 02/08/2023

Stridor Versus Wheezing. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/stridor-versus-wheezing. Ngày truy cập: 02/08/2023

Wheezing. https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/wheezing-other-than-asthma/. Ngày truy cập: 02/08/2023

Phiên bản hiện tại

02/10/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Người bị hen suyễn khó thở nên làm gì?

Người bị khó thở nên làm gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 02/10/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo