Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bị đau lưng dưới gần mông là bệnh gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 27/07/2022

    Bị đau lưng dưới gần mông là bệnh gì?
    Quảng cáo

    Đau lưng dưới gần mông, thường đi kèm với tình trạng hạn chế vận động, là một triệu chứng thường gặp đối với những người có lối sống ít vận động và cũng có thể xuất hiện ở người cao tuổi.

    Vậy, bị đau lưng dưới gần mông là bệnh gì? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu và khám phá trong bài viết này nhé!

    Bị đau lưng dưới gần mông là cơn đau như thế nào?

    Cơn đau lưng dưới gần mông có thể được mô tả là một cơn đau nhói chủ yếu ở vùng lưng dưới và lan tỏa đến mông, thậm chí là lan đến mặt sau của đùi và chân. Cảm giác đau đôi khi đột ngột, bỏng rát và gây khó chịu cho bệnh nhân. Cơn đau có thể nghiêm trọng hơn khi đứng lâu, đi bộ nhiều, ngồi hoặc cúi người về phía trước. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà cảm giác đau có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Vậy, bị đau lưng dưới gần mông là bệnh gì?

    Bạn có thể quan tâm: “Giải mã” hiện tượng sáng ngủ dậy bị đau lưng dưới

    Bị đau lưng dưới gần mông là bệnh gì?

    đau lưng dưới gần mông là bệnh gì?

    1. Đau thần kinh tọa

    Nguyên nhân phổ biến gây đau lưng dưới gần mông là do đau thần kinh tọa. Đau thần kinh tọa là tình trạng dây thần kinh tọa ở lưng bị chèn ép, kích thích hoặc viêm gây đau. Cơn đau này thường bắt nguồn từ vùng lưng dưới lan tỏa xuống mông và đến mặt sau của chân.

    Nếu bị đau thần kinh tọa, cơn đau sẽ từ nhẹ đến nặng và xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, tức là từ lưng dưới, qua mông và lan xuống chân. Đau thần kinh tọa thường gây ra cơn đau lưng dưới gần mông với cảm giác châm chích, bỏng rát, rất khó chịu.

    Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, khi đứng lên hay vặn người trên. Một cơn ho hoặc hắt hơi, cũng có thể khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây ra yếu cơ ở chân và bàn chân, tê chân và cảm giác kim châm khó chịu ở chân, bàn chân hoặc các ngón chân.

    Mục tiêu của việc điều trị là giảm đau và tăng khả năng vận động. Tùy thuộc vào nguyên nhân, nhiều trường hợp đau thần kinh tọa sẽ biến mất theo thời gian với một số phương pháp điều trị tự chăm sóc đơn giản tại nhà như chườm nóng hoặc chườm lạnh, kéo giãn cơ, dùng thuốc giảm đau không kê đơn.

    2. Bị đau lưng dưới gần mông do chấn thương

    Đau lưng dưới gần mông cũng có thể xảy ra do chấn thương nhẹ gây căng cơ hoặc bong gân ở phần lưng dưới. Các nguyên nhân dẫn đến chấn thương và gây ra tình trạng bị đau lưng dưới gần mông ở nam giới bao gồm chấn thương khi chơi thể thao, đứng hoặc ngồi trong thời gian dài, duy trì tư thế không tốt, nâng vật quá nặng, nâng vật không đúng cách và lối sống ít vận động.

    Chấn thương nhẹ có thể tự cải thiện theo thời gian bằng các biện pháp điều trị giảm đau tại nhà. Nhưng những chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như gãy xương cần được thăm khám và điều trị kịp thời.

    3. Thoát vị đĩa đệm

    đau lưng dưới gần mông do thoát vị đĩa đệm

    Thoát vị đĩa đệm, có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của cột sống, thường xảy ra nhất ở lưng dưới. Tùy thuộc vào vị trí đĩa đệm bị thoát vị, nó có thể dẫn đến đau, tê hoặc yếu ở cánh tay hay chân. Thoát vị đĩa đệm ở lưng dưới có thể gây áp lực lên các dây thần kinh cột sống, dẫn đến bị đau lưng dưới gần mông và lan xuống chân.

    Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm là do chấn thương nhưng phổ biến hơn là do sự lão hóa của cơ thể khi bạn lớn tuổi khiến các đĩa đệm bị thoái hóa một cách tự nhiên. Việc điều trị chủ yếu là hạn chế các cử động gây đau và dùng thuốc giảm đau để làm giảm nhẹ triệu chứng. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để giúp giảm đau.

    4. Viêm xương khớp

    Viêm xương khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất, xảy ra do lớp sụn bảo vệ đệm các đầu xương bị mòn theo thời gian. Viêm xương khớp là nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn đau lưng dưới gần mông bởi phần lưng dưới là vị trí mà xương khớp nhanh chóng thoái hóa do đi lại và cử động nhiều.

    Đau và cứng khớp là những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm xương khớp. Ngoài ra, bạn cũng có thể cảm thấy khớp mềm, mất đi tính linh hoạt, cảm giác nóng ran và sưng tấy xung quanh vùng lưng dưới.

    Mặc dù tổn thương xương khớp là không thể phục hồi nhưng các triệu chứng viêm xương khớp thường có thể được kiểm soát. Vận động phù hợp, duy trì cân nặng hợp lý và áp dụng một số phương pháp điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và giúp cải thiện tình trạng đau lưng dưới gần mông.

    đau lưng dưới gần mông do viêm xương khớp

    5. Rối loạn chức năng khớp

    Một nguyên nhân khác khiến bạn bị đau lưng dưới gần mông có thể là do rối loạn chức năng khớp. Rối loạn chức năng khớp còn được gọi là viêm xương cùng. Đây là tình trạng viêm một hoặc cả hai khớp xương cùng, nơi kết nối mỗi bên của xương sống với xương chậu dưới.

    Cơn đau liên quan đến rối loạn chức năng khớp thường khiến người bệnh bị đau lưng dưới gần mông và thậm chí là kéo dài xuống một hoặc cả hai chân, háng và bàn chân. Cơn đau có thể trầm trọng hơn nếu bạn đứng lâu, chịu nhiều trọng lượng ở một chân, leo cầu thang, chạy bước dài. Điều trị có thể bao gồm tập vật lý trị liệu và dùng thuốc.

    6. Thoái hóa đĩa đệm

    Bệnh thoái hóa địa đệm xảy ra khi đĩa đệm cột sống bị mòn. Đĩa đệm cột sống là đệm cao su giữa các đốt sống (xương trong cột sống). Chúng hoạt động như một bộ giảm xóc và giúp bạn di chuyển, uốn cong và vặn xoắn một cách thoải mái. Đĩa đệm cột sống sẽ bị thoái hóa theo thời gian và là một phần bình thường của quá trình lão hóa tự nhiên. Khi đệm mòn đi, xương có thể bắt đầu cọ xát với nhau và gây đau.

    Hầu hết mọi người đều bị thoái hóa cột sống sau năm 40 tuổi mặc dù có thể bệnh không gây ra triệu chứng. Bệnh thường dẫn đến đau lưng ở khoảng 5% người lớn tuổi. Bệnh nhân có thể bị đau lưng dưới gần mông, thậm chí là tê hoặc ngứa ran ở cánh tay hoặc chân. Cơn đau đến và biến mất, thậm chí kéo dài hàng tuần hàng tháng. Cơn đau sẽ nghiêm trọng hơn khi ngồi xuống, cúi người, vặn người hoặc nâng vật nặng.

    Bạn có thể quan tâm: Đau lưng dưới thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh suy thận

    Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị đau lưng dưới gần mông ở nữ giới cũng như nam giới. Hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp bạn chủ động điều trị hiệu quả hơn.

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 27/07/2022

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo