Dấu hiệu bệnh thận ở nữ

Tham vấn y khoa: Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình · Nhi khoa · Bệnh viện trẻ em Hải Phòng


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 24/10/2022

    Dấu hiệu bệnh thận ở nữ
    Quảng cáo

    Phụ nữ mắc bệnh thận có thể kéo theo một số ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe sinh sản của bản thân. Nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh thận ở nữ giới là điều kiện thuận lợi giúp cho việc điều trị đạt hiệu quả tốt hơn. Từ đó, có thể hạn chế tối đa sự xuất hiện của một số biến chứng nghiêm trọng.

    Bệnh thận có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, biểu hiện bệnh thận ở nữ giới được ghi nhận ngày càng nhiều, gây tác động đến sức khỏe và cuộc sống của khoảng 195 triệu phụ nữ trên toàn thế giới. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn cùng theo dõi các thông tin trong bài viết dưới đây nhé!

    1. Dấu hiệu thận yếu ở phụ nữ

    Các triệu chứng bệnh thận ở nữ giới thường không rõ ràng. Đôi khi một vài vấn đề sức khỏe có thể là dấu hiệu thận yếu ở phụ nữ mà nhiều người không nghĩ đến, chẳng hạn như là:

    Rối loạn kinh nguyệt – dấu hiệu bệnh thận ở nữ giới ít ai ngờ

    Bệnh thận có thể làm gián đoạn hoạt động của trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng gây ra bất thường trong việc sản xuất nội tiết tố (hay còn gọi là hormone). Trong đó bao gồm cả 2 hormone liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH).

    Sự rối loạn nội tiết tố có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt bị xáo trộn dẫn đến tình trạng chảy máu nhiều, kinh nguyệt không đều, trễ kinh và nguy cơ mãn kinh sớm. Vì vậy, khi các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt liên tục xuất hiện và ngày càng trở nên nghiêm trọng thì có thể đó là dấu hiệu bệnh thận ở phụ nữ.

    Rối loạn chức năng tình dục

    Quan sát dấu hiệu bệnh thận ở nữ giới có thể bắt gặp khá nhiều trường hợp bị rối loạn chức năng tình dục với các biểu hiện như là: giảm ham muốn tình dục, giảm dịch nhờn âm đạo, đau khi giao hợp, không có khả năng đạt cực khoái,… thậm chí vô sinh. Điều này được giải thích là do sự thiếu hụt nội tiết tố nữ (hormone sinh dục nữ) có liên quan đến bệnh thận.

    Không chỉ vậy, yếu tố tâm lý khi sống chung với bệnh tật cũng có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gặp tình trạng này ở một số người mắc bệnh thận mạn tính.

    Bạn có thể muốn xem thêm: Mối quan hệ giữa thận yếu và chuyện ấy

    Dấu hiệu thận yếu ở nữ

    Bệnh về xương cũng là dấu hiệu bệnh thận ở nữ cần lưu tâm

    Ngoài vai trò lọc máu và sản xuất nước tiểu để loại bỏ độc tố cũng như các chất thải sinh ra từ quá trình chuyển hóa, thận còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự hấp thu các dưỡng chất cần thiết. Tiêu biểu là khả năng tạo thành calcitriol – một chất chuyển hóa có hoạt tính của vitamin D. Đây là chìa khóa giúp đưa canxi vào xương, duy trì xương chắc khỏe.

    Khi hoạt động của thận suy yếu, phụ nữ có nhiều nguy cơ bị thiếu hụt canxi dẫn đến loãng xương và dễ mắc các bệnh về xương. Hãy ghi nhớ dấu hiệu bệnh thận ở nữ này, vì chúng biểu hiện khá rõ.

    Giảm khả năng sinh sản

    Khó thụ thai cũng được nhắc đến như một dấu hiệu bệnh thận ở nữ. Nguyên nhân có thể liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó đặc trưng là sự suy giảm dự trữ buồng trứng (chỉ số AMH thấp) do rối loạn bài tiết hormone.

    Bên cạnh đó, những người phụ nữ mắc bệnh thận thường có nhiều rủi ro bị tổn thương thận cấp tính và tăng huyết áp trong quá trình mang thai (tiền sản giật). Hậu quả có thể gây ra các biến chứng xấu làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, thậm chí là đe dọa tính mạng. Một số biến chứng thai kỳ do bệnh thận có thể bao gồm: sinh non, sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, dị tật, suy thận và tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn sau này.

    2. Loại bệnh thận nào phụ nữ thường gặp nhất?

    Mặc dù dấu hiệu thận yếu ở phụ nữ có thể xuất hiện vì bất kỳ loại bệnh lý nào từ thận. Nhưng theo các dữ liệu được ghi nhận cho thấy, phụ nữ thường có xu hướng phát triển bệnh lupus thận và nhiễm trùng thận nhiều hơn nam giới.

    Viêm thận lupus

    Là tình trạng thận bị tổn thương do sự tấn công của hệ thống miễn dịch của chính cơ thể, có liên quan đến một loại bệnh tự miễn gọi là lupus ban đỏ hệ thống. Viêm thận lupus có thể gặp phải ở bất kỳ giới tình nào, nữ nhiều hơn nam, thường trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, có đến 90% các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh là nữ giới.

    Nhiễm trùng thận (Viêm bể thận)

    Viêm đài bể thận thường là kết quả của việc điều trị kém bệnh nhiễm trùng đường tiểu (UTI) khiến cho vi khuẩn từ đường tiết niệu dưới có thể di chuyển ngược dòng đến một hoặc cả hai thận, gây ra các dấu hiệu bệnh thận ở nữ. Vì có đường niệu đạo ngắn nên nhiễm trùng tiểu và nhiễm trùng thận phổ biến hơn ở phụ nữ, nhất là trong giai đoạn thai kỳ.

    Dấu hiệu bệnh thận ở nữ giới

    3. Dấu hiệu bệnh thận ở nữ thường gặp ở những người nào?

    Tỷ lệ mắc bệnh thận có thể cao hơn đối với người trên 60 tuổi hoặc người châu Á, người Mỹ gốc Phi, người Tây Ban Nha, người dân đảo Thái Bình Dương và người Mỹ da đỏ. Một số dấu hiệu bệnh thận ở nữ giới cũng được ghi nhận nhiều hơn ở những người có rối loạn di truyền hoặc tiền sử gia đình bị suy thận.

    Ngoài ra, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị bệnh đái tháo đường, béo phì, bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp là những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng tiền sản giật thai kỳ gây ra tình trạng chấn thương thận cấp tính hoặc mất chức năng thận đột ngột.

    4. Khi có dấu hiệu bệnh thận ở nữ, bạn cần làm gì?

    Mặc dù không thể kiểm soát hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh thận ở phụ nữ, nhưng chúng ta có thể lập kế hoạch và duy trì một lối sống lành mạnh để tăng cường sức khỏe tổng thể, giúp cho thận luôn được khỏe mạnh. Hãy làm những điều này, đặc biệt khi thấy có dấu hiệu bệnh thận ở nữ nhé:

    • Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao.
    • Giữ trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý.
    • Ngủ đủ giấc. Cân bằng thời gian làm việc và thư giãn để giảm thiểu căng thẳng.
    • Tránh xa thuốc lá và rượu bia, uống đủ nước (khoảng 1.5 – 2 lít mỗi ngày).
    • Kiểm soát và điều trị tốt các bệnh lý khác, chẳng hạn như: đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc nhiễm trùng đường tiểu.

    Quan trọng hơn hết là cần xây dựng một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đồng thời có thể mang lại lợi ích cho thận. Theo dõi chặt chẽ lượng chất đạm, muối và các khoáng chất được nạp vào cơ thể là một trong những cách bảo vệ thận hiệu quả. Đặc biệt, nếu nhận thấy các dấu hiệu thận yếu ở phụ nữ thì việc cắt giảm thực phẩm chứa nhiều natri (muối) là điều vô cùng cần thiết để giảm nhẹ áp lực lên thận.

    Bạn có thể muốn xem thêm: 7 bí quyết để giữ cho thận khỏe

    Nhìn chung, các dấu hiệu bệnh thận ở nữ giới có khả năng bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác dẫn đến chẩn đoán và điều trị chậm trễ, làm tăng mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh. Vì lý do đó, chị em phụ nữ không nên ngần ngại mà hãy nhanh chóng đến thăm khám ngay khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào xảy ra.

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình

    Nhi khoa · Bệnh viện trẻ em Hải Phòng


    Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 24/10/2022

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo