Tình trạng tới tháng đau bụng nhưng không có kinh có thể khiến nhiều chị em hoang mang, không biết liệu có phải là chậm kinh do rối loạn nội tiết, do mang thai hay do mắc phải bệnh lý nguy hiểm.
Tới tháng đau bụng nhưng không có kinh hay tới tháng đau bụng dưới âm ỉ nhưng không có kinh là hiện tượng rất thường gặp và có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Bạn đang gặp phải tình trạng này và lo lắng không biết lý do tại sao phải không? Hãy xem ngay những chia sẻ dưới đây của Hellobacsi để có thêm thông tin và biết cách xử lý phù hợp nhé!
Tới tháng đau bụng nhưng không có kinh là do đâu?
1. Dấu hiệu mang thai
Khi trứng đã thụ tinh làm tổ ở thành tử cung, bạn sẽ có cảm giác đau nhẹ, đau lâm râm ở vùng bụng dưới giống như đau bụng kinh. Điều này khiến nhiều chị em không biết nên dễ lầm tưởng bị đau bụng kinh nhưng không ra máu.
Hiện tượng đau bụng kinh và đau bụng có thai có thể khó nhận biết. Đa phần, đau bụng có thai thường xảy ra ở vùng bụng dưới và lưng dưới. Đi cùng với đó là các dấu hiệu mang thai khác như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, ngực căng tức, đi tiểu nhiều, chóng mặt…
Đau bụng có thai cũng có thể đi cùng với dấu hiệu ra máu báo thai. Không giống với kinh nguyệt, máu báo thai thường ra rất ít, có màu hồng nhạt hoặc màu nâu đậm, không chứa nhiều dịch, không vón cục và không có mùi.
2. Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung là tình trạng thai nhi phát triển bên ngoài tử cung, thường là ở một trong hai ống dẫn trứng. Đây là một tình trạng nguy hiểm, cần được can thiệp sớm bởi có thể đe dọa đến tính mạng của người mẹ.
Nếu bạn gặp phải tình trạng tới tháng đau bụng nhưng không có kinh, cơn đau bụng xuất hiện đột ngột, đau kéo dài, đau âm ỉ, đau mạnh ở một bên của bụng dưới, có thể lan đến vai và lưng dưới, mức độ cơn đau tăng dần thì bạn có thể nghi ngờ mang thai ngoài tử cung.
Trước khi thấy đau bụng, bạn cũng có thể gặp phải các dấu hiệu mang thai như buồn nôn và đau ngực. Tuy nhiên, không phải ai cũng có các triệu chứng này.
3. Rối loạn kinh nguyệt do rối loạn nội tiết tố
Tại sao đau bụng kinh mà không ra máu hay tới tháng đau bụng nhưng không có kinh? Bạn có biết căng thẳng, ăn uống không khoa học, lối sống thiếu lành mạnh, ít vận động… có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố, nhất là 2 hormone progesterone và estrogen có tác dụng chi phối chức năng của buồng trứng và quá trình rụng trứng.
Khi hormone bị mất cân bằng sẽ dẫn đến rối loạn kinh nguyệt với biểu hiện chính là chậm kinh, máu kinh ít và thời gian hành kinh ngắn. Nếu bạn đau bụng kinh nhưng không ra máu, trước đó không có quan hệ tình dục hoặc khi quan hệ có thực hiện các biện pháp tránh thai thì có thể nghĩ đến nguyên nhân này.
4. Tắc kinh: Nguyên nhân tới tháng đau bụng nhưng không có kinh
Đau bụng kinh nhưng không ra máu hoặc máu ra quá ít, nhỏ giọt thì nguyên nhân có thể là do bạn bị tắc kinh. Dấu hiệu dễ nhận biết là trễ kinh trong nhiều ngày hoặc nhiều tháng, kinh nguyệt bình thường nhưng bỗng nhiên không có kinh trong 2 – 3 tháng sau đó.
Có rất nhiều nguyên nhân gây tắc kinh, trong đó thường gặp là rối loạn nội tiết tố khiến quá trình phát triển trứng bị rối loạn, trứng không rụng. Ngoài ra, có một số nguyên nhân bệnh lý khác như buồng trứng đa nang, các bệnh tuyến giáp, bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, viêm tắc ống dẫn trứng…
5. Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô trong lòng tử cung tử cung phát triển ra bên ngoài tử cung, làm tổn thương vòi trứng, ống dẫn trứng, buồng trứng, ruột hoặc các mô trong sàn chậu.
Các mô này cũng bị bong và chảy máu trong chu kỳ kinh nguyệt nhưng máu có thể không chảy ra ngoài mà bị tích lại, khiến bạn đau bụng kinh nhưng không ra máu và đi cùng với nhiều triệu chứng khác.
Tới tháng đau bụng nhưng không có kinh do lạc nội mạc tử cung cũng khá giống đau bụng kinh nhưng bạn có thể thấy thấy đau ở bất cứ thời điểm nào trong tháng. Ngoài ra, một số triệu chứng dễ nhận biết khác là:
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau nhiều ở thắt lưng và vùng bụng dưới rốn
- Đau khi đi ngoài hoặc đi tiểu nếu các mô nội mạc tử cung xuất hiện ở ruột hoặc bàng quang
6. U nang buồng trứng
Nang là cấu trúc dạng túi, chứa đầy chất lỏng hoặc chất rắn như bã đậu, hình thành trên bề mặt hoặc bên trong buồng trứng. Đây là bệnh lý phụ khoa thường gặp và có thể gây cản trở quá trình rụng trứng, khiến bạn đau bụng kinh nhưng không ra máu.
Nếu đau bụng do u nang buồng trứng, bạn sẽ thấy cơn đau xuất hiện đột ngột, đau dữ dội ở phần bụng dưới rốn, cơn đau có lan sang đùi hoặc lưng dưới. Ngoài ra, bạn cũng có thể có các triệu chứng như đau nặng, tức vùng bụng dưới, đau khi quan hệ, tăng cân không rõ nguyên nhân, đi tiểu nhiều lần hoặc tiểu khó…
7. Đa nang buồng trứng
Tới tháng đau bụng nhưng không có kinh có thể là dấu hiệu của hội chứng đa nang buồng trứng. Đây là tình trạng dư thừa hormone androgen trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng, phát triển lông tóc, tăng cân và nhạy cảm với insulin.
Buồng trứng đa nang có thể làm xuất hiện các chu kỳ không rụng trứng, khiến bạn bị đau bụng kinh nhưng không ra máu hay đau bụng dưới âm ỉ nhưng không có kinh nguyệt. Ngoài ra, bạn còn có thể gặp phải các triệu chứng như rậm lông, mụn, thừa cân, rụng tóc, buồng trứng rất nhiều nang khi siêu âm…
8. Các bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ, có hình cánh bướm, nằm phía trước cổ, có chức năng sản xuất hormone điều hòa nhiều hoạt động của cơ thể, trong đó có quá trình rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt.
Nếu tuyến giáp gặp vấn đề, hormone tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoặc quá ít đều có thể gây ra các bất thường về kinh nguyệt như chậm kinh, không có kinh khiến bạn tới tháng đau bụng kinh nhưng không có kinh nguyệt. Kèm theo đó là sự xuất hiện của các triệu chứng của bệnh tuyến giáp như cân nặng thay đổi bất thường (tăng hoặc giảm cân nhanh), tim đập nhanh, rụng tóc…
Tới tháng đau bụng nhưng không có kinh phải làm sao?
Lúc này, bạn nên để ý quan sát các dấu hiệu khác của cơ thể và có thể dùng que thử thai để xác định chắc chắn. Lưu ý là bạn chỉ nên thử thai sau ít nhất 5 ngày trễ kinh. Nếu kết quả que thử thai 2 vạch, bạn nên sắp xếp thời gian đi khám thai lần đầu.
Còn nếu nguyên nhân không phải là do mang thai mà là trong chu kỳ kinh nguyệt, bạn bị căng thẳng, ăn uống không điều độ, sinh hoạt lành mạnh… khiến kinh nguyệt bị chậm hoặc không có kinh thì bạn có thể:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống của bản thân. Chú ý ăn uống đầy đủ, bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.
- Tích cực tập thể dục thể thao thường xuyên, bạn có thể tập một vài động tác vận động nhỏ mỗi sáng tầm 15-30 phút hoặc tập luyện các bài tập yoga…
- Ăn các thực phẩm giúp kinh nguyệt ra nhanh hơn như thực phẩm giàu vitamin C (trái cây họ cam quýt, bông cải xanh, cải bó xôi, cà chua…), dứa, gừng, nghệ, rau mùi tây…
- Chú ý nghỉ ngơi, tránh làm việc quá căng thẳng. Bạn có thể thực hiện các hoạt động giúp thư giãn như đọc sách, nghe nhạc, xem phim… Ngoài ra, bạn cũng cần ngủ đủ giấc và tránh thức khuya.
- Hạn chế dùng rượu, bia, thuốc lá vì những thói quen này có thể làm ảnh hưởng đến nội tiết tố, gây rối loạn kinh nguyệt và dẫn đến tình trạng đau bụng nhưng không ra máu hay cảm thấy đau bụng dưới âm ỉ nhưng không có kinh.
Nếu tình trạng tới tháng đau bụng nhưng không có kinh kéo dài 2 – 3 tháng hoặc có đi cùng với các triệu chứng bất thường liên quan đến các bệnh lý kể trên, tốt nhất bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị.
[embed-health-tool-ovulation]