Kinh nguyệt đến sớm có sao không? Bạn không cần quá lo lắng về hiện tượng có kinh sớm nếu tình trạng này thỉnh thoảng mới xảy ra. Đôi khi kinh nguyệt đến sớm chỉ là một “biến động” bình thường trong chu kỳ kinh nguyệt.
Tình trạng kinh nguyệt đến sớm hoặc muộn hơn chu kỳ bình thường là kết quả của sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì và tiền mãn kinh. Tuy nhiên, nếu việc có kinh sớm thường xuyên diễn ra thì đây cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn.
Trong bài viết sau, bác sĩ Tạ Trung Kiên sẽ chia sẻ cùng Hello Bacsi về những nguyên nhân có kinh sớm thường gặp và gợi ý giải pháp để bạn kiểm soát chu kỳ kinh của mình tốt hơn.
Kinh nguyệt đến sớm có sao không?
Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ dao động trong khoảng từ 21 – 39 ngày, trong đó số ngày hành kinh sẽ diễn ra từ 2 – 7 ngày tùy theo cơ địa từng người. Tuy nhiên, các mốc thời gian này thỉnh thoảng sẽ xê dịch đôi chút chứ không cố định hoàn toàn. Chính vì vậy mà nhiều chị em phụ nữ cũng có thắc mắc và lo lắng rằng, liệu tới tháng sớm thì có sao không, cụ thể là có kinh sớm hơn 5 ngày thì có sao không?
Thông thường, nếu tình trạng có kinh sớm này chỉ thỉnh thoảng xảy ra thì không phải vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu kinh nguyệt thường xuyên đến sớm (trên 3 tháng) thì có thể liên quan đến một số tình trạng sức khỏe. Lúc này, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
9 nguyên nhân khiến kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường
Bản chất của vấn đề kinh nguyệt không đều hoặc có kinh nguyệt sớm hơn so với chu kỳ dự kiến là do sự mất cân bằng hormone. Đôi khi tình trạng tới tháng sớm xảy ra không vì nguyên nhân gì cả và chưa chắc đó là điều bất thường.
Tuy nhiên, nếu bạn đang cảm thấy lo lắng về việc hành kinh sớm hay kinh nguyệt đến sớm thì có thể tìm hiểu những nguyên nhân thường gặp sau đây.
1. Kinh nguyệt không đều do mới bắt đầu hoặc sắp kết thúc việc hành kinh
Chu kỳ kinh không đều thường xảy ra đối với lứa tuổi dậy thì; hoặc phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Nguyên nhân là vì ở 2 giai đoạn này, nồng độ hormone thường có nhiều “biến động” và ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của phái nữ.
- Ở độ tuổi dậy thì
Tới tháng sớm ở độ tuổi dậy thì có sao không? Nếu việc này thỉnh thoảng diễn ra, bạn không cần quá lo lắng khi kinh nguyệt không đều. Vì chu kỳ của bạn sẽ tự trở nên đều đặn hơn theo thời gian khi bạn dần trưởng thành.
- Ở độ tuổi tiền mãn kinh
Đối với phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh, việc kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường không phải là vấn đề đáng lo ngại. Thông thường khi mãn kinh, kinh nguyệt sẽ bị kéo dài dần. Chị em nên có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và có thể đi khám nếu kinh nguyệt đến sớm trong 3 kỳ liên tiếp.
2. Kinh nguyệt đến sớm do dùng thuốc tránh thai
Tại sao có kinh sớm? Những phương pháp tránh thai liên quan đến nội tiết tố nữ đều có thể là nguyên nhân khiến bạn tới tháng sớm hoặc muộn. Bao gồm:
- Thuốc tránh thai hàng ngày
- Thuốc tránh thai khẩn cấp
- Tiêm thuốc tránh thai…
Nguyên nhân là vì thuốc tránh thai có chứa hormone làm ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng bình thường. Vì vậy, sau khi dùng thuốc thì kinh nguyệt có thể không đều trong 2 – 3 tháng đầu. Bên cạnh đó, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như chuột rút, đau ngực, đau đầu, buồn nôn, nổi mụn…
Kinh nguyệt đến sớm do sử dụng thuốc tránh thai
3. Tác dụng phụ của thuốc khiến kỳ kinh đến sớm
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt như:
- Thuốc chống đông máu
- Thuốc tuyến giáp
- Thuốc aspirin, ibuprofen.
Do đó, nếu đang phải dùng thuốc để điều trị bệnh thì đây rất có thể là nguyên nhân khiến chị em có kinh sớm hơn so với bình thường. Nếu việc tới tháng sớm khiến bạn cảm thấy lo lắng, hãy đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề này để có hướng xử lý, điều trị phù hợp.
4. Nguyên nhân do mắc bệnh phụ khoa
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt mà có liên quan đến các bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ có thể khiến cho âm đạo
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt mà có liên quan đến các bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ có thể khiến cho kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường. Các bệnh phụ khoa có thể kể đến như: Buồn trứng đa nang (PCOS), lạc nội mạc tử cung, viêm âm đạo, u xở tử cung…
Những bệnh lý này không chỉ khiến cho chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn mà còn kéo theo các triệu chứng khác như:
- Khó có con
- Mụn cơ thể nhiều
- Kinh nguyệt không đều
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau bụng dưới, đau lưng nghiêm trọng khi hành kinh
- Gây ra tình trạng chảy máu bất thường, chảy máu nhiều.
5. Kinh nguyệt bất thường do mắc bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, bệnh lậu, bệnh giang mai, sùi mào gà ở nữ và các bệnh có liên quan khác có thể dẫn đến tình trạng chảy máu âm đạo hoặc ra máu bất thường giữa chu kỳ. Tuy nhiên chị em phụ nữ lại tưởng rằng tình trạng ra máu này là do kinh nguyệt đến sớm, nên đã phớt lờ và bỏ qua tình trạng.
Do đó, nếu tình trạng ra máu bất thường giữa chu kỳ có kèm theo các triệu chứng này thì chị em nên lưu ý, vì khả năng cao là có liên quan đến các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Âm đạo tiết dịch vàng, đi tiểu thường xuyên, đau khi quan hệ, rát buốt khi đi tiểu.
Nguyên nhân kinh nguyệt đến sớm do mắc bệnh lây qua đường tình dục
6. Có kinh sớm hoặc trễ do căng thẳng
Tình trạng căng thẳng nghiêm trọng có thể làm rối loạn hormone và gây ra hiện tượng kinh nguyệt không đều hoặc có kinh nguyệt sớm.
Hơn nữa tình trạng căng thẳng cũng gây ra nhiều vấn đề bất lợi cho sức khỏe như khó ngủ, khó tập trung, tăng hoặc giảm cân không lý do… Vì vậy, bạn nên dành thời gian để nghỉ ngơi, tập thể dục hoặc giải trí lành mạnh để giải tỏa cảm xúc tiêu cực và giúp nồng độ hormone ổn định hơn nhé!
7. Kinh nguyệt không đều do tập thể dục cường độ mạnh
Việc tập các bài tập thể dục cường độ mạnh có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Thông thường, tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các vận động viên phải luyện tập hàng nhiều giờ mỗi ngày.
Vì nếu không có đủ năng lượng, cơ thể không sản xuất đủ hormone cần thiết để quá trình rụng trứng diễn ra như bình thường.
8. Hành kinh bất thường do thay đổi cân nặng
Hiện tượng có kinh nguyệt sớm hoặc trễ đôi khi cũng liên quan đến những thay đổi về cân nặng. Kinh nguyệt không đều thường xảy ra ở những chị em bị tăng cân hoặc sụt cân đột xuất. Đặc biệt là việc giảm cân nhanh chóng do ăn kiêng quá mức, rối loạn ăn uống hoặc sau phẫu thuật cắt dạ dày rất dễ khiến kinh nguyệt không đều.
Nguyên nhân là vì khi cơ thể bị đói thường tự động dự trữ và dùng năng lượng cho các hoạt động quan trọng, chẳng hạn như hô hấp để duy trì sự sống. Những chức năng không quá quan trọng như sản xuất hormone sinh sản sẽ bị ngưng trệ, do đó gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Khi tăng cân quá nhiều, mỡ góp phần tiết hormone estrogen làm ảnh hưởng chu kỳ.
9. Ra huyết âm đạo bất thường do nguyên nhân ác tính
Tới tháng sớm có sao không? Bạn hãy cẩn trọng với triệu chứng ra máu âm đạo giữa chu kỳ kinh hoặc ra huyết nhiều hơn các kỳ kinh trước đó. Đây có thể là dấu hiệu của ung thư nếu bạn bị ra huyết âm đạo bất thường!
Việc ra huyết âm đạo do một bệnh lý ác tính như: ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung. Bệnh thường gặp ở những phụ nữ đã qua độ tuổi sinh sản, lượng xuất huyết có thể bị nhầm lẫn là một kỳ kinh sớm.
Đôi khi rối loạn kinh nguyệt kèm với triệu chứng bỗng nhiên ngực tiết sữa cũng là một gợi ý cho bệnh ung thư tuyến yên. Do đó, bạn cần chú ý nếu không có thai mà vẫn tiết sữa.
Bạn nên làm gì khi kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường?
Hầu hết các trường hợp hành kinh sớm ở nữ giới đang dậy thì hay mãn kinh thường không nghiêm trọng. Chu kỳ kinh nguyệt thường sẽ trở lại bình thường ở nữ giới dậy thì, hoặc sẽ thưa dần và biến mất ở phụ nữ mãn kinh. Nếu bạn không mắc bệnh phụ khoa, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, bạn có thể “đối phó” với chu kỳ kinh không đều bằng một số giải pháp sau:
1. Sử dụng app theo dõi chu kỳ kinh nguyệt
Việc sử dụng một trong các ứng dụng theo dõi chu kỳ kinh có thể giúp bạn biết được mình có kinh sớm hoặc trễ bao nhiêu ngày. Một số app còn cho phép bạn ghi chú lại các triệu chứng hàng ngày hoặc khi hành kinh. Tính năng hữu ích này sẽ giúp bạn lưu lại những thông tin cần thiết khi đi kiểm tra sức khỏe hoặc khám phụ khoa.
Gợi ý cho bạn: Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt diễn ra thế nào?
2. Luôn có sự chuẩn bị khi ra ngoài
Nếu bạn thường “rụng dâu” không đúng ngày, lúc có kinh sớm lúc lại bị muộn thì nên chuẩn bị sẵn băng vệ sinh hay cốc nguyệt san hoặc tampon… và đồ lót trong túi xách mỗi khi ra ngoài.
Đặc biệt là với những chị em bận rộn trong công việc và không chú ý đến ngày “đèn đỏ” thì đây chính là giải pháp an toàn nhất khi bạn bất ngờ bị “rụng dâu”.
3. Ngủ đủ giấc
Tình trạng thiếu ngủ hoặc thời gian ngủ bất thường do công việc sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Vì vậy, nếu phải làm việc ca đêm thì bạn hãy cố gắng cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình nhiều nhất có thể.
Lời khuyên để hạn chế kinh nguyệt đến sớm là bạn nên ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày. Nếu vì tính chất công việc phải ngủ ngày, thức đêm thì bạn nên đảm bảo điều kiện phòng ngủ tối, yên tĩnh và mát mẻ.
4. Ăn uống lành mạnh và đủ chất để tránh có kinh sớm
Chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng là “chìa khóa” giúp bạn khỏe mạnh về thể chất lẫn khả năng sinh sản. Hơn nữa, bạn cần ăn đủ chất, không nên tập thể dục quá sức và ăn kiêng khắc nghiệt để đảm bảo cơ thể luôn có đủ năng lượng dành cho việc sản xuất các hormone cần thiết.
5. Tầm soát ung thư định kỳ
Phụ nữ nên tầm soát ung thư cổ tử cung mỗi 3-5 năm một lần. Nếu tình trạng kinh nguyệt không đều diễn ra liên tục, cơ thể sụt cân, mệt mỏi thì nên đi khám để được tư vấn.
Kết luận
Tóm lại, việc có kinh nguyệt sớm hay tới tháng sớm không hẳn là vấn đề nghiêm trọng nếu chỉ thỉnh thoảng xảy ra hoặc không có triệu chứng bất thường đi kèm. Bên cạnh đó, chu kỳ kinh nguyệt ở mỗi phụ nữ cũng khác nhau. Bạn nên xác định được nguyên nhân khiến mình có kinh sớm hoặc trễ để có hướng điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp.
Ngoài ra, bạn có thể tham gia Cộng đồng Sức khỏe phụ nữ của chúng tôi để thoải mái tâm sự và nhận lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia và bác sĩ từ Hello Bacsi!
[embed-health-tool-ovulation]