Theo các chuyên gia sức khỏe, khi tế bào cổ tử cung biến đổi bất thường sẽ mất từ 3 đến 7 năm để phát triển thành ung thư. Do đó, việc tầm soát thường xuyên giúp phát hiện những thay đổi bất thường trong tế bào cổ tử cung, từ đó ngăn ngừa ung thư phát triển và tăng cơ hội điều trị.
Với những phụ nữ có tế bào cổ tử cung biến đổi nhẹ, các bác sĩ thường sẽ chỉ định theo dõi cho đến khi các tế bào trở về bình thường. Trường hợp biến đổi nặng sẽ được điều trị cắt bỏ vùng tổn thương.
Những phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung
Hiện nay, có 2 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung được sử dụng phổ biến nhất là xét nghiệm Pap (PAP- Smear), và xét nghiệm tìm virus gây u nhú ở người (virus HPV) còn gọi là xét nghiệm HPV. Cả hai xét nghiệm đều sử dụng các tế bào lấy từ cổ tử cung.
Các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện kết hợp xét nghiệm HPV với xét nghiệm PAP- Smear giúp sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả cao nhất
1. Xét nghiệm Pap smear (còn gọi là Pap hoặc phết tế bào tử cung)
Với xét nghiệm này, bác sĩ sẽ kiểm tra mẫu được lấy từ cổ tử cung của bạn để tìm tế bào ung thư hoặc các tế bào bất thường có thể trở thành ung thư. Nếu kết quả bình thường, các bác sĩ thường đề nghị bạn kiểm tra định kỳ mỗi 3 năm một lần. Độ tuổi thích hợp để thực hiện xét nghiệm Pap smear là từ 21 tuổi trở lên.
2. Xét nghiệm tìm virus gây u nhú ở người (virus HPV)

HPV – virus gây u nhú ở người (HPV) là một loại vi rút rất phổ biến có thể lây truyền qua da kề da hoặc quan hệ tình dục. Có hơn 100 loại HPV, 70% trường hợp nhiễm trùng dẫn đến ung thư cổ tử cung là do HPV type 16 và HPV type 18 gây ra.
Việc thực hiện xét nghiệm virus gây u nhú ở người (HPV) hay còn gọi là xét nghiệm HPV nhằm tìm kiếm virus có nguy cơ cao HPV type 16 và 18 cũng như 12 loại virus nguy cơ cao khác gây ra những thay đổi trong tế bào cổ tử cung. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện kết hợp xét nghiệm virus HPV và xét nghiệm Pap smear để cho ra kết quả chính xác nhất.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!