backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Đi tiểu đêm nhiều ở nữ giới: Dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm? Làm cách nào để khắc phục?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 27/09/2021

    Đi tiểu đêm nhiều ở nữ giới: Dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm? Làm cách nào để khắc phục?

    Tiểu đêm ở phụ nữ mang thai là tình trạng mà mẹ bầu nào cũng than phiền. Nhưng ngoài thai kỳ, đi tiểu đêm nhiều ở nữ giới liệu có bình thường? Hay tiểu đêm nhiều là bệnh lý gì ở phụ nữ và ảnh hưởng thế nào? Cách nào để khắc phục tình trạng này? 

    Nếu bạn đang rơi vào tình trạng này và đang đi tìm lời giải đáp, hãy đọc ngay những thông tin được chia sẻ trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi nhé! 

    Thế nào là tiểu đêm nhiều? 

    Nếu bạn phải thức giấc để đi vệ sinh nhiều hơn một lần (thậm chí lên đến 3-5 lần) mỗi đêm, có thể bạn đã mắc chứng tiểu đêm. Ngoài tần suất đi vệ sinh mỗi đêm, chứng tiểu đêm còn được biểu hiện bởi các dấu hiệu như: 

    • Buồn tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu rất ít. 
    • Lượng nước tiểu quá nhiều trong mỗi lần đi vệ sinh. 

    Nói cách khác, đi tiểu đêm nhiều lần ở nữ giới được nghi ngờ là chứng tiểu đêm khi tình trạng này làm xáo trộn giấc ngủ và thậm chí chất lượng của cuộc sống của người mắc phải. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. 

    Đi tiểu đêm nhiều ở nữ giới là biểu hiện của bệnh lý gì?

    đi tiểu đêm nhiều ở nữ giới

    Tiểu đêm nhiều chưa hẳn là dấu hiệu của bất thường về sức khỏe hay bệnh lý mà có thể là do thói quen sinh hoạt hay tác dụng phụ của loại thuốc bạn đang dùng. 

    Thói quen sinh hoạt, ăn uống 

    Một số nguyên nhân đi tiểu đêm nhiều ở nữ giới không do bệnh lý như:

  • Uống nhiều nước vào ban đêm (đặc biệt là lạm dụng thức uống có cồn hay caffeine), nhất là trong vòng khoảng 1 giờ trước khi đi ngủ. 
  • Bạn đã vô tình tạo cho cơ thể đồng hồ sinh học thức dậy để đi vệ sinh dù bạn không có nhu cầu. 
  • Rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hay ngưng thở khi ngủ. 
  • Một số loại thuốc: thuốc lợi tiểu, glycoside tim, demeclocyclin, lithium, methoxyfluran, phenytoin, propoxyphen và vitamin D liều cao dùng vào buổi tối cũng làm bạn thức giấc để đi tiểu nhiều lần. 
  • Mang thai và sinh con: Khi mang thai, lượng nước tiểu tăng do thận tăng hoạt kèm theo tăng hoạt bàng quang, là nguyên nhân điển hình gây chứng đi tiểu đêm nhiều ở nữ giới.
  • Thời kỳ mãn kinh và tiền mãn kinh.
  • Nguyên nhân đi tiểu đêm nhiều xuất phát từ bệnh lý ở nữ giới

    Tiểu đêm hay các rối loạn đi tiểu khác là dấu hiệu cho những bệnh lý điển hình sau ở phụ nữ:

    • Sa âm đạo (còn gọi chung là sa sinh dục) hay khung sàn chậu suy yếu không chỉ ảnh hưởng đến tử cung và âm đạo mà còn ảnh hưởng đến bàng quang với triệu chứng điển hình là rối loạn đi tiểu.  
    • Bệnh đái tháo đường. 
    • Rối loạn mạch máu như huyết áp cao và xơ vữa động mạch. 
    • Bệnh tim hay suy tim xung huyết.
    • Viêm nhiễm bàng quang, sỏi bàng quang hay bất kỳ lý do nào dẫn đến tắc nghẽn bàng quang.
    • Bàng quang tăng hoạt động quá mức (Hội chứng tăng hoạt bàng quang – OAB): Đây được xem là nguyên nhân phổ biến gây chứng tiểu đêm ở nữ giới. Theo Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ, có đến 40% phụ nữ hiện nay đang phải chung sống với hội chứng này (nhiều hơn ở nam giới).
    • Phù ở chi dưới hay phù chân. 
    • Đa niệu về đêm: thận tăng bài tiết nước tiểu, vượt quá sức chứa của bàng quang.
    • Giảm sức chứa bàng quang. 
    • Nhiễm trùng đường tiết niệu. 

    Đi tiểu đêm nhiều gây ra những ảnh hưởng gì ở nữ giới? 

    Trước đây, tình trạng đi tiểu đêm được cho là phổ biến và được quan tâm ở nam giới. Nhưng sau nhiều nghiên cứu cho thấy chứng tiểu đêm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cả 2 giới. Tuổi tác càng cao, tình trạng này càng diễn ra thường xuyên. 

    Đi tiểu đêm nhiều ở nữ giới khi còn trẻ làm gián đoạn giấc ngủ, khiến sức khỏe xuống dốc, luôn trong trạng thái mệt mỏi. Hơn nữa, còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn mạch máu nguy hiểm như đột quỵ. Do đó, dù có thể chứng tiểu đêm chỉ xuất phát từ thói quen sinh hoạt nhưng lại dẫn đến biến chứng nguy hiểm, khó kiểm soát. Khi phát hiện dấu hiệu chứng tiểu đêm, bạn cần đến gặp bác sĩ thận – tiết niệu sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp kịp thời.

    Cách xử lý tình trạng đi tiểu đêm nhiều ở nữ giới

    đi tiểu đêm nhiều ở nữ giới

    Tình trạng đi tiểu đêm nhiều ở nữ giới được điều trị như thế nào? Thực tế là dựa theo nguyên nhân gây ra tình trạng đi tiểu đêm nhiều mà các bác sĩ chuyên khoa thận – tiết niệu có thể đề nghị sử dụng các biện pháp kết hợp dùng thuốc hoặc không. 

    Các phương pháp không cần dùng thuốc 

    Trước tiên, bạn cần nắm rõ lịch trình sinh hoạt của bản thân để tìm ra yếu tố ảnh hưởng đến việc bài tiết nước tiểu hay tăng hoạt bàng quang. Từ đó, đưa ra biện pháp phù hợp, chẳng hạn như: 

    • Uống nhiều nước trong ngày nhưng hạn chế uống nước trong vòng 2-4 giờ trước khi ngủ. Ngưng dùng rượu hay các thức uống có chứa caffeine sau giờ chiều tối. 
    • Tránh một số thực phẩm có chứa chất kích thích bàng quang như socola, đồ cay… nhằm hạn chế làm tăng hoạt bàng quang về đêm.
    • Thường xuyên rèn luyện các bài tập Kegel hay vật lý trị liệu giúp tăng cường cơ sàn chậu và cải thiện khả năng kiểm soát cơ bàng quang.
    • Nếu bạn đang dùng những loại thuốc có tác dụng lợi tiểu, nên lưu ý uống thuốc trước khi ngủ ít nhất 6 giờ để đảm bảo hạn chế số lần đi tiểu đêm. 

    Phương pháp dùng thuốc để kiểm soát chứng tiểu đêm 

    Nếu việc thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày vẫn không cải thiện tình trạng đi tiểu đêm nhiều lần ở phụ nữ. Bác sĩ điều trị có thể cân nhắc một số biện pháp dùng thuốc như: 

    • Thuốc kháng cholinergic để điều trị các vấn đề về cơ bàng quang. 
    • Thuốc giúp giảm lượng nước tiểu bài tiết ở thận.
    • Thuốc lợi tiểu khuyến khích đi tiểu vào ban ngày và giảm lượng nước tiểu trong bàng quang về đêm. 

    Đi tiểu đêm nhiều lần ở nữ giới có thể không phải xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý nhưng lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sức khỏe. Do đó, chị em phụ nữ hãy chú ý quan tâm sức khỏe của mình mỗi ngày để vui khỏe hơn nhé! 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 27/09/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo