Khi bước vào giai đoạn dậy thì và làm quen với chu kỳ kinh nguyệt, bé có thể có nhiều thắc mắc như bị trễ kinh ở tuổi dậy thì có sao không, cách điều hòa chu kỳ ra sao và khi nào cần đi khám.
Học cách làm quen với chu kỳ kinh nguyệt ở độ tuổi dậy thì không hề dễ dàng vì bé phải trải qua các dấu hiệu tiền kinh nguyệt hay sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể không mấy dễ chịu. Vậy nên, không ngạc nhiên khi bé có nhiều băn khoăn như tại sao kinh nguyệt của mình không đều, bị trễ kinh ở tuổi dậy thì có sao không, làm gì khi mất kinh nguyệt… Hãy cùng Hello Bacsi trả lời những thắc mắc này để bé tự tin phát triển trong giai đoạn dậy thì này nhé!
Nguyên nhân khiến bé bị trễ kinh ở tuổi dậy thì
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ dậy thì kinh nguyệt không đều. Bạn có thể tham khảo một số nguyên nhân thường gặp như sau:
1. Rối loạn nội tiết tố
Ở tuổi dậy thì, cơ thể vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên hệ nội tiết tố còn chưa hoàn thiện. Điều này khiến chu kỳ thay đổi nội tiết tố trong cơ thể không được ổn định, từ đó ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và kinh nguyệt.
2. Chế độ dinh dưỡng
Thắc mắc bị trễ kinh ở tuổi dậy thì có sao không thì câu trả lời là tình trạng này có liên hệ chặt chẽ với chế độ ăn uống của bé. Tình trạng chán ăn hoặc ăn vô độ đều có thể khiến chế độ dinh dưỡng bị mất cân bằng, từ đó dẫn đến tình trạng trễ kinh ở tuổi dậy thì.
3. Tác dụng phụ của thuốc
Có nhiều loại thuốc có thể gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều như thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, hóa trị ung thư hoặc thuốc chống loạn thần. Ngoài ra, một số biện pháp tránh thai cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và mức độ kinh nguyệt nhiều hay ít dù trẻ đã ngừng sử dụng.
4. Cân nặng quá thấp hoặc quá cao
Những bé thừa cân với lượng mỡ trong cơ thể cao có thể gặp một số thay đổi trong quá trình rụng trứng, từ đó dẫn đến tình trạng trễ kinh ở tuổi dậy thì. Ngược lại, những bé ăn uống không đầy đủ khiến cân nặng cơ thể quá thấp cũng có thể gặp tình trạng mất kinh. Điều này là do cơ thể “tắt” chức năng sinh sản vì thiếu dinh dưỡng.
5. Căng thẳng
Căng thẳng cường độ cao cũng có thể ảnh hưởng đến vùng dưới đồi, phần não kiểm soát nội tiết tố giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Khi đã kiểm soát được mức độ căng thẳng, chu kỳ kinh nguyệt thường sẽ trở lại bình thường.
6. Tập luyện thể thao quá mức
Việc tập luyện thể chất quá nhiều có thể khiến lượng mỡ trong cơ thể quá thấp, dẫn đến mất chu kỳ kinh nguyệt.
7. Mang thai
Khi bắt đầu thai kỳ, bé sẽ mất chu kỳ kinh nguyệt.
8. Các vấn đề khác
Ngoài những lý do kể trên, trẻ dậy thì kinh nguyệt không đều còn có thể do:
- Bệnh lý: Một số bệnh mãn tính như bệnh Crohn, xơ nang, bệnh hồng cầu lưỡi liềm, bệnh lupus, bệnh tiểu đường và bệnh celiac có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
- Vấn đề rụng trứng: Chu kỳ rụng trứng có bất thường có thể gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh.
- Rối loạn tuyến giáp: Trong nhiều trường hợp, tuyến giáp hoạt động kém hoặc hoạt động quá mức có thể gây mất cân bằng nội tiết tố tuyến giáp, từ đó dẫn đến tình trạng mất kinh.
- U tuyến yên: U tuyến yên là tình trạng có khối u phát triển trong não, gây ảnh hưởng đến chức năng bình thường của nội tiết tố. Điều này có thể khiến bé mất quá trình rụng trứng và trễ kinh.
- Vấn đề về thể chất (khuyết tật bẩm sinh): Nếu bé không có kinh nguyệt dù con đã 15 tuổi thì có thể hệ sinh sản của bé đang có khuyết tật bẩm sinh ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng hoặc con có vách ngăn âm đạo hay màng trinh không thủng dẫn tới máu kinh không ra ngoài được.
8 nguyên nhân bị trễ kinh ở tuổi dậy thì phổ biến
- Rối loạn nội tiết tố
- Ảnh hưởng từ chế độ dinh dưỡng
- Tác dụng phụ của thuốc
- Cân nặng quá thấp hoặc quá cao
- Căng thẳng
- Tập luyện thể thao quá mức
- Mang thai
- Các vấn đề khác như: có vấn đề về rụng trứng, u tuyến yên, rối loạn tuyến giáp, hệ sinh sản có khiếm khuyết…
Bé bị trễ kinh ở tuổi dậy thì có sao không? Khi nào cần đi khám?
Đến đây chắc hẳn là các bậc cha mẹ và các bé đã phần nào giải đáp được nỗi băn khoăn bị trễ kinh ở tuổi dậy thì có sao không. Lưu ý là bé cần chú ý thăm khám sớm trong các trường hợp sau:
- Đã quan hệ tình dục và bị trễ kinh. Nếu đã quan hệ tình dục mà không dùng biện pháp bảo vệ, bé có thể trễ kinh vì đã mang thai.
- Bé từng có kinh nguyệt đều đặn nhưng chu kỳ hiện tại lại không đều.
- Bé mất kinh nguyệt.
- Bé gặp tình trạng lông trên mặt, cằm, ngực hoặc bụng phát triển nhiều hơn bình thường.
- Kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày và ra nhiều kinh nguyệt hơn
- Chu kỳ kinh nguyệt dưới 21 ngày hoặc hơn 45 ngày.
- Bé bị đau bụng kinh dữ dội.
- Bé ra máu dù không trong kỳ kinh nguyệt.
- Kinh nguyệt không đều trong 3 năm hoặc hơn.
Khi đi khám, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nội tiết tố hoặc khuyến nghị thay đổi lối sống để giúp trẻ có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.
Các câu hỏi thường gặp về vấn đề kinh nguyệt tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì mang đến nhiều thay đổi về cơ thể và cả tâm lý, khiến các bé có nhiều băn khoăn không biết hỏi ai. Đặc biệt là các bé gái bắt đầu làm quen với chu kỳ kinh nguyệt có thể có rất nhiều thắc mắc thầm kín ngoài băn khoăn bị trễ kinh ở tuổi dậy thì có sao không. Dưới đây là các thắc mắc thường gặp mà Hello Bacsi nhận được:
1. Dấu hiệu cho biết sắp có kinh
Thói quen chú ý đến những dấu hiệu cho biết kỳ kinh sắp đến sẽ giúp trẻ chuẩn bị tốt hơn cho ngày đèn đỏ, đặc biệt khi chu kỳ của bé không đều. Những dấu hiệu báo kỳ kinh sắp tới ở tuổi dậy thì có thể là:
- Giảm khả năng tập trung
- Thay đổi trong ham muốn tình dục
- Mệt mỏi, căng thẳng, buồn bã
- Mất ngủ
- Tâm trạng thất thường
- Thèm ăn
- Giảm hứng thú tham gia hoạt động xã hội
- Đau đầu, đau ngực, đau khớp/đau cơ
- Nổi mụn
- Chướng bụng
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Cơ thể giữ nước
- Đau vùng chậu
2. Dấu hiệu sắp hết kinh nguyệt ở tuổi dậy thì
Gần cuối kỳ kinh nguyệt, bạn sẽ thấy lượng máu kinh giảm dần cũng như có màu sậm hơn. Ngoài ra, các dấu hiệu tiền kinh nguyệt và trong chu kỳ kinh nguyệt như căng cơ, đầy hơi và mất ngủ sẽ giảm. Khi chu kỳ kết thúc, mức estrogen sẽ bắt đầu tăng trở lại, tử cung tái tạo lớp niêm mạc và trứng bắt đầu quá trình trưởng thành trong nang trứng để chuẩn bị cho chu kỳ rụng trứng. Sự gia tăng estrogen giúp nội tiết tố trong cơ thể ổn định lại nên bạn sẽ cảm thấy cơ thể mình trở lại bình thường.
3. Trễ kinh 1 tháng ở tuổi dậy thì có sao không?
Tình trạng trễ kinh 1 tháng ở tuổi dậy thì là hiện tượng bình thường vì cơ thể ở tuổi dậy thì vẫn chưa hoàn thiện. Ở độ tuổi này, nội tiết tố nữ chưa ổn định nên chu kỳ kinh nguyệt có thể không đều. Bé có trễ kinh 1 tuần, 2 tuần hay thậm chí là 1 tháng.
4. Trễ kinh 3 tháng ở tuổi dậy thì có sao không?
Dù tình trạng chu kỳ kinh nguyệt không đều và trễ kinh khá phổ biến ở tuổi dậy thì nhưng bạn vẫn cần đưa bé đi khám nếu:
- Trước đây có chu kỳ kinh đều đặn
- Đã không có kinh nguyệt trong hơn 3 tháng.
Tình trạng trễ kinh này có thể do một số vấn đề y khoa (mất cân bằng nội tiết tố) và yếu tố lối sống (căng thẳng, vận động quá mức hoặc tăng/giảm cân quá nhiều). Bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân để tư vấn cách điều trị hợp lý nhất.
5. Trễ kinh 6 tháng ở tuổi dậy thì có sao không?
Trễ kinh 6 tháng ở tuổi dậy thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và chức năng sinh sản nói riêng vì:
- Là dấu hiệu cho thấy bạn mắc chứng rối loạn nội tiết tố: Tình trạng rối loạn nội tiết tố gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe và tâm trạng của bé. Ngoài ra, tình trạng này còn dẫn đến một số triệu chứng như khó chịu như nổi mụn, rối loạn giấc ngủ, tăng cân…
- Gây khó thụ thai trong tương lai: Tình trạng trễ kinh trong giai đoạn dậy thì có thể ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng và khả năng sinh sản.
- Làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh phụ khoa: Tình trạng trễ kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa như u nang buồng trứng, viêm nhiễm phụ khoa, ung thư buồng trứng…
Để đảm bảo sức khỏe và chức năng của hệ sinh sản, bạn cần đi khám sớm nếu gặp tình trạng trễ kinh 6 tháng ở tuổi dậy thì.
6. Kinh nguyệt ra nhiều ở tuổi dậy thì có sao không?
Kinh nguyệt ra nhiều là tình trạng máu kinh nhiều (2-3 giờ phải thay băng một lần) hoặc thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày (rong kinh). Đôi khi, máu có thể kèm theo cả cục huyết đông lớn.
Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể vì bạn mất một lượng máu lớn, từ đó dẫn đến choáng váng và mệt mỏi. Bên cạnh đó, kinh nguyệt ra nhiều cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như u xơ tử cung, polyp buồng tử cung hoặc polyp cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung…
Do tình trạng kinh nguyệt ra nhiều tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khỏe nên bạn cần thăm khám sớm. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng một số phương pháp như xét nghiệm nội tiết, siêu âm tử cung, siêu âm bơm nước buồng tử cung, sinh thiết buồng tử cung hoặc sinh thiết cổ tử cung… để tìm nguyên nhân gây ra tình trạng này. Khi đã xác định được nguyên nhân, bác sĩ sẽ tư vấn cách chữa trị phù hợp.
7. Trễ kinh ở tuổi dậy thì phải làm sao?
Để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và bảo vệ sức khỏe, trẻ bị trễ kinh cần:
Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt
Bé cần ghi lại ngày bắt đầu và kết thúc của mỗi kỳ kinh nguyệt cũng như ghi nhận các triệu chứng bất thường như đau bụng, ra máu bất thường…
Thăm khám sớm
Khi đi khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân trễ kinh bằng cách:
- Hỏi tiền sử bệnh và thói quen sinh hoạt của bé
- Khám phụ khoa cho bé
- Thực hiện một số thủ thuật như xét nghiệm máu, siêu âm…
Thay đổi lối sống
Bé cần xây dựng lối sống lành mạnh bằng cách:
- Theo một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, giàu vitamin và khoáng chất, hạn chế thức ăn nhanh và đồ ngọt.
- Ngủ đủ giấc
- Vận động vừa phải
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng cách dành thời gian vui chơi sau những giờ học căng thẳng.
Thực tế là câu trả lời cho thắc mắc bị trễ kinh ở tuổi dậy thì có sao không còn tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nếu do lối sống chưa khoa học, bạn có thể cố gắng đảm bảo bé ăn uống đầy đủ, vận động vừa phải và hạn chế các tác nhân gây căng thẳng. Nếu trễ kinh do bệnh lý, bạn sẽ cần cho bé chữa trị theo chỉ định của bác sĩ. Khi thăm khám sớm và xác định đúng nguyên nhân, bé sẽ sớm có được chu kỳ đều đặn và sức khỏe tốt đấy.
[embed-health-tool-bmi]