Điều trị bệnh trĩ ở trẻ em

Bé bị trĩ phải làm sao? Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh trĩ ở trẻ em vẫn là táo bón nên điều đầu tiên là bạn phải theo dõi và thay đổi chế độ ăn cho trẻ.
Khi bé còn bú sữa mẹ, khả năng táo bón rất thấp và nếu như bé bị trĩ giai đoạn này thì có thể là do di truyền. Khi trẻ bắt đầu ăn giặm và uống sữa công thức, táo bón có khả năng xuất hiện cao hơn một chút.
Đối với trẻ lớn hơn và người lớn, nguyên nhân gây táo bón thường là thiếu chất xơ, thiếu nước và không luyện tập thể dục thường xuyên.
>>> Bạn có thể xem thêm: Nếu phát hiện sớm, bệnh trĩ có thể chữa khỏi
Khi trẻ bị táo bón, bạn có thể tham khảo ý kiến từ bác sĩ nhi hoặc các chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn. Họ sẽ khuyến cáo bạn nên bổ sung gì vào thực đơn hàng ngày để phòng ngừa trẻ bị bệnh trĩ, chẳng hạn như:
- Bổ sung đủ nước
- Trái cây như táo, lê hoặc nước ép mận
- Đậu xay nhuyễn
- Rau xay nhuyễn
- Các loại ngũ cốc, lúa mạch
Một số ít trường hợp đặc biệt, bác sĩ nhi có thể đề nghị sử dụng thuốc đạn có glycerin cho trẻ nhỏ để “giải quyết” tình trạng táo bón.
Phòng ngừa bệnh trĩ ở trẻ
Bệnh trĩ có thể ảnh hưởng tới bất kỳ ai, bất kể tuổi tác, giới tính hay chủng tộc nhưng ở trẻ sơ sinh vẫn hiếm khi nào mắc phải bệnh trĩ ở trẻ em. Nếu bạn nghi ngờ khi thấy trẻ có dấu hiệu bệnh trĩ, hãy nhờ bác sĩ kiểm tra cụ thể.
Vì nguyên nhân chính của bệnh trĩ ở trẻ em hay các tình trạng tương tự thường là do phân quá cứng dẫn đến táo bón, để phòng ngừa bạn có thể thay đổi chế độ ăn và lối sống cho trẻ.
- Bổ sung chất xơ bằng cách thêm rau quả hoặc trái cây vào bữa ăn hàng ngày
- Nhắc nhở hoặc cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày để phòng ngừa bệnh trĩ ở trẻ em
- Thêm chút mật ong vào thực phẩm vì mật ong có tác dụng nhuận tràng tốt, hạn chế nguy cơ bị táo bón ở trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý không cho trẻ dưới 12 tháng tuổi dùng mật ong để tránh gây ngộ độc mật ong ở trẻ nhỏ.
- Vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn sau khi trẻ đi vệ sinh xong
- Tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ cho trẻ để nhu động ruột hoạt động tốt hơn, phòng ngừa bệnh trĩ phát triển
Bên cạnh đó, bạn cũng nên khuyến khích trẻ vận động hoặc thực hiện các động tác tay, chân nếu bé còn quá nhỏ để kích thích nhu động ruột hoạt động hiệu quả. Không nên cho trẻ ngồi quá lâu, nhất là khi cho trẻ xem tivi hoặc chơi những thiết bị điện tử, vừa không tốt cho sự phát triển trí não và thể chất lại vừa làm tăng nguy cơ bị táo bón.
Ngoài ra, bệnh trĩ ở trẻ em đôi khi cũng bị nhầm lẫn với một số vấn đề ở hậu môn khác, chẳng hạn như nứt kẽ hậu môn. Do đó, cha mẹ cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa bệnh trĩ và các vấn đề ở hậu môn do táo bón gây ra. Cách tốt nhất để tránh nhầm lẫn giữa bệnh trĩ ở trẻ em và các bệnh hậu môn là điều trị dứt điểm những căn bệnh đó. Một số cách phổ biến giúp điều trị hiệu quả các tình trạng ở hậu môn của trẻ thường bị nhầm lẫn với trĩ bao gồm:
- Tăng lượng thức ăn có chất xơ cho bé
- Cho bé uống nhiều nước hơn để cơ thể giữ đủ nước
- Sử dụng khăn mềm, ướt, không chứa hương liệu để tránh kích ứng vùng hậu môn khi làm vệ sinh
- Sử dụng các chất bôi trơn ở hậu môn trong khi đại tiện
- Vận động nhẹ nhàng tay và chân cho bé, kết hợp với massage bụng của trẻ để giúp cơ thể vận động và hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn
Nếu trẻ đáp ứng với các cách điều trị trên, triệu chứng bệnh có thể biến mất trong vòng 1–2 tuần. Ngược lại, khi các tình trạng vẫn chưa chấm dứt, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ để có những phương pháp điều trị thay thế khác.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh trĩ ở trẻ em.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!