backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

4 thói quen đơn giản giúp phòng ngừa bệnh trĩ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Le Minh Phuong · Ngày cập nhật: 18/05/2021

    4 thói quen đơn giản giúp phòng ngừa bệnh trĩ

    Khi bị trĩ, bạn sẽ cảm thấy đau đớn, ngứa ngáy và thậm chí chảy máu. Đây là bệnh dễ xảy ra hơn ở người trung niên và người già. Tuy nhiên, do thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống thiếu lành mạnh mà bệnh đang trở nên phổ biến hơn ở người trẻ. Bạn có thể phòng ngừa bệnh trĩ nếu hình thành những thói quen lành mạnh dưới đây.

    Ai thường bị bệnh trĩ?

    Bạn càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh trĩ ngày càng tăng. Đó là bởi vì các mô hỗ trợ các tĩnh mạch trong trực tràng và hậu môn của bạn có thể bị suy yếu và căng ra. Điều này cũng có thể xảy ra khi bạn đang mang thai do trọng lượng của em bé gây áp lực lên vùng hậu môn.

    Nguyên nhân gây bệnh trĩ

    Bệnh trĩ có thể phát triển khi áp lực tác động lên trực tràng thường xuyên. Khi đó, cụm tĩnh mạch xung quanh hậu môn thường căng ra khiến chúng bị phồng/sưng lên. Các áp lực này có thể đến từ:

  • Cố gắng rặn khi đi ngoài
  • Ngồi lâu trong phòng vệ sinh
  • Bị tiêu chảy hoặc táo bón mãn tính
  • Bị béo phì
  • Mang thai
  • Quan hệ đường hậu môn
  • Chế độ ăn ít chất xơ
  • Nâng vật nặng thường xuyên
  • Thói quen phòng ngừa bệnh trĩ

    Vì vậy, để phòng tránh bệnh trĩ, bạn nên xây dựng các thói quen mới sau:

    1. Đừng nhịn đi vệ sinh

    phòng ngừa bệnh trĩ

    Có lẽ bạn đã nghe không ít người nói điều này nhưng sự thật có rất nhiều người bỏ qua nó. Nếu trì hoãn việc đi vệ sinh, phân của bạn có thể trở nên cứng và khô trong ruột, khiến bạn khó đi ngoài hơn. Nếu bạn cố gắng rặn phân ra ngoài, nguy cơ mắc bệnh trĩ của bạn sẽ tăng lên.

    Bên cạnh đó, bạn cũng không nên ép mình rặn khi cơ thể không cần thải ra. Những áp lực này sẽ làm căn tĩnh mạch và có thể dẫn đến bệnh trĩ, biến những búi trĩ nằm trong trực tràng sa ra ngoài thành trĩ ngoại.

    2. Cách phòng ngừa bệnh trĩ: Ngừng lướt điện thoại khi giải quyết “nhu cầu’

    Hãy để thời gian bạn ngồi trong phòng vệ sinh tập trung vào giải quyết những nhu cầu cần thiết, thay vì kết hợp với cả nhu cầu giải trí hay nghỉ ngơi. Nếu bạn thường xuyên mang sách/truyện vào đọc trong phòng vệ sinh hay điện thoại để lướt mạng xã hội hoặc chơi game, bạn nên ngừng thói quen này càng sớm càng tốt.

    Lý do là vì khi bạn ngồi lâu trong phòng vệ sinh, bạn sẽ có xu hướng rặn và tạo áp lực xung quanh hậu môn nhiều hơn. Hơn nữa, tư thế ngồi trên bồn cầu có thể tạo thêm những áp lực không cần thiết lên các mạch máu dưới hậu môn. Cả hai yếu tố này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ cho bạn.

    3. Nhìn lại chế độ ăn uống của bạn

    phòng ngừa bệnh trĩ

    Một trong những cách phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả là lựa chọn chế độ ăn uống thông minh để giúp phân mềm và dễ thải ra ngoài. Chất thải sẽ đạt được “độ mềm” phù hợp khi bạn ăn đúng loại thực phẩm và uống nhiều nước.

    Bạn nên bổ sung nhiều chất xơ từ rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt/gạo nguyên cám. Bạn có thể bổ sung chất xơ qua thực phẩm chức năng, nhưng tốt nhất là nên bắt đầu với chế độ ăn uống. Chất xơ có thể giúp bạn hạn chế táo bón, tránh chèn ép hậu môn và hình thành trĩ.

    Bên cạnh đó, bạn đừng quên uống nhiều nước vì khi cơ thể hấp thụ chất xơ mà không có nước, chất thải sẽ bị cứng lại.

    Ngoài ra, hãy lắng nghe cơ thể của bạn và tránh những thực phẩm gây kích ứng ruột. Đối với một số người, lactose trong các sản phẩm từ sữa là một chất gây kích ứng. Với những người khác, nó có thể là gluten hoặc quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn.

    4. Cách phòng ngừa bệnh trĩ: Thể dục thường xuyên

    phòng ngừa bệnh trĩ

    Tập thể dục đem lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể, trong đó bao gồm việc cải thiện và ngăn ngừa nhiều vấn đề về đường ruột và tiêu hóa như bệnh trĩ. Khi bạn ít hoạt động, mọi chức năng của cơ thể đều chậm lại, kể cả ruột của bạn.

    Tập thể dục thường xuyên giúp chất thải trong đường ruột được vận chuyển dễ dàng hơn. Điều này giúp tránh táo bón hay phân bị khô, cứng. Bạn có thể chọn bất kỳ hình thức hoạt động nào – đi bộ, chạy, đạp xe, tập yoga – miễn là bạn duy trì được lối sống năng động.

    Tuy nhiên, nếu đang bị trĩ, bạn cần lưu ý không tập squat với tạ nặng hay các động tác làm tăng áp lực vùng bụng tương tự. Những bài tập này có thể gây hại nhiều hơn những lợi ích mà nó có thể mang lại.

    Hy vọng qua bài viết, bạn sẽ biết cách điều chỉnh lối sinh hoạt cũng như chế độ ăn uống hợp lý để phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả. Từ đó, bạn có thể chăm sóc bản thân và tận hưởng cuộc sống thoải mái hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Le Minh Phuong · Ngày cập nhật: 18/05/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo