Viêm lợi khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi?
Mẹ bầu bị sưng nướu hoặc nướu đỏ nhẹ không gây hại cho thai nhi, không gây sảy thai hoặc sinh non. Tuy nhiên, viêm nướu không được điều trị có thể dẫn đến viêm nha chu. Một tình trạng có thể liên quan đến sinh non hoặc sinh bé nhẹ cân. Bên cạnh đó, khi bị viêm nha chu, mô nâng đỡ răng sẽ bị phá hủy khiến nướu (lợi) dần dần không còn bám chắc vào bề mặt chân răng nữa. Điều này sẽ khiến cho răng bị tụt nướu, gây mất thẩm mỹ.
Có thể bạn quan tâm: Có bầu nhổ răng được không? Thủ thuật nha khoa có an toàn với mẹ bầu?
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm lợi khi mang thai

Khi đi khám nha khoa, điều quan trọng là bạn cần thông báo cho nha sĩ về việc mình mang thai. Nha sĩ thường hỏi về các triệu chứng và xem xét nướu của bạn để chẩn đoán. Trong trường hợp nghiêm trọng, nha sĩ có thể đề nghị chụp X-quang. Đây là phương pháp xét nghiệm an toàn với mẹ bầu. Hơn nữa, nha sĩ sẽ thực hiện một số biện pháp che chắn để hạn chế tia X tiếp xúc với em bé nên mẹ đừng quá lo lắng.
Đối với việc điều trị cho những mẹ bầu bị viêm lợi ở mức nghiêm trọng, nha sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh đường uống để chống nhiễm trùng do vi khuẩn. Bên cạnh đó, mẹ cũng được kê đơn nước súc miệng phù hợp để hỗ trợ trị bệnh răng nướu. Lưu ý là bạn nên cung cấp thêm cho nha sĩ về thông tin về nguy cơ dị ứng, các loại thuốc hoặc vitamin, chất bổ sung mình đang dùng để tránh các tương tác thuốc bất lợi có thể xảy ra.
Giải pháp giúp mẹ ngăn ngừa viêm lợi khi mang thai
Để cải thiện viêm lợi (viêm nướu) hoặc quan trọng hơn là ngăn ngừa viêm lợi khi mang thai thì mẹ cần chú ý chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách. Một số giải pháp mẹ có thể áp dụng bao gồm:
- Đảm bảo đánh răng 2 lần mỗi ngày, ưu tiên dùng bàn chải đánh răng mềm để tránh kích ứng nướu.
- Dùng chỉ nha khoa ít nhất mỗi ngày 1 lần để giúp loại bỏ mảng bám thức ăn và vi khuẩn hiệu quả.
- Tránh dùng nước súc miệng có chứa cồn. Thay vào đó, mẹ có thể súc miệng bằng nước muối để giảm viêm lợi khi mang thai.
- Nếu bị ốm nghén, lời khuyên là mẹ nên súc miệng sau mỗi lần nôn để ngăn axit có trong chất nôn làm hỏng răng nướu.
- Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Mẹ bầu cần ăn nhiều trái cây, rau củ… tránh thực phẩm và đồ uống chứa đường như kẹo, bánh quy, bánh ngọt…
- Mẹ nên đánh răng sau khi ăn đồ ngọt, dẻo có thể dính bám trên răng như trái cây sấy khô, kẹo dẻo…
- Mẹ bầu nên ngừng hút thuốc (nếu có) vì thói quen này có thể khiến bệnh răng nướu trở nên trầm trọng hơn.
Viêm lợi khi mang thai không phải là tình trạng nguy hiểm nhưng mẹ bầu cũng không nên chủ quan. Ngoài chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách, mẹ cũng nên đi khám nha khoa định kỳ. Các buổi khám này sẽ giúp nha sĩ theo dõi tình trạng răng nướu tổng thể và phát hiện sớm viêm nướu (nếu có). Việc kiểm soát các triệu chứng viêm lợi kịp thời sẽ ngăn chặn bệnh tiến triển thành viêm nha chu gây ảnh hưởng xấu đến thai kỳ.
Có thể bạn quan tâm: Chảy máu chân răng khi mang thai: Mẹ đã biết xử lý đúng cách, hiệu quả?
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!