backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Hỏi đáp Bác sĩ: Uống sữa nhiều khi mang thai có hại không?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 12/04/2022

    Hỏi đáp Bác sĩ: Uống sữa nhiều khi mang thai có hại không?

    Bạn đọc hỏi:

    Chào bác sĩ 

    Hiện, em đang mang thai ở tuần thứ 12. Gần đây, em thường hay đói và thèm ăn vặt. Em rất thích uống sữa nên mỗi khi đói hay thèm ăn vặt, em lại uống sữa bầu (ngày em uống tầm 2-3 ly, thậm chí có hôm em uống 4 ly) vì em nghe nói sữa bầu có nhiều dưỡng chất tốt cho thai nhi, giúp con cao lớn thông minh. Thế nhưng mấy chị đồng nghiệp của em lại khuyên không nên uống sữa bầu nhiều quá vì có thể khiến mẹ thừa cân khi mang thai và không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé. 

    Bác sĩ cho em hỏi uống sữa nhiều khi mang thai có hại không? Bà bầu nên uống bao nhiêu sữa mỗi ngày là phù hợp? 

    Andrea Huỳnh, 25 tuổi, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh

    Bác sĩ trả lời:

    Chào bạn Andrea Huỳnh, 

    Với câu hỏi uống sữa nhiều khi mang thai có hại không? Bà bầu nên uống bao nhiêu sữa mỗi ngày là phù hợp?, ThS – BS Huỳnh Kim Dung hiện đang công tác tại Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, sẽ giải đáp giúp bạn như sau:

    Trước khi trả lời thắc mắc của bạn về việc uống nhiều sữa khi mang thai có hại không, bác sĩ muốn cung cấp cho các bạn thêm một số thông tin về lợi ích của sữa đối với mẹ bầu và thai nhi để bạn hiểu rõ hơn nhé!

    Sữa bầu chính là nguồn cung dồi dào các dưỡng chất cần thiết cho thai kỳ bao gồm: 

  • Canxi: Khoáng chất có vai trò hỗ trợ phát triển hệ xương, răng 
  • Sắt: Giúp ngăn ngừa thiếu máu, tăng cường vận chuyển oxy đến thai nhi
  • Kẽm: hỗ trợ tăng trưởng về cân nặng và chu vi vòng đầu của thai nhi
  • DHA, omega-3: dưỡng chất có vai trò hỗ trợ phát triển hệ thần kinh cho bé
  • I ốt: hỗ trợ sự phát triển não bộ thai nhi
  • Các vitamin: nâng cao sức đề kháng, bảo vệ cơ thể, hỗ trợ hệ miễn dịch cho mẹ và bé
  • Calo: cung cấp năng lượng giúp bà bầu không bị mệt mỏi, khó chịu. 
  • Với những lợi ích kể trên, việc uống sữa khi mang thai khá cần thiết với mẹ bầu. Tuy nhiên, việc uống quá nhiều sữa khi mang thai có thể gây ra những ảnh hưởng xấu cho cả mẹ và bé. Cụ thể như sau: 

    • Với mẹ bầu: Việc uống quá nhiều sữa có thể khiến bạn tăng cân không kiểm soát, tiểu đường thai kỳ, gan nhiễm mỡ, các bệnh lý cấp tính, tiền sản giật, sinh khó do béo phì… 
    • Với thai nhi: Thai to, rối loạn đường huyết có thể dẫn đến thai chết lưu, phát triển bất thường, đa ối, trẻ sinh ra béo phì. Việc hấp thụ vitamin A quá liều có thể gây dị tật thai nhi. 

    Do đó, nếu bạn thừa cân, béo phì hoặc tăng cân không kiểm soát thì không nên uống sữa bầu. Bên cạnh đó, mẹ bầu còn phải giảm tinh bột và ăn nhiều rau xanh. 

    uống nhiều sữa khi mang thai

    Trở lại với thắc mắc của bạn Andrea Huỳnh rằng “Bà bầu nên uống bao nhiêu sữa mỗi ngày là phù hợp?”, bác sĩ xin trả lời như sau:

    • Trong 3 tháng đầu (13 tuần đầu), mẹ bầu dễ bị sụt cân do ốm nghén không ăn uống được, dễ dẫn đến thiếu máu, đề kháng kém. Vì vậy, việc bổ sung sữa bầu sẽ giúp bù lại những chất mà cơ thể thiếu hụt giúp bà bầu có nhiều năng lượng và giảm nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai. Đây cũng là thời điểm thai nhi đang hình thành các cơ quan, việc uống sữa bầu trước và trong khi mang thai giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất giúp thai nhi phát triển thuận lợi. 
    • Từ đây đến cuối thai kỳ, mỗi ngày bạn có thể uống 1 ly sữa (240ml) tương đương nạp vào cơ thể 10g đạm cần thiết thêm vào trong khi mang thai. Ban đêm nếu đói quá, thay vì ăn sẽ khó tiêu, bạn có thể dùng thêm 1 ly sữa nhỏ (150ml). Bạn nên chọn các loại sữa ít béo (loại chỉ chứa 1-2% chất béo bão hòa) hoăc không béo để tránh việc thừa chất béo mà vẫn đảm bảo lượng đạm nuôi thai. 

    Trở lại với chia sẻ của bạn là bạn thường cảm thấy đói và thèm ăn vặt, bác sĩ gợi ý các món ăn lành mạnh mà bạn có thể ăn để khỏa lấp cơn đói, thèm ăn vặt như sau:

    Mỗi lần thèm ăn vặt, bạn có thể ăn thoải mái, nhưng phải ăn đúng loại và lượng vừa phải. Ăn vặt là bữa phụ, mỗi ngày chỉ nên ăn 3 lần vào giữa các buổi sáng – trưa – tối. Gợi ý công thức ăn vặt có lợi (chọn 1 mỗi lần, 1 lần/ngày):

    • 2 hạt quả óc chó và 10 hạt đậu phộng
    • 1 nắm hạt bất kỳ
    • 1 nắm đậu luộc bất kỳ
    • 1 quả táo hoặc 1 quả cam hay 1 quả chuối nhỏ
    • 5-10 quả cà chua bi
    • 1 quả trứng gà luộc (mỗi ngày bà bầu ăn được từ 1-2 quả, đừng lo tăng cholesterol vì lượng cholesterol có trong trứng không đáng kể, lượng đạm trong 1 quả trứng gấp 3 lần 1 gói mì mà lượng calo chỉ bằng 1/7). Lưu ý khi ăn là cần hạn chế hoặc không chấm muối. 
    • 1/2 trái bơ
    • 1 miếng dưa hấu hoặc các loại dưa khác… 

    Bên cạnh đó, bạn cần tránh các thức ăn không có lợi cho mẹ và thai nhi như: kem, pizza, mì gói, xiên que chiên, bánh ngọt, thực phẩm đông lạnh… 

    Ngoài ra, để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe khi mang thai, bác sĩ có vài lời khuyến cáo về cách ăn, lượng ăn cho bạn Andrea Huỳnh và các mẹ bầu như sau:

    Bạn mang thai nhưng không có nghĩa bạn sẽ ăn cho 2 người. Lượng calo nạp vào chỉ hơn lúc chưa mang thai một tí thôi và còn phải biết cách chọn lựa thực phẩm để ăn vẫn no mà không dư thừa. Bạn đói liên tục có thể do giai đoạn đầu chưa quen và do mình ăn phải những thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao, làm tăng và giảm lượng đường trong máu nhanh chóng nên dễ có cảm giác đói bụng.

    uống nhiều sữa khi mang thai

    Sau đây mình sẽ hướng dẫn bạn cách lựa chọn thực phẩm tốt giúp no lâu không bị đói:

    • Mỗi ngày uống đủ 2 lít nước (8 ly): Nếu có uống sữa, nước trái cây thì trừ ra. Bạn theo dõi nếu nước tiểu loãng màu nhạt là bạn đã uống đủ nước, còn sậm màu thì cần uống thêm. Nếu nhận thấy việc uống nước lọc đơn điệu, bạn có thể thêm 1 lát trái cây cho thơm.
    • Carbohydrate phức: Gạo lức, đậu, khoai lang, bắp, các loại đậu, bột mì nguyên cám.
    • Chất xơ: Yến mạch, các loại hạt, hoa quả, rau củ, rong biển.
    • Chất đạm: Đạm thực vật như đậu nành, đậu đỗ, sữa đậu nành; đạm động vật như trứng, gà bỏ da, cá, thịt nạc. 
    • Chất béo: Chất béo tốt là chất béo không bão hòa (omega), hầu hết có ở các lọai dầu có nguồn gốc thực vật như: dầu oliu, dầu hạt cải, dầu hạt hướng dương, dầu đậu nành hay hạt óc chó, hạnh nhân, cá hồi. Nhưng omega-3 bị phân hủy ở nhiệt độ cao nên việc bổ sung dưỡng chất này từ viên uống tốt hơn qua thực phẩm.

    Tùy cân nặng, chiều cao của bạn trước mang thai và chế độ tập luyện hiện tại của bạn sẽ quy ra liều lượng hợp lý. Nhưng hiện tại nếu bạn chưa có vấn đề về tăng cân nhanh, đường huyết cao hay tiền căn đái tháo đường, béo phì thì có thể tự căn chỉnh lượng thức ăn theo cảm giác của mình, miễn là biết cách chọn lựa thực phẩm và theo các nguyên tắc sau:

    • Không ăn khẩu phần cho hai người
    • Không được bỏ bữa
    • Ăn những món ăn mà thai nhi thực sự muốn
    • Không ăn quá mặn
    • Quản lý cân nặng tăng bình thường: đến tuần 13 tăng khoảng 1kg, đến tuần 28 tăng tổng cộng 6kg (cộng dồn), đến 40 tuần tăng tổng cộng 11kg. Con số này cũng tùy vào chỉ số BMI của bạn trước mang thai.
    • Uống bổ sung vitamin, omega-3

    Bạn có thể xem thêm các bài viết: 

    Mách nhỏ mẹ bầu: Khi nào nên uống sữa bầu và uống sao cho hợp lý? 

    Sữa cho bà bầu: Loại nào mới thực sự tốt cho thai nhi? 

    9 loại hạt tốt cho bà bầu, ăn vào không chỉ lợi cho mẹ mà còn bổ cho con 

    Trân trọng!

    Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 12/04/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo