Tình trạng phù chân ở người già gây trở ngại lớn đến các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của họ. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, phù nề bàn chân, sưng mắt cá chân hoặc cẳng chân có thể được xem là dấu hiệu của các căn bệnh mạn tính khác như bệnh về thận, tim, gan, mạch máu…
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân và cách giảm phù chân ở người già để cải thiện chất lượng sống của người bệnh tốt hơn.
phù nề chân”>Ảnh hưởng của bệnh phù nề chân đối với cuộc sống người cao tuổi
Bệnh phù chân ở người già sẽ gây cản trở trực tiếp lên việc đi đứng, sinh hoạt hằng ngày. Vì tuổi tác, chân người cao tuổi không chỉ yếu, đau nhức mà còn dễ bị sưng phù. Chân bị phù kéo theo tình trạng da bị căng lên, đem lại cảm giác da ngứa ngáy khó chịu.
Vậy, người già bị phù chân nên làm gì để chữa khỏi? Nguyên nhân nào dẫn đến chân bị phù ở người già? Hãy cùng tìm hiểu ngay.
>> Có thể bạn quan tâm: Phù nề chân có nguy hiểm không?
Nguyên nhân bệnh phù chân ở người già
Phù nề là quá trình tích tụ chất lỏng nằm trong mô ở chân, từ đó khiến chân bị sưng phù lên. Tình trạng phù nề chân ở người già có thể do nhiều nhóm nguyên nhân.
Do sức khỏe kém và ảnh hưởng từ các bệnh khác
Tình trạng sức khỏe kém và nguy cơ mắc bệnh mãn tính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến phù chân ở người già. Hiện tượng phù chân ở người cao tuổi có thể do:
- Dấu hiệu của các bệnh nghiêm trọng như: thận, mạch máu, gan…
- Cơ xương người cao tuổi rất yếu nên dễ chấn thương, khiến chân bị phù nề.
- Chân bị phù do mắc bệnh suy tim.
- Nguyên nhân bị phù chân ở người già có thể đến từ viêm tắc tĩnh mạch. Khi ấn vào vị trí bị phù chân, người già sẽ cảm thấy đau và khó chịu.
- Đặc biệt, người cao tuổi bị tiểu đường hoặc mắc bệnh thần kinh bị nhiễm trùng có thể khiến bàn chân và mắt cá chân bị phù. Bên cạnh đó, người cao tuổi có nguy cơ cao bị phù chân nếu đứng hay ngồi yên một chỗ quá lâu.
Do chế độ dinh dưỡng
Thực đơn ăn uống không phù hợp có thể khiến người già bị sưng bàn chân. Thậm chí tệ hơn là việc chân bị phù nề.
- Thói quen ăn uống chứa nhiều muối. Theo khuyến cáo, người lớn không nên ăn quá 6g muối mỗi ngày (khoảng 1 thìa cà phê).
- Do thiếu vitamin B1 sẽ khiến các “đấng sinh thành” có cảm giác 2 chân bị tê bì như có kiến bò. Đồng thời, chân của người cao tuổi dễ gặp vấn đề chuột rút và mất hoặc giảm khả năng phản xạ.
Do sử dụng thuốc
Một số loại thuốc làm tăng giữ lượng nước và muối, từ đó gây ra phù nề. Một số các loại thuốc có thể gây ra phù nề chân như thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chẹn beta, Clonidine,Hydralazine,Minoxidil,…
Nguyên nhân bị phù chân ở người già
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và các biểu hiện, mà mức độ phù chân có thể khác nhau. Phần lớn các trường hợp bệnh ở giai đoạn đầu sẽ không có triệu chứng hay biểu hiện lâm sàng.
Triệu chứng phù chân ở người già
Đặc điểm phù chân khác nhau tùy vào từng loại bệnh. Bệnh phù chân ở người cao tuổi thường có 1 số triệu chứng như:
- Chân bị sưng, da bị căng, sưng húp hoặc đổi màu
- Chỗ phù nề da bị lúm sau khi nhấn vào vài giây
- Các khớp trở nên cứng
- Tăng kích thước vùng bụng,tăng cân nặng
- Phù trắng, mềm, ấn vào có thể lõm hoặc không.
- Tổ chức dưới da và da trở nên dày và cứng, kèm theo biểu hiện ngứa. Vì thế mà người bệnh thường gặp khó khăn trong việc di chuyển và vận động.
- Nếu da có bội nhiễm vi khuẩn có thể trở nên cứng và dày, bị biến dạng. Thậm chí tình trạng phù có thể khiến bộ phận sinh dục bị phù to, gọi là tràn dịch màng tinh hoàn.
Tiến triển bệnh phù chân ở người già
Ban đầu, dấu hiệu phù chân khó có thể xác định. Tuy nhiên người bệnh thường có dấu hiệu tăng cân.
Ở những giai đoạn sau, bệnh phù chân ngày càng thể hiện rõ hơn. Đôi lúc tình trạng này xuất hiện vào buổi sáng hoặc chiều. Thậm chí kéo dài liên tục kèm theo cảm giác mệt mỏi và nặng nhọc.
Phù chân có thể xuất hiện ở các vị trí như: mắt cá chân, cẳng chân, thậm chí là phù cả chân khiến chân bị biến dạng (có thể gặp dạng phù chân voi). Người lớn tuổi thường sẽ cảm thấy đau, nóng và nhức ở 1 hoặc cả 2 chân bị phù.
>> Bạn có thể quan tâm: 9 căn bệnh người già thường gặp, bạn cần chú ý phòng ngừa!
Biến chứng từ bàn chân bị phù ở người già
Người già bị phù chân có nguy hiểm không? Khi nhắc đến bệnh phù chân ở người cao tuổi, hiện tượng sưng chân không phải là mối quan tâm duy nhất. Bên cạnh đó, bệnh phù chân cũng có thể dẫn đến một số biến chứng sau:
- Chân sưng đau và bị cứng cơ
- Di chuyển khó khăn
- Da bị ngứa và khó chịu
- Giảm lưu thông máu
- Giảm độ đàn hồi của động mạch, khớp cơ và tĩnh mạch
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng ở khu vực bị sưng. Hình thành sẹo giữa các lớp mô, từ đó làm cản trở lưu thông máu. Đồng thời, phù chân còn có thể làm giảm tính đàn hồi của các động mạch, tĩnh mạch, cơ bắp và khớp.
- Tăng nguy cơ bị loét da.
Chẩn đoán bệnh phù chân ở người già
Thông thường, bác sĩ sẽ kiểm tra bằng cách ấn nhẹ vào vùng chân bị sưng, và khi tạo áp lực lên vùng phù sẽ khiến chân bị lõm từ vài giây đến vài phút trước khi trở về trạng thái bình thường. Đồng thời, bác sĩ quan sát xem người bệnh có bị giãn tĩnh mạch chân, đổi màu da, loét da hoặc khô da hay không..
Ngoài ra, bác sĩ còn kiểm tra nhịp tim, mạch đập và huyết áp để xác định nguyên nhân gây bệnh. Dựa trên những thông tin mà người bệnh cung cấp như tiền sử bệnh và những gì mà bác sĩ thăm khám. Sau đó bác sĩ sẽ xác định xem liệu có cần làm cận lâm sàng bổ sung hay không.
Các xét nghiệm khi chẩn đoán bệnh phù chân
Các xét nghiệm cơ bản có thể được chỉ định khi chẩn đoán bệnh chân phù nề, bao gồm:
- Phân tích nước tiểu (để tìm protein trong nước tiểu)
- Creatinine (xét nghiệm chức năng thận)
- TSH (một số tình trạng tuyến giáp dẫn đến phù)
- Glucose
- Albumin (một loại protein chính được tìm thấy trong máu)
- Các bài kiểm tra chức năng gan khác.
Bên cạnh đó, một số cận lâm sàng đánh giá chức năng tim cũng được thực hiện. Chẳng hạn như chụp X-quang ngực xem tim có to bất thường, hoặc có chứa dịch màng phổi, hoặc siêu âm tim để quan sát các buồng tim và trạng thái co cơ tim.
D-dimer là một xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện cục máu đông và siêu âm doppler ở chân để tìm huyết khối tĩnh mạch sâu. Cả 2 vốn là những nguyên nhân phổ biến chỉ gây sưng một chân của người bệnh.
Cũng có thể bác sĩ không cần phải yêu cầu xét nghiệm bổ sung. Đặc biệt nếu xét nghiệm máu đã được thực hiện trong vài tháng qua. Nếu các triệu chứng phù hợp với bệnh suy tĩnh mạch mạn tính thì bác sĩ có thể tiến hành điều trị ngay lúc này.
Thăm khám với bác sĩ
Cần chuẩn bị những gì trước khi đi khám bệnh phù chân ở người già?
Để việc điều trị dứt điểm và giảm đi các triệu chứng, bác sĩ cần phải xác định được nguyên nhân gây bệnh. Những nguyên nhân có thể bắt nguồn từ các bệnh liên quan tim, thận, gan. Bác sĩ có thể hỏi người bệnh 1 số câu như:
- Tình trạng này đã kéo dài bao lâu?
- Cả 2 chân đều như nhau, hay 1 chân sẽ đau nặng hơn chân còn lại?
- Bị phù chân nhưng khi ấn vào có đau không?
- Người bệnh đang dùng các loại thuốc nào? Có thay đổi thuốc gần đây không?
- Bệnh phù chân có đỡ hơn khi qua đêm? Hoặc khi kê chân lên vị trí cao hơn?
- Phù chân có kèm tình trạng khó thở? Người bệnh có gặp khó khăn gì khi nằm hay không?
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ muốn biết đầy đủ về tiền sử bệnh, để xác định xem liệu người bệnh đã từng bị ung thư, xạ trị hay phẫu thuật hoặc có đang gặp vấn đề về các bệnh lý khác.
>> Bạn có thể quan tâm: Máy tạo nhịp tim cho người già hoạt động ra sao? Lưu ý gì khi sử dụng?
Cách chữa phù chân ở người già
Tùy vào mức độ nặng nhẹ khác nhau và đang trong giai đoạn nào mà bệnh phù chân ở người cao tuổi sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
Khi phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh phù chân, các triệu chứng sẽ thuyên giảm nhanh chóng. Thậm chí, có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh phù chân ở người già.
Phát hiện người già bị phù chân nên làm gì? Ngay khi vừa mới phát hiện những biểu hiện bất thường, nghi ngờ bệnh phù chân. Bạn nên nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay các bệnh viện uy tín. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp bệnh nhân tránh các biến chứng xấu.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên tuân theo 1 số điều như sau:
- Đi lại thường xuyên và massage các khớp giúp lưu thông máu tốt hơn. Vùng chân bị phù nề nên được massage nhẹ nhàng để tạo áp lực cho chất lỏng dư thừa di chuyển. Đồng thời, vận động các cơ bắp ở vị trí gần phù nề.
- Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Điều này sẽ khiến bệnh phù chân ở người già trầm trọng hơn. Vì thế, tránh để người cao tuổi tắm nước có nhiệt độ cao và luôn phải giữ ấm cho các cụ khi thời tiết lạnh.
- Hỏi ý kiến bác sĩ về lượng nước cần uống mỗi ngày.
- Chế độ ăn uống dinh dưỡng – khoa học. Hãy cắt giảm lượng muối và tăng cường bổ sung chất xơ từ rau củ quả. Cụ thể, người cao tuổi nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa vào chế độ ăn như: rau xanh, măng tây, bí ngô, dứa, đậu xanh, nho, tỏi, củ cải đường, hành tây,..
Cách ngăn ngừa bệnh
- Giảm lượng muối có trong chế độ ăn vì muối sẽ tích trữ nước. Ngoài ra, điều này cũng giúp làm giảm nguy cơ huyết áp cao.
- Kê cao chân ít nhất ngang tầm với tim trong 30 phút từ 3-4 lần mỗi ngày.
- Tập thể dục, vận động cho chân từ 10-15 phút, và từ 3-4 lần/ ngày để cải thiện lưu thông máu ở chân.
- Đứng dậy và đi bộ cứ mỗi 1-2 giờ để giảm sưng, đào thải chất lỏng dư thừa, lưu thông máu và tăng cường hệ tim mạch.
- Không nên đứng tại chỗ hoặc ngồi quá lâu trong thời gian dài.
- Chú ý khi sử dụng 1 số loại thuốc (chẳng hạn như thuốc kháng viêm).
- Giữ khu vực bị phù sạch sẽ và được bảo vệ bằng giày, tất và quần áo khác để ngăn ngừa thương tích và nhiễm trùng.
Khi nghi ngờ người cao tuổi có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến chân bị phù nề, cần phải lập tức đưa các cụ đi khám càng sớm càng tốt. Trong nhiều trường hợp, tình trạng phù chân ở người già có thể gây biến chứng nếu không được can thiệp kịp thời.
[embed-health-tool-bmi]