Khi càng lớn tuổi, bạn càng có nguy cơ mắc bệnh suy tim và gặp các biến chứng của bệnh cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc khi phát hiện bệnh càng sớm và tuân thủ điều trị, đáp ứng tốt, bạn càng có thể sống lâu hơn với căn bệnh này.
Một thử nghiệm lâm sàng xem xét tỷ lệ nhập viện của các bệnh nhân suy tim trong độ tuổi từ 20 đến 65 tuổi trở lên cho thấy, tỷ lệ tử vong thấp hơn đối với bệnh nhân ở nhóm tuổi từ 20 đến 44 tuổi. Bên cạnh đó, nhóm bệnh nhân này cũng ít có khả năng phải nhập viện cấp cứu và điều trị vì suy tim hoặc các vấn đề tim mạch khác. Tuy nhiên, những người mắc suy tim dưới 44 tuổi được đưa đến bệnh viện cấp cứu vẫn có tỷ lệ tử vong ở mức đáng kể sau 30 ngày là 3,9%, sau một năm là 12,4% và sau 5 năm là 27,7%. Các trường hợp này thường là những bệnh nhân suy tim thể nặng.
Tiên lượng theo giới tính
Phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn với bệnh suy tim so với nam giới nếu nguyên nhân gây suy tim không phải do thiếu máu cục bộ (bệnh mạch vành). Trên thực tế, phụ nữ mắc suy tim không do thiếu máu cơ tim cục bộ vẫn có cơ hội sống cao hơn nam giới có hoặc không có các bệnh lý về tim mạch khác có khả năng dẫn đến suy tim.
Xác định bệnh nhân suy tim sống được bao lâu theo sức bền

Sức bền của cơ thể chính là năng lượng và sự dẻo dai cho phép bạn duy trì hoạt động thể chất hoặc tinh thần trong một khoảng thời gian dài. Tăng sức bền cơ thể giúp bạn tăng khả năng chịu khó khăn, căng thẳng, giảm mệt mỏi và tránh kiệt sức, đặc biệt là khi các triệu chứng của bệnh suy tim biểu hiện rõ ràng. Có sức bền tốt sẽ giúp bạn thực hiện các hoạt động hàng ngày của mình hiệu quả hơn trong khi sử dụng ít năng lượng hơn, cũng như tăng tỷ lệ sống sót ở người mắc bệnh suy tim.
Tập luyện sức bền nói chung ở các cường độ khác nhau đều có vai trò như:
- Tăng thể tích khí lưu thông (tăng thông khí phổi), tăng khả năng sử dụng oxy của các mô ở các mức độ khác nhau, cả khi gắng sức lúc tập luyện và khi nghỉ ngơi.
- Tăng cung lượng tim (thể tích máu bơm ra khỏi tim/phút), từ đó làm giảm nhịp tim lúc nghỉ ngơi và ngay cả khi gắng sức tối đa.
- Giảm biến đổi thoái hóa cấu trúc và chức năng cơ xương khớp.
Nhờ đó, tỷ lệ sống sót sau ba năm ở những bệnh nhân tham gia tập luyện sức bền là 93%, cao hơn nhiều so với người bệnh suy tim có sức bền kém là 57%.
Tiên lượng người bệnh suy tim sống được bao lâu theo phân suất tống máu
Phân suất tống máu (EF) là một chỉ số dùng để đánh giá chức năng tâm thu thất trái, thể hiện qua thể tích máu thực tế được bơm ra khỏi buồng thất trái vào động mạch chủ sau mỗi nhát bóp so với toàn bộ lượng máu chứa trong thất trái trước đó.
Phân suất tống máu được đánh giá qua siêu âm tim, bình thường nằm trong giới hạn 50-70%. Đây là mức lý tưởng để tim cung cấp máu đáp ứng đúng với nhu cầu của cơ thể. Dựa vào sự thay đổi của chỉ số phân suất tống máu, bác sĩ có thể đánh giá chức năng tim và chẩn đoán một số bệnh tim mạch.
- EF trên 75%: Gợi ý dấu hiệu của bệnh cơ tim phì đại.
- EF dưới 50%: Báo hiệu tình trạng tim bơm máu kém, không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, có thể dẫn đến tình trạng suy tim.
Mặt khác, tỷ lệ tử vong ở những người bị suy tim tâm trương (tức bệnh nhân được chẩn đoán suy tim nhưng chỉ số EF còn bảo tồn) thấp hơn so với những người bị suy tim tâm thu. Hơn nữa, một thử nghiệm cho thấy tỷ lệ tử vong tăng tỷ lệ thuận với sự giảm phân suất tống máu thất trái như sau:
- EF dưới 15%: Tỷ lệ tử vong là 51%
- EF từ 16-25%: Tỷ lệ tử vong là 41,7%
- EF từ 26-35%: Tỷ lệ tử vong là 31,4%
- EF từ 35-45%: Tỷ lệ tử vong là 25,6%
Tiên lượng theo bệnh lý kèm theo
Một số bệnh lý kèm theo cũng góp phần làm cho tiên lượng bệnh nhân mắc bệnh suy tim sống được bao lâu kém hơn. Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân được chẩn đoán suy tim do mắc bệnh thoái hóa tinh bột (amyloidosis), bệnh huyết sắc tố, nhiễm HIV, thiếu máu cục bộ hoặc bệnh mô liên kết dường như sẽ suy tim tiến triển nhanh hơn so với bệnh nhân suy tim do các nguyên nhân khác. Ngoài ra, bệnh nhân suy tim kèm bệnh đái tháo đường có nguy cơ tử vong cao hơn 1,69 lần so với những người suy tim nhưng không đồng mắc bệnh lý này.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “Bệnh suy tim có chữa được không?” cũng như “Người bệnh suy tim sống được bao lâu?”. Ngoài ra, bạn cần ghi nhớ rằng tỷ lệ sống chỉ là những con số thống kê, chúng không cho biết tuổi thọ chính xác của bất cứ trường hợp bệnh cụ thể nào. Cách tốt nhất để bạn biết được tiên lượng thời gian bệnh nhân suy tim sống được bao lâu là trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn, lập phác đồ và tích cực tuân thủ, phòng ngừa suy tim diễn tiến nặng hơn cũng như các biến chứng của bệnh.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!