Bạn loay hoay mãi vẫn không thể loại bỏ được các nốt mụn đầu đen “xấu xí”? Tuy mụn đầu đen ở mũi không gây hại, nhưng nó có thể là mối lo ngại về tính thẩm mỹ trên gương mặt bạn.
Nếu bạn đang tìm cách đối phó với mụn đầu đen ở mũi, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 7 cách trị mụn đầu đen hiệu quả dưới đây:
Cơ chế hình thành mụn đầu đen
Nhiều người thường nghĩ rằng mụn đầu đen có màu sẫm là do sự tích tụ của các chất bẩn, cặn bã ẩn sâu trong lỗ chân lông. Tuy nhiên, sự thật là dầu thừa và các tế bào da chết làm bít lỗ chân lông và khi tiếp xúc với không khí, chúng sẽ bị oxy hóa và chuyển sang màu đen.
Mụn đầu đen thường xuất hiện ở trên mặt, đặc biệt là khu vực xung quanh mũi. Bất kỳ ai cũng có thể bị mụn đầu đen, nhưng với những ai có làn da dầu hoặc thường xuyên trang điểm sẽ có nguy cơ cao bị loại mụn này.
Nguyên nhân gây mụn đầu đen
Một số nguyên nhân gây mụn đầu đen trên da mặt:
- Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh: Khi tuyến bã nhờn hoạt động quá nhiều khiến bít tắc lỗ chân lông. Các tế bào chết và bã nhờn thừa, bụi bẩn và vi khuẩn trong lỗ chân lông dần khô cứng, và bị oxyhoá khi tiếp xúc với không khí, hình thành các nốt mụn đầu đen;
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Tiêu thụ thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, nước có ga và các chất kích thích khác như cà phê, bia, rượu,… kích thích tuyến bã nhờn sản xuất bã nhờn gây mụn
- Không uống đủ nước: Nước giúp giữ độ ẩm cân bằng cho da, đồng thời đào thải các chất cặn bã khỏi cơ thể, giúp da sạch sẽ và khỏe mạnh hơn. Cần bổ sung nước để da được cân bằng độ ẩm da và hạn chế dầu thừa trên da
- Lối sống độc hại: Căng thẳng, rối loạn ăn uống khiến rối loạn nội tiết ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt sẽ kích thích mụn nổi mất kiểm soát; Sống dưới môi trường sống ô nhiễm, bụi bẩn,… là những nguyên nhân gây mụn đầu đen;
- Tự ý dùng thuốc và mỹ phẩm: Lạm dụng mỹ phẩm chăm sóc da chứa corticoid; Đồng thời sử dụng sai lượng thuốc ngừa thai chứa androgen, mà không có chỉ định của bác sĩ có thể khiến da tăng tiết bã nhờn, hình thành mụn đầu đen.
Cách trị mụn đầu đen hiệu quả không để lại sẹo thâm
1. Rửa mặt 2 lần/ ngày
Làm sạch da bằng sữa rửa mặt có thể giúp loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn hình thành, từ đó giúp ngăn ngừa mụn phát sinh. Bạn nên duy trì đều đặn rửa mặt 2 lần/ ngày, 1 lần vào buổi sáng và 1 lần vào buổi tối để đảm bảo làn da luôn sạch sẽ. Tuy nhiên, bạn lưu ý không nên lạm dụng làm sạch da mặt quá nhiều lần vì có thể khiến da mặt bị bong tróc, kích thích da tiết nhiều dầu hơn để bù vào độ ẩm đã mất khi rửa mặt.
Ngoài ra, bạn cũng đừng quên giặt vỏ gối thường xuyên để ngăn không cho vi khuẩn bám vào da mặt, tránh tình trạng vi khuẩn trên gối sẽ xâm nhập vào làn da bạn.
2. Dùng miếng dán lột mụn
Với công dụng “kéo” đi các bụi bẩn, lớp dầu bị oxy hóa trên da, mặt nạ lột mụn đầu đen trên mũi có thể giúp bạn tạm thời loại bỏ mụn đầu đen ngay tại nhà. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp kiểm soát mụn đầu đen ở mũi quá nhiều, chứ không thể điều chỉnh cơ chế tiết dầu trên da để từ đó giúp trị tận gốc mũi đầu đen ở mũi.
Để đạt hiệu quả tối đa, bạn nên bắt đầu xông hơi mặt giúp giãn nở lỗ chân lông, nhằm lấy đi bụi bẩn tạp chất dễ dàng hơn. Tuy các miếng dán lột mụn có thể loại bỏ nhân mụn, nhưng đồng thời chúng cũng làm mất đi lượng dầu tự nhiên quan trọng và các nang lông có ích cho da. Điều này có thể dẫn đến tình trạng khô và gây kích ứng da, nên bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi sử dụng.
3. Tẩy tế bào chết hóa học cho da
Có một số sản phẩm tẩy da chết hóa học nhẹ nhàng chứa axit hydroxy alpha và beta (AHA và BHA) mà bạn có thể sử dụng.
Những thành phần này trong các sản phẩm tẩy da chết có khả năng thẩm thấu vào da tốt hơn, từ đó giúp thông thoáng lỗ chân lông để lấy đi mụn đầu đen mà không gây tổn thương cho các tế bào da, cụ thể:
- Axit glycolic và axit lactic được xem là một dạng của AHA, có thể hòa tan trong nước và có nguồn gốc tự nhiên như sữa, trái cây hoặc đường.
- Axit salicylic trị mụn là một dạng của BHA. BHA tan trong dầu và giúp làm sạch lỗ chân lông hiệu quả
Cả AHA và BHA đều có công dụng tẩy tế bào chết, do đó có thể khiến làn da nhạy cảm, dễ bị tổn thương trước tia UVA và UVB. Vì vậy, bạn đừng quên bôi kem chống nắng nếu phải đi ra ngoài nhé.
Đồng thời, bạn cũng không nên tẩy tế bào chết quá nhiều vì sẽ khiến da khô và kích thích da tiết dầu nhiều hơn. Tốt nhất là bạn chỉ nên tẩy da chết từ 2-3 lần/ tuần để giúp kiểm soát tình trạng mụn.
>>> Đọc thêm: Bạn nên đắp mặt nạ đất sét mấy lần 1 tuần?
4. Trị mụn đầu đen mũi nhờ đắp mặt nạ đất sét
Một số loại mặt nạ đất sét chứa lưu huỳnh có khả năng phá vỡ các lớp da chết, để giảm thiểu sự xuất hiện của mụn đầu đen. Tuy nhiên, lưu huỳnh có thể gây dị ứng với một số người. Vì thế nếu là lần đầu bạn sử dụng mặt nạ đất sét, bạn nên thử sản phẩm lên một vùng da nhỏ trên cánh tay nhằm đảm bảo da không bị kích ứng.
>>> Bạn có thể quan tâm: 3 cách trị mụn đầu đen tại nhà bằng mặt nạ tự nhiên
5. Đắp mặt nạ than để trị mụn đầu đen ở mũi
Than có công dụng thải độc cho làn da tuyệt vời, hoạt động sâu trong lỗ chân lông, giúp hút sạch các bụi bẩn và tạp chất khác ra khỏi bề mặt da. Bạn có thể tự làm mặt nạ than hoạt tính tại nhà bằng cách sử dụng đất sét bentonite, dầu cây trà, mật ong hoặc nước lọc để tạo thành hỗn hợp sền sệt và đắp lên da.
6. Thoa các sản phẩm retinoids tại chỗ
Retinoids tại chỗ có nguồn gốc từ vitamin A, và đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện mụn trứng cá. Tùy theo nồng độ, một số các sản phẩm retinoids có thể được mua trực tiếp tại quầy cửa hàng mỹ phẩm hoặc cần được bác sĩ chỉ định thì mới được sử dụng.
Retinol có thể kích thích tái tạo tế bào da mới, từ đó giúp giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn. Tuy nhiên, dựa theo nghiên cứu 2011, cần hết sức lưu ý khi dùng các sản phẩm retinol cho phụ nữ mang thai vì có thể cản trở sự phát triển của thai nhi. Thay vào đó, nếu đang mang thai, bạn nên chuyển sang dùng sản phẩm chứa bakuchiol hoặc dầu tầm xuân thay cho retinol để đạt hiệu quả chăm sóc da tương tự.
7. Bôi gel axit salicylic
Axit salicylic có thể giúp hòa tan chất sừng làm tắc nghẽn lỗ chân lông – yếu tố gây mụn đầu đen.
Tuy đây là một chất tẩy tế bào chết khá hữu hiệu, nhưng bạn chỉ nên sử dụng hoạt chất này trên những vùng cơ thể đang bị mụn đầu trắng, hay mụn đầu đen ở mũi. Thoa axit salicylic lên khắp vùng da cơ thể có thể dẫn đến ngộ độc salicylate.
>>> Bạn có thể quan tâm: Cách đánh bật mụn đầu đen hiệu quả và an toàn
Lưu ý khi trị mụn đầu đen ở mũi
Một số điều cần lưu ý trong quá trình trị mụn đầu đen mà bạn nhất định không nên bỏ qua:
- Không nên trị mụn đầu đen bằng benzoyl peroxide. Benzoyl peroxide là một hoạt chất phổ biến thường được sử dụng trong các sản phẩm trị mụn không kê đơn. Thành phần này có tác dụng chống viêm, giúp làm dịu tình trạng mụn viêm chẳng hạn như: mụn nang, mụn mủ, mụn sẩn hay các nốt sần. Trong khi đó, mụn đầu đen hay mụn đầu trắng không được xem là mụn viêm nên benzoyl peroxide sẽ không có tác dụng trị mụn rõ rệt.
- Không nên tự ý nặn mụn. Nặn mụn là quá trình loại bỏ mụn bằng cách tạo áp lực trực tiếp lên các nốt mụn. Tuy nhiên, nếu nặn mụn đầu đen sai cách có thể khiến da bị mẩn đỏ, kích ứng, hoặc để lại sẹo mụn vĩnh viễn. Do đó, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia da liễu để việc lấy nhân mụn được đảm bảo vệ sinh và an toàn cho da.
- Bổ sung đủ nước và chế độ ăn lành mạnh. Một chế độ ăn khoa học nên chứa nhiều ngũ cốc, trái cây và rau xanh là những gì bạn cần để “tránh xa” sự tấn công của mụn đầu đen. Để trị mụn đầu đen hiệu quả, bạn không chỉ cần thoa các sản phẩm trị mụn mà còn phải nuôi dưỡng làn da sâu từ bên trong.
Nếu bạn thực hiện các cách trị mụn đầu đen như trên, có thể mụn sẽ biến mất từ 6-8 tuần. Vì thế, hãy đảm bảo rằng các sản phẩm chăm sóc da mà bạn đang dùng phù hợp với làn da bạn. Nếu mụn đầu đen không cải thiện sau 2 tháng trị mụn tại nhà, hoặc thậm chí chúng có thể trở nên đau nhức, tồi tệ hơn, hãy liên hệ ngay với bác sĩ. Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn thuốc uống hoặc đề xuất các thủ thuật tại phòng khám, chẳng hạn như mài da vi điểm, lột da bằng hóa chất hoặc điều trị bằng laser để cải thiện mụn.