Mặc dù đặc tính axit trong chanh có vẻ quá khắc nghiệt để sử dụng lên da, nhưng bạn vẫn có thể trộn chanh với các nguyên liệu khác để tạo thành 1 loại sữa rửa mặt phù hợp với làn da. Thế nhưng rửa mặt bằng chanh có tốt không?
Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu rửa mặt bằng chanh có tốt không? Nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây những hệ lụy gì cho làn da?
Rửa mặt bằng chanh có tác dụng gì?
- Làm sạch da mặt: Chanh có khả năng loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn và tế bào chết trên da hiệu quả. Ngoài ra, vitamin C còn có tác dụng giúp da chắc khỏe hơn.
- Cải thiện mụn trứng cá: Do đặc tính axit trong chanh có công dụng làm se da, các thành phần có độ pH thấp như chanh có thể giúp giảm viêm và kiểm soát dầu thừa. Hơn nữa, axit citric – 1 loại axit alpha hydroxy (AHA) có thể giúp phá vỡ các tế bào da chết – vốn được xem là nguyên nhân gây mụn không viêm như mụn đầu đen.
- Kháng khuẩn cho da: Chanh cũng có tác dụng kháng khuẩn cho da, giúp ức chế vi khuẩn Propionibacterium và ngăn ngừa mụn viêm. Đồng thời, chanh có thể kháng nấm và điều trị phát ban do nấm Candida.
- Làm sáng da: Thành phần trong chanh cũng hoạt động tốt trong việc làm sáng các đốm đồi mồi hoặc sẹo mụn trên mặt.
- Tăng collagen: Bản thân collagen là một loại protein bị giảm sút tự nhiên theo tuổi tác. Sau một khoảng thời gian nhất định thì lượng collagen sẽ bị thiếu hụt, từ đó dễ hình thành các nếp nhăn. Là một chất chống oxy hóa, vitamin C có thể giúp ngăn ngừa các gốc tự do làm hư hỏng collagen, từ đó mang lại cho bạn làn da mịn màng hơn.
TOP 2 cách rửa mặt bằng chanh tại nhà duy trì làn da trắng sáng
Với hàm lượng vitamin C và axit citric dồi dào, chanh có khả năng cải thiện đốm đồi mồi và mụn trứng cá trên da. Hãy cùng điểm qua 2 cách rửa mặt bằng chanh hiệu quả cho sức khỏe làn da:
1. Rửa mặt bằng chanh và muối
Để giúp cho làn da được làm sạch sâu hơn, bạn có thể áp dụng cách rửa mặt bằng chanh kết hợp với muối. Muối có tính sát khuẩn cao và tẩy da chết mạnh cho da, do đó khi kết hợp “bộ đôi” chanh và muối sẽ giúp ngăn ngừa các nốt mụn cám, kháng viêm và giảm sưng mụn cho da.
Nguyên liệu
- 1 thìa cà phê muối
- 1 quả chanh tươi
- Nước sạch
Cách thực hiện
- Rửa sạch chanh tươi và vắt lấy nước cốt chanh
- Trộn đều nước + muối + nước cốt chanh để tạo thành hỗn hợp
- Rửa mặt bằng nước ấm giúp giãn nở lỗ chân lông
- Thoa hỗn hợp lên da và massage da mặt một cách nhẹ nhàng
- Làm sạch da mặt sau khoảng 5 phút.
2. Rửa mặt bằng chanh, sữa chua không đường và mật ong
Từ lâu, mật ong đã nổi tiếng với công dụng giữ ẩm và kháng khuẩn cho da, nhờ đó giúp giảm sưng mụn nhờ các thành phần chống oxy hóa. Trong khi đó, sữa chua không đường chứa dồi dào lượng vitamin B6, canxi và protein giúp dưỡng ẩm và cấp nước cho da. Sự kết hợp giữa 2 nguyên liệu này cùng với nước chanh sẽ tạo nên các chất kháng khuẩn hỗ trợ diệt khuẩn và làm mờ các vết thâm sẹo sau mụn.
Nguyên liệu
- ½ quả chanh
- 1 thìa cà phê mật ong
- 2 thìa sữa tươi không đường
Cách thực hiện
- Trộn đều tất cả các nguyên liệu này lại với nhau và rửa mặt thật sạch
- Sau đó đắp nhẹ nhàng hỗn hợp lên da mặt, kết hợp massage cho da
- Rửa mặt bằng nước sạch sau từ 10-15 phút
>>> Bạn có thể quan tâm: 10 sai lầm thường gặp khi rửa mặt
Tác dụng phụ
Mặc dù rửa mặt bằng chanh sẽ mang lại nhiều lợi ích tức thời, tuy nhiên đi kèm theo nó cũng có nhiều các nguy hạicho sức khỏe làn da. Tuy chanh có tính axit cao, nhưng vẫn rất khó để nhận ra bất kỳ tác dụng phụ nào trên da xảy ra nếu chỉ mới áp dụng sau 1 đêm. Đối với những bạn có làn da nhạy cảm thì các rủi ro này dễ trở nên trầm trọng hơn khi bạn phải liên tục phơi da dưới ánh nắng mặt trời.
Kích ứng da
Kích ứng da là tác dụng phụ khá phổ biến ở rất nhiều người khi rửa mặt bằng chanh. Do chanh có tính axit cực kỳ cao nên chanh dễ gây kích ứng cho làn da bạn. Cụ thể, tình trạng da khô, mẩn đỏ và bong tróc da quá mức là các vấn đề thường gặp khi dùng chanh để vệ sinh da mặt. Và những tác động này sẽ ngày càng tồi tệ hơn nếu bạn sở hữu làn da nhạy cảm. Vì thế, theo nguyên tắc chung thì những người có làn da nhạy cảm nên tránh xa việc thoa chanh lên da mặt.
Viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng
Viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng là một loại phản ứng của da với trái cây họ cam quýt, cây mùi tây, cần tây hoặc cà rốt. Sau khi làn da bạn đã tiếp xúc với các tia UV, phản ứng viêm có nguy cơ cao xảy ra. Điều này có thể đi kèm với các triệu chứng như da mẩn đỏ, sưng tấy và phồng rộp da.
Bệnh bạch biến
Bệnh bạch biến xảy ra khi da của bạn trở nên sáng màu do mất đi sắc tố melanin – chất chịu trách nhiệm quy định màu da tự nhiên của mỗi người. Về nguyên tắc thì đúng là chanh có khả năng làm sáng màu da và cải thiện các đốm nâu trên da, nhưng đôi khi các đốm bạch cầu lớn, lan rộng vẫn có nguy cơ phát triển trên các vùng da này.
Cháy nắng da
Rửa mặt bằng chanh cũng làm tăng nguy cơ khiến da bị cháy nắng. Do đó bạn không nên thoa chanh trước khi ra ngoài gặp ánh nắng trực tiếp. Thay vì chanh giúp làm sáng da, nhưng việc để làn da phơi nhiễm dưới cái nắng gay gắt lại khiến da bạn gặp phản ứng tác dụng ngược, gây ra tình trạng cháy nắng và đen sạm cho da. Bên cạnh đó, phản ứng này có thể có những biểu hiện như mẩn đỏ, bỏng rát hoặc thậm chí nổi mụn nước trên da.
Phá vỡ lớp màng dưỡng ẩm tự nhiên của da
Thông thường, làn da của mỗi người có độ pH dao động trong khoảng 4.5. Tuy nhiên độ pH trong chanh là từ 2-3 (vốn có tính axit cao hơn nhiều so với làn da của bạn). Độ pH có tính axit của chanh có thể làm rối loạn hệ thực vật bình thường của da. Do đó, hãy luôn pha loãng chanh trước khi rửa mặt để phù hợp với độ pH của da, đặc biệt là làn da dễ bị ửng đỏ, kích ứng.
Bạn có nên rửa mặt bằng chanh mỗi ngày?
Nếu bạn đã quyết định rửa mặt bằng chanh như 1 liệu pháp tự nhiên, thì chỉ nên áp dụng 2 lần/ tuần. Tốt nhất bạn nên ngừng sử dụng chanh lên da khi nhận thấy làn da bắt đầu cải thiện. Vì nếu lạm dụng rửa mặt thì làn da bạn sẽ gặp tình trạng ăn mòn và rất dễ bị ăn nắng. Đồng thời, bạn cần chú ý thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi rửa mặt với chanh để làn da được cấp nước đầy đủ và giảm nguy cơ bong tróc da. Như đã đề cập, bạn không nên rửa mặt bằng nước chanh khi biết mình chuẩn bị phải ra nắng vì sẽ làm tăng nguy cơ da bị cháy nắng đi kèm theo các tác dụng phụ khác.
>>> Bạn có thể quan tâm: Dụng cụ rửa mặt: Liệu có thần kỳ như những gì bạn nghĩ?
Lưu ý khi rửa mặt bằng chanh
- Dễ bị dị ứng da. Do trong chanh có mùi thơm như citronellol, geraniol, eugenol, coumarin, limonene, citral,… nên đối với 1 số người, chanh có thể gây dị ứng cho da, mũi và phổi. Vì thế, bạn nên tránh sử dụng chanh nếu bạn dễ bị dị ứng với hương thơm.
- Không nên thoa trực tiếp chanh tươi. Tuy là có công dụng trị mụn và dưỡng trắng da, thế nhưng lượng axit đậm đặc lại khiến làn da dễ bị bỏng rát, mẩn đỏ và nổi mụn sần sùi. Vì thế, trước khi rửa mặt bằng chanh, bạn nên pha loãng nước cốt chanh với nước lọc để giảm nồng độ axit, an toàn cho làn da.
- Sử dụng kem chống nắng. Nếu rửa mặt bằng chanh vào buổi sáng, bạn cần dùng thêm kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên để ngăn ngừa tối đa tác hại của tia UVA và UVB.
- Không dùng chanh để qua đêm. Nước cốt chanh sau khi được vắt thì đều có nguy cơ bị oxy hóa và nhiễm khuẩn cho da. Vì thế nếu tùy ý đắp chanh lên mặt có thể khiến làn da bị kích ứng và bùng phát mụn càng nặng. Chính vì vậy, bạn không nên để dành chanh qua đêm để rửa mặt vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến da.
- Không rửa mặt bằng chanh khi trên da có vết thương hở. Các vết thương hở, vết cắt, nốt mụn đau viêm sẽ ngày càng tồi tệ hơn khi gặp thành phần axit trong chanh. Nếu thấy da bị mẩn đỏ, bong tróc, nổi thêm mụn thì ngay lập tức ngừng rửa mặt bằng chanh.
- Chỉ nên rửa mặt vào buổi tối: Bên cạnh những lợi ích mang lại cho da, việc rửa mặt bằng chanh cũng có thể khiến làn da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Vì vậy tốt nhất bạn chỉ nên áp dụng vào buổi tối, thay vì rửa mặt vào buổi sáng.
Thành phần axit trong chanh có công dụng hỗ trợ làm sáng đều màu da, làm sạch bề mặt và ngăn ngừa các vết mụn thâm hay mụn trứng cá xuất hiện. Bên cạnh những lợi ích cho làn da, việc rửa mặt bằng chanh cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro. Rửa mặt bằng chanh cũng không được khuyến cáo áp dụng với người có làn da nhạy cảm. Vì thế để đảm bảo an toàn cho làn da, bạn luôn tham vấn ý kiến của các chuyên gia da liễu về phương pháp này để cân nhắc về những mặt hại, mặt lợi trước khi áp dụng vào quy trình chăm sóc da bạn nhé!