backup og meta

Viêm da do ánh nắng

Viêm da do ánh nắng

Tìm hiểu chung

Viêm da do ánh nắng là bệnh gì?

Viêm da do ánh nắng, hay thường được gọi là cháy nắng, là chứng mẫn đỏ gây ngứa rát, có vảy, phồng giộp ở da (vết cháy nắng) khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng hoặc tia cực tím. Vết cháy nắng thường mất vài ngày hoặc lâu hơn để mờ dần.

Viêm da do ánh nắng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh về da khác như khô da hoặc da có nếp nhăn, xuất hiện đốm đen, đốm thô và ung thư da.

Bạn có thể ngăn ngừa viêm da do ánh nắng bằng cách mặc thêm áo hoặc thoa kem chống nắng khi ra khỏi nhà.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm da do ánh nắng là gì?

Triệu chứng bao gồm làn da bị đỏ và khô. Da có thể bị phồng giộp hoặc phát ban. Chứng phát ban có thể gây đau và ngứa. Ngoài ra bạn cũng có thể bị đau đầu, chóng mặt, mất nước, sốt và ớn lạnh.

Các ảnh hưởng lâu dài bao gồm tình trạng da dày lên và có sẹo, đồng thời nguy cơ mắc bệnh ung thư da của bạn tăng cao hơn.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

 Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nên gọi bác sĩ nếu bạn bị:

  • Tình trạng rám nắng ở da hình thành nên các vết phồng giộp, bao phủ một phần diện tích lớn trên cơ thể, hoặc có cảm giác rất đau;
  • Sưng mặt;
  • Sốt và ớn lạnh;
  • Khó chịu ở dạ dày;
  • Đau đầu, lú lẫn, hoặc ngất xỉu;
  • Các dấu hiệu của tình trạng mất nước.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra viêm da do ánh nắng là gì?

Viêm da do ánh nắng xảy ra khi lượng ánh nắng mà bạn tiếp xúc vượt quá khả năng bảo vệ da của sắc tố melanin trong cơ thể. Người có nước da sáng có thể bị viêm da do ánh nắng chỉ sau 15 phút tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lúc giữa trưa trong khi một người da sậm màu thì có thể chịu được vài giờ.

Ngoài ra, có một số người có thể nhạy cảm hơn với ánh nắng. Chứng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời có thể do di truyền trong gia đình hoặc do một số chất hóa học có trong thuốc, mĩ phẩm hay thức ăn. Một số loại bệnh, chẳng hạn như lupus ban đỏ và chàm cũng có thể khiến cho da nhạy cảm với ánh nắng.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải viêm da do ánh nắng?

Bất kỳ người nào tiếp xúc với tia tử ngoại (UV) đều có nguy cơ bị cháy nắng. Tuy nhiên, nếu bạn càng có ít sắc tố melanin thì bạn càng ít được bảo vệ khỏi các tác động của tia tử ngoại hơn.

Ngoài ra bạn cũng sẽ có khả năng mắc phải viêm da do ánh nắng nếu:

  • Bạn có làn da trắng, xanh xao hoặc nâu nhẹ;
  • Bạn có nhiều tàn nhang hoặc tóc có màu đỏ hoặc vàng nhạt;
  • Bạn chỉ thỉnh thoảng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt – ví dụ như khi đi nghỉ mát;

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm da do ánh nắng?

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng viêm da do ánh nắng, bao gồm:

  • Chủng tộc: bất kỳ người nào cũng có thể bị viêm da do ánh nắng, nhưng chứng viêm da do ánh nắng thường xuất hiện nhiều nhất ở những người thuộc một số chủng tộc. Chẳng hạn như chủng tộc người da trắng;
  • Tiếp xúc với một số chất: khi da bạn tiếp xúc với một số chất và sau đó tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì khả năng xuất hiện một số các triệu chứng viêm da do ánh nắng cao hơn. Một số chất thường gây ra loại phản ứng này bao gồm nước hoa, thuốc sát trùng và thậm chí là một số loại hóa chất có trong kem chống nắng;
  • Dùng một số loại thuốc: nhiều loại thuốc có thể làm cho da bị cháy nắng nhanh hơn bao gồm thuốc kháng sinh tetracycline, các loại thuốc có chứa sulfa và các loại thuốc giảm đau như ketoprofen;
  • Đang mắc phải một chứng bệnh khác về da: Việc đang mắc phải chứng viêm da cơ địa hoặc các bệnh viêm da khác sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm da do ánh nắng;
  • Có người thân bị viêm da do ánh nắng: Bạn có nhiều khả năng mắc phải chứng viêm da do ánh nắng hơn nếu bạn có anh chị em ruột hoặc cha mẹ dễ bị viêm da do ánh nắng.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm da do ánh nắng?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên kết quả khám lâm sàn da và hỏi về triệu chứng cũng như tiền sử tiếp xúc với ánh nắng mặt trời của bạn. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các loại thuốc mà bạn đang sử dụng và hỏi về các loại thực phẩm mới mà bạn sử dụng gần đây để tìm nguyên nhân khiến bạn nhạy cảm hơn với ánh sáng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm da do ánh nắng?

Bạn có thể chữa viêm da do ánh nắng ngay tại nhà bằng cách tắm bằng nước mát, lau nhẹ chỗ bị viêm bằng khăn ướt. Nếu có mụn nước, băng khô có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Nếu da của bạn bị phồng rộp hoặc bị viêm, bạn có thể dùng kem cortisone hoặc các loại kem dưỡng ẩm khác để để giảm bớt khó chịu. Một số loại thuốc chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen có thể giúp làm giảm đau do viêm da. Tuy nhiên, không được dùng aspirin cho trẻ em.

Ngoài ra, điều quan trọng trong việc điều trị là phải tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các chất gây ra chứng viêm da do ánh nắng. Nếu không thể tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bạn phải thoa kem chống nắng có tác dụng chống tia tử ngoại A (UVA) và tia tử ngoại B (UVB) có chỉ số SPF 15 hoặc cao hơn.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm da do ánh nắng?

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh cũng như sức khỏe của mình nếu bạn lưu ý vài điều dưới đây:

  • Chỉ dùng thuốc khi được chỉ định. Tránh tiếp xúc với tia tử ngoại càng nhiều càng tốt khi bạn đang dùng các loại thuốc như thuốc kháng sinh tetracycline, thuốc sulfa và thuốc lợi tiểu Những loại thuốc này khiến cho da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời;
  • Sử dụng kem chóng nắng, nón và áo tay dài để giảm thiểu ảnh hưởng của việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời;
  • Tránh sử dụng các loại thuốc xức và mỹ phẩm dưỡng da có nguồn gốc không rõ ràng vì chúng có thể chứa các thành phần gây nhạy cảm;
  • Tham khảo ý kiến tư vấn từ bác sĩ trước khi bạn sử dụng bất kỳ thiết bị tắm nắng nào;
  • Liên hệ với bác sĩ nếu bạn bị sốt hoặc các triệu chứng bệnh không cải thiện tốt hơn khi điều trị.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản in. Trang 127

Auerbach PS. Wilderness Medicine. 6th ed. Philadelphia, Pa: Mosby Elsevier; 2011. http://www.mdconsult.com/books/page.do?eid=4-u1.0-B978-1-4377-1678-8..00014-3–s0235&isbn=978-1-4377-1678-8&sid=1328139176&uniqId=343465713-3#4-u1.0-B978-1-4377-1678-8..00014-3–s0240. Ngày truy cập 1/10/2015

Habif TP. Clinical Dermatology: A Color Guide to Diagnosis and Therapy. 5th ed. Edinburgh, U.K.; New York, N.Y.: Mosby Elsevier; 2010. http://www.mdconsult.com/books/about.do?about=true&eid=4-u1.0-B978-0-7234-3541-9..X0001-6–TOP&isbn=978-0-7234-3541-9&uniqId=230100505-57. Ngày truy cập 1/10/2015

Sunburn. NHS Choices. http://www.nhs.uk/Conditions/Sunburn/Pages/Introduction.aspx. Ngày truy cập 1/10/2015

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Thương Trần


Bài viết liên quan

Xịt khoáng cho da dầu mụn có công dụng gì và nên chọn như thế nào?

BHA cho da dầu mụn: Những lưu ý về cách chọn và cách dùng


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo