🔥 Bài đăng hot nhất

Sương mù não là gì? Cách tránh xa chứng sương mù não

Sương mù não không phải là một bệnh lý cụ thể mà chính là một loại rối loạn chức năng nhận thức. Tuy không nguy hiểm nhưng tình trạng này gây khó tập trung, mệt mỏi, hay quên,… Từ đó, làm giảm chất lượng sống của người bệnh. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn sương mù não là gì và cách phòng tránh như thế nào?

1. Sương mù não là gì? Triệu chứng bệnh như thế nào?

Với thắc mắc “sương mù não là gì”, các chuyên gia giải thích như sau: Sương mù não là một triệu chứng, không phải là bệnh lý cụ thể. Cụ thể hơn, đây chính là một dạng rối loạn nhận thức với những biểu hiện như sau:

- Suy giảm trí nhớ: Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất ở người bị sương mù não. Tình trạng này khiến khả năng xử lý thông tin của não kém hơn rất nhiều, trí nhớ bị suy giảm. Người bệnh hay bị nhớ nhớ, quên quên, thường xuyên quên đồ đạc, quên từ mình định nói và không nhớ được những thông tin vừa đọc. Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đến những công việc sinh hoạt hàng ngày, khiến cuộc sống của người bệnh bị xáo trộn.

- Giảm khả năng tập trung: Khi hoạt động của hệ thần kinh bị ảnh hưởng, người bệnh rất khó để tập trung, chú ý vào một sự vật, sự việc. Vì thế, họ thường có biểu hiện đang làm dở việc này lại chuyển sang việc khác. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập và hiệu suất công việc.

- Suy nghĩ chậm chạp: Hệ thần kinh bị rối loạn và mất tự chủ nên những tín hiệu truyền đến não có thể bị ngắt quãng. Chính vì thế, người bệnh thường suy nghĩ chậm chạp, phản ứng chậm hơn bình thường.

- Rối loạn cảm xúc: Khi bị sương mù não, người bệnh thường xuyên bị thay đổi tâm trạng. Có thể từ hứng khởi sang trầm cảm một cách nhanh chóng, buồn vui thất thường. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến công việc hàng ngày mà còn có thể khiến cho những mối quan hệ của người bệnh trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

- Mệt mỏi kéo dài: Dù không phải làm việc nhiều nhưng người mắc chứng sương mù não vẫn thường cảm thấy mệt mỏi kéo dài. Dù đã nghỉ ngơi nhưng cảm giác mệt mỏi vẫn tiếp diễn khiến người bệnh vô cùng khó chịu.

4 cách đơn giản sau có thể giúp trí não luôn minh mẫn, tránh xa chứng sương mù não

Tránh để cơ thể căng thẳng quá lâu

Ngay cả khi chúng ta đang "thư giãn" thì cơ thể cũng có thể đang căng thẳng về mặt thể chất. Chẳng hạn như nằm ngủ sai tư thế gây cứng cổ, tập yoga hoặc chơi thể thao bị đau lưng, đau vai.

Trong những trường hợp như vậy, ngoài việc tìm cách xoa dịu cơn đau, tiến sĩ Tara Swart Bieber khuyên nên thực hiện bài tập hít thở sâu.

Hít vào thật sâu, sau đó nhịn thở chừng 4 giây rồi thở mạnh ra, giải phóng tất cả không khí ra khỏi phổi trong 4 giây tiếp theo. Sau đó lại nhịn thở 4 giây nữa và lặp lại việc hít vào thở ra như vậy ít nhất 4 vòng.

Hít thở sâu là một cách đơn giản để giúp làm dịu bộ não của chúng ta. Các nghiên cứu khoa học trước đây cũng chỉ ra rằng nó có thể làm giảm mức độ cortisol, là chất hóa học được sản xuất khi cơ thể bị căng thẳng.

Không dùng máy tính, điện thoại trước khi đi ngủ

Đây là thói quen xấu mà rất nhiều người mắc phải. Ban đêm là thời gian mà mắt và não bộ cần nghỉ ngơi. Việc lướt Facebook, TikTok hoặc xem phim trước khi đi ngủ có thể khiến não bộ phải hoạt động nhiều và mệt mỏi hơn.

Thay vì xem điện thoại, nên đọc sách để giảm tác động từ ánh sáng màn hình. Một vài động tác giãn cơ, matxa cơ bắp thời gian này và tránh uống trà, cà phê cũng giúp chúng ta có giấc ngủ ngon hơn.

Mỗi người trưởng thành cần ngủ khoảng tám tiếng mỗi ngày. Nhiều hơn mức thời gian đó có thể dẫn đến tâm trạng chán nản và ít hơn mức đó cũng sẽ không cho não đủ thời gian để nghỉ ngơi và thiết lập lại hoạt động.

Giảm tiêu thụ đường

Một chế độ dinh dưỡng cân bằng sẽ cho sức khỏe tốt toàn diện, bao gồm cả sức khỏe não bộ. Quan trọng nhất là cần giảm lượng đường nạp vào cơ thể.

Glucose (đường) là năng lượng chính của cơ thể mỗi chúng ta. Nhưng giống như mọi nguồn thực phẩm hay vitamin khác, glucose chỉ phát huy tác dụng tối ưu khi nạp vào lượng vừa phải.

Quá nhiều hay quá ít glucose đều gây tác động đến hoạt động não, khiến chúng ta trở nên cáu kỉnh, mệt mỏi, rối loạn tâm thần và suy giảm khả năng phán đoán.

Thiền

Theo tiến sĩ Tara Swart Bieber, thiền ít nhất 12 phút mỗi ngày và thực hiện vào ban đêm có thể giúp giảm thiểu sương mù não vào ngày hôm sau.

Cách thức "thiền" rất đơn giản: Ngồi hoặc nằm xuống ở một vị trí thoải mái, loại bỏ tất cả phiền nhiễu trong đầu, hít thở sâu và để tâm trí được nghỉ ngơi.

Nếu không thích thiền, bạn có thể thực hiện các hoạt động thư giãn khác như nấu ăn hoặc đi dạo trong không gian yên tĩnh.

Một lời khuyên rất thú vị từ nhà thần kinh học này là "nghĩ ra một câu ‘thần chú’ và đọc vào mỗi buổi sáng". Chẳng hạn như: "Tối nay tôi sẽ đi ngủ sớm, ngủ thật ngon và ngày mai sẽ khỏe mạnh".

Bằng cách nói to các mục tiêu với chính mình, bạn có thể bắt đầu có chủ ý hơn trong việc thay đổi thói quen của mình. Và thông qua sự lặp lại đó, bộ não và cơ thể của bạn sẽ bắt đầu làm theo.

Hi vọng những chia sẻ trên giúp bạn hiểu rõ hơn chứng sương mù não là gì và biết cách phòng tránh.

Thích
Chia sẻ
Lưu
Bình luận
64
2
2

2 bình luận

Sao giống giống triệu chứng của mình thế. Làm gì chẳng nhớ

1 năm trước
Thích
Trả lời

mình có ng quen bị covid xong là bị cái này luôn nè

1 năm trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!