🔥 Bài đăng hot nhất

RỐI LOẠN GIẤC NGỦ LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Các loại rối loạn giấc ngủ

Trong các loại rối loạn giấc ngủ, dưới đây là 6 dạng bệnh phổ biến nhất mà chúng ta thường mắc phải:

1. Mất ngủ

Mất ngủ là tình trạng khó đi vào giấc ngủ vào ban đêm, lặp đi lặp lại trong nhiều ngày. Những người bị mất ngủ thường bị buồn ngủ quá mức vào ban ngày cũng như dễ bị các chứng suy giảm nhận thức khác trong khi đang thức.

Tình trạng rối loạn giấc ngủ này nếu kéo dài, diễn ra ít nhất ba lần mỗi tuần trong ít nhất ba tháng thì được xem là mất ngủ mãn tính. Hiện nay, thống kê từ tổ chức nghiên cứu về giấc ngủ National Sleep Foundation (Mỹ) cho thấy, có đến khoảng ⅓ số người trưởng thành “chung sống” với chứng mất ngủ.

2. Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Chứng ngưng thở khi ngủ cũng là một dạng rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh bị tắc nghẽn đường thở trên mỗi khi đi ngủ. Có 2 dạng ngưng thở khi ngủ chính là ngưng thở tắc nghẽn và ngưng thở trung ương. Ngoài ra, còn có chứng ngưng thở hỗn hợp là sự phối hợp hai loại trên.

Khi đi vào giấc ngủ, thanh quản sẽ hẹp lại khiến cho không khí lưu thông qua vùng hầu họng trở nên khó khăn hơn. Lúc này, người bệnh sẽ có hiện tượng ngáy để chống lại hiện tượng trên. Hoặc người bệnh cũng có thể ngừng thở trong một khoảng thời gian (thường là 10 giây).

Chứng ngưng thở khi ngủ có thể khiến người bệnh ngưng thở nhiều lần trong lúc ngủ và hoàn toàn không nhớ gì về tình trạng này cho dù có thức giấc sau mỗi lần ngưng thở. Giống như các chứng rối loạn giấc ngủ khác, chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra tình trạng buồn ngủ quá mức, mệt mỏi, uể oải, suy giảm nhận thức,… vào ban ngày.

3. Chứng ngủ rũ Narcolepsy

Chứng ngủ rũ là một dạng rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi quá mức vào ban ngày mặc dù đã nghỉ ngơi đầy đủ vào đêm hôm trước. Tình trạng này khiến bạn luôn trong trạng thái “thèm ngủ” và có thể ngủ những giấc ngủ gật đột ngột vào ban ngày.

Chứng ngủ rũ là một bệnh mạn tính, có thể dẫn đến mất trương lực cơ bất ngờ trong thời gian ngắn. Ngủ rũ và cơn mất trương lực cơ có thể xảy ra ở bệnh nhân bị u vùng não thất ba và thân não trên, chấn thương sọ não, viêm não, bệnh Niemann – Pick.

4. Hội chứng chân không yên (RLS)

Hội chứng chân không yên (Restless Leg Syndrome – RLS hay còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom) là một loại rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ. Tình trạng này khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, đau nhói, khó chịu ở chân và có cảm giác muốn chân di chuyển ngay cả trong lúc ngủ.

Trong một số trường hợp, người mắc hội chứng chân không yên còn có thể cảm thấy khó chịu ở tay hoặc các bộ phận khác. Chỉ khi chân di chuyển thì mới có thể cảm thấy thoải mái hơn.

Tình trạng rối loạn giấc ngủ này thường có biểu hiện nhẹ vào buổi sáng và trở nên nghiêm trọng hơn mỗi tối.

Hội chứng chân không yên khiến bạn liên tục muốn cử động trong khi ngủ

5. Bệnh mất ngủ giả (Parasomnias)

Parasomnias là tình trạng “mất ngủ giả” – một dạng rối loạn giấc ngủ tương đối phổ biến hiện nay. Người mắc bệnh mất ngủ giả có thể có những hành vi bất thường trước khi đi vào giấc ngủ hoặc trong giấc ngủ.

Mộng du, nói chuyện trong khi ngủ, rên rỉ trong khi ngủ, gặp ác mộng, tè dầm,… là những hành vi thường gặp của người mắc chứng rối loạn giấc ngủ này. Những biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ này thường xảy ra ở trẻ em, đôi khi người lớn cũng có thể gặp phải.

6. Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học (Circadian)

Rối loạn nhịp điệu giấc ngủ hay còn gọi là rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, thức dậy quá sớm nhưng không thể ngủ trở lại, thức dậy trong chu kỳ ngủ,… Tình trạng rối loạn giấc ngủ này bao gồm các dạng như: rối loạn giai đoạn ngủ muộn, rối loạn giai đoạn giấc ngủ nâng cao, rối loạn giấc ngủ do làm công việc theo ca, nhịp điệu ngủ – thức không đều, hội chứng ngủ – thức không theo 24 giờ,…

Ngoài 6 dạng rối loạn giấc ngủ kể trên, còn nhiều dạng rối loạn giấc ngủ khác như ngủ quá mức vô căn, hội chứng Kleine-Levin (hội chứng người đẹp ngủ), chứng tê liệt trong giấc ngủ,…

Triệu chứng rối loạn giấc ngủ

Các triệu chứng rối loạn giấc ngủ bao gồm rất buồn ngủ vào ban ngày và khó ngủ vào ban đêm. Ngoài ra, còn có những triệu chứng khác tùy thuộc vào dạng rối loạn giấc ngủ mà bạn đang gặp phải.

Một số dấu hiệu rối loạn giấc ngủ thường gặp có thể kể đến như:

• Đột ngột ngủ gật vào những thời điểm không thích hợp, chẳng hạn như khi đang lái xe, đang trong cuộc họp, đang làm việc,…

• Cảm thấy khó chịu mỗi khi cố gắng chìm vào giấc ngủ.

• Bạn thường mất hơn 30 phút mỗi đêm để đi vào giấc ngủ.

• Có chu kỳ ngủ – thức không đều.

• Ngưng thở, thở hổn hển, ngáy to trong lúc ngủ.

• Đi tiểu không tự chủ trong khi ngủ.

• Thức giấc giữa đêm nhưng không thể ngủ lại được.

• Có giấc ngủ ngắn, tỉnh dậy sớm.

• Bị mộng du (rời khỏi giường và di chuyển trong khi vẫn đang ngủ).

• Có biểu hiện sợ hãi, khóc lóc, la hét,… ngay cả khi đang ngủ.

• Vào buổi tối và khi bạn cố gắng đi vào giấc ngủ, bạn có cảm giác kiến bò, ngứa ran ở chân hoặc tay của mình và cảm giác này được giảm bớt khi bạn cử động chân.

• Tưởng tượng ra những tiếng nổ lớn trong đầu nếu bị đánh thức khi đang ngủ.

• Gặp ảo giác khi bắt đầu giấc ngủ hoặc trong quá trình chuyển đổi giữa ngủ và thức.

• Không thể nhớ được những hành vi mà mình đã làm trong khi ngủ.

• Cảm thấy tê liệt hoàn toàn ngay khi thức dậy.

• Mệt mỏi, uể oải và luôn cảm thấy buồn ngủ, cần được đi ngủ vào ban ngày.

• Cáu kỉnh, lo lắng, tâm trạng thay đổi.

• Suy giảm hiệu suất làm việc, học tập.

• Thiếu tập trung.

Triệu chứng rối loạn giấc ngủ thường gặp là mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày

Nguyên nhân rối loạn giấc ngủ

Trong một số trường hợp, các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn chính là nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như:

1. Đang gặp các tình trạng bệnh lý

Người bị dị ứng, cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp hay đang gặp các vấn đề về hô hấp thường bị khó thở vào ban đêm và không thể thở bằng mũi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến rối loạn giấc ngủ.

Bên cạnh đó, người mắc các bệnh lý như bệnh tim mạch, bệnh phổi, bệnh dạ dày,… cũng khó đi vào giấc ngủ hơn và không thể ngủ sâu giấc được.

2. Đi tiểu thường xuyên

Nguyên nhân rối loạn giấc ngủ có thể do bạn uống nhiều nước trước khi ngủ dẫn đến tình trạng tiểu đêm, đi tiểu thường xuyên làm gián đoạn giấc ngủ. Ngoài ra, người bị mất cân bằng nội tiết tố, mắc các bệnh về đường tiết niệu, thận cũng có thể dẫn đến đi tiểu đêm gây rối loạn giấc ngủ.

3. Các cơn đau mãn tính

Các cơn đau liên tục có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ và thậm chí có thể đánh thức bạn sau khi bạn chìm vào giấc ngủ. Một số nguyên nhân phổ biến nhất của cơn đau mãn tính bao gồm:

• Viêm khớp;

• Đau nửa đầu;

• Đau lưng;

• Đau cơ xơ hóa;

• …

Trong một số trường hợp, cơn đau mãn tính thậm chí có thể trầm trọng hơn do rối loạn giấc ngủ. Chẳng hạn như người bệnh đau nửa đầu thường khó đi vào giấc ngủ và người bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc cũng có nguy cơ bị đau nửa đầu cao hơn.

Các cơn đau mãn tính có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ

4. Căng thẳng và lo lắng

Căng thẳng và lo lắng thường có tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Bạn có thể khó đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được.

Ngoài ra, người bị căng thẳng, lo lắng cũng có nguy cơ gặp ác mộng, mộng du, làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.

5. Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Một số loại thuốc điều trị bệnh có thể gây ra tác dụng phụ làm rối loạn giấc ngủ của bạn, chẳng hạn như khiến bạn ngủ nhiều hơn mức bình thường.

6. Di truyền

Các nghiên cứu cho thấy, nếu các thành viên trong gia đình của bạn như bố, mẹ, anh chị em ruột bị rối loạn giấc ngủ thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng cao hơn.

7. Các yếu tố khác

Một số yếu tố có thể góp phần gây ra các vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như:

• Thường xuyên làm việc ca đêm.

• Hội chứng jet lag: Tình trạng giấc ngủ bị ảnh hưởng do di chuyển nhanh qua các múi giờ, cơ thể chưa thích nghi được (thường xảy ra khi bạn đi du lịch, công tác đến các quốc gia có sự chênh lệch lớn về múi giờ với đất nước mà bạn đang sinh sống).

• Sinh hoạt kém lành mạnh, thường xuyên dùng thuốc lá, caffeine và rượu, sử dụng các chất kích thích.

Ai có nguy cơ mắc bệnh rối loạn giấc ngủ?

Những ai có nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ? Theo đó, các nhóm đối tượng sau đây sẽ dễ bị rối loạn giấc ngủ hơn so với những người khác:

• Giới tính: Rối loạn giấc ngủ dễ ảnh hưởng đến nữ giới hơn nam giới.

• Tuổi tác: Càng cao tuổi thì chất lượng giấc ngủ của bạn càng suy giảm.

• Lối sống: Nếu bạn có một lối sống kém lành mạnh, thường xuyên sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn hoặc các chất kích thích gây ảnh hưởng đến não bộ, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh lý rối loạn giấc ngủ cao hơn.

Xem thêm:

• Rối loạn giấc ngủ ở người trẻ: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị.

• Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị.

Nữ giới có nguy cơ mắc chứng rối loạn giấc ngủ cao hơn nam giới

Chẩn đoán rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ được chẩn đoán như thế nào? Làm sao để biết một người có thật sự bị rối loạn giấc ngủ hay không? Với người bệnh có các vấn đề liên quan đến chất lượng giấc ngủ, trước tiên bác sĩ sẽ khám sức khỏe và thu thập thông tin về các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn.

Ngoài ra, một số câu hỏi về tiền sử bệnh của các thành viên trong gia đình, lối sống của bạn, các thực phẩm mà bạn sử dụng hằng ngày, các loại thuốc bạn đang dùng gần đây… cũng được bác sĩ đặt ra để xác định bệnh và nguyên nhân gây bệnh.

Sau khi khai thác các thông tin cần thiết, tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số bài kiểm tra như:

• Đo đa ký giấc ngủ (Polysomnography): Đây là xét nghiệm nhằm đánh giá toàn bộ thay đổi của cơ thể trong lúc ngủ, bao gồm nhịp tim, nhịp thở, nồng độ oxy, điện não, chuyển động mắt,… cũng như chỉ số ngưng giảm thở để chẩn đoán người bệnh có bị hội chứng ngưng thở trong khi ngủ hay không.

• Đo điện não đồ (EEG): Đo điện não đồ giúp theo dõi và ghi chép các mẫu sóng não, phát hiện các vấn đề tiềm ẩn liên quan đến hoạt động điện đồ của não.

• Đo độ trễ giấc ngủ (MSLT): Phương pháp này giúp bác sĩ có thể xác định được có ngủ đủ giấc hay không, từ đó chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh của bạn. .

Bên cạnh các xét nghiệm trên, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán khác để có thể xác định chính xác về tình trạng rối loạn giấc ngủ của bạn.

Rối loạn giấc ngủ có tác hại gì?

Việc điều trị rối loạn giấc ngủ cần được xem xét nếu tình trạng này kéo dài trên 1 tuần sau khi đã áp dụng đầy đủ các phương pháp điều trị không dùng thuốc vì nếu để kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống.

Cụ thể, người bị rối loạn giấc ngủ, có thời gian ngủ ngắn, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo sẽ dễ mệt mỏi vào ban ngày, khó tập trung làm việc, học tập. Việc đột ngột ngủ gật cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu bạn đang làm những công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ như đang lái xe, sửa chữa điện,….

Người bị rối loạn giấc ngủ cũng có nguy cơ bị trầm cảm cao, sức khỏe tinh thần suy giảm. Bản thân người bệnh cũng dễ thay đổi tâm trạng, trở nên cáu gắt bực bội vô cớ với những người xung quanh,…

Rối loạn giấc ngủ còn làm tăng nguy cơ bị đau đầu, lâu ngày có thể dẫn đến trầm cảm làm người bệnh có cảm giác chán nản có thể có suy nghĩ tiêu cực không thiết sống. Vì vậy, nếu bị rối loạn giấc ngủ nên điều trị càng sớm càng tốt.

Điều trị rối loạn giấc ngủ

Điều trị rối loạn giấc ngủ như thế nào? Để có thể khắc phục hiệu quả tình trạng rối loạn giấc ngủ, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra, phân loại rối loạn giấc ngủ và nguyên nhân bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ cân nhắc có chỉ định dùng thuốc cũng như các phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, tại nhà, người bệnh rối loạn giấc ngủ cũng có thể áp dụng một số biện pháp để giúp dễ ngủ hơn và ngủ sâu giấc hơn, chẳng hạn như:

• Thư giãn, dùng các loại trà thảo mộc hỗ trợ ngủ ngon hơn;

• Ngâm mình với nước ấm trước khi ngủ khoảng 30 phút;

• Ngâm chân với nước ấm và muối hồng hoặc các loại thảo dược;

• Massage cơ thể, tập trung phần đầu và cổ – vai – gáy;

• Tập thể dục 30 phút mỗi ngày trước ngủ;

• Giữ cho phòng ngủ yên tĩnh, hạn chế ánh sáng. Phòng ngủ nên được chỉnh ở nhiệt độ mát vừa phải, không được quá lạnh hoặc quá nóng.

Phòng ngừa

Chứng rối loạn giấc ngủ có thể được phòng ngừa bằng cách tuân theo một lịch trình sinh hoạt lành mạnh. Theo đó, để hạn chế rối loạn giấc ngủ bạn cần lưu ý:

• Duy trì lịch ngủ – thức vào một khung giờ nhất định;

• Không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ tối thiểu 1 giờ;

• Tránh các yếu tố căng thẳng, gây kích thích thần kinh (đặc biệt là trước khi ngủ);

• Duy trì cân nặng hợp lý, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết;

• Không dùng rượu bia; thuốc lá; thực phẩm nhiều đường, thực phẩm có chứa caffeine vào buổi chiều muộn hoặc buổi tối;

• Hạn chế các món ăn nhiều chất béo, dầu mỡ khó tiêu trước ngủ;

• Tập thể dục, vận động thường xuyên;

• Uống ít nước trước khi đi ngủ;

Dinh dưỡng

Chế độ ăn uống hằng ngày cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Một số loại thực phẩm có thể kích thích chứng rối loạn giấc ngủ của bạn trong khi một số khác lại giúp tình trạng này cải thiện.

Theo nguyên tắc chung, một chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung đầy đủ vitamin và chất dinh dưỡng không chỉ giúp mang lại giấc ngủ ngon hơn mà còn hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm khác.

Việc tiêu thụ đủ chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với chất lượng giấc ngủ con người. Việc thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, magie và vitamin A, C, D, E và K đều làm tăng khả năng bị rối loạn giấc ngủ.

Để phòng ngừa và điều trị rối loạn giấc ngủ, quan trọng là nên ăn nhiều loại rau và trái cây, hạn chế tiêu thụ quá nhiều thực phẩm không lành mạnh như đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều đường như bánh kẹo, các loại rượu bia và đồ uống có cồn,… Ngoài ra, nên hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng carbohydrate cao vì các loại thực phẩm này có thể làm tăng số lần thức giấc vào ban đêm và giảm thời gian ngủ sâu, khiến bạn bị rối loạn giấc ngủ.

RỐI LOẠN GIẤC NGỦ LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊRỐI LOẠN GIẤC NGỦ LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ
Thích
Chia sẻ
Lưu
Bình luận
67
3
4

4 bình luận

rối loạn giấc ngủ cũng nguy hiểm quá

9 tháng trước
Thích
Trả lời

nhiều nguyên nhân gây ra chứng rối loạn giấc ngủ nhỉ

9 tháng trước
Thích
Trả lời

Cảm ơn đã chia sẻ

9 tháng trước
Thích
Trả lời

cảm ơn bạn chia sẻ, mình cũng đang bị mấy dấu hiệu này đây

9 tháng trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!