backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Sốc sốt xuất huyết Dengue nguy hiểm như thế nào? Xử trí ra sao?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn · Bệnh truyền nhiễm · Đại học Y dược Hải Phòng


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 04/08/2023

    Sốc sốt xuất huyết Dengue nguy hiểm như thế nào? Xử trí ra sao?

    Sốt xuất huyết Dengue là một căn bệnh nguy hiểm và thường bùng phát vào mùa mưa ở các vùng nhiệt đới. Triệu chứng nặng nhất của bệnh là sốc sốt xuất huyết Dengue, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. 

    Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây để biết sốc sốt xuất huyết Dengue là gì, có biểu hiện ra sao và biện pháp xử trí như thế nào.

    Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguyên nhân chủ yếu là do virus Dengue được truyền từ muỗi vằn thông qua vết muỗi đốt gây ra. Trong khi phần lớn các trường hợp sốt xuất huyết không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ, bệnh có thể biểu hiện thành một bệnh nặng, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành. Các triệu chứng thường kéo dài trong 2–7 ngày, sau thời gian ủ bệnh từ 4–10 ngày kể từ khi bị muỗi mang virus gây bệnh đốt. Nếu không được theo dõi sát và phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển biến nặng gây chảy máu nghiêm trọng, giảm huyết áp đột ngột và thậm chí dẫn đến tử vong. 

    >>> Bạn có thể xem thêm: Cách phân biệt muỗi gây sốt xuất huyết với muỗi thường

    Sốc do sốt xuất huyết là gì?

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết được phân thành 2 loại chính:

    • Bệnh sốt xuất huyết (có/không có dấu hiệu cảnh báo): đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của sốt cao  dưới 7 ngày kèm theo ít nhất 2 trong các dấu hiệu và triệu chứng nào sau đây: phát ban, đau nhức cơ, đau khớp, đau hốc mắt; xuất huyết ngoài da hoặc nghiệm pháp dây thắt dương tính; xét nghiệm thấy Hematocrit tăng, bạch cầu và tiểu cầu giảm.
    • Sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo: bao gồm các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyếtbất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào sau đây: đau bụng hoặc đau; nôn mửa liên tục; chảy máu niêm mạc; vật vã, li bì; gan to hơn 2cm; tăng hematocrit đồng thời với giảm nhanh số lượng tiểu cầu; tăng men gan trên 400U/L; tràn dịch màng phổi, màng bụng; tiểu ít.
    • Bệnh sốt xuất huyết nặng (bao gồm cả hội chứng sốc sốt xuất huyết Dengue): đặc trưng bởi tình trạng rò rỉ huyết tương nghiêm trọng, chảy máu nghiêm trọng dẫn tới sốc do sốt xuất huyết. Tình trạng rò rỉ huyết tương nghiêm trọng được biểu hiện bằng sự tăng hoặc giảm hematocrit, ứ dịch trong phổi hoặc bụng dẫn đến suy hô hấp và hội chứng sốc sốt xuất huyết. Suy giảm chức năng các tạng.

    Sốc sốt xuất huyết là một biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng sốt xuất huyết và có tỷ lệ tử vong cao. Việc tăng tính thấm thành mạch (lý do chính gây ra sốc) dẫn đến rò rỉ dịch từ khoang nội mạch ra khoang ngoài mạch, cùng với rối loạn chức năng cơ tim và mất nước, góp phần vào sự phát triển của sốc, dẫn đến suy đa tạng

    >>> Bạn có thể xem thêm: Những điều cần lưu ý khi bị sốt xuất huyết dengue

    Biểu hiện của sốc sốt xuất huyết

    Sốc sốt xuất huyết

    1. Biểu hiện dễ nhận biết

    Sốc sốt xuất huyết thường xảy ra trong khoảng 3-7 ngày sau khi phát bệnh sốt xuất huyết Dengue. Trong 24-48 giờ đầu tiên của giai đoạn quan trọng này, một số bệnh nhân có thể có các triệu chứng tiến triển xấu đi đột ngột. Lúc này, bệnh nhân có vẻ đang hạ sốt (dưới 38°C), nhưng điều này không đồng nghĩa với việc người bệnh đang trong quá trình hồi phục mà ngược lại, các dấu hiệu cảnh báo liên quan đến sốc sốt xuất huyết có thể biểu hiện: 

    • Đau bụng nặng, đặc biệt là đau hạ vị bên phải
    • Nôn mửa liên tục
    • Có máu trong chất nôn hoặc phân
    • Thở gấp, thở nhanh, khó thở (viêm phổi)
    • Chảy máu nướu răng hoặc chảy máu mũi
    • Mệt mỏi, bồn chồn, bứt rứt
    • Đau tức vùng gan do gan to
    • Tay chân lạnh
    • Tím tái quanh miệng
    • Dễ bầm tím, có chấm đen trên da (chấm xuất huyết nghiêm trọng)

    >>> Bạn có thể xem thêm: Phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết để chăm trẻ đúng cách

    2. Biểu hiện quan sát qua các xét nghiệm

    Theo WHO, đặc điểm của sốc sốt xuất huyết là:

    • Sốt hoặc tiền sử sốt cấp tính, kéo dài 2-7 ngày, đôi khi xảy ra hai pha
    • Xu hướng xuất huyết, được chứng minh bằng ít nhất một trong những điều sau:
      • Thử nghiệm dây thắt dương tính
      • Các đốm xuất huyết, đốm đen hoặc ban xuất huyết
      • Chảy máu niêm mạc, đường tiêu hóa, vết tiêm hoặc các vị trí khác
      • Nôn ra máu hoặc phân đen
  • Giảm tiểu cầu: số lượng tiểu cầu dưới 100000/mm3
  • Bằng chứng về sự rò rỉ huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, được biểu hiện bằng ít nhất một trong những điều sau:
    • Tăng hematocrit ≥ 20% so với mức trung bình theo tuổi, giới tính và dân số
    • Giảm hematocrit sau khi thay thế thể tích bằng hoặc lớn hơn 20% so với ban đầu
    • Dấu hiệu rò rỉ huyết tương như tràn dịch màng phổi, cổ chướng hoặc giảm protein huyết
    • Suy tuần hoàn, biểu hiện bằng
      • Da lạnh, da sần sùi và bồn chồn
      • Mạch yếu nhanh 
      • Kẹt huyết áp (hiệu số giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương <20mmHg) hoặc hạ huyết áp theo tuổi.

    Hiện tượng huyết áp kẹt là một trong những biểu hiện sớm nhất của sốc sốt xuất huyết, và xảy ra trước khi phát triển hạ huyết áp. Ngoài ra, rối loạn đông máu, suy hô hấp, viêm gan, viêm cơ tim cũng được coi là một trong những biểu hiện của sốc sốt xuất huyết.

    >>> Bạn có thể xem thêm: Cách nhận biết sốt xuất huyết qua từng giai đoạn để điều trị bệnh hiệu quả

    Sốc do sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?

    Sốc sốt xuất huyết là một tình trạng nguy hiểm có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong. Hội chứng sốc sốt xuất huyết Dengue là nguyên nhân chính khiến trẻ em phải nhập viện và gia tăng nguy cơ tử vong. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi, trẻ sơ sinh và người cao tuổi, tuy nhiên bệnh sốt xuất huyết có xu hướng chủ yếu xảy ra ở người lớn và trẻ lớn hơn. Đặc biệt, mặc dù người lớn vẫn có thể bị sốc, tình trạng rò rỉ mạch máu thường nghiêm trọng hơn ở trẻ nhỏ. Tình trạng nhiễm sốt xuất huyết cũng có vẻ trầm trọng hơn ở nữ. Sốc sốt xuất huyết có nhiều nguy cơ xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như bệnh đái tháo đường hoặc hen suyễn.

    Sự khởi đầu của sốc sốt xuất huyết có thể rất kịch tính và tiến triển không ngừng. Cơ chế bệnh sinh của sốc rất phức tạp. Tỷ lệ tử vong của sốc sốt xuất huyết có thể thay đổi từ <1% đến >10% tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các trường hợp được báo cáo, mức độ theo dõi sẵn có và kinh nghiệm của nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe. Nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 20-30%. 

    >>> Bạn có thể xem thêm: Cách phòng chống sốt xuất huyết mùa mưa? Lưu ý gì khi giảm sốt tại nhà

    Sốc sốt xuất huyết được chẩn đoán như thế nào? 

    Sốc sốt xuất huyết

    Không có điều tra sinh hóa nào khác để có thể đưa ra dự đoán bệnh nhân nào sẽ bị sốc sốt xuất huyết, mà phần lớn là chẩn đoán lâm sàng. Sự đông máu và giảm số lượng tiểu cầu báo trước sự khởi đầu của sốc. Sự thoát dịch của chất lỏng do rò rỉ mạch máu có thể được phát hiện bằng X-quang

    Sự hiện diện của chất lỏng xung quanh túi mật, cùng với sự dày lên của thành túi mật, đã được chứng minh là có liên quan đến sốc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, không có đặc điểm nào trong số này dự đoán sự phát triển của hội chứng sốc sốt xuất huyết nặng hoặc tử vong. Tuy nhiên, bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết có nhiều biểu hiện rối loạn chuyển hóa. 

    Đo oxy xung và phân tích khí máu động mạch cho thấy tình trạng thiếu oxy có thể là dấu hiệu của phù phổi. Điện tim rất hữu ích trong việc xác định sớm tình trạng viêm cơ tim. Siêu âm tim là phương pháp thăm dò chính được sử dụng để chẩn đoán rối loạn chức năng cơ tim và cần được thực hiện sớm khi nghi ngờ có sốc sốt xuất huyết.

    >>> Bạn có thể xem thêm: Xét nghiệm sốt xuất huyết

    Biện pháp xử trí sốc sốt xuất huyết

    Sốc sốt xuất huyết

    Không có liệu pháp cụ thể nào được chứng minh là có giá trị và cách xử trí chính cho những trường hợp sốc sốt xuất huyết là hồi sức tích cực và kịp thời bằng bằng chất lỏng qua đường tĩnh mạch một cách cẩn thận, nhanh chóng, mạnh mẽ để mở rộng thể tích huyết tương. Đối với bệnh nhân sốc sốt xuất huyết, WHO khuyến cáo thay thế thể tích ngay lập tức bằng dung dịch tinh thể đẳng trương. Trong khi nhiều người bị sốc đáp ứng với hồi sức bằng dung dịch tinh thể, một số bệnh nhân bị sốc sâu hoặc kéo dài thường cần hỗ trợ thêm bằng dung dịch keo (đặc biệt là dextran) và có nguy cơ bị tổn thương hô hấp do rò rỉ huyết tương liên tục.

    Phương pháp truyền tiểu cầu thường được áp dụng cho những bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết nghiêm trọng hoặc có số lượng tiểu cầu rất thấp, mặc dù số lượng tiểu cầu chính xác cần được truyền vẫn chưa được xác định. Tiểu cầu được truyền chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn ở những bệnh nhân bị hội chứng sốc sốt xuất huyết.

    Những bệnh nhân bị xuất huyết nặng cũng cần được truyền máu. Có một số bằng chứng về lợi ích của việc truyền huyết tương tươi đông lạnh trong việc tăng số lượng tiểu cầu, mặc dù tác dụng của truyền huyết tương trong sốc sốt xuất huyết chưa được nghiên cứu trong một thử nghiệm lâm sàng có đối chứng. Đối với những trẻ bị rối loạn đông máu hoặc chảy máu, có sự đồng thuận rằng nên truyền các thành phần máu (huyết tương tươi đông lạnh, hồng cầu đóng gói hoặc tiểu cầu) vào dịch truyền tĩnh mạch, nhưng thời gian tối ưu để bắt đầu truyền máu không rõ ràng.

    Cần theo dõi chặt chẽ vì sốc sốt xuất huyết có thể phát triển nhanh chóng. Mạch, huyết áp và hô hấp phải được theo dõi liên tục nếu có thể hoặc ít nhất 15 phút/lần. Độ bão hòa oxy nên được theo dõi bằng máy đo oxy xung và bệnh nhân nên được thở oxy. Có thể dùng paracetamol để kiểm soát cơn sốt. Corticosteroid và các globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch không có lợi ích gì.

    Những hướng dẫn xử lý sốc sốt xuất huyết đã được WHO ban hành, tuy nhiên, phần lớn bằng chứng về các biện pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết là từ trẻ em và thiếu bằng chứng từ người lớn.

    Nếu bắt đầu hồi sức thể tích thích hợp ở giai đoạn đầu, tình trạng sốc sốt xuất huyết thường hồi phục được. Trong những trường hợp rất nặng và ở những trường hợp hồi sức không đầy đủ, bệnh nhân có thể tiến triển đến sốc không hồi phục và tử vong. Tuy nhiên, phần lớn tình trạng rò rỉ mao mạch tự khỏi vào ngày thứ 6 của bệnh và sau đó nhanh chóng hồi phục hoàn toàn. Trong khoảng thời gian 24-48 giờ đầu sau khi hồi sức, người bệnh có thể có các đợt sốc tái phát. Đây có thể là dấu hiệu phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình trạng rò rỉ mao mạch đang diễn ra.

    >>> Bạn có thể xem thêm: Điều trị sốt xuất huyết tại nhà: Hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc người bệnh

    Trong phần lớn các trường hợp khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người bệnh có thể được chăm sóc và theo dõi tại nhà và cần chú ý phát hiện các dấu hiệu cảnh báo trong sốt xuất huyết để kịp thời đến theo dõi và điều trị tại các cơ sở y tế. Việc điều trị các trường hợp nhiễm sốt xuất huyết nặng đều cần được nhập viện để được theo dõi sát và điều trị phù hợp.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được sốc sốt xuất huyết là gì cũng như biết rõ cách nhận biết và những biện pháp xử trí sốc sốt xuất huyết.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn

    Bệnh truyền nhiễm · Đại học Y dược Hải Phòng


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 04/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo