Nếu chỉ số huyết áp không quá thấp, các bác sĩ thường chỉ định bạn điều trị bằng những cách tự nhiên tại nhà như xây dựng chế độ ăn cho người huyết áp thấp và có thói quen sinh hoạt hợp lý. Ngược lại, thuốc điều trị huyết áp thấp sẽ cần thiết đối với những trường hợp huyết áp giảm đáng kể.
Vậy, người bị tụt huyết áp uống thuốc gì? Cần lưu ý gì khi sử dụng để thuốc đạt hiệu quả nhất? Mời bạn cùng HelloBacsi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc điều trị huyết áp thấp fludrocortisone
Tác dụng
Fludrocortisone là một loại glucocorticoid tổng hợp được dùng để điều trị hầu hết các loại huyết áp thấp. Thuốc tụt huyết áp này giúp cân bằng lượng muối và nước trong cơ thể, từ đó giữ huyết áp ở mức ổn định.
Tác dụng phụ
Bạn có thể gặp một số tác dụng phụ của fludrocortison như:
- Huyết áp cao
- Sưng phù
- Suy tim
- Giảm lượng kali trong cơ thể
- Yếu cơ
- Viêm loét dạ dày
- Đau đầu
- Khó ngủ
- Tăng nhãn áp
- Tăng lượng đường trong máu
- Tăng cân.
Những tác dụng phụ nếu nhẹ sẽ tự cải thiện sau vài ngày dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên nhanh chóng liên hệ với bác sĩ nhé.
Khi dùng fludrocortisone, bạn nên ăn những thực phẩm bổ sung kali cho cơ thể như chuối, bơ, cải bó xôi, khoai lang, khoai tây, cà chua…
Tương tác thuốc
Trước khi sử dụng thuốc trị huyết áp thấp fludrocortisone, bạn hãy nói với bác sĩ về tất cả các sản phẩm thuốc theo toa, không kê toa hoặc thảo dược mà bạn đang sử dụng. Đặc biệt là những loại dưới đây:
- Thuốc digoxin
- Các loại vắc-xin
- Thuốc aldesleukin
- Thuốc mifepristone
- Thuốc ức chế miễn dịch như cyclosporine
- Thuốc chống động kinh như barbituates hoặc phenytoin
- Thuốc nội tiết tố như androgen, thuốc tránh thai, thuốc estrogen
- Thuốc ảnh hưởng đến men gan như rifampin hoặc rifabutin
- Các loại thuốc có thể gây chảy máu hoặc bầm tím như clopidogrel, dopigat, warfarin, aspirin, celecoxib, ibuprofen.
Nếu bác sĩ hướng dẫn bạn dùng aspirin liều thấp để điều trị đau tim hoặc phòng ngừa đột quỵ khi dùng fludrocortisone, bạn nên tiếp tục dùng thuốc trừ khi bác sĩ hướng dẫn bạn cách khác. Bạn không nên bắt đầu, dừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào mà không nói với các bác sĩ.
>>> Bạn có thể quan tâm: 6 cách tăng huyết áp cho người bị huyết áp thấp tại nhà
2. Thuốc điều trị huyết áp thấp midodrine
Tác dụng
Thuốc trị tụt huyết áp Midodrine kích hoạt các thụ thể trên các mao mạch để làm gia tăng huyết áp. Thuốc điều trị cho những người bị hạ huyết áp tư thế đứng liên quan đến rối loạn chức năng hệ thần kinh.
Midodrine thường là phương pháp cuối cùng sau khi bệnh nhân đã dùng nhiều mẹo trị huyết áp thấp tại nhà, thậm chí mang vớ ép y khoa mà vẫn không thuyên giảm.
Tác dụng phụ của thuốc điều trị huyết áp thấp midodrine
Các tác dụng phụ của thuốc midodrine thường hiếm thấy song không phải là không có.
Thuốc có thể khiến bạn gặp một số phản ứng nhẹ như:
- Ớn lạnh
- Đau dạ dày
- Thường xuyên đi tiểu
- Tiểu buốt.
Các tác dụng phụ ít gặp hơn là:
- Khô miệng
- Chóng mặt
- Buồn ngủ
- Chuột rút ở chân.
Nếu bạn thấy các triệu chứng này có xu hướng xấu hoặc tệ đi, bạn hãy báo cho bác sĩ để được kịp thời điều trị.
Ngoài ra, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ trầm trọng hơn như nhịp tim chậm, khó thở, lo lắng, mờ mắt, nhầm lẫn… Lúc này, bạn nên nhanh chóng báo cho bác sĩ.
Tương tác thuốc
Thuốc điều trị huyết áp thấp midodrine có thể tương tác với một số thuốc khác và làm thay đổi cách thuốc hoạt động. Thậm chí bạn cũng có nguy cơ gặp một số các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Bạn nên nói với các bác sĩ về tất cả các thuốc, thực phẩm chức năng, dược liệu mà bạn đang sử dụng.
>>> Bạn có thể quan tâm: Tụt huyết áp nên làm gì? Mẹo chữa tụt huyết áp tại nhà
3. Thuốc tiêm chữa huyết áp thấp norepinephrine
Tác dụng của thuốc điều trị huyết áp thấp norepinephrine
Norepinephrine hoạt động bằng cách co hẹp các mạch máu để làm tăng huyết áp. Đây là thuốc làm tăng huyết áp nhanh nhất khi huyết áp của người bệnh hạ xuống mức có thể đe dọa đến tính mạng.
Thuốc norepinephrine được tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân để chữa huyết áp thấp trong các trường hợp khẩn cấp do một số bệnh lý nhất định hoặc do phẫu thuật. Thuốc cũng thường được sử dụng trong hồi sức tim phổi.
Tác dụng phụ
Mặc dù là hiếm gặp, nhưng bạn có thể thấy một số tác dụng phụ và thậm chí là tử vong khi dùng thuốc norepinephrine. Bạn hãy nói bác sĩ ngay lập tức nếu có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây.
- Dấu hiệu phản ứng thuốc điều trị huyết áp thấp: phát ban, ngứa hoặc bong tróc da, đau thắt ngực hoặc cổ họng, khó thở, khàn giọng bất thường, sưng miệng, mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.
- Dấu hiệu của cao huyết áp: đau đầu, chóng mặt, ngất xỉu hoặc thay đổi thị lực.
Một số các dấu hiệu khác bạn có thể gặp phải là tim đập chậm, lo lắng, đau đầu, khó thở, tăng cân đột ngột…
Tương tác thuốc
Thuốc huyết áp thấp Norepinephrine có thể tương tác với một số loại thuốc dưới đây:
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc điều trị huyết áp thấp khác
- Nhóm chất ức chế như mao – isocarboxazid, linezolid, tiêm xanh methylene, phenelzine, rasagiline, selegilin, tranylcypromin…
Bạn cần nói với các bác sĩ nhanh chóng nếu cảm thấy da sưng tấy, có vết đỏ, nóng rát, phồng rộp, lở loét da trong quá trình tiêm thuốc norepinephrine vào tĩnh mạch. Norepinephrine có thể làm hỏng da hoặc các mô xung quanh vị trí tiêm nếu thuốc vô tình rò rỉ ra khỏi tĩnh mạch.
>>> Bạn có thể quan tâm: 12 nguyên nhân gây huyết áp thấp bạn không nên bỏ qua
Khi được các bác sĩ yêu cầu dùng thuốc điều trị huyết áp thấp, bạn nên tuân thủ uống thuốc theo đúng liều lượng đã được chỉ định. Ngoài ra, bạn cũng nên nói với bác sĩ về bệnh đang gặp và các loại thuốc đang dùng để tránh rủi ro. Bạn cũng cần thường xuyên theo dõi chỉ số huyết áp của mình để có những phương pháp ổn định huyết áp kịp thời nhé.
[embed-health-tool-heart-rate]