Rối loạn tiền đình là tình trạng rất phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ với các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt và mất thăng bằng,… Tuy bệnh không nguy hiểm đến tính mạng; nhưng gây khó chịu và cản trở việc học tập, làm việc, sinh hoạt thường ngày. Bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc rối loạn tiền đình để kiểm soát triệu chứng và giải quyết nguyên nhân gây bệnh, giúp bệnh nhân lấy lại nhịp sinh hoạt như bình thường.
Vậy rối loạn tiền đình uống thuốc gì? Cùng tìm hiểu 5 loại thường có mặt trong đơn thuốc trị rối loạn tiền đình qua bài viết dưới đây.
1. TOP 5 thuốc rối loạn tiền đình
Về mặt lâm sàng, điều trị rối loạn tiền đình được chia thành 3 nhóm: điều trị triệu chứng, điều trị đặc hiệu và điều trị dự phòng. Thông thường tuỳ vào nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng mà bác sĩ có thể chỉ định loại thuốc chữa rối loạn tiền định cụ thể. Dưới đây là một số loại phổ biến:
1.1 Thuốc Cinnarizin điều trị rối loạn tiền đình
Cinnarizin là thuốc kháng histamin H1, thường được chỉ định điều trị trường hợp rối loạn tiền đình, say tàu xe, cải thiện các triệu chứng chóng mặt, choáng váng,… do rối loạn tiền đình gây ra.
Cách dùng thuốc:
Thuốc thường được bào chế dưới dạng viên nén, dùng đường uống và uống với nhiều nước. Liều thuốc theo chỉ định trực tiếp của bác sĩ.
Tác dụng phụ:
- Ngủ gà.
- Tăng cân.
- Nhức đầu, uể oải.
- Khô miệng, hôi miệng.
- Rối loạn tiêu hoá, đau thượng vị.
Chống chỉ định:
- Không được dùng cho bệnh nhân mẫn cảm với cinnarizine, bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa porphyrin.
- Nên thận trọng khi dùng thuốc Cinnarizine cho người cao tuổi, phụ nữ có thai hay đang cho con bú.
1.2 Thuốc rối loạn tiền đình Acetylleucin
Acetyl Leucin thuộc nhóm thuốc điều trị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Thuốc được chỉ định để làm giảm các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt do rối loạn tiền đình gây ra.
Cách dùng thuốc:
Người lớn dùng liều khuyến cáo từ 3-4 viên/ngày, chia thành 2-3 lần/uống sau ăn. Duy trì dùng thuốc từ 5-6 tuần để thấy hiệu quả. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể điều chỉnh liều của bệnh nhân lên 6-8 viên/ngày.
Tác dụng phụ:
- Táo bón.
- Khó tiêu.
- Khô miệng.
- Phát ban nổi mề đay.
Chống chỉ định:
- Không dùng thuốc cho người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Người có tiền sử mẫn cảm với lúa mì.
- Thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú không nên dùng thuốc.
1.3 Thuốc rối loạn tiền đình Flunarizine
Flunarizine là thuốc được chỉ định trong các trường hợp điều trị chứng đau nửa đầu, các triệu chứng của rối loạn tiền đình, chứng thiếu tập trung, rối loạn trí nhớ và co cứng cơ khi đi bộ hoặc nằm, dị cảm, lạnh đầu chi.
Cách dùng thuốc:
- Liều khởi đầu: 10mg/lần/ngày trước khi đi ngủ. Đối với bệnh nhân > 65 tuổi, dùng liều 5mg/lần/ngày.
- Liều duy trì: Có thể giảm còn 5mg/ngày.
Tác dụng phụ:
Hoa mắt, mệt mỏi. Một số trường hợp dùng lâu dài có thể gây trầm cảm. Vì thế người có tiền sử trầm cảm cũng không nên dùng thuốc rối loạn tiền đình Flunarizine.
Chống chỉ định:
- Người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Người có tiền sử mắc các chứng rối loạn ngoại tháp, Parkinson.
- Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai.
1.4 Thuốc Tanakan điều trị rối loạn tiền đình của Pháp
Tanakan với chiết xuất từ bạch quả (Ginkgo biloba) là thuốc được dùng để điều trị rối loạn trí nhớ, suy nhược thần kinh, rối loạn tiền đình, hội chứng Raynaud. Thuốc này còn giúp cải thiện các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt và rối loạn thị giác.
Cách dùng thuốc:
Người lớn được khuyên dùng liều 1 viên/lần, mỗi ngày 3 lần. Hiện nay liều dùng thuốc cho trẻ em vẫn chưa được nghiên cứu.
Tác dụng phụ:
Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Rối loạn tiêu hoá.
- Rối loạn thần kinh.
- Rối loạn hệ miễn dịch.
- Rối loạn da và mô dưới da.
Chống chỉ định:
- Người mẫn cảm với thành phần cây bạch quả hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Người thiếu men lactose. Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần thận trọng khi dùng thuốc.
1.5 Vinpocetin – Thuốc tăng cường máu lên não
Vinpocetin là một dẫn xuất tổng hợp của alkaloid vinca chiết xuất từ cây dừa cạn, thường được sử dụng để cải thiện các vấn đề về mạch máu não như hay quên, dễ bị kích động, chóng mặt và rối loạn tiền đình.
Cách dùng thuốc:
Vinpocetin được bào chế ở dạng viên nén, uống cùng với nước sau bữa ăn. Liều dùng khuyến cáo là 5mg/lần, ngày 3 lần.
Tác dụng phụ:
Tác dụng không mong muốn có thể bao gồm: cảm giác nóng trong người, đau thượng vị, táo bón,…
Chống chỉ định:
Người bệnh suy gan, suy thận không nên dùng thuốc. Người cần sự tập trung cao độ như làm việc, lái xe cần chú ý thận trọng.
Bạn có thể tham khảo thêm: Phác đồ điều trị rối loạn tiền đình giúp bạn nhanh khỏe hơn
2. Rối loạn tiền đình nên làm gì? Không chỉ cần dùng thuốc
Ngoài thuốc, vật lý trị liệu – chế độ sinh hoạt, ăn uống được xem là ba yếu tố quan trọng trong điều trị rối loạn tiền đình. Vì thế, bên cạnh việc dùng thuốc rối loạn tiền đình đúng cách; người bệnh rối loạn tiền đình cũng cần lưu ý:
- Thường xuyên thực hiện các bài tập phục hồi chức năng tiền đình và bài tập giữ thăng bằng.
- Bỏ hút thuốc lá và tránh khói thuốc. Thành phần nicotine trong thuốc lá có thể gây kích hoạt các triệu chứng rối loạn tiền đình.
- Cố gắng uống đủ nước mỗi ngày; có thể thay thế nước lọc bằng các loại trà thảo mộc không đường để uống được nhiều nước hơn.
- Rối loạn tiền đình nên ăn gì để cải thiện triệu chứng chóng mặt cũng là mối quan tâm của nhiều người. Trong chế độ ăn uống, bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B6 như thịt gà, cá, cam, chuối, hạnh nhân, bơ, các loại đậu,…để giúp bảo vệ hệ thần kinh tiền đình.
Ngoài ra, chóng mặt cũng có thể do thiếu vitamin C nên hãy ăn nhiều loại trái cây như cam, quýt, ổi và bông cải xanh, ớt chuông, cà chua,…
Lưu ý: bệnh nhân rối loạn tiền đình cần hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu chất béo và nhiều đường. Kiểm soát tốt đường huyết và cholesterol trong máu cũng là cách để bạn kiểm soát các cơn chóng mặt.
Hello Bacsi hy vọng rằng những thông tin trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về những loại thuốc rối loạn tiền đình và biết cách để đối phó với những triệu chứng rối loạn tiền đình gây ra nhé!
[embed-health-tool-bmi]