backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Đau nửa đầu migraine

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 20/02/2022

Đau nửa đầu migraine

Đau nửa đầu, hay đau nửa đầu migraine là một vấn đề sức khỏe phổ biến có thể xảy ra ở tất cả mọi người, thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới.

Các dấu hiệu và triệu chứng thường bắt đầu từ tuổi trưởng thành. Bạn có thể sử dụng thuốc để chữa trị tình trạng này kết hợp với việc thay đổi lối sống để ngăn ngừa cơn đau tái phát trở lại.

Tìm hiểu chung

Chứng đau nửa đầu migraine là gì?

Đau nửa đầu migraine là một cơn đau đầu vừa hoặc nặng mà chỉ nhói đau ở một nửa bên đầu. Người bệnh thường cảm thấy đau đầu kèm với các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

Các cơn đau nửa đầu kéo dài hàng giờ cho đến vài ngày, đôi khi nghiêm trọng đến mức cản trở các hoạt động thường ngày của bạn.

Một số người bệnh có thể trải qua một giai đoạn cảnh báo trước khi cơn đau nửa đầu migraine xảy ra, gọi là dấu hiệu thoáng báo (aura). Các triệu chứng khi đó bao gồm: rối loạn thị giác như thấy các tia lóe sáng hoặc có những điểm mù; hay bị ngứa ran một bên mặt, tay hay chân; thay đổi mùi vị; mất thính lực tạm thời và khó nói chuyện. Cũng có những người không gặp phải tình trạng này.

Các loại đau nửa đầu migraine

Đau nửa đầu có thể được phân chia thành nhiều loại, bao gồm:

  • Đau nửa đầu với dấu hiệu thoáng báo: Người bệnh gặp các dấu hiệu cảnh báo cơn đau nửa đầu sắp xảy ra.
  • Đau nửa đầu không có dấu báo thoáng qua: Đây là loại phổ biến nhất, cơn đau xuất hiện đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước.
  • Đau nửa đầu có dấu báo thoáng qua nhưng không đau đầu, hay còn gọi là đau nửa đầu thầm lặng: các dấu hiệu báo trước hoặc các triệu chứng khác xuất hiện nhưng lại không có cơn đau đầu nào diễn ra.

Tần suất bị đau nửa đầu cũng khác nhau, tùy từng người bệnh. Một số người thường xuyên chịu đựng cơn đau, lên đến vài lần/tuần nhưng có người thỉnh thoảng mới bị đau nửa đầu. Khoảng cách giữa hai cơn đau nửa đầu migraine có thể lên tới vài năm.

Vị trí cơn đau cũng có thể khác nhau ở từng người. Có người chỉ bị đau nửa đầu bên trái, có người chỉ đau nửa đầu bên phải, một số khác mỗi lần sẽ đau ở một vị trí khác nhau.

đau nửa đầu khi uống thuốc ngừa thai 1477334066

Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng thường gặp của đau nửa đầu migraine là gì?

Bệnh đau nửa đầu có thể bắt đầu từ thời thơ ấu, thanh thiếu niên hoặc vừa trưởng thành. Bệnh tiến triển qua 4 giai đoạn gồm: tiền triệu, dấu hiệu thoáng báo, cơn đau nửa đầu với các triệu chứng đi kèm và thời gian sau cơn đau đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng đều trải qua đầy đủ các giai đoạn này.

Giai đoạn tiền triệu

Một hoặc hai ngày trước khi cơn đau nửa đầu diễn ra, bạn có thể nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo về cơn đau sắp tới, bao gồm:

  • Táo bón
  • Thay đổi tâm trạng, từ buồn rầu sang hưng phấn
  • Thèm ăn
  • Cứng cổ
  • Tăng cảm giác khát nước và đi tiểu nhiều hơn
  • Ngáp thường xuyên

Giai đoạn có dấu hiệu thoáng báo

Một số người có thể gặp những dấu báo thoáng qua trước khi xuất hiện các cơn đau nửa đầu. Giai đoạn này có những triệu chứng có thể phục hồi lại liên quan đến hệ thống thần kinh. Mỗi triệu chứng bắt đầu từ từ, rõ ràng hơn trong vài phút và kéo dài trong khoảng 20–60 phút.

Bạn có thể trải qua các hiện tượng sau trong giai đoạn này:

  • Rối loạn thị giác, chẳng hạn như nhìn thấy nhiều điểm sáng, tia sáng lóe lên hay nhiều hình dạng khác nhau
  • Mất thị lực tạm thời
  • Cảm giác châm chích ở một bên cánh tay hay chân
  • Tê, yếu ở một bên mặt hay một bên cơ thể
  • Gặp khó khăn khi nói chuyện
  • Nghe thấy các tiếng ồn hay nhạc bên tai
  • Không thể kiểm soát chuyển động cơ thể
  • Thay đổi mùi vị

Giai đoạn đau nửa đầu cùng các triệu chứng khác

Cơn đau nửa đầu thường kéo dài từ 4 – 72 tiếng nếu không được can thiệp điều trị. Trong lúc này, bạn có thể bị:

  • Đau ở một nửa đầu bên trái hoặc bên phải. Cơn đau cũng có thể bắt đầu từ một bên, sau đó lan sang bên còn lại
  • Cơn đau nhói lên hoặc đau như bị đập vào đầu
  • Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, đôi khi nhạy cảm với mùi hoặc chạm vào một số đồ vật
  • Buồn nôn và nôn mửa

triệu chứng đau nửa đầu

Giai đoạn sau cơn đau nửa đầu

Sau khi trải qua cơn đau nửa đầu, đa số người bệnh cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi, không còn tỉnh táo và cần nghỉ ngơi cả ngày. 80% bệnh nhân có cảm giác nôn nao 1 – 2 ngày sau đó. Thế nhưng, một số người lại cho biết họ cảm thấy phấn chấn hơn.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn có tiền sử đau đầu, khi thấy diễn biến cơn đau thay đổi hoặc cảm giác đau khác biệt so với những lần khác, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra lại.

Khi có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào dưới đây, bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất vì chúng có thể cho thấy bạn đang gặp phải một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng:

  • Cơn đau đầu xuất hiện đột ngột, dữ dội như sét đánh
  • Đau đầu đi kèm với sốt, cứng cổ, rối loạn tâm thần, co giật, nhìn đôi (song thị), tê yếu một bên tay chân, buồn nôn hoặc khó nói
  • Đau đầu sau khi có chấn thương ở đầu, nhất là khi cơn đau ngày càng tệ hơn
  • Đau đầu mạn tính, đau hơn khi ho, hít thở gắng sức, căng thẳng hoặc cử động đột ngột
  • Một cơn đau đầu mới xuất hiện sau 50 tuổi

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân đau nửa đầu migraine là gì?

Mặc dù nguyên nhân gây đau nửa đầu vẫn chưa được hiểu hết nhưng các yếu tố môi trường và di truyền dường như góp phần gây ra tình trạng này.

Những tác nhân kích thích đau nửa đầu xuất hiện bao gồm:

  • Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ. Nồng độ estrogen bị biến động trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt, mang thai hay mãn kinh có thể gây ra đau đầu ở nhiều người.
  • Sử dụng thuốc có chứa nội tiết tố, chẳng hạn như thuốc tránh thai hay liệu pháp thay thế hormone đôi khi cũng khiến cơn đau nửa đầu trầm trọng hơn. Tuy nhiên, một vài phụ nữ cho biết cơn đau ít xảy ra khi họ dùng các thuốc này.
  • Một số đồ uống như rượu, nhất là rượu vang, bia và uống quá nhiều caffeine gây kích thích thần kinh.
  • Căng thẳng trong công việc, cuộc sống cũng có thể kích thích cơn đau nửa đầu xuất hiện.
  • Các yếu tố kích thích giác quan như ánh sáng rực rỡ, chói lóa, âm thanh lớn hay các mùi nồng, mạnh (như nước hoa, mùi sơn, khói thuốc lá…) có khả năng gây đau đầu ở một số người.
  • Thay đổi giấc ngủ, bao gồm mất ngủ, ngủ quá nhiều hay tình trạng đau nửa đầu migraine.
  • Thời tiết thay đổi hay áp suất thay đổi cũng có khi góp phần kích thích cơn đau nửa đầu xuất hiện.
  • Một vài thực phẩm như thực phẩm ướp mặn hay chế biến sẵn hay các chất phụ gia như bột ngọt, chất bảo quản cũng có khả năng gây đau nửa đầu.
  • Thuốc giãn mạch có chứa nitroglycerin có thể khiến chứng đau đầu migraine nặng hơn.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc chứng đau nửa đầu mingraine

Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ sau đây, khả năng bị đau nửa đầu migraine sẽ cao hơn:

  • Tiền sử gia đình mắc phải căn bệnh này
  • Độ tuổi, thường khả năng bị đau nửa đầu cao nhất trong độ tuổi 30 và mức độ nghiêm trọng của cơn đau giảm dần sau mỗi 10 năm
  • Giới tính, phụ nữ có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao gấp 3 lần đàn ông
  • Thay đổi nội tiết tố khi có kinh nguyệt, khi mang thai hay mãn kinh, cơn đau thường được cải thiện sau độ tuổi mãn kinh

đau nửa đầu

Điều trị hiệu quả

Cách chẩn đoán đau nửa đầu (migraine)

Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán cho tình trạng này nhờ vào việc kiểm tra sức khỏe thể chất lẫn thần kinh, nghe mô tả về các triệu chứng gặp phải và xem xét tiền sử bệnh của bạn và gia đình.

Nếu cơn đau của bạn không giống bình thường, phức tạp hoặc đột nhiên trở nên nghiêm trọng, bác sĩ thường yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân khác, như là:

  • Chụp MRI. Kỹ thuật này sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của não và các mạch máu. Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán được các tình trạng khác có thể gây đau nửa đầu bên trái hoặc bên phải như có khối u, đột quỵ, xuất huyết trong não, nhiễm trùng và các vấn đề khác liên quan đến não và hệ thần kinh.
  • Chụp CT. Kỹ thuật này sử dụng tia X để tạo ra được hình ảnh cắt ngang chi tiết của não bộ. Dựa trên hình ảnh thu được, bác sĩ có thể xem có khối u, nhiễm trùng, tổn thương não, chảy máu trong não hay vấn đề khác gây đau nửa đầu hay không.

Cách chữa đau nửa đầu migraine

Mục tiêu của điều trị đau nửa đầu là chấm dứt các triệu chứng đang xảy ra và phòng ngừa các đợt đau đầu tái phát sau này.

Nhiều loại thuốc đã ra đời để điều trị các triệu chứng đau nửa đầu, có thể phân chia thành 2 nhóm chính là:

  • Thuốc giảm đau dùng điều trị các cơn đau nửa đầu migraine và giảm bớt các triệu chứng đi kèm khác. Các thuốc thường được sử dụng là thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs, sumatriptan, rizatriptan, dihydroergotamine, lasmitidan, thuốc giảm đau opioid, ubrogepant, rimegepant, thuốc chống nôn…
  • Thuốc phòng ngừa có thể được dùng hàng ngày để giảm bớt mức độ nghiêm trọng hoặc tần suất xuất hiện cơn đau nửa đầu. Các lựa chọn trong nhóm này gồm thuốc làm hạ huyết áp (như chẹn beta, chẹn kênh canxi), thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống động kinh (valproate, topiramate), tiêm botox hoặc các kháng thể đơn dòng CGRP (erenumab-aooe, fremanezumab-vfrm, galcanezumab-gnlm và eptinezumab-jjmr…

Phòng ngừa tại nhà

Một số biện pháp tại nhà khi có cơn đau nửa đầu migraine

Bạn có thể thử áp dụng một số cách giúp giảm nhẹ triệu chứng đau nửa đầu ngay tại nhà như sau:

  • Nghỉ ngơi, nhắm mắt và nằm thư giãn trong một căn phòng yên tĩnh, không có quá nhiều ánh sáng
  • Thay quần áo rộng rãi, thoáng mát hay chườm mát vùng trán
  • Uống nhiều nước, bổ sung đủ nước cho cơ thể

Để phòng ngừa đau nửa đầu migraine, bạn nên thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh, tích cực hơn:

  • Tìm cách quản lý những căng thẳng trong công việc, cuộc sống như tập luyện thể dục, tập thiền, thực hiện liệu pháp phản hồi sinh học theo hướng dẫn của bác sĩ. Các cách này có thể giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện đau nửa đầu.
  • Ghi chú lại những thứ bạn nghĩ đã kích thích cơn đau nửa đầu xảy ra, từ đó thay đổi lối sống phù hợp.
  • Nên thiết lập thói quen ngủ khoa học, không ngủ quá ít hoặc quá nhiều; đồng thời cố gắng ăn các bữa vào cùng một thời điểm trong ngày.
  • Tập thể dục đều đặn với các bài tập như đi bộ, đạp xe, bơi lội, aerobic… Hãy khởi động từ từ, tránh tập ngay với cường độ cao đột ngột có thể kích hoạt cơn đau đầu.
  • Nếu bạn bị béo phì, thừa cân, hãy giảm cân. Điều này có thể thực hiện bằng chế độ luyện tập và ăn uống hợp lý. Bởi béo phì cũng được cho là yếu tố nguy cơ của chứng đau nửa đầu migraine.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 20/02/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo