backup og meta

Ăn chôm chôm có tác dụng gì? 13 lợi ích của chôm chôm đối với sức khỏe

Ăn chôm chôm có tác dụng gì? 13 lợi ích của chôm chôm đối với sức khỏe

Mọi người thường cảnh báo ăn nhiều chôm chôm quá sẽ bị nóng, nhưng nếu bạn ăn với lượng vừa phải thì lại nhận được khá nhiều lợi ích của chôm chôm đấy! Vậy ăn chôm chôm có tác dụng gì? 

Chôm chôm là một loại quả khi chín có lớp vỏ màu đỏ sậm cùng với những “sợi lông” nhỏ màu xanh, là loại trái cây thuộc nhóm trái cây nhiệt đới, họ Sapindaceae và khá được ưa chuộng tại Việt Nam. Mùa chôm chôm tháng mấy? Mùa vụ chính của chôm chôm là mùa hè (từ tháng 6–9), bạn có thể dễ dàng tìm mua quả chôm chôm ở các siêu thị hoặc chợ gần nhà.

Giá trị dinh dưỡng của chôm chôm

1 trái chôm chôm nặng 9g sẽ chứa hàm lượng dinh dưỡng sau:

  • Năng lượng: 7.38 calo
  • Nước: 7.2 g
  • Chất xơ: 0.081 g
  • Canxi: 1.98 mg
  • Vitamin C: 0.441 mg
  • Kali: 3.78 mg
  • Natri: 0.99 mg
  • Magie: 0.63 mg
  • Sắt: 0.032 mg
  • Kẽm: 0.007 mg
  • Vitamin B3 1.352 mg

Chính những chất khoáng và vitamin này có tác dụng hỗ trợ xương luôn chắc khỏe, tăng cường giảm cân cũng như cung cấp các hợp chất có đặc tính chống lại ký sinh trùng. Ngoài ra, lượng vitamin chứa trong chôm chôm còn có tác dụng bổ sung dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể – giúp cơ thể hoạt động tối ưu.

tác dụng của quả chôm chôm

Ngoài ra, nước ép của lá chôm chôm cũng có tác dụng đặc biệt, giúp nuôi dưỡng và bổ sung dưỡng chất cho da đầu trong khi hạt của loại quả này có chứa đặc tính chống tiểu đường tự nhiên.

Với vị ngọt thanh cùng lớp thịt giòn và dễ tách vỏ, nhiều người thường chọn chôm chôm để làm món tráng miệng bổ dưỡng sau bữa ăn. Tuy nhiên, có một sự thật bất ngờ là dù rằng có nhiều người thích ăn chôm chôm. Song hầu như có rất ít người biết những lợi ích sức khỏe của chôm chôm sau đây:

1. Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường

loi-ich-cua-chom-chom-tieu-duong

Quả chôm chôm có tác dụng gì? Một nghiên cứu ở Trung Quốc đã chứng minh rằng quả chôm chôm, hay cụ thể hơn là vỏ chôm chôm, có chứa các đặc tính giúp chống lại căn bệnh đái tháo đường (tiểu đường).

Nghiên cứu đã thử nghiệm đối với những con chuột mắc bệnh tiểu đường bằng cách cho chúng dùng chiết xuất phenolic chứa trong vỏ chôm chôm. Và kết quả đã cho thấy phần vỏ của loại quả này thực sự có tác dụng giảm thiểu hàm lượng glucose trong máu lúc đói.

Bạn cần lưu ý, hiếm khi người ta sử dụng vỏ chôm chôm như một loại thực phẩm. Đặc tính trị bệnh của chôm chôm đến từ việc chiết xuất hoạt chất.

Để hiểu rõ hơn những rủi ro khi ăn chôm chôm sai cách, mời bạn tham khảo: Tác hại của chôm chôm: Ai không nên ăn loại quả này?

2. Có khả năng hỗ trợ kiểm soát cân nặng

chôm chôm có tác dụng gì
Tác dụng quả chôm chôm giúp giảm cân

Dù rằng hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào cho thấy nguyên nhân chôm chôm có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tăng cân. Tuy nhiên, nói chung, theo một số nghiên cứu, bổ sung thêm trái cây vào chế độ ăn làn mạnh là một cách giúp bạn duy trì và giảm cân nặng.

Quả chôm chôm còn chứa hàm lượng chất xơ dinh dưỡng giúp bạn no lâu hơn, đồng thời hỗ trợ quá trình giảm cân.

>> Có thể bạn quan tâm: Ăn trái cây có mập không? Loại nào giúp giảm cân và loại nào gây tăng cân?

3. Hỗ trợ sức khỏe mẹ bầu trong thai kỳ

thai phụ ăn chôm chôm có tác dụng gì

Thai phụ ăn chôm chôm có tác dụng gì? Phụ nữ mang thai cũng có thể hưởng được lợi ích của chôm chôm. Lý do rất đơn giản, chính là do chôm chôm có vị ngọt tự nhiên. Điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng choáng váng hoặc buồn nôn chính các triệu chứng gây khó chịu phổ biến ở những bà mẹ bầu.

Quả chôm chôm còn là nguồn cung cấp chất sắt khá cao. Khoáng chất thiết yếu này sẽ giúp mẹ bầu chống lại sự mệt mỏi và chóng mặt khi đang mang thai.


Sự tăng cường hấp thu chất sắt còn giúp cải thiện mức huyết sắc tố hemoglobin trong cơ thể người mẹ. Bởi vì chứa hàm lượng vitamin E đáng kể, việc ăn quả chôm chôm cũng có tác dụng giúp làm dịu tình trạng ngứa ngáy gây khó chịu đối với những phụ nữ đang trong thai kỳ.

4. Tác dụng của chôm chôm: Giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch

ăn chôm chôm có tác dụng gì: bảo vệ tim mạch

Chính xác thì quả chôm chôm mang lại lợi ích gì cho tim mạch? Khi nói về lợi ích của chôm chôm, không thể bỏ qua hàm lượng vitamin B3. Trên thực tế, vitamin B3 có khả năng chuyển hóa carbohydrate, chất béo cùng protein thành nguồn năng lượng để duy trì các hoạt động của cơ thể.

Việc thêm chôm chôm vào chế độ ăn dinh dưỡng hằng ngày có thể giúp một số người tăng cường chuyển hóa chất béo. Từ đó giúp ngăn ngừa tình trạng tích tụ mỡ thừa trong cơ thể. Đây chính là lý do tại sao quả chôm chôm lại có thể giúp làm giảm nguy cơ hình thành bệnh tim mạch vành.

5. Tăng cường sức khỏe cho xương

Ăn chôm chôm có tác dụng gì? Lợi ích của chôm chôm còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khối lượng xương. Đồng thời quả chôm chôm trong một chế độ ăn đủ chất cũng giúp củng cố sức khỏe xương khớp nhờ hàm lượng photpho cùng canxi chứa trong nó.

Ngoài ra, hàm lượng vitamin C chứa trong chôm chôm cũng góp phần giúp xương chắc khỏe hơn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, chỉ ăn chôm chôm không thể cung cấp đủ lượng vitamin D, canxi, photpho mà cơ thể cần. Chính vì thế, bên cạnh chôm chôm, hãy đảm bảo bạn cũng bổ sung thêm những thực phẩm giàu dinh dưỡng khác.

>> Tham khảo thêm: 15 loại thực phẩm giàu canxi cho hệ xương chắc khỏe

6. Phòng ngừa các căn bệnh ung thư

ăn chôm chôm có tác dụng gì

Quả chôm chôm là một trong những loại trái cây chứa hàm lượng chất chống oxy hóa tuyệt vời. Đây cũng chính là nguyên nhân tại sao trong tác dụng của chôm chôm lại còn có khả năng ngăn ngừa bệnh ung thư.

Những chất chống oxy hóa trong quả chôm chôm có vai trò chống lại các bệnh viêm nhiễm. Đồng thời bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi các tổn thương. Hàm lượng vitamin C chứa trong loại trái cây này còn giúp hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa cũng như vô hiệu hóa các gốc tự do gây hại. Nhờ đó, bạn có thể hạn chế những tổn thương mà các gốc tự do này gây ra cho cơ thể. Đồng thời làm giảm nguy cơ hình thành nhiều dạng ung thư.

Theo một báo cáo của một nghiên cứu khác, việc ăn 5 quả chôm chôm hằng ngày còn có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh ung thư.

7. Đặc tính kháng khuẩn và sát trùng

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng quả chôm chôm đã từng được sử dụng từ thời xưa bởi vì công dụng kháng khuẩn và tiêu diệt mầm bệnh ấn tượng.

Ngoài ra, một số nghiên cứu còn nói rằng đặc tính sát trùng chứa trong quả chôm chôm có thể đóng vai trò bảo vệ cơ thể chống lại hàng loạt các dạng nhiễm trùng. Ngoài ra, quả chôm chôm còn có tác dụng rút ngắn thời gian làm lành vết thương, cũng như ngăn ngừa sự hình thành của dịch mủ.

8. Cung cấp và tăng cường năng lượng

Quả chôm chôm có chứa đồng thời cả chất bột đường và protein. Đây đều là những dưỡng chất giúp cung cấp nguồn năng lượng thiết yếu giúp duy trì các hoạt động hằng ngày của cơ thể. Lượng đường tự nhiên chứa trong loại trái cây này cũng góp phần trong việc giúp bổ sung thêm một số năng lượng cho cơ thể của bạn. Hàm lượng vitamin B3 chứa trong quả chôm chôm đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất bột đường.

Quả chôm chôm có tác dụng gì? Tác dụng của chôm chôm trong trường hợp này chính là giúp bạn năng động và có đủ sức khỏe để làm việc trong suốt ngày dài. Sau khi dùng xong cơm trưa, bạn có thể tráng miệng cùng vài quả chôm chôm, để thúc đẩy quá trình hấp thu lượng chất bột đường chứa trong hạt cơm, lấy lại năng lượng làm việc.

9. Cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hóa

ăn chôm chôm có lợi có tiêu hóa
Tác dụng quả chôm chôm giúp cải thiện hệ tiêu hoá

Ăn chôm chôm có tác dụng gì? Hàm lượng chất xơ dinh dưỡng chứa trong quả chôm chôm có tác dụng giúp cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hóa. Dưỡng chất này còn có thể hỗ trợ tiêu hóa, đồng thời ngăn ngừa một số vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa. Có thể kể đến chứng táo bón hoặc khó tiêu.

Bên cạnh đó, loại trái cây này còn mang đặc tính kháng khuẩn, giúp tiêu diệt các loại ký sinh trùng trong đường ruột. Vì thế, lợi ích của chôm chôm là có thể hỗ trợ điều trị chứng táo bón khá hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn còn cần nhiều nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về hiệu quả này. Do đó, nếu bạn muốn dùng chôm chôm để hỗ trợ tiêu hóa, bạn nên tham khảo qua ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng nhé.

10. Tính chất hoạt động như chất kích dục

Một số nghiên cứu đã từng nói rằng lá của quả chôm chôm có hoạt tính như một loại chất kích thích tình dục. Đây là một tác dụng của chôm chôm có thể khiến bạn bất ngờ. Tất cả bạn cần làm đó là hãy đun sôi một ít lá chôm chôm trong nước, sau đó để nguội và uống. Điều này sẽ giúp tăng cường sản sinh các hormone giúp tăng cường ham muốn tình dục.

Quả chôm chôm còn được tin là có khả năng giúp làm tăng khả năng sinh sản ở phụ nữ. Tuy nhiên, chưa có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh nhận định này.

Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định sử dụng chôm chôm cho mục đích này nhé!

11. Điều trị vấn đề về da đầu và mái tóc

tác dụng của chôm chôm: tốt cho tóc

Chôm chôm có tác dụng gì? Đặc tính kháng khuẩn của quả chôm chôm có thể giúp điều trị gàu trên da đầu, cũng như một số vấn đề về da đầu khác như ngứa ngáy hoặc bong tróc.

Hàm lượng vitamin C chứa trong loại trái cây này còn giúp nuôi dưỡng sức khỏe của mái tóc và da đầu từ sâu bên trong. Từ đó giúp mái tóc thêm óng ả hơn.


Hàm lượng chất khoáng đồng có trong quả chôm chôm còn có khả năng điều trị chứng rụng tóc, đồng thời tăng cường màu sắc cho mái tóc giúp giữ mái tóc đen và ngăn ngừa tình trạng bạc tóc do lão hóa sớm. Không chỉ như thế, chôm chôm còn chứa thêm protein là dưỡng chất giúp nuôi dưỡng mái tóc luôn chắc khỏe và suôn mượt.

Để tận dụng lợi ích này, bạn chỉ cần thoa nước ép chôm chôm lên mái tóc, mát xa nhẹ nhàng. Sau đó để yên trong vòng 15 phút trước khi gội đầu như bình thường. Để phòng tránh tình trạng kích ứng da không mong muốn, bạn nên hỏi qua ý kiến của bác sĩ da liễu trước khi thực hiện biện pháp này.

12. Hỗ trợ giúp làn da khỏe mạnh hơn

Lợi ích của chôm chôm còn nằm ở hạt nữa, có hiệu quả giúp tăng cường sức khỏe và vẻ tươi khỏe của làn da. Bạn chỉ cần nghiền nát hạt chôm chôm thành hỗn hợp sệt. Sau đó thoa trực tiếp lên da để làm sạch da, đồng thời cải thiện tình trạng da không đều màu.

Ngoài phần hạt, thịt quả chôm chôm còn có tác dụng cấp ẩm cho da. Dưỡng chất mangan chứa trong loại trái cây này cùng với vitamin C có thể giúp hỗ trợ quá trình sản sinh collagen. Đồng thời hoạt động như một chất chống oxy hóa. Đặc tính này sẽ giúp bảo vệ làn da của bạn tránh khỏi các tổn thương do các gốc tự do gây ra. Do đó, việc ăn một vài quả chôm chôm mỗi ngày có thể giúp nuôi dưỡng làn da luôn khỏe mạnh và tươi trẻ.

13. Hỗ trợ chống nhiễm trùng

Chôm chôm là thực phẩm dồi dào vitamin C – chất chống oxy hóa mạnh có khả năng kích thích cơ thể tăng sản xuất bạch cầu, tăng cường hệ miễn dịch, từ đó tăng khả năng chống lại nguy cơ nhiễm trùng của cơ thể.

Lưu ý khi ăn chôm chôm

Tuy nhiên, bên cạnh những tác dụng của chôm chôm mang lại, bạn cũng cần tìm hiểu thêm về một số tác dụng phụ của loại trái cây này.

  • Không nên ăn hạt chôm chôm còn sống

Điển hình là phần hạt của quả chôm chôm, nơi có chứa saponin – một hợp chất có thể mang độc tố gây hại cho cơ thể.

công dụng của chôm chôm
Ăn chôm chôm nhiều có tốt không? Chôm chôm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, ăn quá nhiều có thể gây hại cho bạn.
  • Không ăn quá nhiều chôm chôm trong ngày

Do thuộc nhóm trái cây nhiệt đới, đồng thời lại có vụ mùa chính vào mùa hè và có tính nóng. Việc ăn quá nhiều chôm chôm trái lại sẽ gây tăng nhiệt cho cơ thể. Tình trạng này có thể dẫn đến một số triệu chứng khó chịu như nổi nhiệt miệng, khó tiêu và mọc mụn nhọt. Vì thế, lời khuyên dành cho bạn là đừng ăn quá nhiều chôm chôm trong ngày để tránh bị “bốc hỏa” vào mùa hè!

  • Đối tượng không nên ăn chôm chôm

Bệnh nhân tiểu đường và tăng huyết áp nên chú ý lượng đường có trong chôm chôm có thể gây tăng cholesterol và huyết áp, người đang gặp vấn đề khó tiêu, nóng trong, mụn nhọt cũng nên hạn chế.

  • Nên ăn bao nhiêu chôm chôm thì tốt?

Hãy thưởng thức chôm chôm một cách điều độ và có chừng mực (khoảng 3–5 quả mỗi ngày) nếu như không muốn bị nóng trong người nhé!

Hy vọng bài viết đã giúp bạn lý giải thắc mắc ăn chôm chôm có tác dụng gì. Đồng thời mang lại cho bạn một gợi ý mới cho thực đơn ăn uống lành mạnh của mình! Hãy theo dõi Hello Bacsi để nhận thêm những thông tin sức khỏe uy tín đã được kiểm chứng bạn nhé!

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

The Effectiveness of Rambutan (Nephelium lappaceum L.) Extract in Stabilization of Sunflower Oil under Accelerated Conditions
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4665487/
Ngày truy cập: 17/08/2022
Anti-Diabetic Effects of Phenolic Extract from Rambutan Peels (Nephelium lappaceum) in High-Fat Diet and Streptozotocin-Induced Diabetic Mice
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5579595/ 
Ngày truy cập: 17/08/2022
Nephelium lappaceum – an overview | ScienceDirect Topics
https://www.sciencedirect.com/topics/agricultural-and-biological-sciences/nephelium-lappaceum 
Ngày truy cập: 17/08/2022
Rambutan seed fat as a potential source of cocoa butter substitute in confectionary product
https://www.researchgate.net/publication/303736323_Rambutan_seed_fat_as_a_potential_source_of_cocoa_butter_substitute_in_confectionary_product 
Ngày truy cập: 17/08/2022
Physico-chemical Properties and Biological Activities of Rambutan (Nephelium lappaceum L.) Fruit | Request PDF
https://www.researchgate.net/publication/316484890_Physico-chemical_Properties_and_Biological_Activities_of_Rambutan_Nephelium_lappaceum_L_Fruit 
Ngày truy cập: 17/08/2022
How to Use Fruits and Vegetables to Help Manage Your Weight | Healthy Weight, Nutrition, and Physical Activity | CDC
https://www.cdc.gov/healthyweight/healthy_eating/fruits_vegetables.html 
Ngày truy cập: 17/08/2022

Rambutan, canned, syrup pack

https://fdc.nal.usda.gov/fdc-app.html#/food-details/168167/nutrients

Ngày truy cập: 17/10/2023

Phiên bản hiện tại

17/10/2023

Tác giả: Xuyến Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trần Thùy Linh


Bài viết liên quan

Bà bầu ăn chôm chôm được không? Khám phá 8 lợi ích không ngờ!

3 cách nấu cháo cá hồi cho bé và cho người lớn không tanh, thơm ngon


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 17/10/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo