backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tầm soát ung thư, những điều cần lưu ý!

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tuấn Anh · Ngày cập nhật: 16/03/2022

    Tầm soát ung thư, những điều cần lưu ý!

    Ung thư là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 sau bệnh lý tim mạch. Ung thư thường phát triển âm thầm với hàng trăm loại ung thư khác nhau. Điều này gây khó khăn cho việc phát hiện và điều trị bệnh.

    Tuy vậy, có một số loại ung thư có thể phát hiện từ rất sớm, từ khi chưa có triệu chứng. Tầm soát ung thư là cách phát hiện ung thư sớm để việc chữa trị trở nên nhàng và hiệu quả hơn.

    Tầm soát ung thư là gì?

    Tầm soát ung thư là phát hiện ung thư trước khi chúng xuất hiện triệu chứng. Tầm soát thường xuyên nhằm giúp bạn phát hiện ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm. Ung thư phổi được tầm soát ở những đối tượng có nguy cơ cao như người thường xuyên hút thuốc lá hoặc người từ 55-80 tuổi. Ung thư giai đoạn sớm có thể điều trị dễ dàng hơn và tỷ lệ khỏi bệnh cũng cao hơn.

    Tầm soát ung thư vú

    tầm soát ung thư

    1. Chụp nhũ ảnh

    Chụp nhũ ảnh là một phương pháp chụp X-quang cho vú. Chụp nhũ ảnh là cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư vú cho mọi phụ nữ.

    2. Chụp MRI vú

    tầm soát ung thư

    Được dùng cùng với chụp nhũ ảnh trên nhóm đối tượng phụ nữ có nguy cơ cao. Họ có thể là những người có người thân trong gia đình bị ung thư vú hoặc có sự biến đổi gene BRCA1, BRCA2 – một trong số những gene gây ung thư vú.

    3. Khám lâm sàng vú

    Với phương pháp này, bác sĩ hoặc y tá sẽ khám vú trực tiếp bằng tay để phát hiện các bất thường hoặc khối u ở vú của bạn.

    4. Tự kiểm tra vú

    Bạn tự nhận biết sự thay đổi ở vú mình như khối u, đau vú hoặc thay đổi kích thước. Khi đó, bạn nên báo với bác sĩ để được hướng dẫn.

    Tầm soát ung thư cổ tử cung

    tầm soát ung thư

    Hai xét nghiệm tầm soát có thể giúp ngăn ngừa hoặc tìm ung thư cổ tử cung bao gồm:

    – Xét nghiệm Pap là phương pháp phát hiện sớm các tế bào đã biến đổi và sẽ có thể trở thành ung thư cổ tử cung nếu không được chữa trị kịp thời.

    – Xét nghiệm HPV là cách tìm các virus có thể gây ra các biến đổi tiền ung thư.

    Cả hai xét nghiệm có thể thực hiện ngay tại phòng khám có đầy đủ cơ sở vật chất. Trong khi thực hiện xét nghiệm, bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ bằng nhựa hoặc kim loại gọi là mỏ vịt để mở rộng âm đạo. Việc này giúp bác sĩ khám âm đạo và cổ tử cung để lấy mẫu dịch, tế bào từ cổ tử cung và quanh cổ tử cung. Các mẫu này được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra.

    Khi nào bạn nên tầm soát?

    Nếu bạn đang ở độ tuổi từ 21 đến 29 tuổi, bạn có thể bắt đầu vào tuổi 21. Nếu kết quả xét nghiệm bình thường, 3 năm sau bạn làm lại xét nghiệm.

    Nếu bạn từ 30 đến 65 tuổi, bạn có thể được bác sĩ chỉ định:

    – Chỉ thực hiện xét nghiệm Pap: Nếu kết quả bình thường thì 3 năm sau bạn làm lại.

    – Chỉ thực hiện xét nghiệm tìm HPV: Nếu kết quả bình thường thì 5 năm sau bạn làm lại.

    – Thực hiện cả xét nghiệm Pap và tìm HPV: Nếu kết quả cả hai bình thường thì chờ 5 năm sau bạn làm lại.

    Với người lớn hơn 65 tuổi, bác sĩ có thể nói bạn không cần tầm soát nữa nếu bạn đã có kết quả bình thường trong nhiều năm.

    Kết quả xét nghiệm

    Có thể bạn sẽ chờ 3 tuần để có kết quả xét nghiệm. Nếu kết quả cho thấy một thay đổi bất thường, bác sĩ sẽ liên hệ với bạn để có kế hoạch kiểm tra tiếp. Có nhiều lý do làm cho kết quả không bình thường. Điều đó thường không có nghĩa là bạn đã bị ung thư.

    Nếu kết quả cho thấy các tế bào biến đổi bất thường và có thể tiến triển thành ung thư, bác sĩ sẽ cho bạn biết liệu có cần điều trị hay không. Trong hầu hết trường hợp, điều trị sẽ ngăn ung thư phát triển. Bạn cần liên hệ với bác sĩ thường xuyên để được điều trị và theo dõi.

    Tầm soát ung thư đại trực tràng

    tầm soát ung thư

    Ung thư đại trực tràng thường phát triển từ các polyp tiền ung thư trong ruột. Xét nghiệm tầm soát ung thư có thể tìm các polyp tiền ung thư và loại bỏ chúng trước khi chúng biển đổi thành ung thư. Xét nghiệm cũng có thể phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm.

    Xét nghiệm tầm soát ung thư đại trực tràng thường được thực hiện ở những người có độ tuổi 50-75, bạn có thể phải kiểm tra sớm hơn nếu:

    – Bạn có người thân bị ung thư hoặc có polyp tiền ung thư.

    – Bạn bị bệnh Crohn hoặc viêm đại tràng.

    – Bạn bị các hội chứng di truyền như FAP hoặc Lynch.

    Các xét nghiệm tầm soát ung thư đại trực tràng bao gồm:

    1. Các xét nghiệm phân

    – Xét nghiệm gFOBT giúp tìm máu ẩn trong phân và được thực hiện mỗi năm một lần. Bạn được phát cho 1 cái lọ nhỏ và 1 que hoặc bàn chải nhỏ. Bạn đưa mẫu phân vào lọ rồi gửi cho phòng xét nghiệm.

    – Xét nghiệm FIT dùng kháng thể tìm máu ẩn trong phân. Cách lấy mẫu phân tương tự xét nghiệm trên và được thực hiện mỗi năm một lần.

    – Xét nghiệm FIT-DNA: Với xét nghiệm này, bạn lấy hết phân trong một lần đi đại tiện rồi gửi đến phòng xét nghiệm để được kiểm tra tìm các tế bào ung thư. Cách tầm soát ung thư đại trực tràng này được thực hiện mỗi năm 1 lần hoặc 3 năm 1 lần.

    2. Nội soi đại trực tràng bằng ống soi mềm

    Bác sĩ sẽ đưa một ống ngắn, mỏng, nhẹ và mềm dẻo vào hậu môn. Tiếp đó, bác sĩ sẽ kiểm tra tìm các polyp hoặc ung thư ở trực tràng và 1/3 dưới đại trực tràng. Phương pháp này được thực hiện cách 5 năm hoặc cách 10 năm 1 lần.

    3. Nội soi đại trực tràng

    Cách làm này tương tự với nội soi bằng ống soi mềm nhưng bác sĩ sẽ dùng ống soi dài hơn, cứng hơn để tìm polyp và ung thư bên trong toàn bộ đại trực tràng. Trong khi xét nghiệm, bác sĩ có thể phát hiện và loại bỏ hầu hết polyp và một số loại ung thư. Nội soi đại trực tràng cũng được dùng như một xét nghiệm kế tiếp nếu có bất thường ở các xét nghiệm khác. Thực hiện mỗi lần cách 10 năm.

    4. Chụp cắt lớp điện toán đại trực tràng

    Với phương pháp này, bác sĩ sẽ phân tích kết quả được chiếu trên màn hình sau khi dùng X-quang và máy tính để dựng lại toàn bộ ruột. Cách tầm soát ung thư đại trực tràng này được thực hiện 5 năm/lần.

    Bạn cần tham vấn với bác sĩ để lựa chọn ra bộ xét nghiệm tầm soát nào phù hợp với bạn.

    Tầm soát ung thư phổi

    tầm soát ung thư

    Xét nghiệm duy nhất để tầm soát ung thư phổi là LDCT (low-dose computed tomography). Bệnh nhân sẽ uống phóng xạ liều thấp và chụp CT để làm rõ hình ảnh của 2 lá phổi.

    Xét nghiệm chỉ nên được thực hiện nếu bạn 55 đến 80 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá 30 gói/năm (ví dụ: liên tục 1 gói 1 ngày trong 30 năm hoặc 2 gói 1 ngày trong 15 năm) trở lên, và đang hút thuốc hoặc bỏ thuốc trong vòng 15 năm. Thực hiện 1 lần mỗi năm.

    Nếu bạn đã hơn 80 tuổi hoặc đã bỏ thuốc được hơn 15 năm hoặc vì một lý do mà không phẫu thuật được thì nên dừng tầm soát ung thư phổi.

    Tầm soát các loại ung thư khác

    Bạn còn có thể tầm soát ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tinh hoàn và ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, không có bằng chứng chứng tỏ phát hiện sớm các loại ung thư này làm giảm tỷ lệ tử vong.

    Kiều Tuấn Anh / HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tuấn Anh · Ngày cập nhật: 16/03/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo