backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bạn biết gì về các xét nghiệm tầm soát ung thư phổi?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Kiến Bình · Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 17/03/2022

    Bạn biết gì về các xét nghiệm tầm soát ung thư phổi?

    Cùng với ung thư gan, ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nước ta hiện nay. Vì vậy, đừng chờ đợi tới khi có triệu chứng bất thường mới đi khám mà nên tầm soát ung thư phổi hằng năm nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao nhé!

    Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các xét nghiệm giúp tầm soát ung thư phổi đang được áp dụng tại các bệnh viện.

    Ai nên tầm soát ung thư phổi?

    Những người sau đây được khuyến khích nên tầm soát ung thư phổi hằng năm:

    • Từ 50 – 80 tuổi có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào từ 20 năm trở lên và hiện vẫn đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc chưa tới 15 năm
    • Hút thuốc với số lượng nhiều, chẳng hạn như 20 năm mỗi ngày một gói hoặc 10 năm mỗi ngày hai gói
    • Hít phải khói thuốc bị động
    • Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại hay chất phóng xạ do tính chất nghề nghiệp
    • Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư
    • Có bệnh lý về phổi mãn tính.

    Sở dĩ tầm soát ung thư phổi không được khuyến khích cho tất cả mọi người, mà chỉ dành cho những người có nguy cơ cao phát triển bệnh do tiền sử, tuổi tác và thói quen, vì nó có thể gây ra những rủi ro như:

  • Đôi khi cho kết quả dương tính giả, tức là nghi ngờ một người bị ung thư phổi mặc dù họ không có ung thư, dẫn đến việc những xét nghiệm và phương pháp điều trị về sau là không cần thiết và gây ra nhiều rủi ro hơn.
  • Xét nghiệm tầm soát ung thư phổi cũng có thể rơi vào trường hợp chẩn đoán quá mức và đưa ra những cách điều trị không cần thiết
  • Tia xạ từ các xét nghiệm được lặp đi lặp lại làm tăng nguy cơ ung thư ở những người khỏe mạnh.
  • Nếu bạn thấy mình xuất hiện các triệu chứng bất thường về hô hấp kèm theo mệt mỏi, ăn uống kém, sụt cân thì cũng nên làm tầm soát ung thư phổi.

    tầm soát ung thư phổi di căn

    Bác sĩ cũng khuyến cáo nên dừng tầm soát ung thư phổi hàng năm khi người được tầm soát:

    • Trên 81 tuổi
    • Không hút thuốc trong vòng 15 năm trở lên
    • Xuất hiện một vấn đề sức khỏe khiến họ không muốn hoặc không thể điều trị nếu phát hiện mắc ung thư phổi.

    Các bước tầm soát ung thư phổi gồm những gì?

    Khám sức khỏe

    Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn và gia đình, các triệu chứng đang mắc phải (nếu có) và những yếu tố nguy cơ. Họ cũng sẽ khám để phân biệt các dấu hiệu của ung thư phổi với các vấn đề sức khỏe khác.

    Nếu kết quả khám sức khỏe cho thấy bạn có nhiều khả năng bị ung thư phổi, bước tiếp theo là tiến hành nhiều xét nghiệm tầm soát ung thư phổi khác nhau. Gồm có:

    Tầm soát ung thư phổi bằng các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh

    Xét nghiệm hình ảnh cũng là bước bắt buộc khi tầm soát ung thư phổi. Chúng bao gồm chụp X – quang ngực thường quy, chụp CT ngực liều thấp và xét nghiệm máu tìm kiếm các chất chỉ điểm khối u.

    Cụ thể như sau:

    1. Chụp X-quang ngực

    Chụp X quang ngực thường quy là xét nghiệm ung thư phổi đầu tiên bằng hình ảnh được chỉ định vì rẻ tiền và dễ thực hiện. Các khối u phổi kích thước lớn sẽ xuất hiện trên kết quả chụp X-quang dưới dạng một khối màu xám trắng.

    Tuy nhiên, chụp X-quang ngực không thể giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất vì chúng khó giúp phân biệt giữa ung thư và các bệnh lý khác, chẳng hạn như áp xe phổi hay lao phổi; cũng như không quan sát được những tổn thương nhỏ ở vùng đỉnh phổi, rốn phổi, trung thất hoặc núp sau bóng tim, xương sườn.

    Nếu phim chụp X-quang cho thấy bạn có thể bị ung thư phổi, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm các xét nghiệm tầm soát ung thư phổi khác.

    tầm soát ung thư phổi bằng xét nghiệm hình ảnh

    2. Chụp CT liều thấp

    Chụp CT sẽ cho thấy khối u phổi rõ ràng hơn, giúp phát hiện thêm 20% trường hợp ung thư phổi so với chụp X-quang ngực thông thường. Hiện nay, liều phóng xạ được giảm xuống ở mức 2mSv so với liều 7mSv trước đây nên giảm được rất nhiều rủi ro cho người bệnh.

    Chụp CT liều thấp cho thấy kích thước, hình dạng và vị trí của bất kỳ khối u nào trong phổi. Đồng thời, xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ phát hiện  di căn hạch bạch huyết.

    Bên cạnh đó, chụp CT có thể được sử dụng để hướng dẫn kim sinh thiết nhằm lấy mẫu mô để tầm soát ung thư phổi.

    Nếu có phát hiện khối u phổi trên X – quang hoặc chụp CT, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm dưới đây:

    3. Nội soi phế quản bằng ánh sáng huỳnh quang

    Một ống mềm, có ánh sáng huỳnh quang (được gọi là ống soi phế quản) được đưa qua miệng hoặc mũi vào đến các phế quản. Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ nhìn thấy những tổn thương trong khí phế quản, qua đó lấy mẫu mô ở vị trí tổn thương ra ngoài để phân tích xem có phải ung thư không.

    Xét nghiệm này đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện ung thư biểu mô tại chỗ, các tổn thương loạn sản mà khó xác định được bằng nội soi phế quản sử dụng ánh sáng trắng đơn thuần.

    4. Nội soi phế quản bằng nguồn sáng NBI

    Kỹ thuật này cũng tương tự nội soi phế quản bằng ánh sáng huỳnh quang, nhưng thay huỳnh quang bằng nguồn sáng NBI. Nhờ đó, bác sĩ quan sát được toàn bộ cấu trúc của niêm mạc khí phế quản, phát hiện ra vùng nghi ngờ có tổn thương, đồng thời sinh thiết để lấy mẫu mô bệnh ra ngoài, làm xét nghiệm mô bệnh học.

    5. Chất chỉ điểm ung thư

    Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm máu để tìm kiếm các chất chỉ điểm khối u, bao gồm SCC, CEA, NSE, Pro – GRP, Cyfra 21-1. Dù kết quả có cho thấy những chất chỉ điểm này tăng thì cũng chưa chẩn đoán được chắc chắn ung thư phổi, nhưng nó giúp ích rất nhiều trong việc củng cố kết quả tầm soát.

    6. Xét nghiệm mô bệnh học

    Sinh thiết – được thực hiện dưới hướng dẫn chụp CT hoặc nội soi sẽ đem mẫu mô đi phân tích để xác định xem đó có phải là khối u ác tính hay không. Kết quả của xét nghiệm này sẽ kết luận được người đó có bị ung thư phổi hay không.

    Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các xét nghiệm trong tầm soát ung thư phổi. Tuy rằng phải trải qua nhiều xét nghiệm khác nhau, nhưng đừng ngần ngại tầm soát ung thư phổi. Điều này sẽ giúp bạn có cơ hội điều trị sớm và sống lâu dài hơn dù có mắc bệnh.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Kiến Bình

    Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 17/03/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo