backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

15 dấu hiệu ung thư bạn không thể bỏ qua

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 13/04/2022

    15 dấu hiệu ung thư bạn không thể bỏ qua

    Ung thư là một căn bệnh nguy hiểm và thường được phát hiện rất trễ. Tuy nhiên, nếu bạn chú ý 15 dấu hiệu ung thư sau đây, bạn có thể dễ dàng phát hiện sớm mình có mắc bệnh hay không?

    Cơ thể con người luôn luôn thay đổi, đặc biệt là đối với phụ nữ. Tuy nhiên, có những thay đổi tưởng chừng rất bình thường nhưng lại là dấu hiệu ung thư. Nếu không để ý, bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn và sẽ khó được điều trị khi phát hiện. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận diện 15 dấu hiệu có thể liên quan đến ung thư.

    1. Những thay đổi ở ngực

    15-dau-hieu-ung-thu-ban-khong-the-bo-qua 1

    Phần lớn những khối u ngực không phải là ung thư, nhưng bác sĩ vẫn yêu cầu kiểm tra cẩn thận. Bạn nên báo cho bác sĩ nếu thấy có những thay đổi ở ngực như:

    • Da ngực lõm hoặc nhăn
    • Tụt núm vú
    • Tiết dịch núm vú
    • Núm vú hoặc da ngực đỏ hay đóng vảy

    Để tìm ra nguyên nhân gây ra dấu hiệu này, bác sĩ sẽ khám sức khỏe và hỏi về bệnh sử của bạn. Bạn cũng cần thực hiện các xét nghiệm khác như chụp quang tuyến vú hoặc sinh thiết.

    2. Chướng bụng

    Đôi khi tình trạng chướng bụng là do bạn ăn uống không đúng cách. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài trong một thời gian kèm theo sụt cân và chảy máu, bạn hãy đi khám ngay. Nếu thường xuyên bị chướng bụng, đây có thể là dấu hiệu ung thư, bao gồm ung thư vú, kết trực tràng, dạ dày–ruột, buồng trứng, tụy hay tử cung. Tùy thuộc vào các triệu chứng khác, bạn sẽ cần thực hiện các xét nghiệm, bao gồm khám vùng chậu, xét nghiệm máu, chụp quang tuyến vú, chụp đại tràng, chụp CT hoặc siêu âm, để tìm nguyên nhân của vấn đề.

    3. Chảy máu ngoài kỳ kinh

    15-dau-hieu-ung-thu-ban-khong-the-bo-qua 2

    Nếu bạn thấy chảy máu ở âm hộ nhưng không phải do kỳ kinh, hãy đi khám ngay. Bác sĩ sẽ kiểm tra các nguyên nhân gây ra tình trạng này, bao gồm nguyên nhân ung thư nội mạc tử cung.

    Nếu bạn bị chảy máu sau khi mãn kinh, hãy đến gặp bác sĩ để khám ngay vì đây là một dấu hiệu bất thường.

    4. Những thay đổi ở da

    Bạn cần chú ý về những thay đổi ở nốt ruồi về hình dạng, kích thước, màu sắc cũng như việc xuất hiện các nốt ruồi mới, đây có thể dấu hiệu cảnh báo ung thư da. Tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để khám và thực hiện sinh thiết.

    5. Có máu trong nước tiểu hoặc phân

    Nếu bạn đi tiêu hoặc đi tiểu có kèm theo máu, đặc biệt tình trạng này kéo dài hơn 2 ngày, hãy đi khám bác sĩ ngay. Máu trong phân có thể là dấu hiệu của bệnh trĩ, nhưng cũng có thể là triệu chứng của ung thư đại tràng. Nước tiểu có máu là dấu hiệu đầu tiên của ung thư bàng quang hoặc thận.

    6. Những thay đổi ở hạch bạch huyết

    Hạch bạch huyết là những tuyến nhỏ, có hình hạt đậu trong cơ thể. Những thay đổi ở hạch bạch huyết có thể là do nhiễm trùng. Ngoài ra, một số loại ung thư, như ung thư bạch cầu và lymphoma, cũng có thể làm cho hạch bạch huyết sưng lên và/hoặc trở nên mềm. Nếu bạn có một khối u hay sưng bất thường trên cơ thể và kéo dài hơn một tháng, hãy đi khám ngay.

    7. Có vấn đề về nuốt

    15-dau-hieu-ung-thu-ban-khong-the-bo-qua 3

    Thông thường, những vấn đề về nuốt không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, đặc biệt là kèm với nôn mửa hoặc sụt cân, bác sĩ có thể để nghị bạn kiểm tra ung thư họng hoặc ung thư dạ dày. Họ sẽ kiểm tra các triệu chứng bằng phương pháp nội soi, chụp CT cổ, ngực và bụng hoặc chụp X-quang Bari. Trong quá trình kiểm tra, bạn sẽ được uống một chất lỏng đặc biệt giúp bác sĩ thấy rõ cổ họng và dạ dày của bạn trên tia X.

    8. Sụt cân không rõ lý do

    15-dau-hieu-ung-thu-ban-khong-the-bo-qua 4

    Những người thừa cân thường muốn giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu bạn tự nhiên tụt hơn 4kg mà không có chế độ ăn kiêng hay tập thể dục, đây có thể là dấu hiệu bất thường.

    Hầu hết những trường hợp giảm cân không phải do ung thư mà do căng thẳng hoặc tuyến giáp gây ra. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sụt cân liên quan đến ung thư tuyến tụy, ung thư đại tràng, ung thư dạ dày hoặc ung thư phổi.

    Bạn sẽ cần thực hiện nhiều xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh, bao gồm xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh (PET và chụp CT).

    9. Ợ nóng

    Nếu bạn thường xuyên dùng nhiều thực phẩm, rượu hoặc bị căng thẳng, bạn sẽ dễ bị chứng ợ nóng nghiêm trọng. Tốt nhất là bạn nên thay đổi chế độ ăn uống trong một hay hai tuần để xem các triệu chứng có tốt hơn hay không. Nếu không có hiệu quả, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Ợ nóng nếu không được điều trị, sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, có thể gây ra ung thư dạ dày, cổ họng hoặc buồng trứng.

    Ngoài ra, ợ nóng kéo dài có thể làm tồn thương lớp đệm thực quản và gây ra bệnh Barret thực quản. Bệnh này sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư cuống họng.

    10. Những thay đổi ở miệng

    Nếu bạn hút thuốc, hãy kiểm tra xem mình có các mảng màu vàng, xám, trắng hoặc màu đỏ sáng bên trong miệng hoặc trên môi không. Bạn cũng có thể thấy một vết loang lổ giống như một vết loét lõm trong miệng. Bất kỳ một dấu hiệu nào trong số này có thể cánh báo bạn đang bị ung thư miệng. Lúc này, bạn cần đi khám ngay.

    11. Sốt

    Nếu bạn bị sốt, nhưng cơn sốt không biến mất trong một khoảng thời gian và không có nguyên nhân rõ ràng, đây có thể là dấu hiệu của ung thư bạch cầu hoặc ung thư máu. Lúc này, bác sĩ sẽ lấy thông tin chi tiết bệnh sử và cho bạn khám sức khỏe để kiểm tra nguyên nhân.

    12. Mệt mỏi

    15-dau-hieu-ung-thu-ban-khong-the-bo-qua 5

    Nhiều người mệt mỏi do áp lực cuộc sống và công việc, nhưng nếu tình trạng mệt mỏi quá mức không biến mất, đây là dấu hiệu không bình thường.

    Lúc này, bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn, đặc biệt nếu bạn có các triệu chứng khác, như máu trong phân. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh sử và chỉ định làm xét nghiệm máu.

    13. Ho

    Hầu hết các cơn ho sẽ tự biến mất trong 3–4 tuần. Nếu cơn ho kéo dài lâu hơn, đặc biệt nếu bạn có hút thuốc khó thở hay ho ra máu, hãy đi khám bác sĩ ngay. Đây có thể là triệu chứng của ung thư phổi.

    14. Đau

    Thông thường, ung thư không gây nhiều đau nhức. Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị đau, đây có thể dấu hiệu của bệnh ung thư xương, não hoặc các loại ung thư khác. Bạn nên đi gặp bác sĩ nếu có bất kỳ đau nhức không giải thích được kéo dài hơn một tháng.

    15. Đau bụng và trầm cảm

    Mặc dù rất hiếm, nhưng đau bụng kèm với trầm cảm có thể là một dấu hiệu của ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, nếu trong gia đình bạn có gen di truyền về bệnh ung thư tụy, thì bạn hãy đi kiểm tra sức khỏe ngay.

    15 dấu hiệu ung thư trên đây không phải là những dấu hiệu đặc trưng, nhưng lại là những dấu hiệu phổ biến liên quan đến ung thư. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều dấu hiệu ung thư khác. Nếu bạn phát hiện ra những bất thường trên cơ thể trong một thời gian dài, hãy nhanh chóng đi khám ngay. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn chăm sóc hiệu quả sức khỏe của mình.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 13/04/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo