backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bệnh ung thư có di truyền không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Kiến Bình · Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 22/09/2023

    Bệnh ung thư có di truyền không?

    Bệnh ung thư hiện nay ngày càng trở nên phổ biến và là nỗi “ám ảnh” của nhiều gia đình. Nhiều người lo sợ không biết ung thư có di truyền không và làm sao để phòng ngừa nếu không may trong gia đình có người thân mắc bệnh? Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp cho vấn đề ung thư có di truyền không, vì sao trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Nguyên nhân gây ung thư

    Muốn biết ung thư có di truyền không thì chúng ta cần hiểu rõ về nguyên nhân gây ung thư. 

    Cơ thể chúng ta được tạo nên từ tế bào. Mỗi tế bào sẽ mang một bản sao của bộ gen từng người. Các gen là một phần của ADN, chứa đựng thông tin quy định sự hình thành, phân chia và chết đi của các tế bào. Ung thư xảy ra khi có một hoặc một vài thay đổi trong gen (đột biến gen) khiến tế bào nhân lên không ngừng hoặc không chết đi vào đúng thời điểm như bình thường, vượt qua được những cơ chế kiểm soát bình thường của cơ thể cũng như hệ miễn dịch, dần dần tạo thành khối u ác tính.

    Hiện nay, các nhà khoa học đã tìm ra hàng trăm ADN khác nhau và những đột biến trong ADN giúp ung thư hình thành, tiến triển và di căn. Những đột biến gen liên quan đến ung thư có thể xảy ra do:

    • Những lỗi ngẫu nhiên trong gen xảy ra khi tế bào bình thường phân chia và nhân lên
    • Ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, chẳng hạn như lão hóa, hóa chất trong khói thuốc lá, tia UV từ mặt trời, chế độ ăn uống và sinh hoạt kém lành mạnh, nhiễm virus u nhú ở người (HPV), rượu bia, ma túy,…
    • Thừa hưởng từ cha hoặc mẹ. 

    Những đột biến gen này đều có thể xảy ra trong suốt cuộc đời của chúng ta và thậm chí là ngay cả khi còn là bào thai. Mặc dù hầu hết các đột biến gen này không có hại nhưng sự tích lũy đột biến gen trong nhiều năm có thể biến các tế bào khỏe mạnh thành tế bào ung thư. Phần lớn các bệnh ung thư xảy ra một cách ngẫu nhiên do tích lũy đột biến gen.

    Bệnh ung thư có di truyền không?

    bệnh ung thư có di truyền không

    Nếu bạn thắc mắc ung thư có di truyền không thì thật không may câu trả lời là CÓ. Ung thư là một bệnh di truyền.

    Tuy nhiên, bạn cần xác định rõ rằng bản thân bệnh ung thư không thể truyền từ cha mẹ sang con cái. Nếu một đột biến gen nào đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư có mặt trong tế bào trứng của mẹ hoặc tinh trùng của bố, thì nó sẽ được truyền cho con. Như vậy, đứa trẻ được sinh ra có nguy cơ mắc ung thư, nhưng không phải 100% mà chỉ là nguy cơ cao hơn mà thôi.

    Ví dụ, nếu cha mẹ truyền gen BRCA1 hoặc BRCA2 đột biến cho con mình, đứa trẻ đó sinh ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư tuyến tiền liệt cao hơn nhiều trong suốt cuộc đời so với những đứa trẻ không thừa hưởng những gen đột biến đó.

    Theo thống kê, chỉ khoảng 5-10% trường hợp khởi phát ung thư có yếu tố di truyền. Tỷ lệ này khá thấp nên cũng không cần quá lo lắng bệnh ung thư có di truyền không. 

    Các bệnh ung thư phổ biến có yếu tố di truyền

    Một số loại ung thư có yếu tố di truyền phổ biến có thể kể đến như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày và ung thư tuyến tiền liệt. Các bệnh này có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi gen, dễ di truyền gen đột biến gây ung thư trong gia đình hơn.

    Bên cạnh đó một số loại ung thư khác ít có khả năng di truyền hơn, chẳng hạn như ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tụy và ung thư phổi.

    ung thư có di truyền không tùy gen

    Cụ thể về từng loại ung thư có di truyền không thì bạn có thể tìm hiểu thêm về một số đột biến gen gây ung thư phổ biến có thể được di truyền:

    • BRCA1 hoặc BRCA2. Ung thư vú có di truyền không phải kể đến 2 gen này. Phụ nữ và nam giới được thừa hưởng đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và các bệnh ung thư khác (bao gồm ung thư buồng trứng, tuyến tụy, tuyến tiền liệt) cao hơn đáng kể so với những người không thừa hưởng đột biến.
    • Hội chứng Lynch. Đây là một rối loạn di truyền gây ra bởi đột biến ở các gen MLH1, MSH2, MSH6, PMS2 và EPCAM. Những người sinh ra với đột biến gen này có nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng, nội mạc tử cung và các bệnh ung thư khác như dạ dày, tuyến tụy, đường tiết niệu hoặc não cao hơn đáng kể.
    • CDH1. Ung thư dạ dày có di truyền không có sự góp mặt của đột biến trong gen CDH1. Nó có liên quan đến ung thư dạ dày lan tỏa di truyền (một loại ung thư dạ dày hiếm gặp) và ung thư vú.
    • PALB2. Đột biến di truyền ở gen PALB2 làm tăng nguy cơ ung thư vú. Đôi khi, đột biến này cũng có thể được tìm thấy ở những gia đình có nhiều trường hợp mắc bệnh ung thư tuyến tụy.
    • STK11. Gen này có đột biến hay không sẽ góp phần quyết định ung thư cổ tử cung có di truyền không. Đột biến gen STK11 gây ra hội chứng Peutz-Jeghers. Những người mắc bệnh này có nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư cổ tử cung, buồng trứng, đường tiêu hóa và tuyến tụy cao hơn mức trung bình.
    • PTEN. Ung thư phổi có di truyền không khi có đột biến trong gen PTEN thì câu trả lời là có. Ngoài ra, đột biến gen này có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy ở vú, đầu và cổ, ung thư tuyến tiền liệt.  
    • CDKN2A hoặc CDK4. Những thay đổi trong gen CDKN2A hoặc CDK4 có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc khối u ác tính.
    • RB. U nguyên bào võng mạc là loại ung thư rất hiếm gặp phát triển ở mắt trẻ em và có liên quan đến đột biến gen RB.
    • RET. Ung thư tuyến giáp có di truyền không thì loại ung thư biểu mô tuyến giáp có liên quan đến đột biến dòng mầm trong gen RET.

    Bệnh ung thư có di truyền không? Ung thư cũng có thể di truyền trong một gia đình nếu các thành viên trong gia đình có sự kết hợp của nhiều đột biến gen di truyền mà dù mỗi đột biến chỉ làm tăng nguy cơ mắc ung thư rất nhỏ.

    Hội chứng ung thư gia đình là gì?

    Hội chứng ung thư gia đình, hay còn gọi là hội chứng ung thư di truyền, là một rối loạn hiếm gặp. Nó xảy ra khi một đột biến gen làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư được di truyền trong gia đình.

    Với một số hội chứng ung thư gia đình, bệnh nhân sẽ có xu hướng phát triển ung thư khi còn nhỏ. Tuy nhiên, không phải mọi bệnh ung thư có yếu tố di truyền đều là hội chứng ung thư gia đình.

    Như vậy, về câu hỏi bệnh ung thư có di truyền không thì chỉ một tỷ lệ thấp ung thư khởi phát là do nhận đột biến gen di truyền, phần lớn các trường hợp bệnh xảy ra do tác động từ môi trường hoặc thói quen sinh hoạt kém lành mạnh kéo dài, chẳng hạn như tiếp xúc với ô nhiễm không khí hoặc hút thuốc lá. 

    Hiểu ung thư có di truyền không để phòng ngừa

    Hiểu rõ vấn đề ung thư có di truyền không thì bạn sẽ biết rằng nguy cơ mắc ung thư của bạn sẽ tăng lên nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh. Vậy, bạn nên làm gì để giảm thiểu nguy cơ này?

    Xét nghiệm di truyền

    xét nghiệm di truyền dự đoán nguy cơ ung thư

    Cha mẹ có đột biến gen ung thư di truyền thì có 50% khả năng con cái cũng được thừa hưởng đột biến này. Nếu gia đình có nhiều người cùng bị một loại ung thư hoặc độ tuổi mắc bệnh tương đối trẻ (dưới 50 tuổi), bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn làm xét nghiệm di truyền. 

    Xét nghiệm này thường được thực hiện với một mẫu máu nhỏ, nhưng đôi khi có thể được thực hiện bằng việc thu thập mẫu nước bọt, tế bào bên trong má hoặc tế bào da.

    Thay đổi lối sống

    Khi đã biết ung thư có di truyền không thì bạn cũng hiểu di truyền chỉ là một yếu tố nguy cơ rất nhỏ. Nguy cơ lớn của ung thư thuộc về lão hóa và các yếu tố lối sống như hút thuốc lá, thừa cân béo phì, ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, nhiễm trùng, uống rượu, tiếp xúc với hóa chất… Hầu hết các bệnh ung thư phát triển là do sự kết hợp ngẫu nhiên của nhiều yếu tố nguy cơ.

    Vì vậy, để phòng ngừa ung thư, bạn cần áp dụng các thay đổi lối sống sau đây:

    • Bỏ hút thuốc lá.
    • Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết các ngày trong tuần.
    • Ăn uống lành mạnh, cân bằng với nhiều trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc.
    • Duy trì cân nặng hợp lý thông qua sự kết hợp giữa chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên
    • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều.
    • Tiêm chủng ngừa một số loại virus làm tăng nguy cơ ung thư như viêm gan B và vi-rút u nhú ở người (HPV).

    Hi vọng bài viết này đã cung cấp những thông tin hữu ích và giúp bạn giải đáp được thắc mắc ung thư có di truyền không để bạn bớt lo lắng. Điều quan trọng cần nhớ rằng có người thân trong gia đình mắc bệnh hay sở hữu đột biến gen di truyền không chắc chắn 100% bạn cũng sẽ mắc bệnh. Bởi ung thư xảy ra là do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Ngoài đột biến gen do di truyền và lão hóa là phòng ngừa được thì với các yếu tố còn lại bạn đều có thể chủ động kiểm soát.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Kiến Bình

    Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 22/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo