backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Đường huyết cao có phải bị tiểu đường?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 28/03/2023

    Đường huyết cao có phải bị tiểu đường?

    Bất kỳ ai có chỉ số đường huyết tăng đều chung một nỗi lo đường huyết cao có phải bị tiểu đường. Bởi tiểu đường là bệnh mạn tính và nếu mắc phải, việc điều trị cần phải nghiêm ngặt, từ việc dùng thuốc, ăn uống cho tới sinh hoạt thường ngày, theo dõi biến chứng…

    Vậy, đường huyết cao có phải bị tiểu đường không? Cần làm gì nếu bị tăng đường huyết? Bài viết dưới đây chính là câu trả lời cho bạn.

    Đường huyết cao có phải bị tiểu đường không?

    Đường huyết của một người được cho là cao khi chỉ số lúc đói trên 125 mg/dL hoặc trên 180 mg/dL sau khi ăn 1 – 2 giờ. Tình trạng này là đặc trưng của bệnh tiểu đường tất cả các tuýp. Cụ thể như sau:

    • Tiểu đường tuýp 1: Các tế bào beta ở đảo tụy làm nhiệm vụ sản xuất hormone insulin – hormone đưa đường glucose từ máu vào tế bào để tiêu thụ và tạo ra năng lượng cho cơ thể – bị phá hủy. Vì vậy, chúng không thể sản xuất đủ insulin cho cơ thể, khiến đường glucose nằm lại trong máu và chỉ số đường huyết tăng cao.
    • Tiểu đường tuýp 2: Insulin vẫn được sản xuất đầy đủ, nhưng nó lại không hoạt động đúng cách. Kết quả vẫn là glucose không được vận chuyển vào trong tế bào và đường huyết tăng lên.
    • Tiểu đường thai kỳ: Sự thay đổi trong thai kỳ khiến hoạt động của insulin bị cản trở và có thể dẫn đến bệnh tiểu đường cho một số phụ nữ.

    Đường trong máu có nguồn gốc từ thức ăn và một phần khác là do gan sản xuất. Ngoài bệnh tiểu đường, vẫn có rất nhiều lý do khác khiến cho quá trình sản xuất insulin, sản xuất glucose của gan hoặc vận chuyển đường vào tế bào gặp trục trặc. Đường huyết cao có phải bị tiểu đường không thì câu trả lời là CHƯA CHẮC.

    Chỉ số đường huyết cao có phải bị tiểu đường

    Đường huyết cao không phải bị tiểu đường thì do đâu?

    Tình trạng đường huyết cao hay tăng đường huyết cấp tính có thể xảy ra đột ngột khi một người bị bệnh như viêm tụy cấp hoặc bị chấn thương nặng. 

    Đường huyết cao diễn ra trong thời gian dài hơn thường do một bệnh mạn tính gây ra, chẳng hạn như viêm tụy mạn tính, xơ gan, hội chứng Cushing, bệnh to đầu chi; người mới trải qua cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim, người bị nhiễm trùng nặng.

    Đường huyết cao có phải tiểu đường không và nguy hiểm như thế nào?

    Nếu bạn thắc mắc rằng tăng đường huyết có phải tiểu đường không thì câu trả lời là có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và tiểu đường là một trong số đó. Lượng đường trong máu cao kéo dài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, ngăn cản quá trình lành bệnh. Vì vậy, bạn rất khó để kiểm soát tình trạng của mình, nhất là khi có chấn thương. 

    Bên cạnh đó, tăng đường huyết không được điều trị có thể làm hỏng các dây thần kinh, mạch máu, mô và các cơ quan trong cơ thể. Nếu tổn thương xảy ra tại động mạch, nguy cơ đau tim và đột quỵ của bạn sẽ tăng lên. Còn hư hại dây thần kinh thì dẫn tới những vấn đề về tim mạch, dạ dày, mắt, thận, thần kinh ngoại biên (thường ở tay chân là rõ nhất)…

    Riêng đường huyết cao do bị tiểu đường còn có thêm nỗi lo khác, đó là tình trạng nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu khi tăng đường huyết tăng không kiểm soát. Hai biến chứng này đẩy người bệnh đến cửa tử rất nhanh nếu như không kịp thời điều trị.

    Hiểu rõ đường huyết cao có phải bị tiểu đường không để biết cần làm gì?

    Đừng chỉ quan tâm rằng lượng đường trong máu cao có phải tiểu đường không mà khi biết mình có chỉ số đường huyết cao thì dù có phải bị tiểu đường hay không bạn cũng nên sắp xếp thời gian đi khám để tìm kiếm nguyên nhân chính xác và có hướng điều trị phù hợp càng sớm càng tốt.

    Hãy đến bệnh viện khám ngay lập tức nếu:

    • Mức đường huyết cao hơn hoặc thấp hơn mức bác sĩ đã khuyến cáo
    • Hơi thở của bạn có mùi trái cây
    • Bị buồn nôn và nôn
    • Có triệu chứng mất nước như nước tiểu màu vàng sẫm, miệng và môi khô, da khô.

    Hãy gọi cấp cứu 115 nếu gặp bất kỳ trường hợp nào dưới đây:

    • Co giật
    • Khó thở hoặc thở gấp
    • Mệt mỏi, mất sức.

    Thận trọng dù đường huyết cao có phải bị tiểu đường hay không

    Điều trị đường huyết cao như thế nào?

    Dù đường huyết cao có phải bị tiểu đường không thì việc kiểm soát đường huyết là rất quan trọng. Vì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tình trạng này kéo dài đều sẽ gây nhiều bất lợi cho bạn.

    Với bệnh nhân tiểu đường, cần được sử dụng thuốc hạ đường huyết dạng uống hoặc insulin nhằm duy trì chỉ số đường huyết ở ngưỡng cho phép. Bên cạnh đó, hãy tuân thủ chế độ ăn uống dành cho người tiểu đường và theo dõi đường huyết liên tục. Nên nhớ bạn cần tái khám đúng hẹn, khi nghi ngờ có biến chứng tiểu đường hoặc khi thấy thuốc không giúp bản thân kiểm soát tốt đường huyết nữa, bác sĩ sẽ kiểm tra lại và có thể thay đổi đơn thuốc cho phù hợp.

    Trong trường hợp đường huyết cao không phải bị tiểu đường mà do những bệnh lý khác, bác sĩ vẫn sẽ đo lượng đường trong máu và có thể kê đơn insulin hay thuốc hạ đường huyết khác. Cùng với đó, cần kết hợp điều trị nguyên nhân thì tình trạng này sẽ được khắc phục.

    Ngoài ra, mọi người nói chung có thể thực hiện một số biện pháp tại nhà để góp phần ngăn ngừa tăng đường huyết. Đó là:

    • Tập thể dục: Cách này giúp giảm lượng đường trong máu của bạn khi nó đang ở mức cao. Không chỉ vậy, tập thể dục còn có thể giữ cho đường huyết ổn định theo thời gian. Kể cả đường huyết cao có phải bị tiểu đường hoặc do nguyên nhân khác thì đều nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày trong tối thiểu 5 ngày một tuần với bất kỳ hoạt động nào yêu thích, phù hợp với sức khỏe. Để chắc chắn bài tập là an toàn, bạn có thể hỏi thêm ý kiến của bác sĩ.
    • Ăn theo kế hoạch: Bác sĩ sẽ đưa ra những lưu ý trong ăn uống để giúp bạn giảm lượng đường trong máu.
    • Duy trì cân nặng hợp lý: Hãy tính chỉ số BMI theo hướng dẫn TẠI ĐÂY để biết mức cân nặng hợp lý của mình là bao nhiêu. Giảm cân phần nào giúp bạn giảm lượng đường trong máu. Điều này được thực hiện bằng chế độ ăn và tập thể dục.
    • Không hút thuốc: Nicotin và các hóa chất khác trong thuốc lá, xì gà gây tổn thương phổi và khiến bạn khó kiểm soát lượng đường trong máu hơn. Kể cả thuốc lá điện tử hay thuốc lá không khói cũng vẫn chứa nicotin. Vậy nên, hãy bỏ tất cả những loại thuốc lá, xì gà và tránh xa những người hút thuốc nhé!
    • Hạn chế hoặc không uống rượu: Rượu cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu. Bạn chỉ nên giới hạn lượng rượu ở mức dưới 2 ly với nam giới, dưới 1 ly với phụ nữ hoặc nếu được thì nên bỏ rượu hoàn toàn.

    Qua bài viết này, chắc hẳn bạn đã trả lời được thắc mắc đường huyết cao có phải bị tiểu đường và biết nên làm gì tiếp theo để sớm kiểm soát tình trạng của mình. Dù vì nguyên nhân gì thì đường huyết cao cũng đáng lo ngại, vì vậy đừng chủ quan mà sớm thăm khám và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 28/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo