backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

7 tác hại của lắc vòng giảm eo và những lưu ý cần nhớ khi lắc vòng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 23/01/2024

7 tác hại của lắc vòng giảm eo và những lưu ý cần nhớ khi lắc vòng

Lắc vòng khá phổ biến nhưng liệu có thật sự vô hại không? Các tác hại của lắc vòng giảm eo là gì?

Lắc vòng là một bài tập thể dục thể thao quen thuộc với các chị em, nhất là những người mong muốn lấy lại vòng eo thon gọn. Thế nhưng, những tác hại của lắc vòng giảm eo vẫn luôn là nỗi trăn trở khiến nhiều phụ nữ e ngại. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu xem lắc vòng có tác hại gì không nhé!

Lắc vòng có giảm eo, giảm cân không?

Lắc vòng là một trong những bài tập giúp đốt cháy calo hiệu quả, có thể mang lại kết quả tương tự như các loại hoạt động aerobic khác. Không những thế, nếu kiên trì lắc vòng mỗi ngày, bạn có thể giúp số đo vòng eo giảm đi đáng kể. Nghiên cứu cho thấy:

  • Trung bình một phụ nữ có thể tiêu thụ 165 calo khi lắc vòng 30 phút mỗi ngày.
  • Còn đối với phái mạnh, việc lắc vòng 30 phút hàng ngày có thể giúp đốt cháy khoảng 200 calo.
  • Phụ nữ sử dụng vòng lắc tăng trọng lượng có thể giảm trung bình 3,4cm vòng eo và 1,4cm vòng hông chỉ sau 6 tuần.

Có thể thấy, lắc vòng là bài tập giảm eo, giảm cân khá hiệu quả. Mặc dù vậy, những tác hại của lắc vòng giảm eo vẫn cần được chú ý để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Lợi ích của lắc vòng đối với sức khỏe

lợi ích của lắc vòng

Trước khi biết được các tác hại của việc lắc vòng, cùng khám phá xem lắc vòng có tác dụng gì nhé! Trên thực tế, ngoài công dụng giảm cân, giảm eo hiệu quả, lắc vòng còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như:

  • Thúc đẩy sức khỏe tim mạch: Lắc vòng là một bài tập tim mạch tuyệt vời, giúp kích thích hoạt động của tim và mạch máu.
  • Cải thiện khả năng phối hợp vận động và giữ thăng bằng: Để giữ vòng luôn xoay quanh eo, bạn cần học cách giữ thăng bằng cơ thể và phối hợp các bộ phận, các cơ với nhau.
  • Tăng cường sức mạnh cơ cốt lõi: Việc giữ cho vòng xoay đúng vị trí đòi hỏi bạn phải vận động cơ bụng. Điều này có thể giúp cải thiện trương lực cơ theo thời gian.
  • Giảm căng thẳng: Tính chất nhịp nhàng của bài tập lắc vòng có thể giúp bạn xoa dịu thần kinh và làm minh mẫn đầu óc. Hơn nữa, nếu bạn vừa trải qua một buổi tập luyện vui vẻ, sảng khoái thì cũng có thể giảm bớt căng thẳng, áp lực.
  • Giảm cholesterol xấu: Nghiên cứu cho thấy việc lắc vòng giúp giảm lượng cholesterol xấu LDL đáng kể.
  • Cải thiện sức khỏe vùng lưng và cột sống: Khi lắc vòng, bạn thực hiện các chuyển động lắc lư rất nhịp nhàng về phía trước và phía sau, đồng thời dịch chuyển trọng lượng trong suốt quá trình thực hiện. Kiểu chuyển động này giải phóng sự căng thẳng của các cơ xung quanh phần dưới của lưng và điều chỉnh lại các cơ sao cho phù hợp với cột sống. Kết quả là, lưu lượng máu đến cột sống được cải thiện và tính linh hoạt tổng thể của cột sống được tăng lên.

Để hiểu rõ hơn, mời bạn tham khảo bài viết Lắc vòng có tác dụng gì? 7 lợi ích khi lắc vòng đúng cách.

Lắc vòng có hại không? 7 tác hại của lắc vòng giảm eo

Có thể thấy, việc lắc vòng mang lại rất nhiều lợi ích. Vậy, lắc vòng có hại không? Câu trả lời là “Có”. Không có bài tập nào hoàn toàn không có rủi ro. Dưới đây là những tác hại phổ biến của lắc vòng giảm eo.

1. Căng cơ

tác hại của lắc vòng

Tác hại của việc lắc vòng đầu tiên phải kể đến là làm căng cơ, đau nhức cơ bắp, đặc biệt là vùng lưng và vai. Thậm chí, trong một số trường hợp, người tập lắc vòng còn bị viêm gân.

Những tình trạng này thường xảy ra do lắc vòng sai kỹ thuật hoặc chuyển động quá mạnh. Hơn nữa, việc chuyển động cơ theo cùng một hướng trong thời gian dài có thể gây đau nhức cơ

Ngoài ra, nếu bạn lắc bằng vòng tăng trọng lượng thì có thể gây mất cân bằng, dẫn đến căng cơ và bong gân.

2. Đau khớp là tác hại của lắc vòng giảm eo

Không ít người đã và đang lắc vòng cảm thấy bị đau khớp, đặc biệt là ở đầu gối và mắt cá chân. Điều này thường là do va chạm khi vòng bị rơi xuống đất. Đồng thời, nếu đứng sai tư thế, các khớp gối và mắt cá chân cũng có thể bị ảnh hưởng.

3. Gây đau lưng dưới

Một tác hại của lắc vòng giảm eo khác là gây khó chịu ở lưng và làm đau vùng lưng dưới. Trong quá trình lắc vòng, hông di chuyển về phía trước và phía sau để đẩy và kéo vòng quanh eo.

Động tác này có thể dẫn đến đau lưng hoặc khó chịu vùng lưng, nhất là khi bạn đang bị đau thắt lưng. Hơn nữa, cơn đau cũng có thể lan xuống hông khi đẩy vòng theo một hướng.

4. Tác hại của lắc vòng giảm eo đối với thận

Một số người cho rằng, việc tạo áp lực liên tục lên vùng thận và các cơ quan nội tạng khác bằng chiếc vòng lắc có thể gây ra tổn thương nội tạng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, điều này chưa hợp lý, vì những chiếc vòng này không quá nặng. Hơn nữa, lực ly tâm khi quay vòng sẽ làm giảm đi áp lực lên các cơ quan nội tạng.

Mặc dù vậy, rủi ro này vẫn có thể xảy ra. Do đó, bạn cần lựa chọn vòng lắc phù hợp với bản thân nhé.

5. Làm tăng nguy cơ thoát vị bẹn

tác hại của lắc vòng

Nếu bạn vẫn còn băn khoăn lắc vòng có tác hại gì, thì cần hiểu rằng, bất kỳ bài tập thể dục lặp đi lặp lại nào làm căng cơ bụng đều có thể dẫn đến thoát vị bẹn, điển hình là lắc vòng. Tuy nhiên, tình trạng này còn có thể do các yếu tố khác gây ra, chẳng hạn như đứng lâu, đi bộ nhiều giờ hoặc do di truyền.

Để tránh bị thoát vị bẹn do lắc vòng giảm eo, bạn chỉ nên lắc vòng 15-30 phút là tối đa và đảm bảo không tập quá sức.

6. Gây kích ứng da là tác hại của lắc vòng giảm eo

Vòng lắc có thể được làm từ nhựa hoặc gỗ bọc bằng băng dính. Một số vòng khác không được bọc ngoài nhưng thường được chà nhám ở bên trong để tạo ma sát khi lắc. Những chất liệu này có thể gây kích ứng da, nhất là khi bạn để vòng lắc tiếp xúc trực tiếp với da.

Hơn nữa, ma sát giữa vòng và bụng trong quá trình lắc cũng có thể khiến da bị kích ứng. Do đó, cách tốt nhất để tránh điều này là mặc quần áo che phủ vùng da tiếp xúc với vòng lắc.

7. Bầm tím

Tác hại cuối cùng của việc lắc vòng, cũng là nhược điểm phổ biến nhất của bộ môn này, đó là tình trạng bầm tím. Điều này thường xảy ra ở những người mới bắt đầu lắc vòng hoặc đang tập các kỹ thuật lắc vòng mới.

Bầm tím có thể xảy ra ở vùng quanh eo, lưng, hông, tay, chân, đầu gối, thậm chí là vùng đầu, mặt, khi vòng vô tình rơi vào những vị trí này. Hơn nữa, nếu bạn lắc vòng với cường độ cao, kéo dài thì có thể gây áp lực lặp đi lặp lại lên một bộ phận cơ thể. Áp lực này có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ gần bề mặt da và gây ra vết bầm tím.

Tóm lại

Lắc vòng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng những tác hại của lắc vòng giảm eo là không thể phủ nhận. Do đó, điều quan trọng là cần nắm rõ kỹ thuật lắc vòng đúng cách để đảm bảo vừa giảm cân, thon eo hiệu quả, vừa an toàn, hạn chế rủi ro.

Mẹo lắc vòng hiệu quả, an toàn, tránh tác hại

tác hại của lắc vòng

Nếu bạn muốn tránh các tác hại của lắc vòng giảm eo, hãy “bỏ túi” những mẹo sau:

  • Chọn vòng lắc có trọng lượng phù hợp: Khi mới bắt đầu, bạn không nên dùng vòng quá nặng. Thay vào đó, hãy sử dụng vòng nhẹ và tăng dần trọng lượng khi đã quen dần. 
  • Chọn vòng lắc có chất liệu tốt: Bạn nên mua vòng lắc chất lượng cao; tránh những vòng làm từ chất liệu tệ, gây khó chịu khi sử dụng.
  • Chọn vòng lắc có kích thước phù hợp: Kích cỡ vòng lắc phù hợp sẽ giúp bạn hạn chế tối đa các tác hại của lắc vòng.
  • Không tập lắc vòng khi có vấn đề sức khỏe: Nếu bạn bị đau lưng, thoát vị bẹn, hoặc đang mang thai thì không nên tập lắc vòng.
  • Mặc đồ thoải mái khi lắc vòng: Bạn nên mặc quần áo thoáng khí, co giãn tốt và có thể che được vùng da tiếp xúc trực tiếp với vòng.
  • Bắt đầu tập luyện với cường độ nhẹ trước: Khi mới tập lắc vòng, bạn nên lắc nhẹ nhàng trong khoảng 5-10 phút. Khi đã quen dần, bạn mới nên tăng thời gian lắc vòng lên tối đa 30 phút.

Ngoài ra, bạn cũng cần nắm rõ kỹ thuật lắc vòng đúng cách để tránh các tác hại của lắc vòng.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được các tác hại của lắc vòng giảm eo, từ đó biết cách phòng ngừa những rủi ro này cho bản thân và những người xung quanh.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 23/01/2024

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo