backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Thái nhân cách là gì? Bạn đã hiểu đúng về chứng thái nhân cách chưa?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sương · Tâm thần · Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 18/12/2023

    Thái nhân cách là gì? Bạn đã hiểu đúng về chứng thái nhân cách chưa?

    Thái nhân cách dùng để mô tả một kiểu nhân cách mà người đó có biểu hiện lạnh lùng, vô cảm, thờ ơ và có xu hướng hành động chống đối xã hội. Những người có đặc điểm thái nhân cách có nguy cơ cao thực hiện các hành vi bạo lực và phạm tội. Tuy vậy không phải tất cả những người có đặc điểm này đều là tội phạm. 

    Thái nhân cách có nhiều đặc điểm trùng lặp với rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Đọc bài viết để hiểu rõ hơn về tình trạng này!

    Thái nhân cách là gì?

    Thuật ngữ “thái nhân cách” (Psychopathy) dùng để mô tả một rối loạn tâm thần kinh được biểu hiện bởi sự vô tâm, vô cảm, kiểm soát hành vi kém, thường dẫn đến sự lệch lạc chống đối xã hội dai dẳng, hành vi phạm tội và suy đồi về mặt đạo đức. Đây không phải là một thuật ngữ chính thức trong chẩn đoán các rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ DSM-5. Tuy nhiên nó vẫn được sử dụng trên lâm sàng và pháp lý. 

    Nhiều đặc điểm của thái nhân cách trùng lặp với các triệu chứng của rối loạn nhân cách chống đối xã hội (antisocial personality disorder) nhưng mức độ nguy hiểm của hành vi và sự thờ ơ cảm xúc nặng nề hơn. Đây là một tình trạng sức khỏe tâm thần, được sử dụng để mô tả những người thường xuyên hành động không tuân theo luật pháp, vi phạm quyền của người khác. Nhưng chỉ một số ít người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội được coi là kẻ thái nhân cách.

    Đặc điểm tính cách của người thái nhân cách

    thái nhân cách

    Hành vi của người thái nhân cách rất khác nhau giữa các cá thể. Một số là tội phạm tình dục và giết người, trong khi những người khác có thể là những nhà lãnh đạo thành công. 

    Các đặc điểm thái nhân cách thường bao gồm:

    • Hành vi phản xã hội, coi thường các quy tắc và luật lệ, có xu hướng thực hiện hành vi phạm tội.
    • Ái kỷ hay còn gọi là chứng yêu bản thân thái quá. Những người này thường sống theo những quy tắc riêng và nghĩ rằng luật pháp không áp dụng cho họ.
    • Giả tạo (Superficial charm): Được hiểu là hành động nói hoặc làm điều gì đó vì chúng được người khác đón nhận nồng nhiệt chứ không phải vì những gì một người thực sự tin tưởng hoặc muốn làm. Vì thế những người thái nhân cách thường có các mối quan hệ rất nông cạn và giả tạo.
    • Hành động bốc đồng, thiếu suy nghĩ.
    • Tính cách lạnh lùng, vô cảm.
    • Không có cảm giác tội lỗi, không quan tâm hành vi của họ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. 
    • Thờ ơ, thiếu sự đồng cảm. Gặp khó khăn trong việc hiểu người khác cảm thấy sợ hãi, buồn bã hoặc lo lắng như thế nào. Họ không thể hình thành các mối quan hệ tình cảm và chân thành.
    • Nói dối bệnh lý: Những kẻ thái nhân cách nói dối để trông tốt đẹp và thoát khỏi rắc rối. Sau đó tiếp tục nói dối để che đậy những lời nói dối trước đây của mình. Họ thường nói dối nhiều lần, sử dụng bí danh hoặc lừa gạt người khác vì niềm vui hoặc trục lợi cá nhân.
    • Thao túng và khiến người khác làm theo ý họ. 
    • Lối sống ký sinh: Họ lợi dụng lòng tốt của người khác hoặc sống phụ thuộc tài chính của người khác.

    Những đặc điểm này có thể xuất hiện trong thời thơ ấu và tồi tệ hơn theo thời gian.

    Nguyên nhân dẫn đến thái nhân cách

    Sự hình thành của thái nhân cách là do sự kết hợp của 3 yếu tố di truyền, sinh học thần kinh và môi trường.

    Về sự thay đổi sinh học thần kinh, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng những bất thường ở các vùng não quan trọng chịu trách nhiệm trong việc tích hợp phản ứng cảm xúc vào hành vi xuất hiện ở người thái nhân cách, cụ thể là vùng não hệ viền và cận viền paralimbic.

    Ngoài ra, trên hình ảnh học não bộ của những người thái nhân cách, người ta nhận thấy có những bất thường ở vỏ não trước trán, hạch hạnh nhân và hồi hải mã và các vùng cận viền xung quanh như đồi thị, thùy đảo, vỏ não thái dương.

    Về yếu tố di truyền, các nghiên cứu trước đây ước tính có khoảng 38-69% trường hợp thái nhân cách có yếu tố di truyền. 

    Thêm vào đó, một số sự kiện trong đời có thể là tác nhân môi trường của thái nhân cách như thời thơ ấu bị bỏ rơi, bị lạm dụng thời thơ ấu,…

    Nghiên cứu ban đầu về thái nhân cách cho thấy tình trạng này bắt nguồn từ các vấn đề liên quan đến sự gắn bó giữa cha mẹ và con cái. Sự thiếu thốn tình cảm, cảm xúc, bị cha mẹ từ chối được cho là làm tăng nguy cơ đứa trẻ trở thành kẻ thái nhân cách.

    Một số nhà nghiên cứu tin rằng những vấn đề thời thơ ấu có thể gây ra những đặc điểm thái nhân cách. Các vấn đề được đề cập gồm: ngược đãi, lạm dụng, mối quan hệ rạn nứt và việc thường xuyên xa cách với những người chăm sóc.

    Nhưng các nhà nghiên cứu khác cho rằng có thể ngược lại. Những đứa trẻ có vấn đề nghiêm trọng về hành vi có thể gặp phải vấn đề về mối quan hệ với người thân. Lý do vì hành vi sai trái của chúng có thể khiến người lớn xa lánh.

    Có khả năng các đặc điểm thái nhân cách xuất phát từ một số yếu tố khác, chẳng hạn như nuôi dạy con cái không đúng cách và rủi ro từ lúc mang thai (như tiếp xúc với chất độc tử cung).

    Chẩn đoán

    thái nhân cách

    Thái nhân cách không phải là một thuật ngữ sức khỏe tâm thần chính thức nên tình trạng mà các chuyên gia ghi trong chẩn đoán là rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Đây là một trong bốn chứng rối loạn nhân cách nhóm B được đề cập trong DSM-5.

    Tiêu chuẩn chẩn đoán

    Để có được chẩn đoán chính xác, chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ tiến hành đánh giá sức khỏe tâm thần đầy đủ. Các yếu tố đánh giá gồm: suy nghĩ, cảm xúc, xu hướng hành vi, các mối quan hệ. Sau đó so sánh các triệu chứng với tiêu chí trong DSM-5.

    Để được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội, một người từ đủ ít nhất 18 tuổi phải thể hiện thái độ coi thường và vi phạm quyền của người khác xảy ra từ lúc 15 tuổi. Điều này được biểu thị bằng ba hoặc nhiều hơn trong số các tiêu chí sau, theo DSM-5:

    • Không tuân thủ các chuẩn mực xã hội liên quan đến luật pháp, có thể được thể hiện bởi nhiều lần từng bị bắt giữ do các hành vi phạm pháp
    • Nói dối nhiều lần, sử dụng bí danh hoặc lừa gạt người khác để trục lợi hoặc niềm vui cá nhân
    • Bốc đồng, hành động không có kế hoạch
    • Cáu kỉnh và hung hăng, thường gây gổ đánh nhau hoặc hành hung người khác
    • Coi thường sự an toàn của bản thân hoặc người khác một cách liều lĩnh
    • Vô trách nhiệm, không duy trì hành vi làm việc nhất quán hoặc tôn trọng các nghĩa vụ
    • Không hối hận, thờ ơ hoặc hợp lý hóa việc làm tổn thương, ngược đãi hoặc trộm cắp của người khác

    Chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng sẽ xem xét bệnh sử của một người. Đánh giá đầy đủ này là một bước quan trọng vì những người mắc bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường mắc các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần và nghiện chất khác.

    Bài test thái nhân cách

    Mặc dù có thể có rất nhiều “bài kiểm tra thái nhân cách” miễn phí trôi nổi trên internet, nhưng có hai bài kiểm tra được sử dụng thường xuyên nhất:

    Phân biệt thái nhân cách với rối loạn nhân cách chống đối xã hội

    Hai thuật ngữ “thái nhân cách” và “rối loạn nhân cách chống đối xã hội” đôi lúc bị nhầm lẫn và sử dụng chỉ một rối loạn tâm thần. Thực ra chúng dùng để chỉ hai tình trạng khác nhau với đặc điểm và hành vi khác nhau. Sự khác biệt giữa hai trình trạng rối loạn này là:

  • Thái nhân cách: Thiếu lương tâm và sự cảm thông với người khác. Họ có thể giả vờ quan tâm nhưng giữ vẻ ngoài bình thường để che đậy những hành động lạnh lùng hoặc hành vi phạm tội.
  • Rối loạn nhân cách chống đối xã hội: Vẫn có thể có sự đồng cảm và có cảm giác hối hận về hành động của mình. Họ phải đấu tranh để duy trì những hành vi và thói quen bình thường. Đôi khi, người bệnh thể hiện hành động bốc đồng và xúc động quá mức. Người rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể nhận ra rằng hành động của họ là sai nhưng vẫn tìm cách hợp lý hóa những hành vi bốc đồng và có hại của mình.
  • Điều trị

    điều trị thái nhân cách

    Việc điều trị tình trạng này vẫn còn nhiều tranh cãi. Chưa có bằng chứng chứng minh rằng bất kỳ loại thuốc hoặc hình thức trị liệu tâm lý nào có thể chữa khỏi thái nhân cách. Tuy nhiên, một số phương pháp có thể giúp kiểm soát triệu chứng bốc đồng và hung hãn, thay đổi cảm xúc đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống.

    Tâm lý trị liệu có thể hữu ích trong việc hiểu chứng rối loạn này ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ của bạn như thế nào. Chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ phát triển các chiến lược giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là một loại hình trị liệu tâm lý tập trung vào việc thay đổi suy nghĩ và hành vi của bạn. Liệu pháp này có thể giúp bạn nhận thấy hành vi của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Ngoài ra, một số liệu pháp khác như liệu pháp cá nhân (individual therapy), liệu pháp nhóm (group therapy) hoặc liệu pháp gia đình (family therapy) cũng có thể có hiệu quả đáng kể.

    Nếu cần điều trị bằng thuốc, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc để điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan như lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc các triệu chứng hung hăng, bốc đồng. Các lựa chọn có thể bao gồm:

    • Thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) hoặc bupropion giúp điều hòa nồng độ serotonin trong não bộ
    • Thuốc chống loạn thần giúp điều chỉnh các hành vi bốc đồng, gây hấn
    • Thuốc chống co giật
    • Thuốc ổn định khí sắc giúp điều hòa cảm xúc và quản lý hành vi 

    Kẻ thái nhân cách thường thể hiện những đặc điểm và hành vi lạnh lùng, thao túng, chống đối xã hội và ái kỷ.  Những người có đặc điểm thái nhân cách có thể có nguy cơ cao về bạo lực và hành vi tội phạm. Phát hiện và can thiệp sớm có thể giúp giảm những nguy cơ và tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, giảm thiểu hậu quả tồi tệ và đáng tiếc có thể xảy ra cho gia đình và xã hội.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sương

    Tâm thần · Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM


    Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 18/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo