Dù rối loạn nhân cách ái kỷ không đe dọa tính mạng nhưng trẻ cần được chẩn đoán và điều trị để có hành vi và đời sống xã hội tốt hơn.
Cách chẩn đoán rối loạn nhân cách ái kỷ
Tiến trình chẩn đoán rối loạn sẽ gồm những bước sau:
- Bác sĩ sẽ đánh giá ban đầu về sức khỏe tâm lý của trẻ
- Họ sẽ nói chuyện với trẻ để hiểu về mức độ tự yêu và tự đề cao bản thân của trẻ
- Bác sĩ sẽ phân tích hành vi của trẻ để xem trẻ có kiêu ngạo không
- Trẻ phải khám thể chất để loại trừ những bệnh về thể chất có thể gây ra các triệu chứng trên
- Nếu trẻ không có bệnh về thể chất, bác sĩ sẽ lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần đặc biệt cho trẻ
- Chẩn đoán rối loạn nhân cách ái kỷ thường cần sự hiểu biết về tâm lý của trẻ, nên bác sĩ sẽ sử dụng các bảng câu hỏi, hoạt động đánh giá và các bài kiểm tra khác để tìm hiểu tâm lý trẻ. Bác sĩ có thể hỏi nhiều câu hỏi về biểu hiện của trẻ trong học tập, bạn bè cũng như mức độ thân thiết…
- Bác sĩ cũng cần chẩn đoán để phân biệt giữa rối loạn nhân cách ái kỷ và các chứng bệnh tâm thần khác như hưng cảm nhẹ.
- Chuyên gia cũng cần theo dõi xem các triệu chứng hay đặc tính của rối loạn nhân cách ái kỷ là dài lâu hay chỉ theo tâm trạng hay theo từng thời kỳ.
Nhiều người tin rằng những rối loạn về tâm thần sẽ theo bệnh nhân suốt đời, nhưng rối loạn nhân cách ái kỷ có thể kiểm soát được bằng các biện pháp can thiệp thích hợp với sự trợ giúp của bác sĩ và cả gia đình.
Cách điều trị rối loạn nhân cách ái kỷ
Biện pháp hiệu quả nhất để điều trị rối loạn trên là liệu pháp tâm lý thay vì chỉ dùng thuốc. Một vài liệu pháp được sử dụng rộng rãi gồm:
- Liệu pháp nhận thức – hành vi: Liệu pháp này giúp bệnh nhân nhận ra các vấn đề của mình. Trẻ sẽ tự nhận thức được những suy nghĩ tiêu cực, kiêu căng của mình và thay đổi những suy nghĩ đó thành những ý nghĩ tích cực và có tính xây dựng hơn.
- Liệu pháp tâm lý phân tâm học: Liệu pháp giúp xác định mức độ trẻ tự yêu bản thân, cơ chế bảo vệ của trẻ khi thất bại và mối tương tác với bố mẹ và bạn bè. Liệu pháp còn đòi hỏi sự hỗ trợ từ bố mẹ và gia đình những trẻ bị rối loạn.
- Liệu pháp gia đình: Nếu rối loạn nhân cách ái kỷ ở trẻ là kết quả của việc đánh giá con quá cao hay yêu con quá nhiều từ bố mẹ, thì bác sĩ tâm lý sẽ nói chuyện với bố mẹ, khắc phục những hành vi trên và điều hòa cảm xúc của họ với con cái.
Chứng bệnh này hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Bác sĩ có thể kê thuốc chống trầm cảm với một số trẻ nếu trẻ có khuynh hướng trầm cảm và hay lo âu. Cả trẻ và bố mẹ đều cần phải tuân theo tiến trình điều trị để tránh các biến chứng sau này.
Biến chứng từ rối loạn nhân cách ái kỷ
Một vài biến chứng có thể xảy ra do rối loạn nhân cách ái kỷ gồm:
- Nghiện rượu hay thuốc khi trẻ lớn lên
- Khủng hoảng trong các mối quan hệ với bạn bè và gia đình
- Vụng về hay thiếu hụt trong quan hệ xã hội
- Khó khăn trong các mối quan hệ gia đình và trường học.
Đi kèm với những trị liệu kể trên, bố mẹ hãy chăm sóc con tại nhà để tránh con bị tổn thương về lâu dài.
Chăm sóc tại nhà cho trẻ rối loạn nhân cách ái kỷ

Nếu con có những triệu chứng rối loạn nhân cách ái kỷ ở trẻ, bạn nên giúp trẻ hiểu hơn về cách kiểm soát cảm xúc cũng như các mối quan hệ xã hội bằng các bí quyết sau:
- Kiên định nhưng không bạo lực: Bạo lực hay gây gổ chỉ khiến con bạn xa lánh bạn hơn. Trẻ bị rối loạn này thường có cái tôi lớn, hay để bụng và dễ cảm thấy tổn thương. Bạn hãy hướng trẻ vào nề nếp bằng thái độ mềm mỏng, ân cần.
- Kiểm soát tính tự coi mình là trung tâm của trẻ: Bạn hãy giúp trẻ hiểu rằng chúng cũng giống như mọi người trong gia đình và sẽ không có một sự đối xử đặc biệt nào. Nếu thấy con mình cư xử kiêu căng với anh chị em trong nhà, hãy nhắc con không được thiếu tôn trọng người khác và đòi hỏi người khác phục tùng mình. Bạn nên lưu ý không trêu trọc con nhé.
- Giao tiếp hợp lý: Bạn hãy giúp trẻ hiểu rằng lắng nghe người khác là một việc rất quan trọng khi giao tiếp với mọi người. Trong giao tiếp, cần 50% nói chuyện và 50% lắng nghe. Bạn hãy cho trẻ thực tập trò chuyện với mình trước.
- Công bằng trong mọi mối quan hệ: Bạn hãy giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của các mối quan hệ. Bạn hãy chỉ cho con thấy mọi người đều cùng nhau làm việc nhà, chăm sóc và quan tâm lẫn nhau để hạnh phúc hơn.
- Cho trẻ cảm nhận tình yêu: Bạn không nên đem tình cảm ra làm quà khi con đạt thành tích gì đó. Bạn hãy cho trẻ hiểu bạn yêu thương trẻ dù trẻ thành công hay thất bại.
Chứng rối loạn nhân cách ái kỷ ở trẻ không phải là vấn đề về tâm thần hay là một căn bệnh nghiêm trọng. Ai cũng cần yêu thương bản thân dù ít hay nhiều. Chỉ khi nào ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cá nhân, các mối quan hệ và nhân cách, rối loạn này sẽ trở thành bệnh lý và cần được can thiệp y tế. Trẻ cần sự kiên nhẫn, tình yêu thương và quan tâm của bố mẹ cũng như mọi người trong gia đình để giúp trẻ thay đổi và có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!