backup og meta

12 tác hại của thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử đối với cơ thể

12 tác hại của thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử đối với cơ thể

Hàng năm, có 8 triệu người tử vong do tác hại của thuốc lá. Tác hại của thuốc lá đối với những người xung quanh cũng nguy hiểm không kém. Trong đó, có tới 1,3 triệu người không hút thuốc mà tử vong do tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Ngoài các tác hại rất dễ nhận thấy trên đường hô hấp, thuốc lá còn gây nhiều bệnh lý trên đa cơ quan như tim mạch, nha khoa, võng mạc, tiêu hóa,… 

Chất độc trong khói thuốc lá

Trước khi hiểu rõ tác hại của thuốc lá độc như thế nào, bạn cần phải biết trong thuốc lá có chứa những thành phần độc hại nào. Có khoảng 600 thành phần trong thuốc lá. Khi đốt, lượng chất hóa học chúng tạo ra lên đến hơn 7.000. Ít nhất 69 chất trong số đó đã được biết là tác nhân gây ung thư và rất nhiều chất độc hại với sức khỏe.

Nhiều hóa chất trong thuốc lá cũng được tìm thấy trong các sản phẩm tiêu dùng. Nhưng những sản phẩm này có nhãn cảnh báo độc hại – chẳng hạn như bao bì thuốc diệt chuột, trong khi không có cảnh báo tương tự về chất độc trong khói thuốc lá.

Dưới đây là một số hóa chất trong khói thuốc lá và những nguồn khác chứa chúng:

  • Nicotin – một chất gây nghiện mạnh, dùng làm thuốc trừ sâu
  • Aceton – có trong nước tẩy sơn móng tay
  • Acid acetic – một thành phần trong thuốc nhuộm tóc
  • Amoniac – chất tẩy rửa thông thường trong gia đình
  • Asen – dùng làm thuốc diệt chuột, bảo quản gỗ
  • Benzen – được tìm thấy trong xi măng cao su và xăng
  • Butan – có trong xăng bật lửa
  • Cadmium – thành phần trong acid ắc quy
  • Carbon monoxid (CO) – trong khói thải ô tô
  • Formaldehyd – chất lỏng dùng trong y học để ướp xác
  • Hexamine – được tìm thấy trong chất lỏng đánh lửa thịt nướng
  • Chì – có trong pin
  • Naphthalen – một thành phần trong băng phiến
  • Metanol – thành phần trong nhiên liệu, gây ngộ độc rượu
  • Tar – vật liệu lát đường
  • Toluene – dùng để sản xuất sơn
  • 1,3-Butadiene – dùng để sản xuất cao su
  • Chromium VI – dùng để chế tạo kim loại hợp kim, sơn và thuốc nhuộm
  • Polonium-210 – một nguyên tố phóng xạ

12 tác hại của khói thuốc lá

1. Thuốc lá gây ung thư

Chất độc trong khói thuốc lá gây ung thư bằng cách làm hư hỏng và biến đổi ADN của tế bào, khiến tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát. Không những vậy, tác hại của thuốc lá còn làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến việc tiêu diệt tế bào ung thư trở nên khó khăn hơn.

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi, gần 9/10 ca ung thư phổi là do hút thuốc lá. Ung thư phổi cũng là loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất trong tất cả các loại ung thư.

Ngoài ra, thuốc lá cũng có thể gây ung thư ở hầu hết mọi cơ quan trong cơ thểo như: máu (bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính), bàng quang, cổ tử cung, đại – trực tràng, thực quản, thận, thanh quản, gan, miệng và hầu họng, tuyến tụy, dạ dày, khí quản và phế quản.

Tác hại thuốc lá gây ung thư

2. Hút thuốc gây các bệnh lý ở đường hô hấp

Hút thuốc lá có hại như thế nào cho hệ hô hấp? Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đây một bệnh lý mạn tính nghiêm trọng, tiến triển nhanh. Hút thuốc trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên có thể làm chậm quá trình tăng trưởng và phát triển của phổi làm tăng nguy cơ phát triển bệnh COPD ở tuổi trưởng thành.

Khói thuốc lá gây tác hại trực tiếp lên đường hô hấp làm phát triển bệnh lý khí quản, thanh quản, dẫn đến ung thư. Các triệu chứng ho, đờm, khó thở thường xuyên gặp ở những người hút thuốc lá.

Hút thuốc chủ động cũng làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn. Nó cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở thanh thiếu niên và người lớn.

2. Tác hại của thuốc lá trên tim mạch

Tại Hoa Kỳ, cứ 4 trường hợp tử vong do bệnh tim mạch thì có 1 trường hợp liên quan đến khói thuốc. Hút thuốc lá có thể làm:

  • Tăng glyceride
  • Giảm cholesterol “tốt” (HDL)
  • Làm cô đặc máu dễ hình thành cục máu đông, cản trở lưu lượng máu đến tim và não
  • Tổn thương và gây viêm các tế bào thành mạch máu
  • Tăng sự tích tụ mảng bám (chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác) trong mạch máu
  • Gây dày và hẹp mạch máu

Những người hút thuốc không chỉ gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, họ cũng có khả năng tử vong vì bệnh tim ở độ tuổi trẻ hơn.

Hít phải khói thuốc thụ động cũng có thể gây ra bệnh mạch vành, bao gồm đau tim và đột quỵ. Việc hít phải khói thuốc thụ động ngay cả trong thời gian ngắn cũng có thể làm hỏng niêm mạc mạch máu và làm cô đặc máu. 

tác hại của thuốc lá lên tim mạch

4. Bệnh tiểu đường

Hút thuốc lá có hại như thế nào? Hút thuốc có thể gây ra bệnh tiểu đường loại 2. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở những người hút thuốc thường xuyên cao hơn 30 – 40% so với những người không hút thuốc. Hút thuốc cũng có thể làm tăng đề kháng insulin ở bệnh nhân tiểu đường type 2 và làm trầm trọng thêm một số bệnh lý liên quan đến tiểu đường loại 1, chẳng hạn như bệnh thận, bệnh võng mạc và tuần hoàn kém dẫn đến hoại tử.

5. Tác hại của hút thuốc lá lên hệ thống miễn dịch

Hút thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch khiến cơ thể dễ nhiễm vi khuẩn và virus, có nguy cơ cao mắc các bệnh như viêm phổi, lao, cúm… Khói thuốc cũng làm phá hủy các kháng thể trong dòng máu, phá hủy các chất chống oxy hóa trong cơ thể…

Những người thường xuyên hút thuốc lá khi mắc bệnh hoặc có vết thương thường chậm hồi phục hơn bởi phản ứng miễn dịch đã bị suy yếu đồng thời làm giảm lưu lượng máu trong cơ thể.

6. Bệnh nha khoa và miệng họng

Thuốc lá có tác hại trực tiếp lên răng miệng và hầu họng bởi khi hút thuốc lá, điểm tiếp xúc đầu tiên mà các chất độc tác động vào cơ thể chính là các bộ phận này.

Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về nướu, rụng răng và ê buốt răng. Đa số những người hút thuốc lá trong một thời gian sẽ nhận thấy răng ố vàng, thường xuyên bị những nấm miệng, nướu. Các chất độc trong khói thuốc cũng làm niêm mạc miệng và nướu bị tổn thương. Khi bị tổn thương nướu, hút thuốc cũng vết thương khó lành hơn. 

tác hại của thuốc lá lên răng miệng

7. Tác hại của thuốc lá lên thính lực

Hút thuốc làm giảm lưu lượng máu đến tai trong gây suy giảm hoặc mất thính lực. Nó cũng có thể gây kích ứng và sưng tấy vòi nhĩ dẫn đến đau và nhiễm trùng.

Người hút thuốc có thể bị suy giảm thính giác sớm hơn người không hút thuốc.

8. Mất thị lực

Hút thuốc lá có hại như thế nào? Hút thuốc làm tổn thương mắt và có thể dẫn đến đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, viêm màng bồ đào và làm gia tăng nguy cơ bị mù cao gấp bốn lần khi về già.

Những người hút thuốc lá sau một thời gian sẽ có xuất hiện dấu hiệu tổn hại ở mắt như: vùng da quanh mí mắt sẫm màu, xuất huyết dưới kết mạc và hai mắt trở nên đờ đẫn. Nguyên nhân chủ yếu do chất oxit nitrit trong khói thuốc kết hợp với huyết sắc tố trong tế bào hồng cầu làm giảm khả năng vận chuyển oxy khiến cho võng mạc thiếu máu, thiếu dinh dưỡng và oxy.

9. Tác hại của hút thuốc lá lên cơ quan sinh sản

Hút thuốc có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng ở nam giới (số lượng tinh trùng thấp hơn và tỉ lệ tinh trùng biến dạng cao hơn). Việc giảm lưu thông máu cũng gây bất lực.

Nghiên cứu cho thấy nồng độ estrogen ở người hút thuốc thấp hơn người bình thường. Điều này biểu hiện thành các dấu hiệu như da khô, tóc mỏng và các vấn đề về trí nhớ. Đặc biệt nữ giới hút thuốc lá thường xuyên việc mang thai khó khăn hơn.

tác hại của thuốc lá lên tinh trùng

10. Thuốc lá gây loãng xương và mãn kinh sớm

Hút thuốc lá có hại như thế nào? Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ gây loãng xương, làm xương yếu đi và dễ gãy hơn. Ở phụ nữ, hút thuốc có thể dẫn đến mãn kinh sớm so với người không hút thuốc. Nguyên nhân của điều này là do sự suy giảm hormon estrogen.

11. Tác hại của thuốc lá lên phụ nữ có thai và thai nhi

Chất độc trong khói thuốc có thể gây nhiều biến chứng thai kỳ và tổn thương thai nhi. Rủi ro bao gồm:

  • Sảy thai
  • Thai chết lưu
  • Đẻ non
  • Thai ngoài tử cung
  • Tiền sản giật
  • Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS)
  • Trẻ sinh ra thiếu cân – có nguy cơ chậm phát triển và/hoặc mắc bệnh tật cao hơn
  • Dị tật bẩm sinh như sứt môi hoặc hở hàm ếch
  • Trẻ bị nhiễm trùng tai giữa hoặc khiếm thính vĩnh viễn
  • Trẻ có các tổn thương lâu dài trên phổi, não và máu

Thai nhi tiếp xúc với khói thuốc lá gián tiếp trong bụng mẹ hoặc trẻ sơ sinh hít khói thuốc thụ động có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim, bệnh thận và béo phì khi trưởng thành, ngay cả khi họ không hút thuốc trong suốt cuộc đời của mình.

Hút thuốc trong khi cho con bú cũng khiến mẹ giảm lượng sữa, nicotin và các hóa chất khác có thể qua sữa mẹ làm tổn thương trẻ.

tác hại của thuốc lá với mẹ bầu

12. Lão hóa sớm

Các chất độc trong khói thuốc lá đẩy nhanh quá trình lão hóa do làm hẹp mạch máu, hạn chế lượng oxy và các chất dinh dưỡng quan trọng đến được các tế bào da. Những người hút thuốc có lượng collagen và đàn hồi thấp hơn. Dẫn đến các nếp nhăn xuất hiện dày đặc, da chảy xệ và nhiều đồi mồi, tàn nhang.

Thuốc lá thế hệ mới có an toàn hơn không?

Hiện tại, có nhiều loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá không chứa nicotin,… Việc đổi từ hút thuốc lá thông thường sang các loại này có an toàn hơn không?
Câu trả lời là không. Mọi loại thuốc lá đều có tác hại ít nhiều đến sức khỏe.

Mặc dù đúng là thuốc lá điện tử không chứa nhiều chất độc như khói thuốc lá nhưng nó không được coi là an toàn. Một số tác hại của hút thuốc lá điện tử như:

  • Hầu hết thuốc lá điện tử vẫn chứa nicotin, gây nghiện như bình thường chứ không có tác dụng bỏ thuốc như nhiều người vẫn nói. Nicotin gây tổn hại bộ não đang phát triển của thanh thiếu niên, trẻ em và thai nhi. Một số loại thậm chí tạo nhiều nicotin hơn cả thuốc lá truyền thống. 
  • Ngoài nicotin, khói thuốc lá điện tử còn chứa các chất có hại như diacetyl (gây bệnh phổi nghiêm trọng), hóa chất gây ung thư (ví dụ như formaldehyde là chất gây ung thư Nhóm 1), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và kim loại nặng như niken, thiếc và chì. 
  • Thuốc lá điện tử có liên quan đến hàng nghìn trường hợp tổn thương phổi nghiêm trọng, một số dẫn đến tử vong. Những trường hợp này dường như có liên quan đến những người thay dung dịch trong vape hoặc sử dụng tinh dầu điện tử thay thế bán ở chợ đen. Điều này đặc biệt đúng đối với các sản phẩm vaping có chứa tetrahydrocannabinol.
  • Đã có bằng chứng chỉ ra khói vape gây hại đến timhệ hô hấp.
  • Một con số báo động thanh thiếu niên sử dụng và nghiện thuốc lá điện tử.

tác hại của thuốc lá điện tử

Cai thuốc có lợi ích gì không nếu đã hút thuốc trong một thời gian dài?

Các tác hại của thuốc lá là điều không thể phủ nhận và việc bỏ hút thuốc là nguyên tắc quan trọng nhất để cải thiện sức khỏe. Điều này đúng bất kể tuổi tác, số lượng hay thời gian đã hút.

Bỏ thuốc lá giúp:

  • Lợi ích có thể thấy tức thì sau khi cai thuốc gồm:
    • Sau 8 giờ thở dễ dàng hơn.
    • Trong vòng 2 ngày khứu giác và vị giác cảm nhận tốt hơn.
    • Trong vòng 2-3 tuần, tuần hoàn cơ thể cải thiện, phổi bắt đầu làm việc tốt hơn.
    • Trong vòng 3 tháng, cơ thể có thể phòng chống nhiễm trùng tốt hơn.
  • Cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống lâu dài. Nâng cao sức khỏe sinh sản, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, COPD và ung thư. 
    • Trong vòng 5 năm kể từ khi bỏ thuốc, nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng, họng, thực quản và bàng quang sẽ giảm đi một nửa. Mười năm sau khi bỏ hút thuốc, nguy cơ tử vong vì ung thư phổi giảm đi một nửa.
    • Trong vòng 1 năm, nguy cơ nhồi máu cơ tim được giảm đi một nửa. Trong vòng 5 năm, nguy cơ đột quỵ giảm xuống giống như một người chưa bao giờ hút thuốc.
  • Mang lại lợi ích cho những người đã được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành hoặc COPD.
  • Giảm gánh nặng tài chính cho người hút thuốc, hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội.

Các tác hại của thuốc lá có thể ảnh hưởng lên nhiều cơ quan và là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Bỏ hút thuốc là cách tốt nhất để bảo vệ các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và những người khác khỏi những nguy cơ sức khỏe liên quan đến việc hít phải khói thuốc thụ động.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Tobacco.
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/tobacco. Ngày truy cập: 09/01/2024

2. What’s in a cigarette?
https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/causes-of-cancer/smoking-and-cancer/whats-in-a-cigarette-0. Ngày truy cập: 09/01/2024

3. Health Effects of Cigarette Smoking.
https://www.cdc.gov/tobacco/basic_information/health_effects/index.htm. Ngày truy cập: 09/01/2024

4. Cigarette smoke and adverse health effects: An overview of research trends and future needs.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2733016/. Ngày truy cập: 09/01/2024

5. Harmful health effects of cigarette smoking.
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/14619966/. Ngày truy cập: 09/01/2024

6. How Smoking and Nicotine Damage Your Body.
https://www.heart.org/en/healthy-living/healthy-lifestyle/quit-smoking-tobacco/how-smoking-and-nicotine-damage-your-body. Ngày truy cập: 09/01/2024

Phiên bản hiện tại

23/01/2024

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

4 cách để từ bỏ thuốc lá hiệu quả

7 lợi ích khi bỏ thuốc lá và kinh nghiệm bỏ thuốc thành công


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 23/01/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo