backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Cắt toàn bộ tuyến giáp có gây ảnh hưởng gì nguy hiểm đến sức khỏe?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 06/01/2022

    Cắt toàn bộ tuyến giáp có gây ảnh hưởng gì nguy hiểm đến sức khỏe?

    Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp là một trong những phương pháp điều trị các căn bệnh liên quan đến tuyến giáp. Tuy nhiên, nhiều người có thắc mắc rằng, liệu cắt toàn bộ tuyến giáp có ảnh hưởng gì không và có nhất thiết phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp?

    Trong bài viết dưới đây, Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin nhằm giải đáp những băn khoăn về các ảnh hưởng của phương pháp cắt toàn bộ tuyến giáp. 

    Khi nào cần cắt bỏ tuyến giáp?

    Cắt bỏ tuyến giáp là một thủ thuật để loại bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp. Phương pháp cắt tuyến giáp truyền thống mô tả quá trình phẫu thuật xâm lấn tối thiểu được thực hiện thông qua một vết rạch ngang nhỏ ở phía trước cổ. Toàn bộ tuyến giáp có thể bị cắt bỏ hoặc chỉ một thùy, một phần thùy, eo giáp hoặc các phần khác của tuyến giáp.

    Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật được khuyến nghị đối với một số rối loạn của tuyến giáp, bao gồm:

    • Tuyến giáp lớn hoặc bướu cổ đa nhân gây ra các triệu chứng khó thở hoặc khó nuốt
    • Nhân độc tuyến giáp (một khối u lành tính)
    • Ung thư tuyến giáp
    • Bệnh Graves (cường giáp hoặc nhiễm độc giáp)
    • U tuyến giáp tái phát.

    Khuyến cáo về mức độ phẫu thuật tuyến giáp sẽ được xác định bởi lý do cần phẫu thuật. Bác sĩ có thể cân nhắc rất kỹ lưỡng việc cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp của bệnh nhân. Tuy nhiên, mức độ phẫu thuật không chỉ là một quyết định cá nhân phức tạp, mà còn là sự cân nhắc kỹ lưỡng về mặt y tế dựa trên tình trạng bệnh và sức khỏe của từng người. 

    Điều quan trọng là ca phẫu thuật phải được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm, thường xuyên phẫu thuật tuyến giáp. Nếu được chỉ định cắt bỏ tuyến giáp, bạn đừng ngần ngại hỏi bác sĩ phẫu thuật bất kỳ câu hỏi, như các biến chứng hậu phẫu có thể xảy ra, từ đó cân nhắc thêm các phương pháp có thể thay cho hình thức phẫu thuật. 

    Tìm hiểu thêm Cắt tuyến giáp điều trị bướu cổ

    Trường hợp nào phải cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp?

    phẫu thuật cắt tuyến giáp

    Để trả lời cho câu hỏi “cắt toàn bộ tuyến giáp có ảnh hưởng gì không?”, cần phải biết được trường hợp nào cần cắt toàn bộ tuyến giáp. Cắt toàn bộ tuyến giáp có thể được thực hiện đối với nhiều loại bệnh bao gồm bệnh Graves, bướu cổ đa nhân, bướu giáp chìm sau xương ức và ung thư tuyến giáp… Gần như 100% bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp đều phải tiến hành phẫu thuật, trong đó, đa số đều là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Sau đó, người bệnh sẽ được điều trị bằng i ốt phóng xạ để loại bỏ hoàn toàn nhân ung thư.

    Ngoài ra, khi tình trạng sưng, viêm, nhiễm trùng ảnh hưởng đến toàn bộ tuyến giáp, bệnh nhân cũng cần phải áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Nếu bác sĩ chẩn đoán là bướu cổ lớn hai bên, người bệnh cũng sẽ được đề nghị chữa trị theo phương pháp này.

    Trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ phẫu thuật có thể chọn thực hiện phẫu thuật cắt gần như toàn bộ tuyến giáp, trong đó một phần mô tuyến giáp nhỏ được giữ lại. Cụ thể, bác sĩ sẽ giữ lại một phần mô tuyến giáp nhỏ ở khu vực tuyến cận giáp và dây thần kinh thanh quản quặt ngược để tránh làm hỏng các cấu trúc này. 

    Cắt toàn bộ tuyến giáp có ảnh hưởng gì không? 

    Chắc hẳn rằng, khi được chỉ định phẫu thuật tuyến giáp toàn phần, các bệnh nhân đều đặt ra câu hỏi: “Liệu cắt toàn bộ tuyến giáp có ảnh hưởng gì không?”. Bên cạnh đó, đa phần bệnh nhân  sẽ băn khoăn về những biến chứng có thể xảy ra trong giai đoạn hậu phẫu. 

    Mặc dù phẫu thuật tuyến giáp là một phương pháp an toàn và ít khi xảy ra các rủi ro hay biến chứng nguy hiểm, nhưng khi được hỏi “Cắt toàn bộ tuyến giáp có ảnh hưởng gì không?”, các chuyên gia sức khỏe khẳng định là có! Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng như thế nào còn phù thuộc vào rất nhiều yếu tố như cơ địa, tay nghề của bác sĩ phẫu thuật và quá trình chăm sóc sức khỏe hậu phẫu.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm Hiểu rõ 10 biến chứng sau mổ tuyến giáp để biết cách xử lý

    Cắt toàn bộ tuyến giáp gây ra ảnh hưởng gì cho người bệnh?

    cắt toàn bộ tuyến giáp gây ra ảnh hưởng gì

    Như vậy, câu hỏi “cắt toàn bộ tuyến giáp có ảnh hưởng gì không” đã được làm sáng tỏ. Trước khi phẫu thuật, người bệnh cần biết rõ những vấn đề có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, từ đó cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp hoặc có sự phòng ngừa kỹ lưỡng. 

    Trong thời gian ngắn sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, không có trường hợp tử vong nào được báo cáo. Ngoài ra, tương tự như mọi cuộc phẫu thuật lớn, bệnh nhân được phẫu thuật toàn bộ tuyến giáp có nguy cơ phản ứng bất lợi với thuốc gây mê toàn thân. Bên cạnh một số phản ứng phụ có thể có như buồn nôn, ói mửa, đau cứng cổ, đau họng, khó nuốt… những ảnh hưởng khác bao gồm: 

    • Suy giáp
    • Chảy máu trong nhiều giờ ngay sau khi phẫu thuật, có thể dẫn đến suy hô hấp cấp tính
    • Chấn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược, có thể gây khàn tiếng tạm thời hoặc vĩnh viễn, và thậm chí có thể suy hô hấp cấp tính trong trường hợp rất hiếm khi cả hai dây thần kinh đều bị thương
    • Tổn thương các tuyến cận giáp kiểm soát nồng độ canxi trong máu, dẫn đến suy tuyến cận giáp tạm thời, hoặc hiếm gặp hơn là suy tuyến cận giáp và hạ canxi trong máu 
    • Seroma (tình trạng tích tụ chất lỏng bên dưới da)
    • Nhiễm trùng

    1. Suy giáp

    Câu trả lời cho thắc mắc “cắt toàn bộ tuyến giáp có ảnh hưởng gì không?” trong trường hợp này là có: gây ra bệnh suy giáp! Mặc dù cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp sẽ có thể giúp bệnh nhân chữa dứt điểm căn bệnh tuyến giáp trước đó, nhưng phương pháp này cũng gây ra một căn bệnh khác, gọi là suy giáp.

    Cơ thể của người bị cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp lúc nào cũng sẽ ở trong tình trạng suy giáp. Vì vậy, người bệnh cần phải dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp (levothyroxine), thông thường là mỗi ngày một viên, trong suốt quãng đời còn lại. Điều này có thể gây ra những bất tiện nhất định, như phải dùng thuốc liên tục và kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Tuy nhiên, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát tình trạng suy giáp bằng cách tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ.

    2. Chảy nhiều máu ở cổ

    Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào đều có thể gây ra tình trạng chảy máu. Lượng máu mất trung bình do phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp thường ít (nhỏ hơn một muỗng canh) và khả năng cần truyền máu là cực kỳ hiếm. Chỉ có 1/300 nguy cơ chảy máu khi phẫu thuật. Tuy nhiên, chảy máu vào các mô xung quanh cổ (tụ máu ở cổ) dễ gây nguy hiểm đến tính mạng vì cục máu đông có thể đè lên khí quản gây khó thở. Như vậy, tụ máu quanh cổ là câu trả lời cho vấn đề “cắt toàn bộ tuyến giáp có ảnh hưởng gì không”.

    Hầu hết các tình trạng tụ máu diễn ra trong vòng 24 giờ sau khi phẫu thuật. Một số nghiên cứu khác cho rằng, 10 – 28% các trường hợp chảy máu ở cổ có thể kéo dài hơn. Vì vậy, khi về nhà, bệnh nhân nên theo dõi kỹ các dấu hiệu như khó thở, giọng nói the thé, choáng váng, thở khò khè, đau cổ ngày càng nhiều, cổ tiếp tục sưng to (thường là bên dưới vết mổ) và cảm giác có điều gì đó tồi tệ đang xảy ra. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào như thế, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được điều trị. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật ngay lập tức để loại bỏ khối máu tụ và giải quyết bất kỳ khu vực chảy máu nào.

    3. Khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói (chấn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược)

    cắt toàn bộ tuyến giáp gây khàn giọng

    Có hai bộ dây thần kinh gần tuyến giáp giúp kiểm soát thanh quản, bao gồm dây thần kinh thanh quản quặt ngược và nhánh ngoài của dây thần kinh thanh quản trên. Tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược có thể khiến bệnh nhân mất giọng hoặc khàn tiếng. Khàn tiếng tạm thời, giọng nói mệt mỏi và suy nhược có thể xảy ra khi một hoặc nhiều dây thần kinh bị kích thích trong quá trình phẫu thuật hoặc do tình trạng viêm nhiễm xảy ra sau phẫu thuật. Tình trạng này thường thuyên giảm trong vòng vài tuần, nhưng có thể mất đến 6 tháng. Từ đó thấy được, khàn giọng chính là đáp án cho câu hỏi “cắt toàn bộ tuyến giáp có ảnh hưởng gì không?”.

    Ngay cả trong trường hợp hiếm hoi bị khàn giọng vĩnh viễn, vẫn có những điều có thể được thực hiện để cải thiện chất lượng giọng nói. Bác sĩ tai mũi họng sẽ tiến hành nội soi thanh quản trực tiếp để xem có cần thiết phải mở khí quản hay không, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị giúp người bệnh cải thiện chất lượng giọng nói.

    Hiếm khi tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược gây khó thở. Nếu điều này xảy ra, cần đến ngay bệnh viện để được cấp cứu và điều trị.

    4. Hạ canxi máu (suy tuyến cận giáp)

    Khi được hỏi “cắt toàn bộ tuyến giáp có ảnh hưởng gì không?”, hạ canxi máu chính là câu trả lời rõ ràng nhất. Các tuyến cận giáp là 4 tuyến nhỏ bằng hạt gạo nằm phía sau tuyến giáp, giúp kiểm soát nồng độ canxi trong máu. Mỗi thùy tuyến giáp có hai tuyến cận giáp. Nếu cả 4 tuyến bị thương hoặc bị cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật, nồng độ canxi trong máu có thể trở nên thấp hơn bình thường, gọi là hạ canxi máu. Điều này dẫn đến suy tuyến cận giáp tạm thời hoặc vĩnh viễn. Hạ canxi máu có thể gây ra các triệu chứng như tê và ngứa ran (đặc biệt là xung quanh môi, ở bàn tay và bàn chân) cũng như chuột rút.

    Mặc dù cơ thể con người có thể không cần cả bốn tuyến cận giáp, nhưng đôi khi phải mất vài tuần, hoặc thậm chí vài tháng sau khi phẫu thuật, những tuyến cận giáp còn lại mới có thể kiểm soát hoàn toàn sự cân bằng canxi trong cơ thể. Sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp, khoảng 5 đến 10% trường hợp có thể bị suy tuyến cận giáp vĩnh viễn và cần uống canxi hoặc vitamin D suốt đời. 

    Trước khi xuất viện về nhà, bệnh nhân sẽ được kiểm tra lượng canxi trong máu. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh uống canxi hoặc vitamin D bổ sung trong một hoặc hai tuần sau khi phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.

    5. Seroma

    Seroma là thuật ngữ mô tả tình trạng tích tụ các chất lỏng (như huyết thanh hoặc chất dịch cơ thể vô trùng) bên dưới da ngay vết mổ có cảm giác như đầy hoặc sưng tấy. Vấn đề này thường biến mất trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, nếu tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn, như có những tụ chất lỏng lớn, bệnh nhân cần được bác sĩ phẫu thuật dẫn lưu.

    6. Nhiễm trùng

    Nhiễm trùng vết thương xảy ra ở khoảng 1 trong số 2000 ca phẫu thuật (ít hơn 1%) và vì nguy cơ này thấp nên việc sử dụng kháng sinh thường không cần thiết. Nếu nhiễm trùng nặng sau phẫu thuật, có thể cần dẫn lưu dịch nhiễm trùng và dùng thuốc kháng sinh.

    Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giải đáp cho bạn những thắc mắc xoay quanh câu hỏi “cắt toàn bộ tuyến giáp có ảnh hưởng gì không?”.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 06/01/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo