backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả

Thông tin kiểm chứng bởi: Lan Quan


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: Tuần trước

Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả

Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai nhau cách sử dụng que thử viêm nhiễm phụ khoa tại nhà để kiểm tra xem bản thân có bị viêm âm đạo hay không.

Que thử viêm nhiễm phụ khoa có thể cho biết môi trường âm đạo có tính kiềm (bazơ) hoặc axit. Thế nhưng, liệu việc dùng que thử này có thật sự giúp nhận biết tình trạng viêm âm đạo hay không? Cách sử dụng que test viêm phụ khoa an toàn, chuẩn y khoa là gì? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi để hiểu rõ về que thử viêm âm đạo.

Que thử viêm nhiễm phụ khoa là gì?

1. Que thử viêm âm đạo là gì?

Que thử viêm nhiễm phụ khoa (còn gọi là que thử viêm âm đạo, que thử pH âm đạo, que thử kiềm…) có khả năng kiểm tra độ pH trong âm đạo thông qua một mẩu giấy thử và biểu đồ màu sắc đi kèm. Độ pH của âm đạo sẽ được đo theo thang điểm từ 1 đến 14 hoặc 1 đến 7 tùy loại que thử, với chỉ số càng thấp càng cho thấy độ axit cao hơn.

Nhờ đó, phụ nữ có thể tự đánh giá tính kiềm (bazơ) hoặc axit của môi trường âm đạo, đồng thời nhận biết tình trạng viêm nhiễm. Thông qua kết quả hiển thị trên que thử viêm nhiễm phụ khoa, phái đẹp có thể đi khám tại cơ sở y tế uy tín để kịp thời điều trị hiệu quả.

2. Tại sao độ pH âm đạo lại quan trọng?

Môi trường âm đạo được duy trì ổn định bởi sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại. Trong môi trường âm đạo khỏe mạnh, vi khuẩn phổ biến nhất thuộc họ Lactobacillus có nhiệm vụ sản xuất axit lactic – một chất bảo vệ âm đạo và phòng ngừa mầm bệnh bằng cách:

  • Ngăn chặn mầm bệnh phát triển
  • Hạn chế tình trạng nhiễm trùng
  • Duy trì sự cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn.

Theo một nghiên cứu năm 2021, môi trường âm đạo có thể dao động ở nhiều mức độ pH khác nhau. Bình thường, độ pH âm đạo có tính axit và dao động trong khoảng 3,8-4,5.

Nếu nồng độ pH cao hơn hoặc thấp hơn, môi trường axit giúp bảo vệ âm đạo khỏi viêm nhiễm sẽ bị phá hủy, gây ra tình trạng mất cân bằng, làm tăng sự tích tụ của vi khuẩn và dẫn đến viêm âm đạo cũng như các vấn đề về âm đạo khác.

Có thể bạn chưa biết

  • Nhiễm trùng nấm men, nhiễm trichomonas và viêm âm đạo do vi khuẩn là những bệnh nhiễm trùng âm đạo phổ biến nhất.
  • Độ pH âm đạo bình thường là khoảng 3,8 đến 4,5, nghĩa là môi trường âm đạo có tính axit. Điều này giúp phòng ngừa sự phát triển của vi khuẩn và hạn chế nhiễm trùng.

Cách sử dụng que thử viêm phụ khoa và hướng dẫn đọc kết quả

Cách sử dụng que thử viêm nhiễm phụ khoa
Cách sử dụng que thử viêm nhiễm phụ khoa

1. Cách sử dụng que thử viêm nhiễm phụ khoa

Một bộ que thử viêm nhiễm phụ khoa tại nhà thường bao gồm một mảnh giấy kiểm tra độ pH âm đạo và biểu đồ để các chị em tự so sánh đối chiếu kết quả. Cách sử dụng que thử kiềm rất đơn giản. Bạn chỉ cần thực hiện theo các bước sau:

  • Bước 1: Rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch.
  • Bước 2: Dùng ngón trỏ và ngón giữa để mở rộng âm hộ.
  • Bước 3: Sử dụng một tăm bông sạch để lấy một ít dịch từ âm đạo. Đảm bảo đầu tăm bông không tiếp xúc với bất cứ vật gì trước khi đưa vào âm đạo.
  • Bước 4: Cẩn thận lấy mảnh giấy đo nồng độ pH ra khỏi bao bì sao cho giấy pH không chạm vào bất kỳ vật gì.
  • Bước 5: Bôi dịch âm đạo từ đầu tăm bông lên phần màu vàng của mẫu giấy thử. Đảm bảo dịch âm đạo thấm đều phần màu vàng.
  • Bước 6: Đợi khoảng 1 phút để que thử viêm nhiễm phụ khoa hiển thị kết quả phản ứng.
  • Bước 7: So sánh màu của mẫu giấy thử với biểu đồ màu đi kèm để có kết quả.

2. Hướng dẫn đọc kết quả que thử viêm âm đạo

Dựa trên màu sắc của mảnh giấy kiểm tra nồng độ pH, phụ nữ có thể đọc kết quả dựa trên sự so sánh với biểu đồ màu kèm theo.

  • Nếu que thử không đổi màu hoặc màu nằm trong ngưỡng pH 3,8-4,5: Âm đạo có thể không có dấu hiệu viêm nhiễm.
  • Nếu que thử chuyển màu xanh hoặc màu sắc cho thấy giá trị pH cao hơn 4,5: Âm đạo bị nhiễm khuẩn hoặc viêm âm đạo do trichomonas.
  • Nếu que thử chuyển màu vàng đậm: Âm đạo có thể bị nhiễm nấm.
  • Nếu que thử màu xanh đậm hoặc đỏ đậm: Âm đạo có thể bị viêm nhiễm nặng, cần đi khám ngay.

Độ pH âm đạo bất thường có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng âm đạo. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh nhiễm trùng âm đạo đều gây ra sự thay đổi độ pH âm đạo. Kết quả que thử viêm nhiễm phụ khoa bình thường không có nghĩa là âm đạo không bị nhiễm trùng.

Ví dụ: Độ pH âm đạo khi bị nhiễm nấm candida từ 4,0-4,7, thường là <4,5. Độ pH này tương đồng với độ pH của âm đạo khỏe mạnh. Do đó, bệnh nấm candida âm đạo thường không dẫn đến bất kỳ sự thay đổi nào có thể đo lường được bằng độ pH.

Cách đọc kết quả que thử viêm nhiễm phụ khoa
Cách đọc kết quả que thử viêm nhiễm phụ khoa

Lưu ý khi sử dụng que thử viêm âm đạo

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, có một số lưu ý mà phụ nữ cần ghi nhớ khi sử dụng que thử viêm nhiễm phụ khoa, bao gồm:

  • Mỗi que thử viêm âm đạo chỉ có thể sử dụng 1 lần duy nhất. Sau khi dùng xong, bạn nên vứt bỏ.
  • Không nên sử dụng que thử viêm nhiễm phụ khoa trong khi đang có kinh.
  • Không phụ thuộc vào que thử pH âm đạo vì biện pháp này chỉ mang tính chất dự đoán dựa trên việc so sánh – đối chiếu với bảng màu chuẩn. Kết quả không hoàn toàn chính xác 100%.
  • Tuân thủ đúng các bước sử dụng que thử viêm nhiễm phụ khoa.

Que thử viêm nhiễm phụ khoa có chính xác không?

Hiện nay, trong ngành sản phụ khoa, chưa có bất kỳ que thử nào có khả năng chẩn đoán bệnh lý viêm âm đạo như nhiều phụ nữ suy nghĩ.

Như đã đề cập, kết quả cho thấy độ pH âm đạo bình thường không đồng nghĩa với việc âm đạo hoàn toàn khỏe mạnh. Một số bệnh nhiễm trùng không làm thay đổi nồng độ pH âm đạo.

Việc sử dụng que thử viêm âm đạo có thể giúp các chị em đưa ra quyết định có nên đi khám để được điều trị y tế hay không một cách dễ dàng. Tuy nhiên, que thử viêm nhiễm phụ khoa không thể chẩn đoán chính xác bạn có bị nhiễm trùng không và liệu đó là loại nhiễm trùng nào.

Không những thế, que test viêm phụ khoa cũng không giúp chẩn đoán các bệnh lây qua đường tình dục như HIV, chlamydia, mụn rộp sinh dục, lậu, giang mai hoặc liên cầu khuẩn nhóm B. Ngoài ra, việc dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa cũng không thể biết được liệu có biến chứng nguy hiểm nào đi kèm với tình trạng nhiễm trùng hay không.

Nhìn chung, đối với các bệnh lý ở vùng kín, phụ nữ cần đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, xác định chính xác nguyên nhân và hỗ trợ điều trị đúng cách. Khi khám, bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch âm đạo và tiến hành các xét nghiệm cụ thể để tìm ra tác nhân gây nhiễm trùng (nếu có). Dựa vào đó, bác sĩ sẽ lập phác đồ điều trị phù hợp.

Một số câu hỏi thường gặp

que thử viêm nhiễm phụ khoa

1. Khi nào nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa?

Những phụ nữ có các triệu chứng bất thường ở âm đạo có thể cân nhắc sử dụng que thử viêm nhiễm phụ khoa để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng. Các dấu hiệu viêm âm đạo thường gặp là:

  • Dịch âm đạo có màu hoặc tính chất bất thường
  • Âm đạo có mùi khó chịu
  • Ngứa quanh âm hộ và âm đạo
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục
  • Đau vùng khung chậu
  • Chảy máu âm đạo bất thường.
  • 2. Que thử viêm nhiễm phụ khoa mua ở đâu?

    Nhiều phụ nữ thắc mắc que thử viêm nhiễm phụ khoa có bán ở hiệu thuốc không? Câu trả lời là “Có”.

    Ngoài ra, que thử viêm âm đạo được bán nhiều trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn nên mua que thử pH âm đạo tại các hiệu thuốc uy tín.

    3. Làm gì nếu phát hiện bệnh sau khi dùng que test âm đạo?

    Dựa vào kết quả hiển thị của que thử viêm nhiễm phụ khoa, các chị em có thể chủ động đi khám phụ khoa tại các cơ sở y tế uy tín để biết chính xác nguyên nhân gây viêm nhiễm âm đạo. Tại đây, bác sĩ sẽ đề xuất biện pháp điều trị đúng cách, giúp khỏi bệnh nhanh chóng.

    Tóm lại

    Trong một số trường hợp, việc sử dụng que thử viêm nhiễm phụ khoa tại nhà là cách thuận tiện để phần nào biết được tình trạng sức khỏe âm đạo. Phương pháp này cũng có thể giúp chị em phụ nữ dễ dàng đưa ra quyết định đi khám phụ khoa hơn.

    Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về que thử viêm phụ khoa. Điều quan trọng là phụ nữ cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín ngay khi có những dấu hiệu viêm nhiễm âm đạo để được thăm khám và hỗ trợ điều trị hiệu quả.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Lan Quan


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: Tuần trước

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo