backup og meta

Trẻ hay cắn móng tay: Bình thường hay bất thường?

Trẻ hay cắn móng tay: Bình thường hay bất thường?

Tật cắn móng tay ở trẻ em là một hiện tượng rất phổ biến nên đa phần phụ huynh thường không chú ý, đôi khi tặc lưỡi cho qua. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tình trạng trẻ cắn móng tay lại liên quan đến một số vấn đề tâm lý. Việc hiểu rõ tình trạng này và các vấn đề liên quan sẽ giúp bố mẹ có cách xử lý đúng và kịp thời.

Có một số bố mẹ thường thắc mắc trẻ cắn móng tay là do đâu, trẻ hay cắn móng tay là thiếu chất gì, trẻ cắn móng tay bị bệnh gì, trẻ cắn móng tay phải làm sao? Hiểu được các băn khoăn này, Hello Bacsi sẽ giải đáp các thắc mắc xoay quanh tật cắn móng tay ở trẻ ngay trong bài viết này các bố mẹ nhé.

Vì sao trẻ thích cắn móng tay?

Theo các chuyên gia nhi khoa, việc trẻ cắn móng tay có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:

1. Tò mò và tìm kiếm cảm giác thoải mái 

Đặt ngón tay vào miệng là một phản xạ tự nhiên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để giúp bé cảm thấy dễ chịu. Hành động này đôi khi có thể phát triển thành thói quen khi trẻ lớn hơn. Vì vậy, câu trả lời cho thắc mắc tại sao trẻ hay cắn móng tay là để tìm kiếm cảm giác thoải mái, tương tự như lúc bé tự dỗ dành bản thân.

2. Cảm thấy nhàm chán 

Trẻ thường cắn móng tay khi không có việc gì làm hoặc khi cảm thấy buồn chán. Bạn có thể nhận thấy trẻ thường cắn móng tay trong lúc tay rảnh rỗi, buồn chán… chẳng hạn như khi xem tivi hoặc khi đang ngồi học.

3. Bắt chước thói quen của người khác 

tật cắn móng tay ở trẻ em

Tại sao trẻ hay cắn móng tay? Trẻ thường có xu hướng học hỏi và bắt chước hành vi từ những người xung quanh. Nếu anh, chị em hoặc các thành viên khác trong gia đình có thói quen cắn móng tay, trẻ thường có xu hướng bắt chước theo. Điều này có thể khiến bé cảm thấy giống như mình trưởng thành hoặc “bắt nhịp” được với những người xung quanh.

4. Di truyền 

Có một số ý kiến cho rằng tật cắn móng tay ở trẻ em có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu cha mẹ từng có thói quen này khi còn nhỏ, khả năng cao là trẻ cũng sẽ “học theo” và phát triển cùng một hành vi.

5. Giải tỏa căng thẳng, lo lắng 

Trẻ em cắn móng tay là do đâu? Đôi khi, tật cắn móng tay thường là cách trẻ đối phó với cảm giác căng thẳng hoặc lo lắng. Khi đối diện với những tình huống khó chịu trong môi trường xung quanh, trẻ có xu hướng cắn móng tay để giảm bớt áp lực. Một số nguyên nhân phổ biến có thể gây căng thẳng cho trẻ bao gồm:

6. Các nguyên nhân khác 

Trẻ cắn móng tay là bệnh gì? Đôi khi tật cắn móng tay ở trẻ em có thể liên quan đến các chứng bệnh tâm lý như:

Trẻ hay cắn móng tay là thiếu chất gì, có sao không?

1. Trẻ hay cắn móng tay là thiếu chất gì? 

Mặc dù tật cắn móng tay ở trẻ em không trực tiếp liên quan đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng nhưng một số tình trạng thiếu hụt dưỡng chất nhất định có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của móng tay, như:

  • Thiếu biotin: Mức biotin (một loại vitamin B) thấp có thể khiến móng tay trở nên giòn, dễ gãy, làm tăng khả năng trẻ bóc, cắn móng tay.
  • Thiếu kẽm hoặc sắt: Thiếu các khoáng chất này cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng móng, dẫn đến những thay đổi có thể kích thích trẻ cắn móng tay.

Tóm lại

Tật cắn móng tay ở trẻ em chủ yếu liên quan đến các yếu tố tâm lý như lo lắng và thói quen. Trong khi đó, việc thiếu hụt dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến tình trạng của móng và không được xem là nguyên nhân chính gây ra hành vi cắn móng tay.

2. Trẻ hay cắn móng tay có sao không?

Trẻ hay cắn móng tay có sao không?

Trẻ hay cắn móng tay có sao không? Thực tế, tình trạng này không thực sự nguy hiểm, nhưng trẻ sẽ rất khó bỏ thói quen không lành mạnh này. Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên cắn móng tay trong thời gian dài sẽ gây ra một số vấn đề sức khỏe như:

  • Các vấn đề về răng, chẳng hạn như răng bị xô lệch hoặc sứt mẻ.
  • Nhiễm nấm ở vùng chân móng.
  • Nguy cơ mắc bệnh do vi khuẩn từ ngón tay xâm nhập vào miệng: Móng tay thường là nơi vi khuẩn tích tụ và việc trẻ cắn móng tay có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng.
  • Các vấn đề về miệng, bao gồm đau hàm và tổn thương mô mềm.
  • Nhiễm trùng da: Nếu trẻ vô tình làm trầy xước lớp da dưới móng, vi khuẩn có thể dễ dàng tấn công qua vết thương hở. Điều này có thể khiến vùng da quanh móng bị kích ứng, sưng đỏ hoặc nhiễm trùng.
  • Tổn thương mô ở ngón tay, móng và lớp biểu bì: khi trẻ gặm móng tay hoặc cắn vào lớp da dưới móng. Hành động này có thể làm thay đổi cấu trúc chân móng, dẫn đến sự bất thường trong cách móng phát triển.
  • Tăng nguy cơ cảm lạnhcúm ở trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần áp dụng các biện pháp phù hợp để giúp trẻ từ bỏ thói quen không lành mạnh này.

Trẻ cắn móng tay: Khi nào nên đưa bé đi khám? 

trẻ cắn móng tay khi nào cần đi khám

Bạn không cần cho trẻ đến gặp bác sĩ khi có các vấn đề nhỏ do thói quen cắn móng tay gây ra. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu con gặp phải các tình trạng tái diễn như:

  • Móng mọc ngược
  • Đổi màu móng
  • Móng tách rời khỏi phần da xung quanh
  • Nhiễm trùng da hoặc móng
  • Sưng, đau hoặc chảy máu quanh vùng móng. 

Thói quen cắn móng tay quá mức ở trẻ có thể cần đến một phác đồ điều trị, bao gồm cả các yếu tố thể chất và tâm lý liên quan. Tuy nhiên, việc xác định xem hành vi cắn móng tay của trẻ em là bình thường hay bệnh lý không phải lúc nào cũng dễ dàng. Hành vi của bé có thể được coi là bệnh lý nếu:

  • Trẻ không thể ngừng cắn móng tay dù bạn đã cố gắng ngăn cản nhiều lần.
  • Việc không cắn móng tay gây ra cảm giác căng thẳng nghiêm trọng, chẳng hạn như khó chịu, xấu hổ, lo lắng hoặc tội lỗi.
  • Thói quen cắn móng tay ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

Mách cha mẹ 10 mẹo ngăn bé cắn móng tay 

Trẻ hay cắn móng tay phải làm sao? Nếu trẻ có thói quen cắn móng tay và rất khó để từ bỏ, bố mẹ có thể áp dụng các mẹo ngăn trẻ cắn móng tay sau: 

1. Trò chuyện với con và giải quyết nỗi lo lắng của con 

mẹo ngăn tật cắn móng tay ở trẻ

Nếu nhận thấy trẻ cắn móng tay, điều đầu tiên bố mẹ thường làm là ngăn chặn hành vi đó mà không tìm hiểu nguyên nhân. Nếu bạn biết điều gì có thể khiến trẻ lo lắng, như việc chuyển nhà, bố mẹ ly hôn, trường học mới hoặc buổi thuyết trình sắp tới, hãy cố gắng giúp trẻ nói về những lo âu của mình. Dĩ nhiên, việc này không dễ dàng đối với hầu hết trẻ em, nhưng bạn có thể thử gợi ý một lý do hài hước để khuyến khích trẻ chia sẻ những điều thực sự khiến con phiền lòng.

2. Không cằn nhằn hay trách phạt 

Một cách khác để bỏ tật cắn móng tay ở trẻ em là không cằn nhằn hay trách phạt vì sẽ khiến trẻ thêm căng thẳng và áp lực hơn. Bố mẹ cần lưu ý rằng thói quen cắn móng tay diễn ra một cách vô thức. Vì vậy, việc la mắng hay trừng phạt sẽ không hiệu quả. Ngay cả người lớn cũng gặp khó khăn khi cố gắng từ bỏ những thói quen tương tự như thế này.

Nếu bạn thật sự khó chịu khi thấy con cắn móng tay, hãy đặt ra giới hạn, ví dụ “Con không được cắn móng tay khi ngồi ăn cơm”. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể giúp trẻ tập trung vào một việc khác để không nghĩ đến việc cắn móng. 

3. Nói cho trẻ hiểu về nguy cơ nhiễm trùng từ thói quen này 

Đối với các trẻ lớn trên 3 tuổi, bố mẹ có thể giải thích cho trẻ hiểu về nguy cơ nhiễm trùng từ thói quen cắn móng tay một cách dễ hiểu, có thể thông qua câu chuyện hoặc hình ảnh. 

Một bức tranh sinh động về đội quân vi khuẩn đang tấn công cơ thể sẽ giúp trẻ hình dung rõ hơn về những nguy hiểm khi cắn móng tay.

4. Giúp trẻ nhận thức rõ ràng về thói quen này 

Bố mẹ cần khuyến khích con nhận biết rõ hơn về thời điểm và nơi mà con hay cắn móng tay. Hãy thống nhất với con rằng bố mẹ sẽ một nhắc nhở nhẹ nhàng và bí mật khi con quên – như một cái chạm nhẹ vào tay hoặc một hành động cụ thể nào đó.

5. Đưa ra giải pháp thay thế 

Đôi khi, việc khiến trẻ bận rộn cũng có thể giúp con kiểm soát tật cắn móng tay hiệu quả. Bạn có thể cho bé tham gia các hoạt động như: tô màu, chơi trò chơi, tưới cây, cùng vào bếp với bố mẹ… Điều này có thể hiệu quả với những trẻ thường xuyên cắn móng tay do căng thẳng, lo lắng hay chán nản.

6. Cắt ngắn móng tay cho trẻ thường xuyên

Trẻ hay cắn móng tay phải làm sao? Bố mẹ cần thường xuyên cắt móng tay cho con. Nếu móng tay không dài, trẻ sẽ không thể cắn. Đồng thời, bạn cũng hướng sự chú ý của trẻ đến những việc khác để con không nghĩ đến việc cắn móng.

7. Áp dụng các biện pháp ngăn ngừa 

sơn móng tay có vị đắng

Sơn móng tay vị đắng hoặc bôi thuốc đắng

Hiện nay, không có một loại thuốc bôi nào trị cắn móng tay ở trẻ, nhưng bạn có thể áp dụng một số cách tương tự sau:

  • Sơn móng tay vị đắng: Đây là một trong những cách làm quen thuộc và hiệu quả. Vị đắng của sơn sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu khi đưa tay lên miệng, từ đó giảm dần thói quen cắn móng tay.
  • Bôi cao atiso: Cao atiso có vị đắng tự nhiên, an toàn cho trẻ nhỏ. Việc bôi cao atiso lên móng tay cũng giúp tạo ra cảm giác khó chịu khi trẻ cắn.
  • Bôi đen đầu ngón tay: Cách này nghe có vẻ đơn giản nhưng lại khá hiệu quả. Màu đen sẽ khiến trẻ không muốn đưa tay lên miệng vì cảm thấy không sạch sẽ, thiếu thẩm mỹ.

Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý chỉ sử dụng các sản phẩm chuyên dụng cho trẻ em để đảm bảo an toàn.

Cho trẻ đeo găng tay, băng dính hoặc miếng dán

  • Găng tay: Chọn loại găng tay mềm mại, thoải mái để trẻ dễ chịu khi đeo. Có thể chọn các loại găng tay có hình ngộ nghĩnh để trẻ dễ dàng chấp nhận.
  • Băng dính hoặc miếng dán: Dán băng dính hoặc miếng dán màu sắc sặc sỡ lên móng tay cũng là một cách hay để nhắc nhở trẻ không nên cắn.

8. Giải pháp thay thế 

Với trẻ cắn móng tay do căng thẳng, lo lắng, bố mẹ có thể cho trẻ chơi đồ chơi giải tỏa căng thẳng như:

  • Bóng cao su, banh tennis: Khi có cảm giác muốn cắn móng tay, trẻ có thể bóp hoặc ném những đồ vật này để giải tỏa căng thẳng.
  • Thú nhồi bông mềm mại: Việc ôm thú nhồi bông giúp trẻ cảm thấy an toàn và thư giãn hơn.
  • Đồ chơi xoay tròn: Các đồ chơi nhỏ, gọn nhẹ như fidget spinner giúp trẻ tập trung và giảm căng thẳng.

9. Dạy trẻ kỹ thuật tự xoa dịu 

Một số kỹ thuật có thể giúp trẻ giảm stress như:

  • Hít thở sâu: Hướng dẫn trẻ hít thở sâu để giảm căng thẳng và lo lắng.
  • Tập trung vào các giác quan: Khuyến khích trẻ tập trung vào những gì mình đang nhìn, nghe, cảm nhận để quên đi cảm giác muốn cắn móng tay.
  • Thư giãn cơ: Dạy trẻ một vài động tác thư giãn cơ đơn giản như nắm chặt và thả lỏng tay, xoay cổ tay.

10. Kiên nhẫn cùng con 

Trẻ hay cắn móng tay phải làm sao? Tật cắn móng tay là một thói quen ở trẻ, do đó cần một khoảng thời gian để trẻ từ bỏ thói quen này. Điều bố mẹ cần làm là không nên gây thêm áp lực cho con, mà hãy kiên nhẫn, cụ thể:

  • Tạo động lực: Khen ngợi và thưởng khi trẻ có tiến bộ.
  • Trò chuyện thường xuyên: Tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ cắn móng tay và cùng con tìm cách giải pháp để từ bỏ thói quen này. 
  • Không la mắng: Việc la mắng sẽ khiến trẻ cảm thấy căng thẳng hơn và càng có xu hướng cắn móng tay.

Các thắc mắc thường gặp xoay quanh việc trẻ cắn móng tay 

tật cắn móng tay ở trẻ em

1. Trẻ 3 tuổi hay cắn móng tay phải làm sao? 

Trẻ từ 3-5 tuổi hay cắn móng tay là một thói quen khá phổ biến. Điều này thường xảy ra do nhiều nguyên nhân như:

  • Căng thẳng, lo lắng: Trẻ có thể cắn móng tay khi cảm thấy lo lắng, buồn chán hoặc căng thẳng.
  • Tò mò khám phá: Trẻ nhỏ rất tò mò về cơ thể của mình và việc đưa tay lên miệng là một cách để khám phá.
  • Thói quen bắt chước: Trẻ có thể bắt chước hành vi của người lớn hoặc bạn bè xung quanh. 

Vậy trẻ 3 tuổi hay cắn móng tay phải làm sao? Sau đây là một số điều bố mẹ cần lưu ý:

  • Tìm hiểu nguyên nhân: Cố gắng tìm hiểu xem điều gì khiến trẻ căng thẳng hoặc lo lắng.
  • Tạo môi trường thoải mái: Đảm bảo bé có một không gian sống thoải mái, an toàn và được yêu thương.
  • Chuyển hướng sự chú ý: Đưa cho bé những đồ chơi thú vị để bé chơi thay vì cắn móng tay.
  • Khen thưởng: Khen ngợi bé khi bé không cắn móng tay.
  • Kiên nhẫn: Việc thay đổi tật cắn móng tay ở trẻ cần thời gian, bố mẹ hãy kiên nhẫn và đừng la mắng bé.

2. Thói quen cắn móng tay ở trẻ em có thể gây ra bệnh gì? 

Thói quen cắn móng tay ở trẻ em có thể gây ra các bệnh như:

  • Nhiễm trùng: Dưới móng tay chứa nhiều vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở, qua đường miệng.
  • Móng tay bị biến dạng: Thói quen cắn móng tay thường xuyên có thể khiến móng tay bị biến dạng, xấu xí.
  • Các vấn đề về răng miệng: Cắn móng tay có thể làm mòn men răng, lệch khớp cắn và ảnh hưởng đến sự phát triển của hàm.

3. Có nên sử dụng các loại thuốc bôi ngăn trẻ cắn móng tay không? 

Một số ông bố bà mẹ thường rỉ tai nhau rằng có nhiều loại thuốc bôi ngăn trẻ cắn móng tay có vị đắng có thể dùng cho trẻ. Thế nhưng, thực tế vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh độ an toàn của các thuốc này. Lưu ý là trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bé.

4. Trẻ cắn móng tay lớn lên sẽ bị bệnh tim có đúng không? 

“Trẻ cắn móng tay lớn lên sẽ bị bệnh tim có đúng không?” là băn khoăn của không ít bố mẹ. Thực tế là không có bằng chứng khoa học nào cho thấy trẻ cắn móng tay sẽ bị bệnh tim. Tuy nhiên, cần nhớ rằng thói quen cắn móng tay có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe khác như đã nêu ở trên.

Tóm lại, tật cắn móng tay ở trẻ em là một thói quen không tốt và cần được điều chỉnh sớm. Cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân và áp dụng các biện pháp phù hợp để giúp con mình bỏ thói quen không lành mạnh này.

[embed-health-tool-child-growth-chart]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How Can I Get My Child to Stop Biting Her Nails? https://healthcare.utah.edu/the-scope/kids-zone/all/2019/03/how-can-i-get-my-child-stop-biting-her-nails Ngày truy cập 24/01/2025

How biting your nails is affecting your health https://www.uclahealth.org/news/article/how-biting-your-nails-is-affecting-your-health Ngày truy cập 24/01/2025

Nail Biting Prevention and Habit Reversal Tips: How to Get Your Child to Stop https://www.nationwidechildrens.org/family-resources-education/700childrens/2018/01/nail-biting-prevention-and-habit-reversal-tips-how-to-get-your-child-to-stop Ngày truy cập 24/01/2025

Association of nail biting and psychiatric disorders in children and their parents in a psychiatrically referred sample of children https://doi.org/10.1186%2F1753-2000-2-13 Ngày truy cập 24/01/2025

How to stop biting your nails https://www.aad.org/public/everyday-care/nail-care-secrets/basics/stop-biting-nails Ngày truy cập 24/01/2025

Nail-biting: Why it happens and what to do about it https://www.babycenter.com/child/behavior/nail-biting-why-it-happens-and-what-to-do-about-it_66590 Ngày truy cập 24/01/2025

Phiên bản hiện tại

05/02/2025

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 1 giờ trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo