backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Cao atiso có tác dụng gì? Uống hàng ngày có tốt không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 23/08/2023

    Cao atiso có tác dụng gì? Uống hàng ngày có tốt không?

    Atiso hay còn gọi là Actiso có nguồn gốc từ miền Nam châu Âu, được trồng quanh Địa Trung Hải đã được người Cổ Hy Lạp và Cổ La Mã trồng để lấy hoa làm rau ăn. Những năm gần đây, atiso được trồng nhiều ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Bắc Bộ và Lâm Đồng. Vì vậy, mọi người cũng biết đến và sử dụng loại dược liệu này nhiều hơn. Trong đó, cao atiso được ưa chuộng bởi nó mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ, dễ sử dụng và dễ bảo quản. 

    Vậy, cao atiso có tác dụng gì, uống hàng ngày có tốt không, cách sử dụng sao cho hiệu quả? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!

    Lưu ý về loài atiso

    Atiso được chia làm 2 loại: 

    • Atiso xanh: Tên khoa học là Cynara scolymus, họ nhà Cúc. Cây Atiso cao gần 1m hay hơn, có khi tới hơn 2m, trên thân và lá có lông trắng mỏng như bông. Lá to mọc cách, phiến lá bị khía sâu, có gai, mặt dưới có lông trắng. Cụm hoa hình đầu, màu tím nhạt. Lá bắc ngoài của cụm hoa đầy và nhọn, phần gốc nạc của lá bắc và đế hoa ăn được. Tại Việt Nam, atiso xanh thường được trồng ở Đà Lạt và Sapa. Đây cũng là nguyên liệu tạo nên cao Atiso.
    • Atiso đỏ: Tên khoa học Hibiscus sabdariffa, họ Cẩm quỳ. Cây cao khoảng 1,5 – 2m, hoa có màu đỏ.

    Các nhà khoa học đã chứng minh 2 loại atiso này không có mối liên hệ gì với nhau. Atiso đỏ thường được dùng ngâm nước uống giải khát mùa hè nhưng nó không có được tác dụng dược lý như Atiso xanh.

    Hiện tại, Atiso được biết đến là loại rau cao cấp đồng thời là một loại dược liệu có tác dụng: 

    • Lợi tiểu, thanh nhiệt. 
    • Lợi mật, bảo vệ gan: Atiso là một loại thảo dược có tác dụng giải độc gan, phù hợp để sử dụng cho các đối tượng gan phải hoạt động nhiều như uống rượu hay uống thuốc hạ sốt giảm đau, rối loạn lipid máu, vàng da, viêm thận, xơ vữa động mạch, người hút thuốc, làm việc trong môi trường ô nhiễm, người bị viêm loét dạ dày, tá tràng…
    • Giảm cholesterol máu, cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ, phòng ngừa bệnh tim: chiết xuất từ atiso giảm lượng cholesterol cơ thể hấp thu từ bữa ăn. Atiso kích thích gan tiết mật để tiêu thụ chất béo nên cũng giúp giảm cholesterol.

    Nghiên cứu ở Đức đã chỉ ra rằng dùng chiết xuất atiso trong thời gian 6 tuần giúp giảm lượng LDL cholesterol xuống còn hơn 22%. Ngoài ra atiso còn ngừa việc hình thành những mảng cholesterol mới ở gan.

    • Tránh tăng đường huyết sau ăn: Qua nghiên cứu trên động vật cho thấy trong atiso chứa chất có khả năng ngăn chặn quá trình tân tạo glucose trong gan.
    • Chống oxy hoá: Atiso còn chứa nhiều vitamin C, một hoạt chất nổi tiếng có khả năng chống hóa. 
    • Ức chế sự phát triển của khối u ác tính: Cây Atiso chứa hợp chất polyphenol chống oxy hóa và cinarine giảm bớt hiện tượng sinh ung thư, có tác dụng trong phòng ngừa bệnh ung thư.

    Thông tin của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) còn cho biết, nếu kiên trì sử dụng atiso lâu dài với liều lượng vừa đủ, nó giúp giảm các rối loạn tiêu hoá như khó tiêu, chướng bụng và đầy hơi.

    Theo y học cổ truyền, lá atiso có vị đắng, có tác dụng lợi tiểu và được dùng trong điều trị bệnh phù và thấp khớp. Lá tươi hoặc khô sắc hoặc nấu thành cao chữa bệnh về gan (gan viêm mạn, da vàng), thận viêm cấp và mạn, sưng khớp xương. Thuốc có tác dụng nhuận trường và lọc máu nhẹ đối với trẻ em.

    Thân và rễ atiso khi thái mỏng, phơi khô sẽ mang lại công dụng giống như lá.

    Nhiều người sử dụng cao atiso trị mụn, điều này cũng hợp lý bởi tác dụng thanh nhiệt, mát gan có thể làm giảm tình trạng mụn do nóng trong hoặc gan hoạt động kém.

    Cao lỏng atiso được bào chế bằng cách sấy khô dược liệu ở nhiệt độ thấp (60-70 độ), nghiền nhỏ rồi chiết xuất với dung môi nước hoặc ethanol. Cuối cùng, dịch chiết thu được được đem cô đặc ở nhiệt độ thấp, tạo ra cao nước atiso hoặc cao mềm atiso, tuỳ theo từng nhà sản xuất.

    cao atiso có tác dụng gì

    Uống cao atiso hàng ngày có tốt không?

    Bạn hoàn toàn có thể uống cao atiso hàng ngày với lượng phù hợp, đặc biệt là với người bị nóng gan, mỡ máu cao, người bệnh tim mạch, người uống rượu bia thường xuyên,… 

    Tuy nhiên, dù atiso mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, nhưng nếu uống quá nhiều có thể gây tác dụng phụ. Cụ thể là:

    • Đầy chướng bụng: Vì atiso có tác dụng tăng tiết dịch mật và co thắt túi mật để đẩy mật vào ruột nên dùng quá liều dễ gây co thắt toàn bộ cơ trơn tiêu hoá. Hậu quả là người dùng bị chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy nhẹ. Đặc biệt, người tỳ vị hư hàn vốn đã khó tiêu, bổ sung thêm dược liệu tính hàn như atiso sẽ khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. 
    • Tổn thương gan thận: Chính tính lợi tiểu của atiso mà việc dùng nhiều có thể khiến cơ thể bị mất cân bằng điện giải và hư hại thận vì thận phải hoạt động quá nhiều trong thời gian dài. Tương tự, kích thích hoạt động của gan quá nhiều cũng gây tổn thương gan.
    • Chán ăn: Atiso giàu sắt, khi bổ sung quá nhiều và quá lâu sẽ vô tình làm giảm hấp thu các vi chất khác như kẽm, mangan, crom… và khiến cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém.

    tác dụng phụ của cao atiso

    Liều dùng cao atiso

    Cao nước atiso nên được dùng với liều 2-10g mỗi ngày. Ngoài ra, nếu bạn dùng dược liệu thô thì nên tuân thủ liều như sau:

    • Lá tươi: 10-20g
    • Lá khô: 5-10g
    • Túi lọc: 2-3 túi.

    Hiện nay trên thị trường có nhiều đơn vị sản xuất cao dược liệu này như cao atiso Đà Lạt, cao atiso Tam Gia, cao atiso Ladophar, cao atiso Hà Giang, dạng hũ hoặc dạng ống. Bạn nên chọn mua ở nơi uy tín và sử dụng theo liều khuyến cáo của nhà sản xuất.

    Lưu ý khác để sử dụng cao atiso an toàn

    • Cao atiso chỉ nên dùng cho người lớn và thanh thiếu niên trên 12 tuổi.
    • Chống chỉ định cho những bệnh nhân có rối loạn nhất định về gan và ống dẫn mật, người đã biết có dị ứng với các loài thuộc họ Cúc.
    • Nếu bạn đang có vấn đề sức khoẻ và muốn hỗ trợ điều trị bằng loại cao này mà sau 2 tuần dùng không đỡ thì nên đi khám lại.
    • Khi gặp tác dụng phụ của atiso bao gồm tiêu chảy nhẹ, quặn thắt bụng, buồn nôn và ợ chua, dị ứng,… cần ngừng sử dụng.
    • Hạn chế dùng cao Atiso cho người mắc hàn chứng, lạnh bụng, đi ngoài phân lỏng.
    • Không dùng Atiso cho người đang có bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng. 

    Cao atiso sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích nếu được sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, dù bạn dùng với mục đích nào thì cũng cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng. Có như vậy, bạn mới biết mình có phù hợp với dược liệu này hay không, cách dùng ra sao cho hiệu quả nhất và giảm thiểu tác dụng không mong muốn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 23/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo