backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tìm hiểu thủ phạm khiến trẻ có mắt thâm quầng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 02/07/2020

    Tìm hiểu thủ phạm khiến trẻ có mắt thâm quầng

    Mắt thâm quầng ở trẻ không những khiến bé yêu giống như những chú gấu trúc mà còn là dấu hiệu cảnh báo cho nhiều tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.

    Bạn có đang lo lắng về quầng thâm dưới mắt con không? Nếu câu trả lời là có thì đừng bỏ qua bài viết này của Hello Bacsi để hiểu nguyên nhân xảy ra và biện pháp cải thiện tình trạng này nhé.

    Nguyên nhân gây mắt thâm quầng ở trẻ

    Quầng thâm mắt xuất hiện ở trẻ em hoặc người lớn khi lớp da bên dưới mắt trở nên mỏng, làm lộ ra các mạch máu trong khu vực, từ đó tạo nên sự biến màu không đều. Các nguyên nhân gây ra bao gồm:

    • Chàm
    • Dị ứng
    • Mệt mỏi
    • Thiếu sắt
    • Thiếu máu
    • Nghẹt mũi
    • Chấn thương
    • Viêm da tiếp xúc
    • Bất thường ở sắc tố da
    • Quầng thâm mắt do di truyền
    • Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời.

    Ngoài ra, vẫn còn một số lý do khiến bé bị thâm quầng mắt nhưng không phổ biến, chẳng hạn như dị ứng với thực phẩm, mỹ phẩm, các hóa chất tẩy rửa hoặc kim loại.

    Dấu hiệu mắt thâm quầng ở trẻ nhỏ

    mắt thâm quầng

    Triệu chứng thâm quầng mắt rõ ràng nhất ở trẻ em là sự đổi màu hoặc sắc tố không đều ngay vùng da bên dưới mắt. Trong những trường hợp hiếm hoi, chúng có thể phát triển thành một loại ung thư mang tên u nguyên bào thần kinh. Đây là khối u ác tính, ảnh hưởng đến các dây thần kinh giao cảm.

    Mặt khác, có một vài triệu chứng đi kèm với thâm quầng mắt ở trẻ nhỏ mà bạn cần chú ý để can thiệp y tế đúng lúc:

    • Nếu bé ho, có khả năng con đang bị dị ứng
    • Tiêu chảy là dấu hiệu của bệnh cúm dạ dày
    • Triệu chứng khó thở đại diện cho dị ứng hoặc nhiễm trùng
    • Ho dai dẳng và kéo dài có thể là dấu hiệu của sốc phản vệ
    • Ngứa mắt đi kèm với sưng có thể là một dấu hiệu của viêm kết mạc
    • Khi con bị đau đầu, bạn hãy nghĩ đến các vấn đề về mắt, dị ứng và nhiễm trùng
    • Mắt mờ đi kèm quầng thâm cho thấy bé đang gặp vấn đề nghiêm trọng về thị lực
    • Chảy nước mũi và quầng thâm mắt trở thành dấu hiệu của bệnh cúm sắp xảy ra
    • Những đốm trắng trong cổ họng hoặc amidan có thể là dấu hiệu của dị ứng nặng và viêm amidan.

    Biến chứng khi trẻ bị thâm quầng mắt

    Nếu bạn bỏ qua và không điều trị tình trạng mắt bé bị thâm quầng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

    • Mất thị lực
    • Mất thính lực
    • Lây lan nhiễm trùng
    • Tử vong nếu bị sốc phản vệ
    • Ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.

    Điều trị thâm quầng mắt ở trẻ nhỏ

    Hầu hết các nguyên nhân khiến mắt có quầng thâm liên quan đến dị ứng như sổ mũi, nhức đầu, ngứa họng, ho, phát ban… có thể được điều trị thông qua việc dùng thuốc kháng histamine. Bé có thể nghỉ ngơi để làm giảm cơn mệt mỏi.

    Nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, bạn hãy cho con sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF phù hợp nhằm bảo vệ mắt. Ngoài ra, hãy hạn chế thức ăn khiến trẻ bị dị ứng. Cuối cùng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp giúp giảm nhẹ tình trạng thâm quầng.

    Nếu bạn băn khoăn chưa biết chọn mua kem chống nắng nào cho bé sử dụng, hãy tham khảo bài viết 7 điều lưu ý khi bạn chọn mua kem chống nắng cho trẻ.

    Biện pháp chữa thâm quầng mắt cho trẻ tại nhà

    trẻ có mắt thâm quầng

    Ngoài những biện pháp điều trị y tế, bạn có thể áp dụng một số mẹo tại nhà để giúp đôi mắt bé yêu nhanh chóng thoát khỏi tình trạng quầng thâm, bao gồm:

    • Uớp lạnh 2 chiếc muỗng rồi áp lên mắt con
    • Đắp mặt nạ dưa chuột là một phương pháp nổi tiếng có công dụng đẩy lùi quầng thâm
    • Dùng 2 bịch trà túi lọc ngâm nước ấm và đắp lên mắt. Cách thức này sẽ giảm bớt tình trạng căng thẳng từ các cơ ở vùng xung quanh mắt
    • Có thể bạn chưa biết nhưng bông gòn ngâm trong nước lạnh có tác dụng tốt trong việc chống lại quầng thâm đấy
    • Nhẹ nhàng thoa viền mắt của bé trước khi ngủ cũng sẽ hỗ trợ giảm căng thẳng, một trong những nguyên nhân gây ra quầng thâm mắt. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là tay phải đảm bảo sạch để tránh tình trạng vô tình nhiễm khuẩn cho con.
    • Thực phẩm giàu chất sắt như rau bó xôi cũng có thể giúp tăng mức độ sắt trong cơ thể và đánh bay quầng thâm bởi tình trạng thiếu sắt.

    Cách ngăn ngừa thâm quầng mắt xuất hiện

    Có rất nhiều cách để tránh quầng thâm hiện diện trên mắt bé. Bạn có thể tham khảo một số mẹo nhỏ dưới đây:

    • Đảm bảo con ngủ đủ giấc
    • Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử
    • Bổ sung sắt từ thực phẩm chức năng
    • Khuyến khích trẻ tập thể thao đều đặn
    • Dùng kem chống nắng cho cả mắt mỗi khi ra ngoài
    • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng dinh dưỡng.

    Ngay cả những triệu chứng nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến hậu quả nặng nề khi bị bỏ qua. Trong nhiều trường hợp, quầng thâm hoàn toàn vô hại nhưng vẫn có những nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe bé yêu. Do vậy, bạn nên quan tâm đến tình trạng này và đưa bé đến bác sĩ nếu cảm thấy cần thiết nhé.

    Phương Uyên/HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 02/07/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo