backup og meta

Trẻ nhỏ bị nhiễm sán dây lợn có nguy hiểm không?

Trẻ nhỏ bị nhiễm sán dây lợn có nguy hiểm không?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, gần 1/3 các trường hợp nhiễm sán dây lợn có thể bị động kinh. Không những vậy, loại sán này còn có thể hút chất dinh dưỡng từ cơ thể, khiến trẻ bị nhiễm trở nên còi cọc, chậm lớn và hay gặp các bệnh về tiêu hóa.

Những ngày qua, dư luận xôn xao về vụ việc hàng loạt trẻ em bị nhiễm sán dây lợn do ăn phải thực phẩm bẩn tại trường mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh). Vụ việc này đã khiến rất nhiều bậc phụ huynh như “ngồi trên lửa” vì e sợ rằng con mình cũng có thể đã ăn phải thịt lợn nhiễm sán mà không hay biết. Làm thế nào để biết trẻ bị nhiễm sán lợn và nên phòng tránh như thế nào? Tất cả những băn khoăn, lo lắng này sẽ được giải đáp trong những chia sẻ sau của Hello Bacsi.

Nguy cơ bị động kinh, mù lòa nếu nhiễm sán dây lợn

Nhiễm sán lợn hay còn gọi là bệnh ấu trùng sán lợnbệnh truyền nhiễm ở mô gây ra bởi ấu trùng sán lợn gạo (sán dải lợn, sán dây lợn). Sán lợn gạo là loại sán có đầu nhỏ, hơi tròn, đường kính khoảng 1mm, dài khoảng 2 – 3 mét, thậm chí có thể lên đến 12 mét. Đa phần, tình trạng nhiễm sán lợn ở người thường là do ăn phải trứng sán hoặc ấu trùng sán dây lợn.

Sau khi ăn phải trứng sán, trứng sẽ vào dạ dày và ruột, nở ra ấu trùng. Đa phần, loại ấu trùng này thường ký sinh ở ruột non. Tuy nhiên, đôi khi ấu trùng sán lợn có thể đi “lạc chỗ” khi xuyên qua ống tiêu hóa đi vào máu và di chuyển đến ký sinh ở các cơ quan như não, cơ, mô dưới da, mắt…

Tùy thuộc vào vị trí nang sán ký sinh, trẻ nhỏ có thể gặp các vấn đề về sức khỏe như:

  • Nếu nang sán ký sinh trong não: Trẻ có thể bị động kinh, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức, đau đầu dữ dội, suy giảm trí nhớ, làm ảnh hưởng đến việc học. Thậm chí, nghiêm trọng hơn còn có thể dẫn đến viêm màng não do ký sinh trùng.
  • Nếu nang sán ký sinh ở mắt: Người bị tình trạng này có thể bị tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
  • Nếu nang sán ký sinh trong cơ: Trên da trẻ sẽ xuất hiện những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 – 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, không ngứa, không đau.
  • Nếu sán làm ổ trong tim: Trẻ có thể bị rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng đến van tim, dẫn đến suy tim.

Không những vậy, loại sán này có thể dài đến 12 mét, liên tục thải đốt già chứa rất nhiều trứng và sinh ra đốt mới nên chúng có thể hút hết chất dinh dưỡng từ cơ thể mà chúng đang ký sinh. Do đó, trẻ bị nhiễm sán lợn sẽ dễ bị thiếu dinh dưỡng, thiếu máu, gầy còm, ốm yếu và hay gặp phải các vấn đề về tiêu hóa.

Triệu chứng nhiễm sán lợn ở trẻ nhỏ

nhiễm sán dây lợn

Các trường hợp nhiễm sán lợn thường không có nhiều dấu hiệu rõ rệt, một số trẻ có các biểu hiện lâm sàng như:

  • Đau bụng: Do sán bám vào thành ruột và làm ảnh hưởng đến khu vực này.
  • Buồn nôn và nôn mửa: Đây là triệu chứng khá phổ biến, nếu ấu trùng sán lợn trưởng thành, triệu chứng này sẽ càng trở nên nghiêm trọng.
  • Sút cân: Do sán dây hấp thu hết chất dinh dưỡng của cơ thể để tăng trưởng.

Ngoài những triệu chứng phổ biến trên, trẻ có thể có các biểu hiện như:

  • Tiêu chảy
  • Sốt
  • Nếu sán nhiều, đốt sán già có thể ra theo phân hoặc sán tự bò ra ngoài theo đường hậu môn.

Điều trị nhiễm sán dây lợn ở trẻ nhỏ

Hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam đã có phác đồ điều trị bệnh nhiễm sán dây lợn rất hiệu quả. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả điều trị, trẻ cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện nhiễm bệnh.

Nếu bị nhiễm sán trưởng thành, trẻ chỉ cần uống thuốc 1 ngày là khỏi. Tuy nhiên, nếu bị nhiễm ấu trùng sán, thời gian điều trị sẽ dài hơn, khoảng 2 tuần hoặc có thể kéo dài 4 – 5 đợt, một đợt cần khoảng 21 ngày. Nếu sán ký sinh ở não, cơ hoặc các cơ quan khác, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ nang sán.

Phòng ngừa nhiễm sán lợn ở trẻ nhỏ

nhiễm sán dây lợn

Nhiễm sán lợn không là một căn bệnh nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời, nhưng nếu để lâu, bệnh có thể gây nhiều biến chứng. Để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc phải căn bệnh này, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Khi mua thịt heo, bạn nên chọn mua ở những địa chỉ bán uy tín, chất lượng, quan sát kỹ miếng thịt, không mua thịt nếu có nghi ngờ hay thịt có dấu hiệu khác thường
  • Rửa tay sạch bằng nước và xà phòng trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và cả gia đình, sau khi đi vệ sinh hay là vệ sinh cho trẻ…
  • Trong quá trình chế biến, bạn nên nấu chín kỹ thịt, không cho trẻ ăn các thực phẩm sống như nem chua, thịt lợn tái, rau sống, tiết canh… Sau khi chế biến xong, bạn nên vệ sinh kỹ các dụng cụ đã tiếp xúc với thịt sống
  • Với các loại rau sống và trái cây, bạn nên rửa sạch, ngâm nước muối loãng hoặc giấm loãng, gọt vỏ trước khi cho trẻ ăn
  • Cho trẻ uống nước đun sôi
  • Thường xuyên nhắc nhở trẻ rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi với thú cưng… Luôn cắt móng tay, móng chân cho trẻ sạch sẽ
  • Không cho trẻ bò, trườn dưới nền nhà
  • Đặc biệt, bạn nên cho trẻ tẩy giun định kỳ.

Làm thế nào để nhận biết thịt lợn bị nhiễm sán?

Trong quá trình mua và chế biến thịt lợn cho trẻ và cả gia đình, nếu thấy thịt có các dấu hiệu sau, bạn nên vứt ngay vì đây là những miếng thịt có nguy cơ nhiễm sán rất cao:

  • Một trong những bí quyết để nhận biết thịt bị nhiễm sán nhanh đó là cảm nhận độ mềm của thịt. Khi mua, nếu sờ vào, bạn cảm thấy phần thịt bị cứng, không đàn hồi, không dẻo tay thì bạn nên tránh mua vì nhiều khả năng thịt đã bị ướp hóa chất và có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán rất cao.
  • Sau khi mua thịt về, bạn dùng dao cắt dọc theo thớ thịt. Nếu thấy thịt có những đốm trắng to bằng đầu kim thì nguy cơ cao là thịt đã bị nhiễm giun. Còn nếu thấy thớ thịt có những hạt như hạt gạo, hình bầu dục, màu trắng đục nằm song song với thớ thịt thì có thể thịt đã bị nhiễm sán.

Bạn hãy đọc bài viết Dịch tả lợn châu Phi có thực sự như nhiều người nghĩ để cập nhật thêm thông tin về bệnh dịch liên quan đến thịt lợn.

Một số món ăn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán lợn cao mà bạn không nên cho trẻ ăn

1. Thịt tái

Cho trẻ ăn các loại thịt tái như thịt bò, thịt trâu, thịt heo… sẽ rất dễ bị nhiễm các loại ký sinh trùng như sán lợn, sán dải bò, sán lá gan… Ngoài ra, thịt sống còn là môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển nếu bảo quản không đúng cách, dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa. Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho con, bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “ăn chín uống sôi” và không cho trẻ ăn thịt tái.

2. Rau sống

Những loại rau như rau mầm, rau mùi, xà lách… thường có nguy cơ bị nhiễm sán rất cao. Do đó, bạn nên hạn chế cho trẻ ăn các loại rau chưa được nấu chín, đặc biệt là khi ăn tại các hàng quán. Rau khi mua về, bạn cần rửa nhiều lần và ngâm nước muối rồi mới chế biến.

3. Nem chua

Nem chua là loại thực phẩm có nguy cơ nhiễm sán dây lợn rất cao bởi món ăn này được làm từ da lợn, thịt lợn lên men. Ngoài ra, trong quá trình chế biến và bảo quản, nếu không cẩn thận, món này cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn. Do đó, dù trẻ có là “fan” của món ăn này thì bạn nên tuyệt đối tránh cho trẻ ăn nhé.

Ngân Phạm/ HELLO BACSI

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cysticercosis and Taeniasis https://www.kidsnewtocanada.ca/conditions/cysticercosis Ngày truy cập: 18/3/2019

Taeniasis/cysticercosis https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/taeniasis-cysticercosis Ngày truy cập: 18/3/2019

Cysticercosis (Pork Tapeworm Infection) https://www.medicinenet.com/cysticercosis/article.htm Ngày truy cập: 18/3/2019

Phiên bản hiện tại

14/08/2020

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 14/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo