backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Góc giải đáp: Trẻ nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Trương Minh Tấn Đạt · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 2


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 22/09/2023

    Góc giải đáp: Trẻ nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không?

    Đau mắt đỏ là bệnh lây lan nhanh, thường gặp ở trẻ nhỏ. Từ giữa tháng 8 đến nay, tỷ lệ bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế tăng gấp nhiều lần so với trước đây: vài trăm đến hàng nghìn trường hợp mỗi ngày, trong đó trẻ em chiếm hơn 50% tổng số ca bệnh. Thực tế này khiến nhiều phụ huynh lo ngại không biết trong mùa tựu trường, nếu trẻ đi học và nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không? 

    Để biết được câu trả lời cho vấn đề nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

    Đau mắt đỏ là bệnh gì?

    Đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) là bệnh dễ lây lan và thường xảy ra ở trẻ em. Bệnh khiến phần kết mạc bị viêm và dấu hiệu dễ nhận biết là tròng trắng của mắt có màu đỏ. 

    Trẻ bị đau mắt đỏ có thể cảm thấy ngứa, rát, khó chịu ở mắt. Nếu thấy bé có các dấu hiệu đau mắt đỏ, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến các cơ sở y tế để bé được điều trị và được hướng dẫn chăm sóc trẻ đúng cách, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra cho mắt của bé.

    Việc các bé đi học tập trung trở lại ở thời điểm tựu trường như hiện nay cũng là một trong những yếu tố nguy cơ góp phần làm tăng nhanh số ca mắc bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em. Điều này làm dấy lên những lo lắng của các bậc cha mẹ: Nếu ở trường có trẻ mắc bệnh, liệu bé nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không? Lời đáp sẽ được bật mí sau khi bạn hiểu rõ về nguyên nhân gây viêm kết mạc.

    Nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở trẻ em

    Có rất nhiều lý do khiến trẻ em bị đau mắt đỏ, trong đó, phổ biến nhất là do 2 nhóm tác nhân sau:

    • Virus: Phần lớn các trường hợp đau mắt đỏ ở trẻ em trong độ tuổi đi học đều có bản chất do virus, chẳng hạn như Adenovirus, virus Herpes
    • Vi khuẩn: Việc nhiễm một trong những vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Haemophilus, Chlamydia trachomatis… cũng có thể khiến trẻ bị đau mắt đỏ.

    Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị viêm kết mạc do những nguyên nhân ít phổ biến như:

    • Dị ứng với phấn hoa, bụi, lông động vật hoặc mắt bị kích ứng bởi hóa chất.
    • Một số bệnh lý cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả vùng mắt, khiến mắt trẻ bị đỏ.

    Giải đáp thắc mắc: Trẻ nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không?

    nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không

    Nhiều người cho rằng, việc nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ có thể khiến bản thân bị lây bệnh. Do đó, cần tránh nhìn vào mắt của người bệnh hoặc đeo kính đen để ngăn chặn sự lây lan của bệnh đau mắt đỏ.

    Sở dĩ có quan niệm như vậy là do tốc độ lây lan của bệnh đau mắt đỏ quá nhanh, khiến những ai chưa hiểu rõ về căn bệnh này lầm tưởng rằng chỉ cần nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ sẽ bị lây bệnh.

    Thực tế, cần hiểu rằng, với 2 nhóm tác nhân chủ yếu gây ra bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em là virus và vi khuẩn, các tác nhân này không thể di chuyển qua ánh nhìn từ mắt người bệnh sang người khác. Sự lây lan của virus và vi khuẩn gây viêm kết mạc thông qua tiếp xúc trực tiếp. Nghĩa là, trẻ phải chạm vào người bị nhiễm trùng hoặc đồ vật có mang mầm bệnh rồi chạm lên mặt, mắt thì mới bị đau mắt đỏ.

    Do đó, câu trả lời cho vấn đề “Nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không?” là hoàn toàn không! Đau mắt đỏ không lây lan qua ánh nhìn! Việc đeo kính chỉ giúp hạn chế nguy cơ lây lan qua dịch tiết của người bệnh (ghèn, nước mắt, mủ ở mắt…).

    Con đường lây lan của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em

    nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không

    Nếu như lời đáp cho vấn đề “Trẻ nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không?” là “Không”, vậy bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào?

    Đối với những bé bị đau mắt đỏ do virus hoặc vi khuẩn, bệnh có thể lây lan qua nhiều cách khác nhau:

  • Tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân, chẳng hạn như gỉ mắt, mủ ở mắt, nước mũi, đờm, nước bọt…
  • Lây truyền qua đường hô hấp do hít/nuốt/tiếp xúc với giọt nước bọt, nước mũi của người bệnh khi ho hoặc hắt hơi.
  • Chạm vào đồ dùng cá nhân của người bệnh như kính mắt, khăn, ly nước, chén, muỗng…
  • Chạm vào bề mặt có mang mầm bệnh (đồ chơi, bàn, ghế, tay nắm cửa, nút bấm thang máy…), sau đó chạm vào mắt trước khi rửa tay.
  • Đối với trẻ chỉ đơn thuần bị viêm kết mạc dị ứng hoặc viêm kết mạc kích ứng thì bệnh không lây nhiễm.

    Có thể thấy, trẻ nhỏ có nguy cơ bị đau mắt đỏ khi tiếp xúc gần với người bệnh hoặc đồ vật có mang mầm bệnh. Ngoài ra, nếu bé thường đi bơi, nhất là trong thời điểm bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh như hiện nay, trẻ sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh.

    Phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em

    Đến đây, chắc hẳn là bạn đã không còn thắc mắc “Nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không?”. Tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận, rằng đau mắt đỏ là căn bệnh rất dễ lây lan, nhất là đối với trẻ nhỏ! Do đó, việc phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em là điều cực kỳ quan trọng, với các biện pháp đơn giản dưới đây: 

    • Dạy trẻ rửa tay thường xuyên và đúng cách bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
    • Không cho bé dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn giấy, khăn lau, khăn tắm, vỏ gối và các vật dụng cá nhân khác.
    • Thường xuyên vệ sinh và sát khuẩn bàn học, bàn ăn, ghế ngồi, tay nắm cửa, nhà cửa…
    • Yêu cầu trẻ đeo khẩu trang ở những nơi đông người, nhất là khu vực có nguy cơ lây lan bệnh đau mắt đỏ cao.
    • Dạy bé hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
    • Giặt sạch quần áo và khăn của bé, sau đó phơi nắng để diệt khuẩn.

    Bạn có thể quan tâm:

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu được “Nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không?”. Mặc dù đau mắt đỏ rất dễ lây nhưng một khi đã hiểu được con đường lây nhiễm của bệnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả sẽ giúp bảo vệ bé yêu của bạn trước dịch bệnh đang hoành hành này. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Trương Minh Tấn Đạt

    Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 2


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 22/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo