backup og meta

Bệnh cúm A ở trẻ em: Tất cả những điều cha mẹ cần biết!

Bệnh cúm A ở trẻ em: Tất cả những điều cha mẹ cần biết!

Cúm A ở trẻ là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp do các chủng virus cúm A như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây ra. Trẻ bị cúm A thường sốt cao, đau nhức cơ thể, ho và có nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. 

Vậy, bệnh cúm A ở trẻ em có những triệu chứng điển hình nào, trẻ nhiễm cúm A sốt bao lâu thì khỏi, chăm sóc như thế nào để con mau bình phục? Hiểu được các băn khoăn này, Hello Bacsi đã tổng hợp các thông tin và giải đáp ngay cho các bố mẹ trong bài viết này. 

Cúm A ở trẻ là bệnh gì? Lây qua đường nào? Tại sao trẻ em dễ mắc bệnh cúm A?

1. Cúm A ở trẻ là bệnh gì, gây ra những biến chứng nào? 

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do các chủng virus phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm chuyển mùa. 

Nếu trẻ mắc bệnh cúm A và các triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, hãy đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị hiệu quả. Trường hợp không kịp thời chữa trị, bệnh cúm A ở trẻ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, nhất là ở những bé có hệ thống miễn dịch suy yếu, như

2. Cúm A lây qua đường nào? 

Virus cúm A rất dễ lây lan trong không khí. Việc người lành chưa được chủng ngừa bệnh cúm A hít phải những giọt bắn có chứa virus gây bệnh hay tiếp xúc với các bề mặt nhiễm khuẩn sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Bệnh cúm A ở trẻ là bệnh có tốc độ lây lan cực nhanh nên hoàn toàn có thể bùng phát thành dịch. 

3. Tại sao trẻ em dễ mắc bệnh cúm A?

Theo các chuyên gia sức khỏe, bất kỳ ai cũng có thể có nguy cơ mắc các chủng của cúm A, nhưng trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao hơn. Nguyên nhân được cho là do 2 yếu tố sau: 

  • Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, chưa đủ sức chống lại tác nhân gây bệnh. 
  • Trẻ chưa ý thức được việc tự bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc lên các bề mặt công cộng, vệ sinh tay thường xuyên và đúng cách… 

Bố mẹ cần biết

Những trẻ có sẵn các bệnh mạn tính về đường hô hấp như hen, bệnh phổi mạn tínhbệnh lý tim mạch, thần kinh, bệnh thận… nếu mắc thêm bệnh cúm sẽ có nguy cơ bệnh diễn tiến nặng cao.

[embed-health-tool-child-growth-chart]

Triệu chứng cúm A ở trẻ em 

triệu chứng cúm A ở trẻ em

Nhiều bố mẹ thường thắc mắc triệu chứng cúm a ở trẻ là gì hay các biểu hiện cúm a ở trẻ là như thế nào?

Theo các chuyên gia sức khỏe, ở trẻ bị nhiễm cúm A, triệu chứng sốt thường phổ biến ở trẻ dưới 24 tháng tuổi. Ngoài sốt thì trẻ mắc cúm A thường có thêm các triệu chứng như: nhức đầu, sợ ánh sáng, đau nhức hốc mắt, đau nhức cơ thể, viêm họng, hắt hơi, chảy nước mũi và ho… Đây là những dấu hiệu rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh thông thường nên có thể chậm trễ trong việc đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời và đúng cách.

  • Trẻ mắc cúm A thể nhẹ: Có thể sốt từ 38 độ C trở lên, kèm theo triệu chứng ho,  đau nhức đầu, đau mỏi cơ và lười vận động. Trong một số trường hợp, trẻ có thể nôn trớ nhiều lần, háo nước…
  • Trẻ mắc cúm A nghiêm trọng: Có thể bỏ bú, bỏ ăn, sờ vào lòng bàn tay và gan bàn chân thấy lạnh, thở nhanh, li bì. Một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, trẻ có thể sốt cao kèm co giật.

Các triệu chứng cảnh báo tình trạng nguy hiểm khi trẻ bị cúm A:

  • Sốt cao liên tục 39-40 độ C khó hạ
  • Thở nhanh, thở rút ngực, khó thở
  • Mặt xanh xao, da và môi tái nhợt
  • Nôn liên tục
  • Đau ngực
  • Co giật
  • Tiểu ít hoặc không nước tiểu trong vòng 8 giờ
  • Li bì, lơ mơ
  • Bỏ bú… 

Bệnh cúm A ở trẻ nhỏ được chẩn đoán và điều trị như thế nào? 

chẩn đoán bệnh cúm A cho trẻ em

1. Chẩn đoán bệnh cúm A ở trẻ em 

Để chẩn đoán bệnh cúm A ở trẻ, song song với việc tiến hành khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ: 

  • Trao đổi với cha mẹ để tìm hiểu về bệnh sử về các triệu chứng
  • Yếu tố tiếp xúc với nguồn bệnh
  • Có thể chỉ định thực hiện một trong số các phương pháp xét nghiệm như RT-PCR, xét nghiệm phát hiện kháng nguyên, xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang, phân lập virus, xét nghiệm chẩn đoán cúm nhanh (RIDTs)…

2. Điều trị 

Đa phần trẻ mắc cúm A sẽ khỏi sau khoảng 7-10 ngày. Thông thường, sau khi thăm khám đánh giá tình trạng của trẻ, bác sĩ sẽ quyết định con nên được điều trị tại nhà hay tại cơ sở y tế.

2.1. Trường hợp điều trị cúm A tại nhà

Trẻ sẽ được chỉ định và hướng dẫn điều trị cúm A tại nhà nếu con mắc cúm A thể nhẹ, không biến chứng. Bác sĩ có thể kê một trong các loại thuốc kháng virus như oseltamivir (Tamiflu) hay zanamivir (Relenza) cho trẻ uống nhằm ngăn ngừa nguy cơ virus lây lan khắp cơ thể. Lưu ý là cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua và cho trẻ uống thuốc trị cúm A hoặc kháng sinh nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. 

Khi trẻ được điều trị tại nhà, bố mẹ cần theo dõi bé sát sao kết hợp với việc sử dụng thuốc (giảm đau, hạ sốt) theo đúng liều lượng mà bác sĩ kê đã chỉ định. Ngoài ra, cần kết hợp với chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý cho con:

  • Đảm bảo bé được nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để nhanh hồi phục
  • Vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý để giảm nguy cơ dịch mũi họng tích tụ giúp bé dễ thở hơn 
  • Không kiêng tắm, cho bé tắm nước ấm và tắm nhanh 
  • Đảm bảo trẻ nhận đủ lượng dịch lỏng cần thiết, cụ thể:  
    • Với trẻ còn nhỏ, cần cho trẻ bú mẹ/uống sữa đầy đủ. 
    • Với trẻ lớn, ngoài sữa thì cần cho trẻ uống đủ nước, bổ sung thêm các vitamin nhóm B và C
  • Cho bé mặc quần áo chất liệu cotton giúp thấm hút mồ hôi, thoáng khí 
  • Người chăm sóc cho bé bị cúm A cần giữ vệ sinh sạch sẽ
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với mọi người, trẻ nhỏ để tránh phát tán mầm bệnh… 

Lưu ý là nếu trong khoảng 7 ngày điều trị tại nhà mà các triệu chứng bệnh của trẻ không thuyên giảm, cha mẹ cần đưa bé đi khám ngay. 

2.2. Điều trị cúm A tại cơ sở y tế

Với trường hợp các triệu chứng bệnh cúm A ở trẻ có dấu hiệu nặng, trẻ sẽ được nhập viện để điều trị đúng cách. Nguyên do là bởi bệnh cúm A có thể khiến một số trẻ gặp phải biến chứng như: viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não…, thậm chí là tử vong. 

Trường hợp tử vong do mắc bệnh cúm A ở trẻ thường xảy ra ở nhóm có nguy cơ cao như: trẻ nhỏ; trẻ mắc bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch, bệnh lý bẩm sinh…. 

Bệnh cúm A ở trẻ nhỏ và các thắc mắc thường gặp 

1. Cúm A ở trẻ em sốt bao lâu hay bệnh cúm A ở trẻ em bao lâu thì khỏi? 

cúm A ở trẻ em sốt bao lâu

Thực tế là không dễ dàng để có thể trả lời ngay câu hỏi “Bệnh cúm A ở trẻ em sốt bao lâu hay bệnh cúm A ở trẻ em bao lâu thì khỏi?”. Nguyên nhân là vì thời gian diễn ra những cơn sốt cúm A ở trẻ còn tùy thuộc vào hệ miễn dịch, sức đề kháng, tình trạng sức khỏe, tải lượng virus cúm A tồn tại trong cơ thể bé và mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng. Với những trẻ có sức đề kháng tốt, được chăm sóc đúng cách, bệnh cúm A ở trẻ sẽ nhanh khỏi và bé cũng hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, bé có bệnh nền hoặc không được chăm sóc tốt – đúng cách trong thời gian mắc bệnh, tình trạng sốt do cúm A ở trẻ có thể nghiêm trọng và kéo dài hơn.

Vì vậy, đối với vấn đề cúm A ở trẻ em sốt bao lâu, Hello Bacsi xin giải đáp như sau: Thông thường, tình trạng nhiễm bệnh cúm A thường khiến trẻ bị sốt từ 38,5 – 40°C. Tình trạng sốt cao có thể xảy ra trong những ngày đầu khởi phát bệnh. Hầu hết trẻ em bị cúm A sẽ khỏi bệnh trong vòng 1 tuần đến 10 ngày, tuy nhiên, các triệu chứng dù nhẹ vẫn có thể kéo dài đến 1 tháng. Mặc dù mỗi trẻ sẽ có thời gian hồi phục khác nhau đối với bệnh cúm A, nhưng nhìn chung:

  • Trẻ bị cúm A thường sốt cao trong khoảng 2-3 ngày, các cơn sốt có thể kéo dài trong 5-7 ngày.
  • Bé cũng có thể bị nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài trong khoảng 1-2 tuần.
  • Trẻ thường bị ho trong khoảng từ 2-3 tuần
  • Bé có thể cảm thấy mệt mỏi cho đến tuần thứ 4 kể từ khi có triệu chứng bệnh. 

Tuy nhiên, một số trẻ vẫn có thể bị các triệu chứng bệnh nặng hơn và có thể phải nhập viện để điều trị. Do vậy, nếu nhận thấy những biểu hiện cúm A ở trẻ em, như Hello Bacsi đã nêu ở trên, cha mẹ hãy đưa bé đi khám sớm để được chẩn đoán và chữa bệnh.

2. Trẻ bị sốt do cúm A phải làm sao?

Trẻ bị sốt do cúm A phải làm sa hay cần làm gì khi trẻ bị sốt do cúm A để con bớt cảm thấy mệt mỏi là nỗi băn khoăn thường nhật của cha mẹ khi con nhiễm bệnh. Theo các chuyên gia nhi khoa, việc chăm sóc và điều trị cho trẻ bị sốt do cúm A dựa trên 4 nguyên tắc chính:

2.1. Hạ sốt bằng thuốc

Khi thấy trẻ bị sốt cao do cúm A, bạn có thể cho bé dùng một số loại thuốc hạ sốt không kê đơn dành cho trẻ em với liều lượng phù hợp theo độ tuổi và cân nặng của bé. Việc cho trẻ dùng acetaminophen (paracetamol) hoặc ibuprofen có thể giúp hạ sốt và giảm đau nhức cơ thể. Điều cực kỳ quan trọng là không cho trẻ bị sốt dùng aspirin, vì điều này có thể dẫn đến một tình trạng hiếm gặp nhưng nguy hiểm gọi là hội chứng Reye.

2.2. Hạ nhiệt bằng những yếu tố bên ngoài

Khi thấy bé bị sốt do cúm A, cha mẹ nên cho bé mặc quần áo thoáng mát, mỏng nhẹ. Không đắp quá nhiều mền, khăn hay cho trẻ mang vớ/ đội mũ vì có thể làm hạn chế khả năng thoát nhiệt của cơ thể. 

Bên cạnh đó, bạn có thể lau mình hoặc tắm cho bé bằng nước ấm, tuyệt đối không được dùng nước lạnh vì điều này có thể khiến bé rùng mình, sốt cao hơn. Bạn cũng có thể sử dụng điều hòa hay quạt và máy tạo độ ẩm không khí để phòng thoáng mát, được cấp ẩm đầy đủ hơn.

2.3. Bù nước

Những sốt sẽ khiến cơ thể trẻ đổ mồ hôi nhiều hơn để làm giảm thân nhiệt, do đó, cần cung cấp đủ lượng chất lỏng cần thiết để giúp bé không gặp phải những biến chứng do mất nước gây ra.

  • Để bổ sung chất lỏng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bú mẹ hoặc uống sữa công thức, hãy tăng cường các cữ bú cho bé. 
  • Đối với trẻ lớn hơn, ngoài sữa, cha mẹ hãy cho bé uống nhiều nước lọc, bổ sung nước điện giải, nước trái cây… Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như sữa, cháo, súp, nui, bún, phở… cũng có thể giúp ích trong trường hợp này.

2.4. Đảm bảo trẻ nghỉ ngơi đầy đủ 

Khi con mắc bệnh cúm A ở trẻ, hãy đảm bảo bé được nghỉ ngơi đầy đủ. Việc nghỉ ngơi điều độ giúp cơ thể bé có cơ hội hồi phục, có đủ sức để chống lại bệnh tật. 

Với trẻ đi học, nếu phát hiện con bị nhiễm cúm A, hãy để bé nghỉ học cho đến khi bệnh khỏi hẳn, đồng thời đảm bảo bé được ngủ đủ giấc mỗi đêm và nghỉ ngơi nhiều hơn vào ban ngày.

3. Bệnh cúm A ở trẻ có dễ lây không, phòng ngừa như thế nào?

phòng ngừa bệnh cúm A ở trẻ em

Nhiều cha mẹ rất băn khoăn không biết bệnh cúm A có lây không, cách phòng tránh như thế nào?

Câu trả lời là có, cúm A có khả năng lây truyền cao và nhanh, có nguy cơ gây ra dịch. Bệnh lây nhiễm thông qua các giọt bắn chứa virus cúm A trong quá trình giao tiếp, ho, hắt hơi, sổ mũi… hoặc tiếp xúc với các vật dụng hay bề mặt có nhiễm virus, sau đó qua bàn tay đưa lên chạm vào mắt, mũi, miệng.

Vậy phòng ngừa bệnh cúm A ở trẻ nhỏ như thế nào? Theo các chuyên gia nhi khoa, bệnh cúm A hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Trẻ nên được tiêm vaccine cúm đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt là những trẻ có nguy cơ cao cần được tiêm phòng trước mùa dịch. 

Tại Việt Nam, cao điểm của dịch cúm thường rơi khoảng tháng 3-4 và tháng 9-10 hàng năm và có xu hướng tăng cao vào mùa Đông – Xuân (ở miền Bắc). Do đó, cha mẹ cần chủ động cho trẻ tiêm vaccine phòng cúm càng sớm càng tốt, trước cao điểm dịch cúm để được bảo vệ tốt nhất.

4. Bệnh cúm A ở trẻ có nguy hiểm không 

Câu trả lời cho thắc mắc trẻ mắc bệnh cúm A có nguy hiểm không là có. Bệnh cúm A có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp. Trẻ em có các triệu chứng nghiêm trọng có thể cần phải điều trị tại bệnh viện. Việc trẻ mắc cúm có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi gọi là viêm phổi. Trong một số trường hợp, tình trạng mắc phải bệnh cúm có thể dẫn đến tử vong.

Trẻ em có sẵn các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến hô hấp, chẳng hạn như hen suyễn, có nguy cơ cao hơn bị biến chứng do cúm. Bệnh hen suyễn hoặc các tình trạng phổi khác của trẻ cũng có thể do cúm gây ra. Ngoài ra, trẻ em bị cúm cũng có nhiều khả năng bị nhiễm trùng tai hơn.

5. Trẻ bị cúm A hết sốt còn lây không?

Có nhiều cha mẹ băn khoăn không biết trẻ bị cúm A hết sốt còn lây không? Có một số ý kiến cho rằng trẻ bị cúm A hết sốt sẽ không còn nguy cơ lây lan cho người khác. Virus gây bệnh cúm A có thể lây nhiễm sang cho người khác kể từ thời điểm 1 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng và kéo dài trong khoảng 5 đến 7 ngày và cho đến khi hết sốt. Nguyên do là bởi sau khoảng 5-7 ngày phát bệnh, tải lượng virus cúm A tồn tại trong cơ thể người bệnh sẽ giảm dần và nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh ở thời gian này thấp hơn so với những ngày đầu khởi phát bệnh. 

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được bệnh cúm A ở trẻ em là bệnh gì, chăm sóc và điều trị trẻ bị cúm A như thế nào để con mau bình phục.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Influenza (Flu) in Children https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/influenza/influenza-flu-in-children Ngày truy cập 12/02/2025 

The Flu (Influenza) https://kidshealth.org/en/parents/flu.html Ngày truy cập 12/02/2025 

Influenza (the flu) https://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Influenza_the_flu/ Ngày truy cập 12/02/2025 

Influenza – Seasonal https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/influenza-seasonal/ Ngày truy cập 12/02/2025 

How Long Do Flu Symptoms Last in Toddlers? https://www.medicinenet.com/how_long_do_flu_symptoms_last_in_toddlers/article.htm Ngày truy cập 12/02/2025 

Biểu hiện bệnh cúm A ở trẻ và cách xử trí đúng 

https://trungtamytequan10.medinet.gov.vn/truyen-thong-giao-duc-suc-khoe/bieu-hien-benh-cum-a-o-tre-va-cach-xu-tri-dung-cmobile15612-132249.aspx Ngày truy cập 12/02/2025 

 

Phiên bản hiện tại

12/02/2025

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 2 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo