Chân tay miệng là bệnh gì và triệu chứng như thế nào?
Chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra với đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Căn bệnh này có thể xuất hiện vào bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng thường bùng phát vào thời điểm giao mùa, lúc thời tiết thay đổi thất thường khiến sức đề kháng của bé bị suy yếu.
Sau 3 – 7 ngày kể từ khi virus xâm nhập vào cơ thể, trẻ sẽ có các biểu hiện như sốt, biếng ăn, đau họng, mệt mỏi. Một đến hai ngày sau đó, các nốt mụn sẽ xuất hiện trong khoang miệng cùng với tình trạng phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hoặc quanh hậu môn… Những vết phát ban này có màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số có thể kèm theo bọng nước nhưng không gây ngứa.
Một điều quan trọng mà bạn cần lưu ý là trẻ từng mắc tay chân miệng vẫn có nguy cơ tái mắc bệnh. Bởi căn bệnh này xuất phát từ nhóm virus Enterovirus. Nhóm virus này lại bao gồm nhiều loại virus có thể dẫn đến bệnh tay chân miệng như virus Coxsackie A và Enterovirus 71. Bé từng mắc bệnh chỉ có sức đề kháng với một loại virus nhưng lại không có sức chống chọi với virus khác. Do đó, với các bé từng mắc căn bệnh này, cha mẹ không nên chủ quan cho bé rằng bé sẽ không bị lại lần nữa.
Đừng chủ quan vì tay chân miệng có thể dẫn đến tử vong
Các triệu chứng của bệnh thường tự khỏi trong vòng 1 tuần, trong trường hợp nặng, bé có thể biếng ăn, bỏ ăn 2 – 3 ngày rồi sẽ dần dần khá lên. Tuy nhiên, do sốt cao, nôn trớ, đau họng mà trẻ rất dễ bị mất nước, nếu không cẩn thận, tình trạng này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của trẻ.
Ngoài việc gây ra tình trạng mất nước, bệnh còn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là những trường hợp do virus Enterovirus 71 gây ra. Cụ thể, bé có thể bị viêm não, viêm màng não, khó thở và gặp các vấn đề về hệ tuần hoàn. Nghiêm trọng hơn, trẻ có nguy cơ tử vong chỉ trong một thời gian ngắn do sưng phổi, phổi tụ máu, co giật.
Do đó, nếu nhận thấy trẻ có các dấu hiệu như sốt cao trên 39°C hoặc sốt cao kéo dài từ 2 ngày trở lên, ói nhiều, dễ giật mình, đi loạng choạng, mạch đập nhanh, khó thở… bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.