backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả giúp bảo vệ trẻ chưa tiêm vaccine

Thông tin kiểm chứng bởi: Lan Quan


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 11/07/2023

    Cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả giúp bảo vệ trẻ chưa tiêm vaccine

    Bệnh tay chân miệng là căn bệnh do virus gây ra và rất dễ lây lan, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Trong thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước và ghi nhận một vài ca tử vong. Tình trạng này đã rung lên hồi chuông cảnh báo rằng trong bối cảnh Việt Nam chưa có vaccine chủng ngừa thì việc thực hiện các cách phòng bệnh tay chân miệng cần được chú trọng và quan tâm nhiều hơn.

    Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin xoay quanh vấn đề này. Bạn có thể tham khảo để biết cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả, đặc biệt là khi gia đình đang có trẻ nhỏ.

    Đối tượng thường mắc tay chân miệng

    Bệnh tay chân miệng là bệnh do virus thuộc họ Enterovirus gây ra, lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa. Căn bệnh này thường không nghiêm trọng nhưng rất dễ lây lan. Triệu chứng đặc trưng của bệnh thường bắt đầu với sốt, cảm giác thèm ăn, đau họng, mệt mỏi… Sau giai đoạn sốt, trẻ bắt đầu bị loét niêm mạc miệng và nổi mẩn đỏ, mụn nước trên vùng da ở bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, mông…

    Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhưng đây là bệnh thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Các triệu chứng của bệnh cũng có xu hướng nghiêm trọng hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung, EV71 là chủng virus chiếm ưu thế gây ra bệnh tay chân miệng, dẫn đến các đợt bùng phát và các biến chứng nguy hiểm.

    Cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả

    Trẻ nhỏ có thể mắc bệnh tay chân miệng vào bất cứ mùa nào trong năm nhưng nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12. Những tháng cuối năm thường là thời điểm ghi nhận số ca mắc tay chân miệng cao hơn do đây là mùa tựu trường cũng như điều kiện thời tiết thuận lợi để dịch bệnh phát triển, lây lan. Vì vậy, bạn cần chú ý đến các giải pháp phòng ngừa được khuyến khích sau đây.

    Việt Nam có vaccine phòng bệnh tay chân miệng chưa?

    cách phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ: vaccine phòng bệnh

    Tiêm vaccine phòng bệnh là một trong những cách bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trước các tác nhân gây bệnh. Trước đây, bệnh tay chân miệng không có vaccine phòng tránh. Tuy nhiên, trong cuộc họp phòng chống dịch cuối tháng 6/2023, thứ trưởng Bộ Y tế cho biết Cục Quản lý Dược đang xem xét cấp phép cho vaccine phòng bệnh tay chân miệng đã được nghiên cứu lâm sàng qua 3 giai đoạn. Vaccine này dự kiến có thể được đưa vào tiêm chủng vào năm 2024 với hình thức dịch vụ dành cho trẻ từ 2 tháng đến 6 tuổi.

    Nếu được phê duyệt, đây sẽ là vaccine phòng bệnh tay chân miệng đầu tiên ở Việt Nam. Vaccine được sản  xuất theo công nghệ bất hoạt toàn hạt có khả năng phòng ngừa chủng virus EV71 (Enterovirus 71). Một chủng virus nguy hiểm nhất gây ra bệnh tay chân miệng nặng, nguy cơ tử vong cao.

    Hiện Viện Pasteur TP. HCM cũng đang hợp tác triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba một loại vaccine phòng bệnh tay chân miệng EV71 khác, dự kiến có kết quả vào năm 2025.

    Cách phòng bệnh tay chân miệng khi trẻ chưa được tiêm vaccine

    Mặc dù tiêm vaccine phòng bệnh tay chân miệng là cách phòng bệnh hiệu quả nhưng trong thời gian chưa có vaccine hoặc chưa có điều kiện cho trẻ chủng ngừa thì việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác là rất quan trọng. Các giải pháp phòng ngừa được khuyến khích cụ thể như sau:

    Đối với người chăm sóc trẻ

    Đối với người thường xuyên chăm sóc trẻ, điều quan trọng là bạn cần chú ý đến vấn đề vệ sinh để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh trong gia đình, trong đó:

    • Cần đảm bảo rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Chú ý luôn rửa tay sau khi thay tã cho bé, trước khi ăn/ cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi xì mũi/ ho/ hắt hơi, trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi chăm sóc người bệnh…
    • Nên dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay che lại khi ho hoặc hắt hơi
    • Không chạm vào mắt, mũi và miệng khi chưa rửa tay
    • Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo ăn chín uống sôi và luôn vệ sinh kỹ các đồ dùng nấu ăn.
    • Đảm bảo gia đình luôn sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày
    • Sử dụng nhà tiêu sạch sẽ, phân hoặc chất thải của bệnh nhân (nếu có) cần được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

    Đối với trẻ nhỏ

    cách phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ: rửa tay đúng cách

    Các cách phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ cần chú ý bao gồm:

    • Đói với trẻ lớn, cần dạy trẻ các thói quen vệ sinh quan trọng như rửa tay thường xuyên, rửa tay ngay sau khi chạm vào các bề mặt công cộng, dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay che lại khi ho hoặc hắt hơi…
    • Cha mẹ hoặc người lớn không nên mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi/ vật dụng bẩn
    • Không cho trẻ dùng chung các vật dụng như khăn tay/ khăn tắm, dụng cụ ăn uống (bát, đĩa, cốc, muỗng…), đồ chơi chưa khử trùng…
    • Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Ngược lại, nếu trẻ có triệu chứng bệnh tay chân miệng thì bạn nên tạm thời cho trẻ nghỉ học để tránh lây bệnh cho các bé khác. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên đưa con đi khám để được hướng dẫn cách theo dõi chăm sóc nếu chẳng may trẻ nhiễm bệnh.

    Vệ sinh môi trường sống và đồ chơi cho trẻ

    Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây lan qua các bề mặt. Vì vậy, bạn nên thường xuyên lau sạch các bề mặt hoặc đồ vật thường xuyên được chạm vào như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà, mặt bàn/ ghế, đồ chơi của trẻ… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa.

    Trong đó, bạn có thể pha Cloramin B để khử khuẩn, khử trùng nguồn nước và trên các bề mặt một cách hiệu quả hơn. Thông thường, để sát khuẩn bề mặt tiêu diệt vi khuẩn và virus thì bạn nên pha dung dịch Cloramin B với nồng độ là 2% gồm 2 gram bột Cloramin B pha trong 100 ml nước. Việc sử dụng Cloramin B để khử trùng đồ vật và nhà ở rất đơn giản:

    • Đối với các bề mặt cần khử trùng như sàn nhà, tay nắm cửa, bàn ghế… Bạn có thể dùng khăn hoặc cây lau nhà nhúng vào dung dịch có pha Cloramin B rồi lau như bình thường. Sau đó, lau lại với nước sạch và để khô tự nhiên là được.
    • Đối với đồ chơi của trẻ nhỏ, bạn có thể ngâm trực tiếp các món đồ vào dung dịch có pha Cloramin B trong khoảng 15 đến 30 phút. Sau đó vớt ra, rửa lại với nước sạch một lần nữa rồi hong khô.

    Lưu ý: Bạn nên mua Cloramin B ở những cửa hàng uy tín và không nên pha dung dịch Cloramin B với nồng độ nhiều hơn 2% để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

    Trên thực tế, bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan và có thể diễn tiến nghiêm trọng ở trẻ nhỏ. Vì vậy, bạn không nên chủ quan mà cần chú ý nhiều hơn đến cách phòng bệnh tay chân miệng, đặc biệt là trong thời điểm bệnh có thể bùng phát thành dịch và một số trẻ đã tử vong do biến chứng của bệnh. Trong thời gian tới, nếu có vaccine phòng ngừa thì bạn nên chủ động cho con đi tiêm phòng bệnh tay chân miệng theo khuyến cáo nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Lan Quan


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 11/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo