Do nhiều nguyên nhân, các mẹ bỉm đôi lúc phải tìm cách tiêu sữa nhanh khi cai sữa cho con để bầu ngực không bị căng tức khó chịu nữa. Để làm điều đó, mẹ có thể thử một số biện pháp được gợi ý trong bài viết này của Hello Bacsi nhé.
Nhiều trường hợp khiến mẹ cần tìm cách tiêu sữa nhanh, chẳng hạn như công việc quá bận rộn, trẻ không hấp thu được sữa mẹ, trẻ đến lúc cai sữa hoặc trẻ không may rời xa mẹ. Những lúc này nếu mẹ đột ngột ngừng cho con bú thì sữa vẫn có thể về nhiều trong thời gian đầu khiến bầu ngực mẹ căng tức, gây đau nhức khó chịu. Vậy đâu là cách tiêu sữa nhanh khi cần cai sữa? Hãy cùng tìm hiểu các mẹo dân gian theo kinh nghiệm lưu truyền từ xưa và những loại thuốc được dùng để tiêu sữa, cũng như giải đáp các thắc mắc xung quanh vấn đề này ngay sau đây mẹ nhé!
Mách mẹ bỉm các cách tiêu sữa nhanh khi cai sữa
Có khá nhiều cách để giúp bạn giảm dần lượng sữa tiết ra cho đến khi dừng hẳn, chẳng hạn như:
1. Cách tiêu sữa nhanh khi cai sữa bằng các mẹo dân gian
Mẹ có thể thử một vài mẹo dân gian giúp chữa căng sữa khi cai sữa cho bé con của mình như:
1.1. Mẹo tiêu sữa: Giảm dần số lần cho con bú
Ngay khi bạn có ý định dừng việc nuôi con bằng sữa mẹ lại và tìm cách tiêu sữa, hãy bắt đầu giảm dần số lần cho bé bú mẹ đến mức tối đa và thay vào đó là dùng sữa công thức hay cho bé bú sữa mẹ đã vắt ra và được trữ đông trước đó. Đây là cách làm tiêu sữa mẹ nhanh, an toàn, ít gây đau đớn nhất cũng như không khiến bạn gặp khó chịu nhiều.
Nếu bạn đột ngột ngưng hẳn việc cho bé bú, bầu ngực có thể trở nên đau đớn, căng cứng và thậm chí tăng nguy cơ mắc bệnh viêm vú. Trong trường hợp đang cho bé bú mẹ và muốn cai sữa mẹ cho con mà không bị căng tức ngực, bạn có thể thực hiện cách tiêu sữa nhanh theo gợi ý dưới đây:
- Ngày 1: Hút sữa trong 5 phút sau mỗi 2 – 3 giờ
- Ngày 2: Hút sữa trong 5 phút sau mỗi 4 – 5 giờ
- Ngày 3: Hút sữa vừa đủ lâu để giảm bớt sự khó chịu.
Ngoài ra, khi áp dụng mẹo tiêu sữa này, bạn có thể uống thuốc giảm đau có chứa ibuprofen hoặc paracetamol để làm giảm sự khó chịu và hạn chế tình trạng sưng tấy xảy ra trong thời gian này.
1.2 Tránh kích thích núm vú
Khi muốn làm mất sữa mẹ nhanh, bạn nên hạn chế các hành động kích thích núm vú bởi điều này sẽ khiến tuyến sữa tiếp tục tiết ra.
Các mẹ có thể mặc một chiếc áo ngực hỗ trợ nhưng không quá chật và cân nhắc việc dùng miếng lót thấm sữa để thấm khô sữa bị rỉ ra. Ngoài ra, hãy tắm nước ấm nhằm giảm áp lực ở vú và làm dịu sự khó chịu.
1.3 Cách làm mất sữa tự nhiên bằng lá bắp cải
Các bà mẹ còn thường truyền tai nhau cách đắp bắp cải khi cai sữa như là một mẹo dân gian chữa căng sữa khi cai sữa cho con. Việc đó có thực sự hiệu quả không? Lá bắp cải là một trong những cách tiêu sữa nhanh khá tuyệt vời bởi trong loại rau này chứa các thành phần tự nhiên giúp tuyến sữa giảm dần hoạt động. Ngoài ra, nó còn có tác dụng làm dịu vùng ngực đang bị sưng lên.
Nếu muốn thử áp dụng mẹo này, bạn hãy đắp lá bắp cải trực tiếp lên bầu ngực. Trước khi đắp, bạn cần rửa và lau khô lá, sau đó bảo quản trong tủ lạnh. Thay lá bắp cải sau mỗi 2 giờ hoặc khi chúng trở nên quá mềm. Bạn có thể tiếp tục chườm lạnh cho đến khi bầu ngực không còn cảm giác căng tức.
1.4 Áp dụng cách làm mất sữa bằng lá lốt
Ăn gì để mất sữa? Bạn có biết một trong những cách làm mất sữa nhanh là dùng lá lốt? Theo kinh nghiệm dân gian, lá lốt là thực phẩm gây mất sữa hàng đầu. Do đó, trong thời gian cho con bú, mẹ bỉm thường được khuyên nên tránh dùng lá lốt để không làm ảnh hưởng đến lượng sữa tiết ra.
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho biết chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy lá lốt làm tiêu sữa. Tuy nhiên, việc ăn lá lốt hay các món ăn có lá lốt cũng không gây ra tác hại nào đến sức khỏe của mẹ và bé nên bạn có thể thử cách tiêu sữa nhanh tự nhiên này để xem hiệu quả như thế nào.
1.5 Áp dụng cách làm giảm lượng sữa mẹ bằng cây xô thơm
Vì sao có thể dùng cây xô thơm như một cách làm tiêu sữa nhanh và hiệu quả? Giả thuyết được đưa ra là xô thơm có chứa nội tiết tố estrogen tự nhiên, giúp nguồn sữa mẹ tiết ra ít dần theo thời gian. Các mẹ có thể dùng cây xô thơm để pha trà uống để giảm dần lượng sữa mẹ tiết ra rồi hết hẳn. Cách thực hiện như sau:
- Nấu sôi nước, đổ ra ly, cho vài lá xô thơm vào.
- Để khoảng 5 – 7 phút, lọc bỏ lá, thêm một ít sữa hay mật ong vào rồi thưởng thức.
2. Cách tiêu sữa nhanh khi cai sữa bằng thuốc
Nhiều mẹ bỉm lại muốn tìm cách tiêu sữa nhanh bằng việc uống thuốc để ức chế khả năng tiết sữa. Lúc này, những vấn đề mẹ quan tâm thường là “uống thuốc gì để tiêu sữa nhanh?”, “uống thuốc tiêu sữa bao lâu thì hết sữa?”, “các loại thuốc tiêu sữa cho mẹ là gì?”. Vậy hãy cùng xem thử những thuốc tiêu sữa mẹ có thể dùng.
2.1 Uống vitamin B6
Vitamin B6 được cho là có tác dụng ngăn chặn việc sản xuất prolactin trong cơ thể. Đây là yếu tố giúp sản sinh sữa mẹ. Do đó, mẹ bỉm có thể uống thêm vitamin B6 để giảm sự hình thành sữa mẹ, từ đó giảm tiết sữa dần.
2.2 Dùng các thuốc tiêu sữa
Thuốc tiêu sữa là thuốc gì? Đó là các loại thuốc chứa những hoạt chất có tác dụng thay đổi nồng độ nội tiết tố để làm giảm hoặc ngừng sản xuất sữa mẹ. Một số thuốc tiêu sữa có thể thấy trên thị trường hiện nay như thuốc tiêu sữa vinafolin, parlodel, norprolac… Việc uống thuốc tiêu sữa bao lâu thì hết sữa sẽ tùy thuộc vào loại thuốc sử dụng và cơ địa của mẹ. Một số có thể hết sữa sau khoảng 2 – 3 ngày, nhưng cũng có trường hợp mất sữa sau 5 – 7 ngày.
Trong thời gian uống thuốc tiêu sữa, các mẹ không nên vắt sữa vì có thể kích thích sữa mẹ tiếp tục sản sinh, mặt khác cũng không được cho con bú sữa mẹ khi đang dùng thuốc. Sử dụng thuốc tiêu sữa cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn cho mẹ. Do đó, bạn nên thảo luận về những ưu và nhược điểm của việc uống thuốc tiêu sữa với bác sĩ trước khi đưa ra quyết định có cần sử dụng thuốc hay không.
Trong vài ngày đầu tiên, bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi nằm vì cảm giác căng tức ở bầu ngực. Hãy thử nằm ngửa hoặc nghiêng với một chiếc gối nhỏ nâng đỡ ngực. Nếu bạn thích nằm sấp, hãy đặt thêm một chiếc gối dưới hông và lưng để giảm bớt áp lực lên ngực.
Cách tiêu sữa nhanh khi cai sữa và các thắc mắc thường gặp
1. Không cho con bú bao lâu thì mất sữa? Khi nào mẹ hết sữa?
Thời gian để sữa mẹ ngừng tiết còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như:
- Thời điểm cai sữa của bé
- Lượng sữa mà cơ thể bạn đang tiết ra ra mỗi ngày
- Lượng sữa thu được thông qua việc vắt sữa hoặc rò rỉ sữa
- Mức độ chạm vào núm vú, chẳng hạn như trong hoạt động quan hệ tình dục, vận động thể chất…
- Bạn có mang thai lần nữa hay không?
Trên thực tế, mặc dù bạn đã ngừng cho con bú hoàn toàn và không còn cảm giác căng sữa nhưng đôi khi đầu ngực vẫn tiếp tục tiết ra một chút sữa. Điều này có thể kéo dài trong một thời gian và nếu bạn lo lắng đó là biểu hiện của sự mất cân bằng nội tiết thì nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra chính xác.
Một số bà mẹ thấy rằng phải mất nhiều tuần thì mới mất sữa trong khi một vài người khác chỉ cần vài ngày. Do vậy, việc khi nào mẹ hết sữa không thể dự đoán chính xác mà mỗi người sẽ có những trải nghiệm khác nhau trong hành trình làm tiêu sữa khi cai sữa cho con.
2. Có nên vắt sữa khi cai sữa không?
Khi muốn tiêu sữa, nhiều mẹ thường băn khoăn không biết có nên vắt sữa khi cai sữa không vì sợ sẽ tiếp tục kích thích bầu ngực tiết sữa. Thực tế, nếu mẹ ngưng cho bú đột ngột mà không vắt bớt sữa ra sẽ có nguy cơ bị căng sữa, tức bầu ngực, thậm chí là viêm vú do sữa về mà không được sử dụng. Do đó, mẹ nên vắt sữa khi cai sữa, có thể vắt bằng tay hoặc máy hút sữa khi cảm thấy căng tức ngực. Tuy nhiên, mẹ chỉ cần vắt ra một lượng sữa vừa đủ để giảm cảm giác khó chịu chứ không cần vắt nhiều đến đủ lượng sữa mong muốn như trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Theo thời gian, lượng sữa mẹ sản sinh sẽ ít dần rồi mất hẳn.
Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên làm thêm các cách giảm đau ngực khi cai sữa như:
- Mặc áo ngực phù hợp, vừa vặn cả ngày lẫn đêm để nâng đỡ bầu ngực và giúp bạn luôn cảm thấy dễ chịu.
- Chườm ấm vài phút, tắm vòi sen hoặc bồn tắm nước nóng có thể giúp bạn thư giãn và kích thích sữa xuống để bạn vắt sữa dễ dàng hơn.
- Nếu đau ngực, bị căng tức và sưng nhiều, bạn có thể dùng khăn bọc đá hoặc dùng túi nước đá để chườm ngực tại chỗ từ 15 – 20 phút mỗi lần.
- Sử dụng thêm miếng lót thấm sữa để giúp ngăn sữa rò rỉ ra áo và nên thay mỗi khi chúng bị ướt.
- Uống nước mỗi khi bạn cảm thấy khát bởi vì việc giảm bổ sung nước không giúp bạn tiết ít sữa hơn.
- Nếu ngực quá căng đau, bạn có thể cảm thấy khó chịu khi nằm, hãy nằm ngửa hoặc nghiêng và dùng thêm gối nâng đỡ bầu ngực. Nếu bạn thích nằm sấp khi ngủ, hãy kê thêm gối dưới hông và bụng để giảm bớt áp lực lên bầu ngực
- Đôi khi, bạn có thể cần dùng đến thuốc để giảm sưng đau, viêm vú nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp.
3. Uống thuốc tiêu sữa bao lâu thì hết sữa, hết căng bầu vú?
Thực tế, tùy vào loại thuốc sử dụng và cơ địa mỗi người mà việc uống thuốc tiêu sữa bao lâu thì hết sữa cũng khác nhau. Một số mẹ có thể hết sữa sau 2 – 3 ngày dùng thuốc nhưng cũng có khi lâu hơn, mất khoảng 5 – 7 ngày.
Điều cần quan tâm là trong lúc dùng thuốc tiêu sữa, nếu bạn phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào ở bầu ngực như sưng đau, viêm tuyến vú, sốt cao thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
4. Sau khi uống thuốc tiêu sữa có nên vắt sữa không?
Sau khi uống thuốc tiêu sữa, mẹ bầu không nên vắt sữa để tránh kích thích sữa mẹ sản sinh tiếp. Thuốc tiêu sữa gây tác động đến các nội tiết tố để giảm quá trình sản xuất sữa mẹ nên nếu cứ vắt sữa sẽ khiến thuốc không phát huy công dụng.
Nếu mẹ cảm thấy khó chịu khi sữa vẫn còn nhiều và gây căng tức ngực thì hãy thử áp dụng các biện pháp giúp giảm nhẹ như:
- Chườm lạnh
- Massage nhẹ nhàng
- Mặc áo ngực thoải mái, vừa vặn, không quá chật
- Nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ và ngủ đủ giấc.
5. Mẹ uống thuốc tiêu sữa rồi có cho con bú lại được không?
Sau khi uống thuốc tiêu sữa, vì một số lí do mà nhiều mẹ lại muốn cho con bú lại hoặc kích sữa trở lại. Vậy thì mẹ uống thuốc tiêu sữa rồi có cho con bú lại được không, bao lâu thì cho con bú lại được hay uống thuốc tiêu sữa có kích sữa lại được không?
Trong khi uống thuốc tiêu sữa, mẹ tuyệt đối không cho con bú sữa mẹ vì các thành phần của thuốc đi qua sữa mẹ có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của bé. Vì thế, trước khi cai sữa mẹ hoàn toàn cho con, hãy cho bé tập làm quen với sữa công thức trước khoảng 4 – 5 ngày, bạn có thể trộn sữa mẹ cùng sữa công thức trong giai đoạn đầu khi chuyển đổi sữa.
Nếu mẹ muốn kích sữa trở lại hoặc cho con bú trở lại sau khi uống thuốc tiêu sữa thì cần ngừng dùng thuốc và chờ một thời gian để thuốc được đào thải hết khỏi cơ thể, thường sau 2 – 3 ngày khi không còn uống thuốc. Để đảm bảo an toàn, các mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ khi đã uống thuốc tiêu sữa rồi nhưng muốn cho con bú lại.
6. Uống thuốc tiêu sữa có ảnh hưởng gì không, có bị teo vòng 1 không?
“Uống thuốc tiêu sữa có bị teo vòng 1 không?” là câu hỏi mà nhiều mẹ quan tâm khi tìm hiểu về thuốc tiêu sữa vì nghe nói rằng sau uống thì vòng 1 sẽ teo nhỏ lại, trông nhăn nheo, chảy xệ chứ không còn căng đầy như trước. Tuy nhiên, không có nghiên cứu lâm sàng nào cho thấy việc uống thuốc tiêu sữa gây ra tác dụng phụ này.
Vấn đề các mẹ cảm thấy kích thước vòng 1 nhỏ lại hoặc ngực bị chảy xệ so với trước khi mang thai có thể là vì tuyến vú đã giảm bớt hoạt động tiết sữa. Trong quá trình mang thai, nội tiết tố estrogen và prolactin sẽ tăng mạnh để kích thích tuyến vú sản sinh sữa cho em bé bú nên bầu ngực sẽ căng tròn và trông to ra. Do đó, khi tuyến vú ngừng tiết sữa, vòng 1 sẽ xẹp xuống, trở lại kích thước ban đầu nên có thể mất đi tính đàn hồi và dẫn đến chảy xệ.
Còn việc uống thuốc tiêu sữa có ảnh hưởng gì không thì cũng như bất kỳ loại thuốc nào, các mẹ có thể gặp phải tác dụng phụ không mong muốn. Sự thay đổi nồng độ nội tiết tố và tăng dopamine trong máu khi uống thuốc tiêu sữa có khả năng gây nhức đầu, chóng mặt, tụt huyết áp, buồn nôn, thiếu máu, dễ cáu gắt… Do đó, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn sử dụng thuốc tiêu sữa hoặc nên ưu tiên các cách tiêu sữa nhanh khi cai sữa khác.
Hello Bacsi hi vọng rằng qua những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã có được cách tiêu sữa nhanh khi cai sữa phù hợp với điều kiện của mình. Chúc hai mẹ con bạn trải qua “hành trình cai sữa không nước mắt” thật êm đẹp.
[embed-health-tool-vaccination-tool]