backup og meta

Nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn dặm? Cách trữ đông thịt cá đảm bảo dinh dưỡng

Nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn dặm? Cách trữ đông thịt cá đảm bảo dinh dưỡng

Trữ đông là biện pháp giúp bảo quản thức ăn lâu hơn và giữ được độ tươi ngon của thực phẩm. Cũng vì vậy mà các mẹ thường tìm cách trữ đông đồ ăn dặm cho bé. Thế nhưng, liệu mẹ nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn dặm?

Trong bài viết này, Hello Bacsi không chỉ cùng bạn đi tìm lời đáp cho vấn đề “Nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn dặm?”, mà còn bật mí cho bạn những nguyên tắc bảo quản và trữ đông thực phẩm an toàn, không bị mất chất cho bé ăn dặm.

Có nên cho bé ăn thịt đông lạnh?

Trước khi biết được cách trữ đông thịt cho bé ăn dặm khoa học cũng như hiểu rõ nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn dặm, mời bạn tìm hiểu thực hư việc cho bé ăn thịt đông lạnh có tốt hay không?

Có quan điểm cho rằng thực phẩm đông lạnh sẽ mất đi chất dinh dưỡng và độ tươi vốn có của nó. Thực tế, việc trữ đông thức ăn mới còn là cách giúp bảo quản dưỡng chất và độ tươi ngon của thực phẩm. Các chuyên gia sức khỏe cũng cho rằng, việc trữ đông thịt cá cho bé ăn dặm đúng cách là hoàn toàn an toàn đối với sức khỏe của bé.

Bạn cần hiểu rằng thức ăn xay nhuyễn chỉ có thể bảo quản tốt trong vòng 1-2 ngày ở ngăn mát tủ lạnh. Điều này là do nhiệt độ trong ngăn mát tủ lạnh không đủ lạnh để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và vi sinh vật có hại. Trong khi đó, thực phẩm trữ đông có thể bảo quản khoảng 30 ngày, vì môi trường lạnh này đóng băng sự sinh sôi và phát triển của mầm bệnh trong thực phẩm.

Hơn nữa, nghiên cứu còn cho thấy, việc giữ trọn hương vị tự nhiên của thực phẩm bằng cách trữ đông có thể làm tăng khả năng trẻ nhỏ chấp nhận ăn các loại thực phẩm mới.

Do đó, để thuận tiện và bảo đảm an toàn cho sức khỏe của trẻ, các mẹ có thể chế biến một lượng lớn thực phẩm rồi chia nhỏ và trữ trong ngăn đông của tủ lạnh. Bằng cách này, mẹ bỉm có thể tiết kiệm thời gian để chuẩn bị những món ăn lành mạnh, bổ dưỡng cho bé.

Giải đáp: Nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn dặm?

Nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn
Việc nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn phụ thuộc mục đích nấu của mẹ.

Đối với thắc mắc “Nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn dặm?”, câu trả lời là tùy vào mục đích trữ đông để làm gì:

  • Nếu muốn trữ đông thực phẩm ăn dặm để dùng ngay trong một vài ngày, bạn có thể chế biến thịt cho vừa chín tới rồi trữ đông trong tủ lạnh để tối ưu thời gian chuẩn bị và nấu ăn cho bé.
  • Nếu muốn bảo quản thực phẩm để dùng lâu dài, bạn nên trữ đông thịt sống để có thời hạn sử dụng lâu hơn.

Cần nhớ rằng, thời hạn bảo quản của thực phẩm chín sẽ ngắn hơn thực phẩm sống, dù là để trong ngăn đông hay ngăn mát của tủ lạnh. Do đó, mẹ cần cân nhắc kỹ để đưa ra quyết định nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn dặm nhé.

Tóm lại


Lời đáp cho thắc mắc “Nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn dặm?” phụ thuộc vào mục đích sử dụng của các mẹ bỉm. Điều quan trọng cần nhớ là học cách trữ đông thịt cho bé ăn dặm sao cho vừa không bị mất chất dinh dưỡng, vừa an toàn cho sức khỏe của bé, lại để được lâu.

Thịt để tủ đông được bao lâu?

Khi bảo quản thực phẩm đã nấu chín trong ngăn mát tủ lạnh, mẹ nên chế biến và cho bé dùng trong vòng 2 ngày để đảm bảo an toàn. Đối với trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa còn non yếu, mẹ nên nấu những thức ăn đã bảo quản trong tủ lạnh càng sớm càng tốt.

Nếu không thể sử dụng thực phẩm ngay, các mẹ nên trữ đông thức ăn. Cách làm này sẽ giúp kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm. Tuy nhiên, thời gian bảo quản trong tủ đông của mỗi loại thực phẩm sẽ khác nhau. Cụ thể:

1. Thịt

  • Nếu bảo quản thịt xay nhuyễn trong ngăn mát tủ lạnh: Bạn hãy dùng trong 1-2 ngày.
  • Nếu bảo quản thịt trong ngăn đá: Thời gian bảo quản thịt trong hộp kín có thể từ 2-5 tháng. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, bạn chỉ nên trữ đông thịt xay nhuyễn tối đa 1 tháng.

Lưu ý


Luôn bảo quản thịt sống trong hộp kín và để tách biệt với thịt chín để tránh tình trạng nhiễm khuẩn chéo.

2. Cá, hải sản

cách trữ đông cá và hải sản

Ngoài vấn đề nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn dặm, nhiều người cũng quan tâm đến chủ đề trữ đông cá, hải sản.

  • Nếu để ngăn mát tủ lạnh: Bạn hãy sử dụng cá và hải sản trong 24 giờ.
  • Nếu để ngăn đông: Bạn nên sơ chế và xay nhuyễn sau khi mua về, sau đó thì có thể trữ đông trong vòng 1 tháng. Ngoài ra, cá béo (cá hồi, cá ngừ…) có thể được bảo quản lâu hơn cá trắng (cá tuyết…).

Lưu ý


Trong mọi trường hợp, bạn nên chế biến thực phẩm đã bảo quản và cho bé ăn càng sớm càng tốt.

3. Rau củ, trái cây

  • Nếu bảo quản trong tủ lạnh: Rau củ quả nên được dùng trong 2-3 ngày.
  • Nếu trữ đông: Rau củ quả có thể để được 6-8 tháng.

Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như cà chua. Bạn nên để cà chua ở nhiệt độ phòng vì khi chín sẽ có vị ngon hơn nhiều. Nếu mua quá nhiều thì bạn mới nên để ngăn mát tủ lạnh và dùng dần.


Nhìn chung, thực phẩm trữ đông có thể bảo quản được rất lâu. Tuy nhiên, vì hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ còn non yếu và nhạy cảm, do đó, bạn chỉ nên trữ đông thức ăn tối đa 7 ngày.

Hướng dẫn cách trữ đông thịt cá cho bé ăn dặm

Trên thực tế, vấn đề nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn dặm không quan trọng bằng việc biết cách bảo quản đồ ăn dặm không mất chất. Dưới đây là các nguyên tắc bạn cần tuân thủ để biết cách trữ đông thịt cá cho bé ăn dặm khoa học, an toàn:

1. Lựa chọn hộp đựng phù hợp

lựa chọn khay trữ đông thực phẩm phù hợp
Lựa chọn khay trữ đông thực phẩm phù hợp

Vì trẻ chỉ ăn những phần nhỏ nên bạn cần chia thức ăn đã sơ chế hoặc đã nấu ra thành từng phần nhỏ trước khi trữ đông. Điều này đòi hỏi phải lựa chọn hộp đựng phù hợp với lượng thức ăn mà bé ăn trong mỗi cữ.

Bạn không nên sử dụng hộp thủy tinh để trữ đông thực phẩm. Điều này là do thủy tinh có nguy cơ bị nứt vỡ nếu để trong ngăn đông tủ lạnh.

Tốt nhất là bạn nên sử dụng hộp đựng thức ăn được sản xuất chuyên dụng để trữ đông thực phẩm. Bạn cũng có thể dùng túi cấp đông hay hộp nhựa có khả năng chịu đựng nhiệt độ thấp.

Một số mẹ bỉm lựa chọn sử dụng khay đá viên để trữ thức ăn dặm của trẻ thành từng phần nhỏ. Mặc dù biện pháp này khá phổ biến, nhưng bạn cũng cần lưu ý vệ sinh khay đá kỹ lưỡng và đậy nắp lại để đảm bảo độ an toàn của thực phẩm nhé.

2. Làm nguội thực phẩm đúng cách

Nếu bạn muốn bảo quản thức ăn và sử dụng ngay trong vòng vài ngày, câu trả lời cho vấn đề “Nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn dặm?” là bạn nên nấu chín thịt rồi mới mang đi trữ đông.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, sau khi nấu, bạn cần để thức ăn nguội ở nhiệt độ phòng (tối đa 2 giờ) trước khi cho vào tủ lạnh. Cách tốt nhất là nên cho thức ăn đã nấu vào hộp kín, rồi làm nguội dưới vòi nước lạnh. Đừng quên khuấy vài lần trong quá trình làm nguội để thức ăn nguội đều.

3. Làm lạnh thực phẩm trước khi trữ đông

Bạn nên làm lạnh thức ăn đã nguội ít nhất 30 phút trước khi đông lạnh để thực phẩm đạt nhiệt độ 10°C. Làm lạnh càng nhanh càng giữ được nhiều chất dinh dưỡng bên trong thực phẩm.

Bước này rất đơn giản! Bạn chỉ cần cho thức ăn đã nguội vào ngăn mát tủ lạnh là được.

4. Trữ đông thịt cá cho bé ăn dặm đúng cách

Khi thức ăn đã được làm lạnh, bạn có thể chuyển lên ngăn đông để trữ dài hạn. Cách trữ đông thịt, cá, đồ ăn dặm cho bé khoa học như sau:

  • Đảm bảo rằng các hộp đựng thực phẩm đã được đậy kín, hạn chế tối đa không khí xâm nhập vào bên trong.
  • Dán nhãn ghi tên từng loại thực phẩm cũng như ngày tháng trữ đông.
  • Những thực phẩm xay nhuyễn được trữ đông vào những ngày khác nhau cần được bảo quản trong những túi/hộp khác nhau để tránh nhầm lẫn.
  • Bảo quản thực phẩm đã nấu chín tránh xa thịt, cá, hải sản… còn sống. Tránh để hộp thực phẩm sống chạm hay nhỏ giọt vào những thực phẩm khác.

Mẹo


Để tiết kiệm không gian, bạn có thể đổ các viên thực phẩm đã đông cứng từ khay đá ra các túi cấp đông. Cách làm này sẽ giúp bạn tái sử dụng khay đá cho những thực phẩm khác.

Cách rã đông đồ ăn dặm cho bé

Rã đông thực phẩm bằng lò vi sóng

Không chỉ quan tâm đến vấn đề nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn dặm, nhiều mẹ còn băn khoăn không biết làm sao để rã đông đồ ăn dặm cho bé đúng cách. Có 3 cách rã đông đồ ăn dặm cho bé được các chuyên gia khuyến cáo:

  • Rã đông trong ngăn mát tủ lạnh: Cách dễ dàng và an toàn nhất để rã đông đồ ăn dặm cho bé là lấy một phần vừa đủ lượng bé ăn trong một bữa, cho vào chén, bọc màng bọc thực phẩm lại rồi để trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm. Sau đó, bạn có thể hâm nóng thức ăn dặm cho bé vào hôm sau.
  • Rã đông bằng nước ấm: Bạn có thể để thức ăn đã trữ đông vào túi, bịt kín miệng túi rồi cho vào tô nước ấm để đưa thực phẩm vào nhiệt độ phòng. 
  • Rã đông bằng lò vi sóng: Bạn có thể sử dụng tính năng có sẵn trong lò vi sóng để rã đông đồ ăn dặm cho bé.

Sau khi thực phẩm đã được rã đông, bạn cần hâm lại đến khi nóng hẳn rồi mới cho bé ăn. Nếu bạn trữ đông thịt, cá sống cho bé ăn dặm, hãy đảm bảo nấu chín những thực phẩm này trước khi cho trẻ thưởng thức.

Lưu ý khi trữ đông thịt cho bé ăn dặm

Đến đây, chắc hẳn là bạn không còn thắc mắc “Nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn dặm?” nữa rồi. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của trẻ, bạn cũng cần lưu ý những điều sau:

  • Không trữ đông lại những thực phẩm đã rã đông, nhất là thịt cá sống.
  • Không hâm nóng thức ăn nhiều lần.
  • Không bảo quản lại những món mà bé đã ăn dở.
  • Nếu bảo quản thực phẩm trong ngăn mát tủ lạnh, hãy đảm bảo nhiệt độ 3-5°C.
  • Nếu bảo quản thực phẩm trong ngăn đông, nhiệt độ cần đảm bảo -17°C hoặc thấp hơn để giúp duy trì chất lượng và độ an toàn của thực phẩm.
Ngoài ra, không phải bất kỳ thực phẩm nào cũng có thể trữ đông, chẳng hạn như:
  • Trứng còn nguyên vỏ
  • Rau tươi có nhiều nước như cần tây, xà lách, dưa chuột…
  • Các chất nhũ tương thực phẩm như sốt mayonnaise
  • Phô mai mềm và các sản phẩm từ sữa như sữa chua

Trên đây là những thông tin bạn cần biết về cách trữ đông thịt cá, đồ ăn dặm cho bé. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu được nên trữ đông thịt sống hay chín cho bé ăn dặm, từ đó đưa ra sự lựa chọn phù hợp, bảo đảm an toàn cho sức khỏe của bé.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Homemade baby food ideas: in pictures | Raising Children Network https://raisingchildren.net.au/babies/breastfeeding-bottle-feeding-solids/solids-drinks/homemade-baby-food Ngày truy cập: 01/02/2024

Storing and reheating food – Start for Life – NHS https://www.nhs.uk/start-for-life/baby/weaning/safe-weaning/storing-and-reheating-food/ Ngày truy cập: 01/02/2024

Feeding Your 4- to 7-Month-Old (for Parents) – Nemours KidsHealth https://kidshealth.org/en/parents/feed47m.html Ngày truy cập: 01/02/2024

Is it OK to make my own baby food? – HealthyChildren.org https://www.healthychildren.org/English/tips-tools/ask-the-pediatrician/Pages/Is-it-OK-to-make-my-own-baby-food.aspx Ngày truy cập: 01/02/2024

Feeding frozen complementary foods promotes food acceptance in infants: The randomized intervention trial Baby Gourmet https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33601214/ Ngày truy cập: 01/02/2024

Phiên bản hiện tại

21/02/2024

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

5 bí quyết tăng cường hệ tiêu hóa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 21/02/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo