Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Điều trị đau mắt đỏ không khó như bạn nghĩ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 16/09/2021

    Điều trị đau mắt đỏ không khó như bạn nghĩ
    Quảng cáo

    Đau mắt đỏ là bệnh khởi phát đột ngột và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu không hiểu rõ một số bí quyết để điều trị và ngăn ngừa, người bị đau mắt đỏ có thể gặp phải rất nhiều phiền toái.

    Một sáng thức dậy, bạn bỗng thấy đôi mắt mình đỏ ngầu, trong mắt thì như có gì đó khiến bạn cảm thấy xốn và vô cùng khó chịu. Bạn nghi ngờ mình đã bị đau mắt đỏ? Bạn loay hoay tìm cách để bệnh thuyên giảm nhanh vì bạn đang có việc rất quan trọng cần phải hoàn thành? Nếu đang rơi vào tình huống này, hãy xem tiếp những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để có thêm một số thông tin hữu ích giúp rút ngắn thời gian hồi phục khi bị đau mắt đỏ và tránh lây cho mọi người nhé.

    Điều trị đau mắt đỏ nhanh chóng chỉ với 3 bước

    Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp, do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Bệnh thường khởi phát đột ngột, rất dễ mắc và dễ lây lan trong cộng đồng. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là mắt bị đỏ, khó chịu ở mắt, cảm thấy cộm như có cát trong mắt, mắt đổ nhiều ghèn, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều ghèn dính chặt. Nếu thấy mình có các triệu chứng trên, bạn cần:

    Bước đầu tiên: Xác định mình bị đau mắt đỏ do nguyên nhân gì

    Để điều trị đau mắt đỏ nhanh, việc quan trọng nhất là bạn phải xác định đúng nguyên nhân gây nên tình trạng của mình. Có 4 nguyên nhân phổ biến gây đau mắt đỏ là:

    • Virus
    • Vi khuẩn
    • Dị ứng
    • Chất kích thích, kích ứng

    Virus là nguyên nhân phổ biến nhất, tiếp theo là vi khuẩn. Khi bị đau mắt đỏ do virus, ngoài đôi mắt đỏ ngầu, bạn sẽ có các triệu chứng tương tự như khi bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Cụ thể, bạn có thể bị sốt, đau họng, sưng hạch bạch huyết trước tai. Nếu do nguyên nhân này, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày mà bạn không cần điều trị đau mắt đỏ.

    Đau mắt đỏ do vi khuẩn thường đi kèm với nhiễm trùng tai hoặc viêm họng liên cầu khuẩn. Ngoài ra, bạn còn bị đổ nhiều ghèn màu xanh, vàng dính ở 2 mi mắt vào buổi sáng, mắt ngứa, một vài trường hợp nặng có thể gây nên viêm loét giác mạc. Nếu bạn đang có những triệu chứng này, cách nhanh nhất là đi khám để được bác sĩ kê thuốc kháng sinh.

    Với những trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng, bạn sẽ bị chảy nước mắt và ngứa rất nhiều, đi kèm theo đó là viêm mũi dị ứng. Bệnh đau mắt đỏ do dị ứng thường xảy ra ở cả 2 mắt nhưng lại không lây lan.

    Nếu nguyên nhân gây đau mắt đỏ của bạn là do chất kích thích, kích ứng (thuốc lá, rượu bia, môi trường ô nhiễm, hóa chất…), bạn nên ngừng sử dụng hoặc tiếp xúc với chúng. Ngoài ra, bạn nên nghỉ ngơi, dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, khi ra ngoài đường thì nên dùng kính bảo hộ hay kính mát để bảo vệ mắt.

    Bước 2: Làm dịu mắt rất hữu ích khi điều trị đau mắt đỏ

    Nếu bạn chỉ bị đỏ ở một bên mắt, hãy làm mọi cách để tránh lây nhiễm sang bên mắt còn lại bởi nếu cả hai mắt đều bị bệnh, thời gian điều trị đau mắt đỏ sẽ kéo dài hơn. Dưới đây là một số bí quyết mà bạn có thể thử:

    • Tránh để các vật dụng đã tiếp xúc với mắt bị bệnh tiếp xúc với bên mắt còn lại.
    • Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thường xuyên, đặc biệt là sau khi bạn chạm vào bên mắt bị bệnh để tránh lây lan.
    • Chườm khăn ấm lên bên mắt bị bệnh và để trong một vài phút. Điều này sẽ giúp dễ loại bỏ ghèn mắt và giúp mắt mở dễ dàng hơn.
    • Rửa mắt thường xuyên bằng nước mắt nhân tạo. Khi nhỏ, nếu đầu ống nhỏ đã chạm vào mắt, hãy vứt bỏ vì nó đã bị nhiễm khuẩn.
    • Rửa tay sạch sau khi nhỏ mắt.
    • Bạn có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc paracetamol.

    Làm dịu mắt để điều trị đau mắt đỏ

    Bước 3: Những điều cần “kiêng kỵ” khi trị đau mắt đỏ

    Nhằm ngăn các triệu chứng của bệnh không trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên tránh một số điều sau:

    • Không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt, thuốc kháng sinh vì những loại thuốc này có thể chỉ làm bệnh thuyên giảm nhất thời và nó sẽ khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn vài ngày sau đó.
    • Không tự ý đắp các loại thuốc lá, thuốc Đông y bởi điều này có thể khiến cho mắt của bạn bị nhiễm trùng.
    • Không đeo kính áp tròng khi đang bị đau mắt đỏ.
    • Nếu bạn muốn dùng bất cứ phương pháp điều trị đau mắt đỏ nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để tránh gặp phải những biến chứng không đáng có.

    Người bị đau mắt đỏ nên đi khám khi nào?

    Đau mắt đỏ là bệnh nhiễm trùng thường gặp, không quá nguy hiểm nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp có thể gặp phải các biến chứng như phù mắt, xuất huyết dưới kết mạc… Do đó, nếu thấy mình có các triệu chứng dưới đây, bạn nên đi khám ngay:

    Đau mắt đỏ cũng có thể là dấu hiệu của bệnh sởi. Nếu bạn bị đỏ mắt đi kèm với các triệu chứng như:

    • Sốt rất cao, nổi mẩn đỏ
    • Nhạy cảm với mọi ánh sáng, kể cả ánh sáng trong nhà.

    Bạn nên đi khám ngay bởi việc mắc bệnh sởi có thể dẫn đến mù vĩnh viễn.

    Làm thế nào để phòng ngừa đau mắt đỏ?

    Đau mắt đỏ là bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến đại dịch. Nếu bạn đã bị đau mắt đỏ, hãy cố gắng thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong quá trình điều trị bệnh để tránh lây sang người khác. Còn nếu bạn chưa bị, hãy tự bảo vệ bản thân bằng cách:

    • Giữ vệ sinh nhà cửa, môi trường sống sạch sẽ. Thay áo gối, chăn, drap thường xuyên…
    • Không sử dụng chung thuốc nhỏ mắt với người bệnh.
    • Mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài, tiếp xúc với môi trường làm việc ô nhiễm, khói bụi…
    • Hạn chế đi bơi khi đang có dịch bệnh. Nếu có đi, bạn phải dùng kính bơi để tránh mắt tiếp xúc với nước hồ bơi. Đặc biệt, những người dùng kính áp tròng cần tháo ra khi đi bơi để nước hồ bơi không len vào kính gây nên tình trạng viêm và đỏ mắt. Sau khi đi bơi, bạn nên vệ sinh mắt bằng dung dịch NaCl 0,9% (nước muối sinh lý).
    • Tránh dùng chung các vật dụng với người bệnh ví dụ như bao gối, khăn tay, kính mát, khăn chườm mắt…
    • Rửa tay thường xuyên

    Đau mắt đỏ là một bệnh rất thường gặp. Nếu biết cách phòng ngừa và điều trị đau mắt đỏ hiệu quả, bạn có thể hạn chế tối đa các ảnh hưởng do bệnh gây ra.

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 16/09/2021

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo